Bong da Viet Nam
Gửi bài
back-to-top
Bóng đá Bóng đá Việt Nam Đội tuyển Việt Nam

Vũ Lỗi - Maradona Trung Quốc hay ‘kẻ điên’ của bóng đá xứ tỷ dân?

Chủ nhật, 03/10/2021 17:02 (GMT+7)

Tiền đạo tài năng và nổi tiếng nhất của bóng đá Trung Hoa chắc chắn là một ngôi sao lớn. Nhưng đằng sau những vinh quang ấy là một Vũ Lỗi với những quyết định khiến người bình thường phải lắc đầu ngán ngẩm

Chủ Đề: ĐT Việt Nam tại Vòng loại World Cup 2022

Vũ Lỗi là Messi, Maradona của Trung Quốc 

Tháng 1 năm 2019, Vũ Lỗi (Wu Lei) rời Trung Quốc để ký hợp đồng chuyên nghiệp với CLB Espanyol của Tây Ban Nha. Đó là lần đầu tiên một cầu thủ Trung Quốc ra nước ngoài thi đấu, kể từ thời của Tôn Kế Hải (Sun Ji Hai), Đông Phương Trác (Dong Fangzhou) hay Lí Thiết (Li Tie). Thương vụ chuyển nhượng chỉ có giá trị 2 triệu euro (52 tỷ đồng) ấy lại thực sự là một quả bom tấn gây chấn động đất nước có hơn 1,4 tỷ dân.

Thế nhưng, không phải đến lúc ấy, Vũ Lỗi mới được người ta biết đến ở châu Á hay cả thế giới.

Vũ Lỗi - Maradona Trung Quốc hay ‘kẻ điên’ của bóng đá xứ tỷ dân? - Ảnh 1
Vũ Lỗi - Maradona Trung Quốc hay ‘kẻ điên’ của bóng đá xứ tỷ dân? 

Sự nghiệp bóng đá của chàng tiền đạo sinh năm 1991 nổi bật ngay từ khi anh mới chỉ là một cậu bé 13 tuổi. Năm 2004, cậu bé nhỏ thó ghi 6 bàn trong trận đấu giữa U14 Trung Quốc gặp U14 Nhật Bản, giúp đội nhà giành chiến thắng vang dội. Năm 2006, anh trở thành cầu thủ trẻ nhất tham dự giải hạng 2 Trung Quốc, khi mới 14 tuổi 287 ngày. Năm 2012, anh ghi 17 bàn giúp CLB Thượng Hải Đông Á vươn lên dẫn đầu ở giải Super League.

Ở tuổi 21, Vũ Lỗi đã là một trong những tiền đạo nổi bật nhất bóng đá Trung Hoa và bắt đầu vươn tầm châu lục. Anh được triệu tập lên tuyển quốc gia từ năm 2010, ngay cả khi vẫn còn đang thi đấu ở giải hạng 2 của quốc gia này. Và cũng chẳng mấy mấy thời gian để ngôi sao bóng đá sinh ra ở Giang Tô chiếm suất đá chính ở ‘Trung Hoa túc cầu đội’.

Kể từ năm 2012 tới năm 2018, Vũ Lỗi liên tục ghi trên 12 bàn thắng mỗi mùa ở giải Super League. Cá biệt, năm 2017 anh ghi tới 20 bàn và năm 2018 là 25 bàn, qua đó nắm giữ danh hiệu cầu thủ nội ghi nhiều bàn thắng nhất tại Trung Quốc trong 6 năm liên tiếp. Tổng cộng, chân sút chỉ cao có 1,74m đã ghi 169 bàn thắng trong 344 lần ra sân cho CLB Thượng Hải SIPG. Ở cấp độ ĐTQG, Vũ Lỗi cũng liên tục ghi bàn trong 7 năm liên tiếp và hiện đã có cho mình 23 pha lập công.

Không chỉ tạo được danh tiếng ở trong nước, Vũ Lỗi còn có 2 lần được đề cử ở giải Cầu thủ châu Á xuất sắc nhất năm. Anh về nhì ở cả hai lần đó, chỉ thua duy nhất ngôi sao Son Heung Min của giải Ngoại hạng Anh. Thời điểm này cũng là lúc anh được giới truyền thông gọi là ‘Messi châu Á’.

Tài năng của chân sút sinh năm 1991 là không thể bàn cãi. Cựu cầu thủ Cao Hồng Ba từng nói rằng khả năng săn bàn của Vũ Lỗi là ‘bẩm sinh’, còn nhà quản lý bóng đá Từ Căn Bảo gọi cầu thủ của mình là Maradona của Trung Quốc.

Vũ Lỗi - Maradona Trung Quốc hay ‘kẻ điên’ của bóng đá xứ tỷ dân? - Ảnh 5
Vũ Lỗi từ nhỏ đã là một ngôi sao và luôn thi đấu với các đàn anh

Ngôi sao của ĐTQG nhưng lại gắn bó với một đội bóng hết tiền của giải hạng hai

Tài năng là vậy, nhưng ít ai biết rằng Vũ Lỗi đã thi đấu tới tận 7 năm ở giải hạng 2 Trung Quốc. Kể cả khi anh đã được triệu tập lên ĐTQG vào năm 2010 thì tới năm 2012, cầu thủ này vẫn đá cho CLB Thượng Hải Đông Á ở giải đấu cấp thấp của xứ sở tỷ dân.

Đó chính là câu chuyện đầu tiên mà Vũ Lỗi đã viết trong sự nghiệp của mình. Anh là sản phẩm của lò đào tạo Căn Bảo, đóng quân ở Sùng Ninh, Thượng Hải. Năm 2009-2011, CLB Thượng Hải Đông Á thi đấu ấn tượng với lứa cầu thủ trẻ nhưng không thể lên hạng, dẫn tới những khó khăn tài chính sau đó.

Chủ tịch Từ Căn Bảo của CLB Thượng Hải Đông Á đứng trước những sựa lựa chọn khó khăn. Nếu ông không bán ngôi sao của mình, đội bóng sẽ phải giải thể. Trong khi đó, Vũ Lỗi và các đồng đội nhận được những lời ve vãn đến từ nhóm ‘đại gia’ của bóng đá xứ sở Trung Hoa. Thời điểm ấy, CLB Thượng Hải Đông Á có một số ngôi sao được đôn lên từ lò đào tạo Căn Bảo, đó là Vũ Lỗi, Trương Lâm Bồng và Lữ Văn Quân. Và cả ba đều nhất quyết muốn ở lại để ‘đồng cam, cộng khổ’ với CLB của chủ tịch Từ.

Quyết định ấy bị cho là điên rồ. Báo chí Trung Quốc tung tin, các đội bóng khác sẵn sàng đưa ra những con số gấp đôi, gấp ba thu nhập của Vũ Lỗi tại Thượng Hải Đông Á. Thậm chí, có CLB còn chơi trội đến mức sẵn sàng thêm một số 0 vào mức thù lao của tài năng trẻ sáng giá nhất Trung Quốc thời điểm đó để thuyết phục anh rời Thượng Hải.

Vào thời điểm khó khăn nhất, Vũ Lỗi và Lữ Văn Quân đã quyết định gửi đi một bức thư điện tử tới ông Từ Căn Bảo, khẳng định rõ ý định ở lại CLB để giúp đội bóng 'có một tương lai mới'

 

Vũ Lỗi - Maradona Trung Quốc hay ‘kẻ điên’ của bóng đá xứ tỷ dân? - Ảnh 3
Thượng Hải SIPG tốn cả trăm triệu euro để chiêu mộ Hulk và Oscar, nhưng Vũ Lỗi lại ra đi giá 2 triệu

“Xin gửi tới ngài chủ tịch Từ, tôi không muốn bị bán đi. Ngài đã chăm sóc tôi từ khi tôi còn là một đứa trẻ. Xin ngài hãy giữ tôi lại và xây dựng đội bóng này từ đầu" – trích thư của Vũ Lỗi gửi vào năm 2011.

Cuối cùng, Thượng Hải Đông Á và Vũ Lỗi cũng có một cái kết đẹp. Họ chia tay với Trương Lâm Bồng, ngôi sao sau này được ví như Ramos của Trung Quốc, để có tiền trang trải cho CLB. Năm 2013, đội lên hạng và bắt đầu có tiền tài trợ. Tới năm 2014, tập đoàn SIPG đến và chi tiền cho đội bóng, trước khi mua đứt và chính thức đổi tên vào năm 2015.

Từ bỏ ‘ngai vàng’ và đặt chân tới vùng đất xa lạ? 

Kể từ ngày CLB Thượng Hải được SIPG mua lại, cuộc sống của Vũ Lỗi đẹp như truyện cổ tích. Anh là cầu thủ số 1 của đội bóng và ĐTQG, hưởng lương 52 tỷ đồng mỗi năm chưa kể thu nhập đến từ quảng cáo, kinh doanh. Ngôi sao của bóng đá Trung Hoa tỏa sáng rực rỡ tại giải Super League, bên cạnh những cầu thủ danh tiếng như Oscar, Hulk, Pato, Tevez hay Paulinho.

Nhưng rồi, chân sút sinh năm 1991 vứt bỏ tất cả để chuyển tới Tây Ban Nha thi đấu vào đầu năm 2019.

Vũ Lỗi - Maradona Trung Quốc hay ‘kẻ điên’ của bóng đá xứ tỷ dân? - Ảnh 4
Anh ghi bàn vào lưới Barcelona của Messi

Ngày 28 tháng 1 năm ấy, ngôi sao sinh năm 1991 chính thức gia nhập Espanyol với một bản hợp đồng có thời hạn 3 mùa giải. Giá trị của thương vụ là 2 triệu euro (52 tỷ đồng), kém rất nhiều so với những thương vụ mà Super League đã từng thực hiện (đồng đội của anh tại CLB Thượng Hải, Oscar, được mua về với giá gần 80 triệu euro). Thu nhập mà anh được hưởng ở Tây Ban Nha là 1 triệu euro mỗi mùa (26 tỷ đồng), chỉ bằng 1 nửa so với trước.

Lần thứ hai, Vũ Lỗi trở thành tâm điểm của báo giới Trung Hoa với một quyết định ‘điên rồ’. 8 năm trước, anh từ chối mức lương cao gấp 10 lần để ở lại một đội bóng nghèo. Gần cuối sự nghiệp, anh vứt bỏ vị thế của một ông vua để trở thành một kẻ học việc. 

Tại Tây Ban Nha, Vũ Lỗi chỉ còn mà một cầu thủ bóng đá đúng nghĩa. Nói một cách tếu táo ở như ở ta là ‘thợ banh’. Vũ Lỗi bị giảm lương và phải đối mặt với điều mà anh chưa từng gặp ở Trung Quốc: việc có thể phải ngồi dự bị tại đội bóng mới. Tệ hơn, Espanyol đã xuống hạng vào năm đó, và ngôi sao của bóng đá Trung Quốc đã có một thời gian ‘chật vật’ ở giải hạng dưới.

Thế nhưng, ở đất nước phương Tây xa xôi, chàng trai sinh ra ở Nam Ninh vẫn cho thấy được phẩm chất và tính cách của mình. Dù phải xuống hạng hay thi đấu ở vị trí cánh trái vốn không phải là sở trường, anh vẫn cho thấy sự nỗ lực và tài năng. Cầu thủ người Trung Hoa nhanh chóng trở thành trụ cột của đội bóng xứ Catalan trong 2 mùa giải vừa qua.

Vũ Lỗi - Maradona Trung Quốc hay ‘kẻ điên’ của bóng đá xứ tỷ dân? - Ảnh 2
Vũ Lỗi từ bỏ ngai vàng để trở thành một kẻ học việc 

Bàn thắng mà anh ghi được vào lưới Barcelona không chỉ là khoảnh khắc đẹp nhất mà một cầu thủ Trung Quốc có thể làm được xuyên suốt lịch sử. Đó còn là sự khẳng định của tài năng và nỗ lực mà Vũ Lỗi đã thực hiện trong cả sự nghiệp. Năm 2008, anh là bạn của Messi và Mascherano khi cả 3 cùng tham dự Olympic Bắc Kinh. Lúc ấy Messi 21 tuổi, còn Vũ Lỗi mới 17. 11 năm sau, chàng trai người Trung Quốc đã cho người bạn (là số 1 thế giới) thấy mình đã trưởng thành như thế nào.

Vũ Lỗi, một tài năng kiệt suất của bóng đá Trung Quốc, chưa bao giờ muốn những thứ có thể đoạt được một cách dễ dàng. Anh ở lại một đội bóng nghèo để tự mình biến nó trở thành một trong những CLB mạnh nhất đất nước. Rồi anh rời chính đội bóng giàu sụ mà mình yêu thương hết mực để hiện thực hóa giấc mơ châu Âu. Ở cấp độ ĐTQG, cũng chính Vũ Lỗi nhường vị trí đá cắm cho những chân sút ngoại, vốn chẳng có tiếng nói và uy tín bằng mình, với mong muốn giúp ĐTQG trở nên mạnh mẽ hơn.

Giới truyền thông mỹ miều gọi anh là Messi châu Á hay Maradona của Trung Quốc. Nhưng để những người trong cuộc nhận xét, có lẽ mọi người sẽ gọi Lỗi Lỗi là kẻ điên.

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá