'Vua đất nện' Rafael Nadal: Biểu tượng của sự bền bỉ
Thứ sáu, 11/10/2024 10:47 (GMT+7)
Mỗi khi nhắc tới cái tên Rafael Nadal, người hâm mộ làng banh nỉ sẽ nhớ ngay tới một tay vợt với lối chơi bền bỉ, với tinh thần quyết tâm, với những cú đánh bằng tay trái đầy uy lực hay khả năng phòng ngự xuất sắc. Cùng với Federer, Rafa đã tạo nên các cuộc đua tranh hấp dẫn, chẳng kém gì Ronaldo - Messi trong môn thể thao vua.
Khoảnh khắc này được chụp vào ngày 2/6/2005 tại Paris, trước khi Rafael Nadal và Roger Federer có lần đầu tiên chạm trán ở một giải Grand Slam. Thời điểm đó, chắc chẳng ai nghĩ rằng, sau này, họ lại trở thành những đối trọng của nhau, cùng nhau tạo nên lịch sử cho làng banh nỉ.
Không lâu sau bức hình để đời đó, Rafael Nadal - tay vợt khi ấy còn chưa bước qua tuổi 20, đã đánh bại Roger Federer, người đang là hạt giống số 1 cho chức vô địch ở bán kết, để rồi thẳng tiến tới ngai vàng tại Roland Garros - một trong bốn danh hiệu cao quý nhất trong môn tennis, bắt đầu mở ra hành trình thống trị sân chơi ấy về sau. Không phải ngẫu nhiên, Rafa được người ta gọi bằng danh xưng “ông vua sân đất nện”, bởi ở trên lãnh địa này, anh có tỷ lệ giành chiến thắng đáng kinh ngạc lên tới hơn 90% trong xuyên suốt hơn 2 thập kỷ thi đấu.
Riêng ở Roland Garros, Nadal thậm chí còn có thống kê khủng khiếp đến mức thắng tổng cộng 112/116 trận đã đấu. Vì vậy, dễ hiểu tại sao anh lại sở hữu tới 14 chức vô địch mỗi khi đến với Paris tham dự giải Grand Slam ấy. Đó là thành tích mà có mơ, nhiều tay vợt tầm cỡ có lẽ cũng chẳng bao giờ đạt được, cho thấy rõ sự thống trị của ngôi sao đến từ Tây Ban Nha.
Nhưng Rafa đâu chỉ khiến người hâm mộ trầm trồ với những con số như thế. Anh còn chinh phục tất cả bằng chuỗi các danh hiệu lẫy lừng khác, để xứng đáng trở thành huyền thoại trong làng banh nỉ. Hành trình mà tay vợt sinh năm 1985 tạo ra được xem như biểu tượng cho tinh thần không bao giờ bỏ cuộc, điều mà bất cứ ai dù có tham gia thi đấu thể thao hay không cũng đều phải học hỏi.
Mỗi khi nhắc tới cái tên Nadal, người hâm mộ làng banh nỉ sẽ nhớ ngay tới một tay vợt với lối chơi bền bỉ, với tinh thần quyết tâm, với những cú đánh bằng tay trái đầy uy lực hay khả năng phòng ngự xuất sắc. Cùng với Federer, Rafa đã tạo nên các cuộc đua tranh hấp dẫn, chẳng kém gì Ronaldo - Messi trong môn thể thao vua. Mỗi lần bộ đôi ấy đụng độ nhau trên các mặt sân, ở các giải đấu, người hâm mộ sẽ lại được chứng kiến những tinh hoa tennis hay nhất được hội tụ. Cái tên “trận cầu kim cương” mà truyền thông hay các khán giả gọi về màn so tài giữa hai tay vợt này đủ để cho thấy giá trị cùng chất lượng họ mang tới sau mỗi lần chạm trán.
Trong hơn 20 năm thi đấu chuyên nghiệp, Nadal không phải lúc nào cũng ở trong thể trạng tốt nhất, cũng có thành tích bách chiến bách thắng. Từng có những thời điểm, anh vắng mặt ở hầu hết các giải đấu, bỏ lỡ nhiều sân chơi danh giá tại các giải Grand Slam, nhưng thay vì gục ngã, tay vợt người Tây Ban Nha luôn biết cách đứng dậy, trở lại mạnh mẽ nhất. Sở dĩ, Nadal có tinh thần này là bởi, ngay từ khi mới lên 6 tuổi, thời điểm chập chững bước vào tập luyện tennis, anh đã được người chú, vốn là HLV của mình là Toni Nadal dạy cho bài học đắt giá rằng trong thể thao, chỉ có hai lựa chọn: Phản kháng hoặc đầu hàng. Lẽ đương nhiên, chẳng ai muốn thấy Rafa dễ dàng giương cờ trắng. Bản thân anh chắc chắn cũng thế.
Vì vậy, Nadal luôn mang theo tâm niệm đó vào mỗi màn so tài, mỗi lần gặp vấn đề về thể lực, hay phải đón nhận các trận thua. Thế cho nên, dù năm 2004 từng phải chống nạng và bỏ lỡ cơ hội tham dự giải Grand Slam đầu tiên, thì chỉ một năm sau, anh đã trở thành nhà vô địch ở chính giải đấu ấy, đó là Roland Garros.
Nhưng dù có xưng vương khi còn chưa bước qua tuổi 20, thì tài năng của Rafa vẫn bị đặt dấu hỏi từ các khán giả, bởi trong hai năm tiếp theo, anh đã gục ngã trước Federer trên cùng mặt sân cỏ tại Wimbledon. Những lời gièm pha rằng tay vợt người Tây Ban Nha thực tế chỉ giỏi ở sân đất nện, đã từng là áp lực cực đại cho ngôi sao này, đã từng khiến anh nhận phải không ít nghi ngờ, để rồi, sau tất cả, anh dần chứng minh cho mọi khán giả thấy rằng, mình xứng đáng là huyền thoại làng banh nỉ.
Năm 2008, Rafa có chiến thắng lịch sử trước Fedex tại chung kết Wimbledon sau 5 set đấu, để lần đầu tiên được tận hưởng cảm giác xưng vương trên thảm cỏ nước Anh. Cùng năm, anh đoạt luôn tấm huy chương vàng đơn nam Olympics, đồng thời soán ngôi số 1 thế giới từ Tàu tốc hành.
Đến lúc đó, chẳng còn ai nghi ngờ, hay chê bai Nadal được nữa, bởi anh đã thực sự bước qua vùng an toàn, đã ra khỏi “thành trì” sân đất nện, để từng bước thống trị tennis thế giới bằng tài năng, bằng nỗ lực phi thường. Con số 82 chiến thắng trong năm 2008 thực sự là thành tích đáng nể, cho thấy rõ sự bền bỉ từ cái tên đến từ xứ đấu bò.
Năm 2009, Nadal trở thành tay vợt Tây Ban Nha đầu tiên vô địch Australian Open và chỉ một năm sau, anh lên ngôi tại US Open, để hoàn tất việc sở hữu trọn vẹn 4 danh hiệu Grand Slam cao quý ở làng banh nỉ. Thậm chí, Rafa làm được điều này còn trước cả Roger Federer - cái tên vẫn được xem là “thiên tài” trong môn tennis. Chỉ chừng đó thôi, cũng đủ để chứng minh bản lĩnh hơn người, chứng tỏ đẳng cấp thượng thừa và siêu việt.
Nhưng không chỉ vô địch các sân chơi tầm cỡ đã nhắc tới, Nadal còn chinh phục khán giả hâm mộ, bằng chuỗi các danh hiệu cao quý khác, như 36 lần lên ngôi tại các giải Master 1000, hay đã cùng đội tuyển quốc gia Tây Ban Nha có đến 5 lần xưng vương ở giải đồng đội Davis Cup. Hơn hết, anh vượt qua Federer - đối thủ lớn nhất trong sự nghiệp, về tổng số Grand Slam giành được với 22 lần làm điều đó so với con số 20 của Tàu tốc hành.
Có thể, Nadal không sở hữu số tuần ngự trị trên ngôi vị số 1 thế giới nhiều như Fedex, không có trọn vẹn tất cả các chức vô địch ở mọi giải đấu mà mình tham gia như Novak Djokovic, song thứ mà Rafa để lại cho làng banh nỉ là một di sản lẫy lừng, là tinh thần chiến đấu kiên cường, là bản lĩnh, là đẳng cấp, là những tình huống phòng ngự đỉnh cao, là sức mạnh không thể ngăn cản trên mặt sân đất nện.
Tất nhiên, để vươn tới vị thế của một huyền thoại tại làng banh nỉ, Rafa đã trải qua không ít mồ hôi và nước mắt, đã có cả những thất bại mà tin chắc rằng anh sẽ chẳng bao giờ muốn nhắc lại trong sự nghiệp. Nhưng điều giúp tay vợt ấy được đánh giá cao, được người ta tôn trọng, nể phục luôn là sự bền bỉ theo tháng năm, đứng dậy từ chính nơi mình gục ngã. Ngôi sao mang quốc tịch Tây Ban Nha chưa bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho thời tiết, cho trọng tài sau mỗi trận thua, mà thay vào đó, anh luôn ngợi ca đối thủ, nhìn ra những điểm yếu từ bản thân, và dần dần khắc phục. Tư chất ấy giúp cho anh trở nên vĩ đại trong môn thể thao này.
Sau hơn 20 năm chinh chiến đỉnh cao, với lần cuối cùng vô địch một giải Grand Slam là năm 2022, Rafael Nadal vừa chính thức đưa ra thông báo giải nghệ. Anh sẽ chia tay với làng banh nỉ vào tháng 11 tới, thời điểm tham dự nốt vòng chung kết Davis Cup cùng tuyển Tây Ban Nha. Chắc chắn, khoảnh khắc chủ nhân 22 danh hiệu Grand Slam nói câu giã từ trong lần cuối cùng xuất hiện trên sân sẽ để lại nhiều xúc cảm, và nỗi tiếc nuối cho người hâm mộ.
Nadal chưa bao giờ nhận mình là huyền thoại, là người vĩ đại ở môn thể thao mình cống hiến, song với tất cả những gì có được, với mọi chiến tích tạo ra, với những thống kê đáng nể, anh xứng đáng với danh xưng ấy. Những ai từng hoài nghi về đẳng cấp, về tài năng của tay vợt này chắc cũng đều phải gật đầu thừa nhận Rafa thực sự trở thành biểu tượng làng banh nỉ.
Nhờ có anh, nên khán giả mới được chứng kiến những màn so tài đỉnh cao, làm nên thương hiệu “trận cầu kim cương” với Federer, những cuộc thư hùng không thể bỏ lỡ với Djokovic hay bao trận cầu lẫy lừng khác. Nadal giải nghệ, nhưng di sản anh để lại thì sẽ còn mãi với người hâm mộ, với chính các hậu bối. Tất cả sẽ chẳng bao giờ quên giọt mồ hôi, nước mắt từ tay vợt Tây Ban Nha, sẽ luôn nhớ về một biểu tượng cho tinh thần chiến đấu kiên cường, một người không bao giờ đầu hàng trước hoàn cảnh hay số phận, một tấm gương sáng, mang theo bao cảm hứng cho những ai đang theo đuổi môn thể thao này nỗ lực vươn tới.