Bong da Viet Nam
Gửi bài
back-to-top
Bóng chuyền Bóng chuyền Việt Nam

Bóng chuyền Việt Nam làm thế nào để đổi màu Huy chương SEA Games?

Thứ ba, 24/05/2022 14:10 (GMT+7)

Kết thúc SEA Games 31, hai đội tuyển bóng chuyền nam, nữ Việt Nam đều giành tấm Huy chương Bạc và rieng đội nam đã không hoàn thành mục tiêu đã đề ra từ đầu năm 2021.

Có thể nói, bóng chuyền Việt Nam ở vào thời điểm này vẫn thiếu một chút gì đó để lên đỉnh khu vực Đông Nam Á. Tại đấu trường SEA Games, hai đội tuyển vẫn chưa một lần giành Vàng sau gần một nửa thế kỷ tham dự. Đây là điều đáng tiếc sau những kỳ vọng của NHM bóng chuyền nước nhà.

Với tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam, chúng ta sẵn sàng đổi 10 tấm Huy chương Bạc để lấy tấm Huy chương vàng mà bao năm NHM ao ước. Nhìn vào thực tế, mặc dù có đôi lúc đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam sở hữu những cá nhân vượt trội so với Thái Lan nhưng chúng ta không thể thắng họ. Số set thắng chỉ đếm trên 1 bàn tay còn chưa hết nói gì ước mơ đổi màu huy chương.

Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta lại có thể thi đấu bạc nhược trước các cô gái Thái Lan ở cấp độ đội tuyển? Mặc dù với đa số những con người như thế tại giải U23 trước đó 3 năm, chúng ta lại vượt mặt Thái Lan một cách không quá khó khăn.

Bóng chuyền Thái Lan hiện đang ở tầm châu lục và họ sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia hàng đầu hiện nay như Hàn Quốc hay Nhật Bản. Số lượng VĐV xuất khẩu ra các nền bóng chuyền hàng đầu thế giới là rất lớn. Đây đều là những nòng cốt của đội tuyển Quốc gia trong các giải đấu lớn hiện nay trong khu vực cũng như trên bình diện châu lục và thế giới.

Bóng chuyền Việt Nam làm thế nào để đổi màu Huy chương SEA Games? - Ảnh 2
Tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam thêm 1 lần lỡ hẹn HCV SEA Games

Hàng năm, đội tuyển bóng chuyền Thái Lan được tham dự rất nhiều các giải đấu lớn tầm cỡ quốc tế trong khi đó đội tuyển bóng chuyền Quốc gia Việt Nam trong 3 năm qua không tham dự bất kỳ giải đấu nào. Chúng ta không có đợt tập trung nào (tuyển nữ) tính từ sau SEA Games 30 (2019) đến trước SEA Games 31 (2022). Nhìn ra khu vực, đội tuyển bóng chuyền nữ Philippines cũng tập trung từ rất sớm, họ tham dự các giải đấu và tập huấn hàng năm với không ít VĐV được gọi tập trung để tìm ra những con người ưu tú nhất.

HLV trưởng đội tuyển bóng chuyền nữ Quốc gia chỉ tập trung duy nhất cho nhiệm vụ quốc gia mà không phải kiêm nhiệm như tại Việt Nam. Mặt khác, hệ thống đào tạo trẻ và bài bản với nhiều đợt tập trung đội tuyển khi không có các giải đấu đã mang lại sự gắn kết của các thành viên cũng như hoàn thiện và định hình lối chơi.

Đối với đội tuyển bóng chuyền nam, nữ Quốc gia Việt Nam, trước giải đấu chúng ta mới tập trung đội tuyển. Các HLV thường phải kiêm nhiệm cả CLB lẫn đội tuyển quốc gia (riêng đội tuyển nam từ năm 2021 mới có chuyên gia người nước ngoài dẫn dắt). Đây là yếu tố dẫn tới nhiều hệ lụy khi xuất hiện vấn đề "quân anh, quân tôi" hay thậm chí là việc ưu ái vùng miền. Không chỉ có thế, giải bóng chuyền VĐQG thi đấu tập trung và các CLB không thường xuyên tham dự các giải đấu dẫn tới việc VĐV mất đi cảm giác thi đấu và phong độ trồi sụt.

Khi tập trung đội tuyển một thời gian ngắn các VĐV khó có thể có được sự gắn kết, thêm vào đó là cách đào tạo của mỗi CLB chú trọng vào những mục tiêu khác nhau nên trình độ chuyên môn của VĐV cũng có sự khập khiễng. Nhiều ý kiến cho rằng muốn xây dựng một đội tuyển quốc gia mạnh cần phải có một hệ thống đào tạo xuyên suốt từ lứa VĐV trẻ. Hàng năm gọi tập trung bồi dưỡng về kỹ, chiến thuật khi không có giải đấu và trả về khi CLB tham gia các giải trong hệ thống giải của Liên đoàn Bóng chuyền nước nhà.

Bóng chuyền Việt Nam làm thế nào để đổi màu Huy chương SEA Games? - Ảnh 1
Giành HCB, đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam không hoàn thành mục tiêu đã đề ra

Các ý kiến đánh giá về công tác đào tạo theo một giáo án chuẩn và thực thi việc chuyên nghiệp hóa giải VĐQG cũng như các giải đấu kế cận sẽ tăng chất lượng VĐV và từ đó đội tuyển không quá khó khăn khi đối đầu với những thế lực như Thái Lan (nữ) hay Indonesia (nam) như tại SEA Games 31 vừa qua.

Để làm được điều này, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam và các bộ phận chuyên môn cũng như bản thân các CLB phải có sự phối hợp chặt chẽ về kế hoạch, công tác đào tạo và thi đấu. Bên cạnh đó là việc áp dụng khoa học kỹ thuật chuyên sâu về đào tạo, thi đấu giúp VĐV có được sự thích nghi và phát triển toàn diện.

Trước mắt chúng ta, đội tuyển nên thường xuyên tham dự các giải đấu cấp độ khu vực và châu lục để có được những trận đấu cọ xát bổ ích. Từ đó bộ phận chuyên môn cũng như bản thân các VĐV tìm kiếm được cơ hội học hỏi, phát triển tại các nền bóng chuyền hiện đại đóng góp cho đội tuyển quốc gia trong các giải đấu để mang vinh quang về cho dân tộc.

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá