Bong da Viet Nam
Gửi bài
back-to-top
Thể thao khác Đua xe

Cứng như Jim Redman, 85 tuổi vẫn đua mô tô

Thứ năm, 26/08/2021 16:10 (GMT+7)

Jim Redman là người đặt nền móng cho sự thống trị của Honda, nhà sản xuất xe đua thành công nhất thế giới, tại giải đua mô tô Grand Prix từ những năm 60 của thế kỷ XX.

Jim Redman (tên đầy đủ: James Albert Redman), sinh ra tại West Hampstead, London vào ngày 8/11/1931. Tuổi thơ của Redman trải qua nhiều sóng gió khi cha ông tự sát vào năm 1949, sau khi tham gia vào Thế chiến 2 với tư cách người lái xe chuyên chở đạn dược ở Bắc Phi. 27 ngày sau, mẹ ông qua đời vì xuất huyết não, khiến anh chị em Redman phải tự lực cánh sinh trong bối cảnh chính quyền muốn đưa họ vào trại trẻ mồ côi.

Vượt qua những biến cố bi thảm của cuộc đời, năm 21 tuổi, Redman bắt đầu tập trung vào sự nghiệp đua mô tô bằng cách tích lũy kinh nghiệm trên các đường đua ở Rhodesia (nay là Zimbabwe) sau khi di cư đến vùng đất này. Ông trở thành học trò của John Love, một tay đua Rhodesia, người đã truyền đạt kinh nghiệm để đổi lấy sự giúp đỡ của Redman trong việc sửa chữa và bảo dưỡng mô tô.

Cứng như Jim Redman, 85 tuổi vẫn đua mô tô - Ảnh 2
Redman bắt đầu sự nghiệp đua mô tô sau khi trải qua biến cố lớn của cuộc đời. (Ảnh: Getty Images)

Redman góp mặt trong giải đua mô tô chính thức đầu tiên vào năm 1954, khi về thứ 7 trên chiếc xe Triumph Grand Prix 500cc của Love. Đến năm 1957, ông giành chức vô địch giải Nam Phi hạng phân khối 350cc. 3 năm sau, Redman quay trở lại châu Âu để tìm kiếm vinh quang tại Grand Prix. Ông sử dụng mô tô của Honda trong phần lớn thời gian của mùa giải và thường xuyên nằm trong top 6 dẫn đầu. Đến năm 1961, Redman ký hợp đồng để trở thành tay đua của Honda và giành 2 chức vô địch thế giới ở hạng 250cc và 350cc chỉ trong vòng 1 năm sau đó.

Với tốc độ đáng kinh ngạc trên đường đua, Redman dễ dàng trở thành một trong những tay đua xuất sắc nhất lịch sử của Honda. Ông cũng tạo ra tầm ảnh hưởng lớn trong đội và nhanh chóng vươn lên thành một trong những tay đua được trả lương cao nhất môn thể thao này. Năm 1961, Redman hưởng đãi ngộ tới 3.500 bảng/tuần, trước khi nâng lên 15.000 bảng/tuần vào năm 1965 (tương đương 72.000 bảng và 270.000 bảng hiện nay). Đó là thành quả xứng đáng cho việc giành liên tiếp 4 chức vô địch thế giới ở giai đoạn 1963-1965.

Cứng như Jim Redman, 85 tuổi vẫn đua mô tô - Ảnh 3
Redman nhanh chóng gặt hái thành công và trở thành một trong những tay đua xuất sắc nhất lịch sử Grand Prix. (Ảnh: Getty Images)

Song, con đường dẫn đến thành công của Redman không trải đầy hoa hồng. Trong những năm đầu kể từ khi Grand Prix chính thức ra đời, đua mô tô là bộ môn thể thao vô cùng mạo hiểm. Các tay đua không được trang bị đồ bảo hộ hiện đại như hiện nay, trong khi cơ sở vật chất y tế vẫn còn lạc hậu. Ở thời của Redman, nhiều tay đua đã bỏ mạng trước cả khi kịp chạm tay vào vinh quang. Sau này, khi hồi tưởng lại, ông khẳng định bản thân cùng các đồng nghiệp đã sống chung với rủi ro đối mặt thần chết bất cứ lúc nào.

1962 là năm thảm khốc với những tay đua tham dự ở hạng đấu 350cc. Vào cuối mùa giải, 3 trong số 5 tay đua gồm Redman, Mike Hailwood, Tom Phillis, Bob McIntyre, Gary Hocking đã bỏ mạng. Khi đó, Redman hỏi Hailwood: "Chúng ta sẽ làm gì tiếp theo đây? Dừng lại chăng?" và nhận được câu trả lời thẳng thắn từ người đồng nghiệp: "Không, hãy lập di chúc".

Nếu dừng lại, Redman sẽ không đạt được thành tích phi thường của mình vào năm 1964 khi trở thành tay đua đầu tiên trong lịch sử giành 3 chức vô địch Grand Prix trong cùng 1 ngày (ở các hạng 150cc, 250cc và 350cc). Ông thậm chí không được tham dự ở hạng 150cc nhưng đã thay thế Luigi, một tay đua khi đó dính chấn thương. Ban tổ chức cho rằng Redman thừa chiều cao và cân nặng để lái một chiếc mô tô như vậy. Tuy nhiên, ông không chỉ tham dự mà còn thiết lập hàng loạt kỷ lục. Redman cho đây là ngày tuyệt vời nhất trong cuộc đời, và tay đua sinh năm 1931 đã được trao tặng huân chương MBE cho thành tích ấn tượng đó.

Cứng như Jim Redman, 85 tuổi vẫn đua mô tô - Ảnh 4
Tay đua sinh năm 1931 không dừng lại bất chấp hiểm nguy rình rập mỗi khi ngồi lên mô tô. (Ảnh: Getty Images)

Redman tuyên bố chiến thuật của ông là luôn giành chiến thắng ở tốc độ chậm nhất có thể và chỉ tăng tốc khi buộc phải làm vậy. Các tay đua không có phần thưởng thêm nếu xô đổ kỷ lục, nhưng giữ được thứ quan trọng nhất nếu đảm bảo an toàn. Đó là mạng sống.

Redman kết thúc sự nghiệp vào năm 1966 khi dính chấn thương nặng trong lúc lái chiếc RC181 của mình ở đường đua Grand Prix tại Bỉ. Sau khi văng khỏi xe, ông gãy tay trái và chân phải. Chấn thương của Redman nghiêm trọng đến nỗi ông phải bảo đội ngũ y tế chậm lại khi cố gắng đưa mình lên khỏi mắt nước với cánh tay phải và chân trái may mắn vẫn còn lành lặn.

Việc điều một chiếc trực thăng cấp cứu đến là phương án quá tốn kém ở thời điểm đó, khiến Redman phải chờ đợi để được đưa đến bệnh viện bằng xe cấp cứu. Sự nghiệp lẫy lừng phải chấm dứt ở tuổi 35 của tay đua huyền thoại này đã phản ánh thực tế tàn bạo của bộ môn đua mô tô vào những năm 60.

Cứng như Jim Redman, 85 tuổi vẫn đua mô tô - Ảnh 1
Redman vẫn rong ruổi trên đường đua mô tô ở tuổi 85. (Ảnh: Getty Images)

Kể từ thời điểm nghỉ hưu, Redman đã xuất bản 2 cuốn sách về sự nghiệp của mình vào năm 1966 và 2013. Bất chấp việc bận bịu với những dự án kinh doanh, ông vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê đua mô tô cháy bỏng của mình. Năm 1995, Redman tham gia giải Daytona Speedway và vô địch. Một lần nữa, ông bắt đầu sự nghiệp đua mô tô với tư cách một tay đua biểu diễn.

Ở tuổi gần 85, Redman vẫn xuất hiện trên những đường đua tốc độ. Ông dành nhiều thời gian đi du lịch và tham dự những lễ hội đua mô tô. Tay đua huyền thoại của Honda khẳng định tình yêu dành cho phụ nữ (kết hôn 3 lần) cùng mô tô là yếu tố giúp ông giữ sức khỏe và cảm hứng trong suốt cuộc đời đầy giông bão.

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá