Vòng tròn nhân ái của người Anh
Thứ tư, 14/07/2021 07:57 (GMT+7)
Câu chuyện thắng làm vua, thua bị chế nhạo đã diễn ra quá nhiều trong lịch sử, đến mức trở thành một hành động mặc định vượt trên cả các quy tắc đạo đức. Sẽ không có nhiều người lên án những fan buông lời xúc phạm sau một trận thua với lý do muôn thuở là thông cảm cho nỗi đau. Nhưng thật nực cười khi có người lại tự cho nỗi đau của mình lớn hơn của người khác, kể cả những người trong cuộc.
Khi Saka sút hỏng lượt luân lưu quyết định trong trận chung kết EURO 2020, một khuôn mặt thất thần hiện ra rất nhanh. Trong sự hò reo điên cuồng của đối thủ, Saka biết anh vừa chọc giận hàng vạn đồng bào trên khán đài Wembley, và cả chục triệu người khác trên khắp đất nước.
Saka gục ngã trên vai các đồng đội và HLV Gareth Southgate. Sau đó, cậu bé 19 tuổi đã khóc thút thít khi gặp mẹ của mình. Chỉ sau một cú sút, chàng trai này trở thành tội đồ của nước Anh, cái giá của đam mê có phải quá đắt không?
Ít người biết rằng, có đến 2 vòng tròn tình nghĩa tại EURO 2020. Đầu tiên thì quá nổi tiếng, chính là vòng tròn được tạo bởi những cầu thủ Đan Mạch nhằm bảo vệ không gian riêng tư của Christian Eriksen. Nhưng vẫn còn một vòng tròn khác nữa. Sau lễ trao giải trận chung kết, những chàng trai ĐT Anh đã quây lại ở một góc sân và nghe Southgate nói.
Ít người biết cũng phải thôi bởi ngay lúc đó, chẳng còn mấy fan nán lại Wembley. Phần đông ra về hết, có người buồn chán, có kẻ lại phá phách và trút giận lên mọi thứ. Chẳng ai còn để tâm tới cái vòng tròn kia. Lúc thua, thì chẳng gì là quan trọng nữa.
Và đó chính là một vòng tròn trách nhiệm của những người ngoài cuộc. Họ được tạo niềm vui, đến cổ vũ, uống bia, tiệc tùng, sung sướng. Đến lúc thua, còn được chửi bới trút giận, được nói hết cho sướng miệng. Rồi sau đó, chẳng còn sau đó nữa. Họ đâu có nghĩa vụ phải giải quyết cái gì đâu. Cứ vứt một đống ra đó, kiểu gì cũng có người dọn.
Không thể trông chờ sự tự giác của đám đông, nhất là những fan cuồng. Người ta ước tính có tới 5.000 CĐV đá phá rào để vào Wembley trước thềm trận chung kết. Tưởng tưởng cạnh những kẻ quá khích này thấy Saka sút hỏng xem? Một sự bẩn thỉu, rác rười, đen tối hệt như những năm 80 của thế kỷ trước lại ùa về. Nước Anh một lần nữa ôm mặt xấu hổ vì những hooligan - những kẻ dám tự xưng là có tình yêu với bóng đá.
Ở một quốc gia vĩ cuồng môn thể thao vua, đây là chuyện dù rất muốn cũng không thể tránh. Nói lý lẽ những lúc như này hoàn toàn phản tác dụng. Và chỉ những người có chuyên môn mới có thể an ủi cho nhau. Chỉ thầy trò Southgate biết rằng mình đã làm đúng, làm sai ở đâu và họ thu về những gì sau một giải đấu.
EURO 2020 là lần đầu tiên trong lịch sử Tam sư vào đến trận chung kết EURO. Như vậy mà vẫn bị coi là thất bại?
Thực ra, chỉ những người thực tế mới dám và có thể nhìn toàn bộ vấn đề, sau đó đưa ra nhận định công bằng nhất. Và phần lớn những người thực tế là những người trực tiếp đã đá quả bóng kia, sau 120 phút có lẻ với Italia. Cầu thủ, HLV và thành viên BHL, rốt cuộc chỉ còn họ đứng ôm nhau sau thất bại bị nâng tầm dân tộc.
Cũng chỉ có những con người này mới dũng cảm bước tiếp, lại ra sân thi đấu, cố gắng mang niềm vui đến cho công chúng. Thầy trò Southgate đang làm việc không một người Anh nào khác làm, chịu nỗi đau chưa đồng bào nào từng trải qua. Họ chính là những công nhân vệ sinh dọn dẹp đống phỉ nhổ, tức giận, thất vọng của người hâm mộ.
Bảo sao khi đau đớn nhất, anh em cầu thủ lại bảo nhau tạo thành bức tường ngăn cách sự kỳ vọng với thực tế. Eriksen may mắn vì giữ được tính mạng, sống trong một tập thể biết đùm bọc và rời sân trong tiếng vỗ tay từ các khán đài. Thầy trò Southgate không có được may mắn đó, họ sẽ mang cái danh "tội đồ" này rất lâu, có thể là suốt đời, hệt như chính Southgate.