Võ sư Mai Thanh Ba, từ Wushu đến MMA và lý tưởng của một người quy củ
Thứ bảy, 26/02/2022 09:00 (GMT+7)
Là người Việt Nam đầu tiên giành HCV ở giải Vô địch Wushu Thế giới, sau gần 3 thập niên, ông Mai Thanh Ba lại bén duyên với MMA. Nhà vô địch Tán thủ thế giới một thời đã chia sẻ về con đường đến với võ thuật, về hơn 1 thập niên không xuất hiện trên các kênh thông tin đại chúng, cũng như hy vọng phát triển võ tổng hợp tại Việt Nam.
Sáng ở giảng đường, tối ở sàn tập
- Cái tên Mai Thanh Ba gắn liền với tên tuổi một trong những võ sĩ đầu tiên đưa tên tuổi võ thuật Việt Nam bước ra thế giới. Ông đã đến với võ thuật như thế nào?
Ông Mai Thanh Ba: Tôi tập võ từ khi còn nhỏ, ở thời điểm Việt Nam đang trên đà phát triển, hội nhập trở lại với quốc tế. Vào thập niên 80, khi các môn võ bắt đầu được phép hoạt động trở lại thì tôi có tham gia tập võ cổ truyền. Tới năm 1990, Việt Nam có đoàn thể thao chuẩn bị dự ASIAD tại Bắc Kinh và mang về một số tài liệu, băng hình của môn Wushu, gồm cả 2 nội dung Taolu (Biểu diễn) cũng như Sanshou (Tán thủ).
Những tài liệu đó được đưa về phát triển bước đầu môn Wushu tại Việt Nam. Từ năm 1990 chúng tôi bắt đầu tập luyện Wushu, đến năm 1992 lần đầu tiên tham gia Liên hoan Võ thuật Thiếu lâm Trung Quốc trại Trịnh Châu. Lần đầu đoàn tham dự, đoàn chúng tôi chỉ có 4 người nhưng thu về nhiều kết quả tốt: 1 HCB, 2 HCĐ, 1 người đứng hạng 4.
Thành tích đó giúp Sở Thể dục Thể thao Hà Nội quyết định thành lập đội tuyển Wushu - Tán thủ đầu tiên tại Hà Nội, cũng như mời các lò võ cổ truyền đến tranh tài để chọn lọc ra võ sĩ xuất sắc nhất. Ở đầu thập niên 90, đội tuyển tán thủ Hà Nội có thể gọi là đội tuyển tán thủ Việt Nam.
Nguyên nhân bởi vào thời gian đó, phong trào võ thuật tại Hà Nội rất mạnh, nhiều võ sĩ xuất sắc, còn ở các địa phương khác gặp khó khăn về vấn đề đi lại. Từ đó, ban huấn luyện xây dựng đội tuyển Wushu và tôi may mắn là một trong những thành viên đầu tiên của đội tuyển đó. Chúng tôi đã tổ chức được một số giải Mở rộng để cọ xát, tuyển chọn VĐV tài năng.
Đến năm 1993, Giải Vô địch Wushu Thế giới lần thứ 2 được tổ chức ở Malaysia. Tôi là một trong những thành viên của đội tuyển lúc đó, và đoàn chúng tôi cũng chỉ có 2 người thôi. Bạn đồng hành cùng tôi ngày ấy là anh Vũ Văn Thường, người hiện tại làm Trưởng Bộ môn Wushu Hà Nội.
Năm đó anh Thường thi đấu giành được HCĐ, còn tôi giành HCV. Thành công đó của chúng tôi đã tạo tiếng vang cho võ thuật Việt Nam với thế giới, bởi thành tích hoàn toàn là thành quả chúng tôi tập luyện trong nước.
Ngày ấy chúng tôi tập luyện hoàn toàn không có chuyên gia, không có du đấu nước ngoài nhiều nhưng lại có thành tích tốt. Sau thành tích lần ấy, Wushu - Tán thủ đã thổi một luồng gió mới vào những bộ môn võ thuật quốc tế, được Nhà nước quan tâm nhiều hơn. Đó là câu chuyện về thành tích trước kia của tôi.
- Ông không học Đại học chuyên ngành Thể dục thể thao như nhiều VĐV khác, mà lại tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân. Vậy trong thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường, ông cân bằng giữa việc học và tập luyện, thi đấu ra sao?
Đúng là ở thập niên 90 thì chuyện đi học đại học là điều cần cố gắng, nỗ lực rất nhiều. Bản thân tôi quá yêu võ thuật, tập luyện và theo đuổi nó từ hồi học cấp 2, rồi lên cấp 3, thế nên khi vào Đại học cũng có thâm niên 4-6 năm tập luyện. Khi đã là sinh viên, tôi cố gắng sắp xếp hài hòa để vừa đảm bảo chuyện tập luyện mà không ảnh hưởng đến học hành.
Sau này, khi tham gia những giải đấu lớn, một ngày tôi có thể tập luyện đến 3 ca. Ngày ấy tôi dậy sớm, tập luyện từ 5 giờ sáng rồi về nhà ăn sáng, đi học, đến trưa lại tập, tối cũng thế. Tôi may mắn được anh Hoàng Quốc Vinh (hiện tại là Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I) giúp đỡ nhiều.
Anh Vinh xuất thân là HLV boxing, từng kèm tôi tập luyện, nhiều hôm hai thầy trò cùng nhau đến tận nhà để tập buổi tối. Nhờ đó tôi mới có thành tích tốt như vậy, bởi quá trình chuẩn bị cho một giải đấu lớn có thể kéo dài tập trung đến 6 tháng.
- Hồi đó ông có phải xin phép nghỉ học hay xin phép vắng mặt để đi tập luyện, thi đấu không? Ông được gia đình và các thầy cô tạo điều kiện chứ?
Trong khoảng thời gian tập luyện, tôi vẫn cố gắng theo kịp các học phần trên lớp. Việc học tập luôn được tôi cố gắng đảm bảo đầy đủ. Ví dụ như buổi sáng học từ 7 giờ đến 12 giờ, thì buổi tập sáng của tôi kéo dài từ 5 giờ đến 6 giờ 30 phút sáng là phải kết thúc để về ăn sáng rồi lên lớp. Chỉ có lúc ra nước ngoài thi đấu, tôi mới phải xin phép nghỉ 2 tuần. Sau này tôi vẫn tốt nghiệp và ra trường đúng hạn (cười).
Khi tôi về nước, qua báo chí và truyền thông, nhà trường mới biết người giành HCV Wushu thế giới là sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân. Tôi còn nhớ ngày đó được thầy/cô Trưởng khoa mời đến họp mặt, trao phần thưởng. Tiếc là thời gian trôi qua cũng lâu rồi nên tôi không nhớ ngày đó mình nhận phần thưởng là bao nhiêu tiền (cười).
- Là sinh viên của một trường đại học danh giá nhưng lại theo đuổi con đường võ thuật, vậy sự nghiệp của ông có được gia đình ủng hộ không?
Lúc tôi học võ cổ truyền ngày còn nhỏ, gia đình không muốn cho tôi đi theo con đường thể thao hay võ thuật. Phải đến sau này, khi tôi có thời gian dạy võ ở Cung Văn hóa Thiếu nhi, gia đình thấy tôi vừa đảm bảo chuyện học hành mà vẫn tập luyện, lại đi dạy võ nên chuyển sang ủng hộ.
Sau này, mỗi lần tôi bước vào một giải đấu lớn thì đều được gia đình toàn tâm toàn ý hỗ trợ. Bố mẹ chuẩn bị cho tôi từng bữa ăn ngon, đủ chất, đủ dinh dưỡng.
- Những bữa ăn của ông ngày đó tươm tất như thế nào?
Ngày ấy tôi đi tập đã có tiền lương theo chế độ của đội tuyển, nên tôi mang tiền về gửi cho gia đình để bố mẹ chuẩn bị ăn uống cho tôi. Thỉnh thoảng tôi cũng ăn cải thiện thêm nữa. Vào đầu thập niên 90 thì mọi thứ cũng dần khấm khá lên chứ không còn quá khó khăn như trước nữa. Về cách ăn uống và dinh dưỡng, tôi rút ra kinh nghiệm cho bản thân qua từng giải đấu, từng quãng thời gian tập luyện để có chế độ ăn tốt nhất.
Bên cạnh đó, tôi cũng có kết hợp dinh dưỡng với khoa học thể thao. Những bác sĩ về thể thao trên Sở đã giúp đỡ, tư vấn cho tôi làm thế nào để chuẩn bị dinh dưỡng một cách tốt nhất. Điển hình là ngày xưa khi đi tập, chúng tôi hay uống viên đạm hoặc truyền đạm để tăng cường thể lực. Loại viên đạm đó chắc bây giờ ít người dùng rồi.
Ký ức một thời vàng son
- Hồi thi đấu ở Giải Vô địch Wushu Thế giới, ông đã thi đấu bao nhiêu trận? Ông có phải phân phối sức để đảm bảo giành chiến thắng mọi lần ra sân không, hay cứ vào trận thì đánh "hết mình" luôn?
Ở vòng ngoài, tôi chưa biết đối thủ cạnh tranh huy chương với mình là ai cả. Thể thức thi đấu ngày đó luôn luôn thay đổi, khiến các võ sĩ không thể rõ đối thủ vòng trong sẽ đấu với mình. Có một kỷ niệm rất hay tôi muốn chia sẻ cùng mọi người. Trong võ thuật đối kháng, chuyện đo cân nặng với các võ sĩ rất quan trọng. Võ sĩ nào cũng phải ép cân và tôi không phải ngoại lệ, ép xuống 6-7kg nên người rất mệt.
Đến giải đấu, khi ban tổ chức nói "trưa mai cân" thì tôi đã chuẩn bị cho ngày mai, nhưng cuối cùng thể lệ thay đổi thành chỉ cân trước trận đấu. Việc BTC giải làm như thế khiến tôi gặp ít nhiều khó khăn, bởi ép cân sâu rất mệt, và thay đổi thể thức đột ngột khiến võ sĩ rất khó thích ứng. Cuối cùng chúng tôi vẫn vượt qua được để ra sân thi đấu. Thời đó, Giải Vô địch Wushu Thế giới mới tổ chức nên họ chưa có nhiều kinh nghiệm điều hành. Sau này các VĐV không gặp nhiều khó khăn như chúng tôi ngày xưa.
Giải có rất nhiều VĐV tham dự, lại thi đấu liên tục theo kiểu cuốn chiếu nên tôi không thể biết được ai là đối thủ của mình. Phải đến vòng 2, tôi mới dần định hình được sẽ phải đấu với những ai. Thực ra, một khi đã lên đài thi đấu thì tôi xác định đánh cống hiến hết mình. Trong đầu tôi khi ấy chỉ nghĩ đến chuyện làm thế nào để thắng đối thủ này để ngày mai thi đấu tiếp, bởi thua cũng đồng nghĩa bị loại luôn.
Tôi còn nhớ ở giải đấu năm 1993 mình thi đấu tổng cộng 4 vòng. Đầu tiên tôi đánh bại đối thủ người Algeria, vòng 2 là người Singapore, bán kết hạ một VĐV Hàn Quốc và chung kết đấu với võ sĩ Tây Ban Nha. Ấn tượng của tôi về những đối thủ cùng hạng cân với mình là họ đậm người hơn, thể trạng to con hơn. 2 trận đấu để lại nhiều kỷ niệm với tôi là khi đối đầu với võ sĩ người Singapore và Hàn Quốc.
Đối thủ đến từ Singapore dày dạn kinh nghiệm, còn bạn người Hàn Quốc rất trẻ, ngang tuổi tôi và rất khỏe. Đó là 2 võ sĩ mà tôi phải thi đấu tương đối khốc liệt và chỉ có thể phân định thắng thua khi kết thúc hiệp 3. Bình thường Tán thủ đánh 2 hiệp là trọng tài xác định người thắng được rồi, nhưng ở 2 trận đó, trọng tài đều chấm hòa ở hiệp đầu tiên nên phải đến tận hiệp 3 mới tìm được người giành chiến thắng.
- Tức là những VĐV ở vòng ngoài mạnh hơn đối thủ ông gặp trong trận chung kết?
Khó có thể nhận xét như vậy. Giải thi đấu theo kiểu cuốn chiếu, trong quá trình thi đấu võ sĩ có thể gặp chấn thương và tiêu hao thể lực. Ví dụ như ngày hôm trước anh ta gặp một đối thủ quá mạnh, phải đánh hết sức thì hôm sau đánh tiếp họ không còn sung sức như trước nữa. May mắn là tôi vẫn đảm bảo duy trì thể lực để thi đấu đến trận cuối cùng, nhưng sau khi đánh xong trận chung kết ở đêm thứ 4 thì tôi cũng cảm thấy mình kiệt sức. Cứ liên tục ép cân trước giờ thi đấu, rồi đánh 4 đêm liên tục như thế là điều không hề đơn giản.
- Giải đấu năm đó ông hứng chịu bao nhiêu vết thương trên người? Sự nghiệp VĐV của ông có gặp chấn thương nào nghiêm trọng không?
May mắn là giải đấu đó tôi chỉ có đúng một vết bầm tím ở mắt trái, chứ không bị vết rách nào cả. Nhưng vết bầm tím đó vẫn còn cho đến khi về đến Việt Nam, bởi phải 2-4 tuần mới hoàn toàn biến mất. Chuyện bị bầm tím khi tập luyện, thi đấu với các võ sĩ là điều bình thường. May nhất là tôi không bị rách da hay gãy xương, cả trong giải đấu lần đó lẫn quá trình tập luyện, thi đấu sau này.
Tôi có thể may mắn tránh được những chấn thương trong sự nghiệp của mình vì thời còn là võ sĩ, tôi luôn chú trọng tập luyện kỹ thuật. Thể lực tất nhiên cũng quan trọng trong võ thuật, nhưng lối đánh của tôi thiên nhiều về kỹ thuật. Đó là điều giúp tôi tránh khỏi chấn thương. Trong khi thi đấu, trước mỗi đối thủ tôi đều phải tính toán, ví dụ như thăm dò qua hiệp đấu đầu tiên để nắm được điểm mạnh, điểm yếu rồi từ đó khai thác. Việc đó giúp tôi giành chiến thắng mà tốn ít sức lực nhất.
Đi để trở về
- Sau chức Vô địch Thế giới năm 1993, ông còn tập luyện ở đội tuyển Tán thủ thêm một thời gian. Nhưng trong rất nhiều năm liền, người ta không còn nghe đến cái tên của võ sĩ, võ sư Mai Thanh Ba nữa. Vậy lúc ấy ông đã ở đâu, làm gì?
Năm 1995, tôi có giành thêm một HCV Wushu Đông Nam Á và đến năm 1996 vẫn còn tập luyện. Đến giữa năm 1996 tôi ra nước ngoài, đến CH Czech huấn luyện võ thuật và ở đó một thời gian dài. Nhưng trong thời gian ở đó, tôi luôn nắm được thông tin về võ thuật Việt Nam, cũng như kết nối được với giới võ thuật tại châu Âu. Tôi còn nhớ năm 1997 đội tuyển Wushu Việt Nam có nhiều em từng tập luyện cùng tôi như Đào Việt Lập, Trần Đức Trang.
Năm đó Giải Vô địch Wushu Thế giới tổ chức tại Italia. Tôi đã định làm visa đi sang đó, nhưng gặp khó khăn nên không đi được. Rất vui là ở giải đấu năm ấy Đào Việt Lập đã giành HCV.
- Điều gì thôi thúc ông trở lại Việt Nam sau thời gian dài ở nước ngoài?
Thứ nhất, tôi trở lại Việt Nam vì chuyện gia đình. Đó là lúc anh trai tôi mất, bố mẹ đã cao tuổi nên tôi quyết định trở về Việt Nam để gần gũi với gia đình, chăm sóc ông bà vui vẻ tuổi già. Gia đình tôi có 3 anh em, anh trai tôi mất sớm nên tôi về Việt Nam. Sau khi ổn định cuộc sống ở Việt Nam thì tôi trở lại phát triển võ thuật.
- Nhưng con đường võ thuật ông chọn lần này không phải Wushu, mà lại là MMA...
Trong thời gian ở nước ngoài, tôi vẫn luôn theo dõi và tham gia những sự kiện võ thuật tại CH Czech. Ngày xưa có sự kiện Kickboxing K-1 rất nổi tiếng, đến năm 2010 thì CH Czech tổ chức sự kiện K-1 MMA. Ở sự kiện này, Mike Tyson là khách mời đến trao đai vô địch cho người thắng cuộc. Trận đấu MMA đó mang lại cho tôi nguồn cảm hứng phát triển tại Việt Nam. Đến năm 2014, khi đã về nước và có điều kiện phát triển, tôi quyết định mở CLB MMA đầu tiên.
- Từ một võ sĩ trở thành HLV, rồi nhà quản lý như hiện tại đâu là điều khó khăn nhất khi ông thực hiện những bước chuyển như thế? Phải chăng là tiền bạc?
Những bước chuyển đó nằm trong quá trình phát triển nên nhìn chung không có khó khăn gì cả. Điều khó khăn là cơ sở để tôi phát triển phong trào tập luyện hay thay đổi. Những học viên đi theo tôi tập luyện vì thế cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Ví dụ như khi tôi tìm được một địa điểm tốt và ký hợp đồng thuê 5-7 năm, nhưng chỉ 1-2 năm sau thì họ lại không cho mình thuê nữa, làm tôi phải tìm địa điểm thuê khác mà không có sự ổn định để phát triển.
Phải đến những năm gần đây, tôi mới tìm được địa điểm để phát triển ổn định. Chỉ khi nào ổn định được một địa điểm tập luyện, các VĐV mới đến duy trì và theo mình tập. Việc đào tạo một VĐV MMA không chỉ kéo dài trong 1-2 năm mà lên tới 3-4 năm, chừng đó mới tạo ra một võ sĩ đủ tốt để thi đấu. May mắn là hiện tại tôi và Chủ tịch Ngô Đức Quỳnh đã thành lập Liên đoàn MMA Việt Nam để đào tạo ra những võ sĩ xuất sắc nhất, ra nước ngoài thi đấu và giành thành tích ở đấu trường quốc tế cho võ thuật Việt Nam.
- Đâu là lý tưởng để ông và các cộng sự quyết định thành lập Liên đoàn MMA Việt Nam?
Chúng tôi và Chủ tịch Ngô Đức Quỳnh muốn mang lại một làn gió mới cho thể thao đối kháng nói chung và võ thuật nói riêng tại Việt Nam, nhất là MMA. Làn gió mới này không chỉ thổi vào võ sĩ mà còn đến khán giả nữa. Ở đây, bản thân võ sĩ cũng được sống với đam mê, yêu thích và sống với nghề, còn khán giả được xem võ sĩ cống hiến. Đó là 2 điểm nhấn mà tôi và Chủ tịch Ngô Đức Quỳnh luôn đặt tâm huyết để xây dựng giải đấu MMA danh tiếng nhất Việt Nam.
Cuộc đời tôi đã chứng kiến rất nhiều VĐV không chỉ trong thể thao đối kháng, mà còn ở thể thao nói chung trải qua nhiều bất cập. Thế nên chúng tôi tạo dựng một sân chơi chung cho những võ sĩ. Họ không chỉ có thu nhập đủ nuôi bản thân và gia đình, mà còn có khả năng trở thành một ngôi sao thể thao, tạo ra sức hút với công chúng, người yêu võ thuật trong và ngoài nước. Nếu trong vài năm tới chúng tôi đào tạo ra một võ sĩ chinh phục những giải thưởng danh giá của MMA thế giới, võ sĩ đó sẽ trở thành thần tượng giới trẻ.
- Trong tâm thức khán giả, MMA là môn võ ít nhiều mang thiên hướng bạo lực. Khi đào tạo VĐV, ông có phải tìm hiểu về đời sống bên ngoài của võ sĩ và giáo dục họ không?
Một khi võ thuật đã chuyên nghiệp hóa, bản thân võ sĩ phải tự kiểm soát mình. Công ty và nhà quản lý võ sĩ cũng sẽ góp phần. Nói MMA là môn thể thao đối kháng bạo lực cũng không hẳn là đúng, bởi con đường phát triển ban đầu của MMA là so sánh giữa các môn phái để tìm ra môn phái nào mạnh nhất. Đó là lý do họ cho phép tất cả các thể thức võ thuật vào thi đấu. Trong nhiều môn võ đó, có những đòn thế không đẹp khiến MMA bị gắn mác bạo lực.
Trên thực tế, từ năm 2000, MMA chính thức là một thể thức thi đấu có bộ luật rõ ràng, mang tính chất thể thao nên tính cống hiến trong giao đấu rất hay. Thị trường MMA là một trong những môn thể thao đối kháng phát triển mạnh nhất 15 năm qua.
- Khi chuyển sang MMA, ông có những lợi thế gì nhờ thành tích trong quá khứ?
Quá trình tập luyện thể thao và giành thành tích cao trước kia giúp tôi có rất nhiều kinh nghiệm quý báu khi làm công tác quản lý võ sĩ, HLV. Tôi từng trải qua giai đoạn như vậy, nên tôi hiểu võ sĩ như thế nào, HLV ra sao. Kinh nghiệm đó giúp tôi có thể áp dụng khi điều hành Liên đoàn MMA Việt Nam.
- COVID-19 đã khiến dự định phát triển MMA tại Việt Nam lùi lại bao xa, thưa ông?
Nhìn vào lịch sử, MMA đã du nhập vào Việt Nam khoảng hơn 10 năm, nhưng giai đoạn 2014-2016 phát triển tự phát nên không được các cơ quan quản lý thể thao ủng hộ. Sau này chúng tôi đã phát triển một cách chính thống nên có thêm điều kiện phát triển, nhưng 2 năm vừa qua, dịch bệnh khiến chúng tôi để lỡ rất nhiều dự định. Ví dụ như năm ngoái, chúng tôi dự kiến tổ chức 4-5 sự kiện võ thuật nhưng phải tạm hoãn.
Phải đến cuối năm ngoái chúng tôi mới có thể tổ chức sự kiện ra mắt MMA đầu tiên tại Việt Nam. Hy vọng trong năm 2022, Liên đoàn sẽ tổ chức được nhiều sự kiện hơn nữa để phục vụ người hâm mộ theo dõi, quan tâm.
- Ông luôn đề cao quy củ và kỷ luật...
Đúng vậy. Trong thể thao và võ thuật, phải có quy củ và kỷ luật thì mới phát triển được. Khi tôi đã làm một điều gì đó, tôi muốn mình phải làm chi tiết đến từng thứ nhỏ nhất cho sự kiện trọn vẹn. Trong những năm tháng sống tại châu Âu, tôi đã học được nếp sống quy củ, kỷ luật đó của người phương Tây. Trong những chuyện như giờ giấc, họ đặc biệt chính xác chứ không bao giờ trễ hẹn hay quá giờ. Đó là điểm nổi bật mà tôi cần học hỏi.
Trong thi đấu võ thuật, tôi phê phán những trận đánh chui, không có luật lệ, trọng tài hay nhà quản lý tham gia. Nếu tổ chức chui và xảy ra sự cố dẫn đến chấn thương nặng cho các võ sĩ, mọi chuyện sẽ ra sao? Những trận đấu chui không đảm bảo an toàn và có thể gây ra những sự cố như thế, vậy nên tôi luôn phê phán. Tôi hay gọi đó là những trận đấu không chính thống. Thi đấu chính thống thì phải có điều lệ rõ ràng, theo những môn nào, luật nào, phải rõ ràng.
Bây giờ chúng tôi đã có luật MMA, nếu thi đấu phải theo luật MMA và chia hạng cân rõ ràng. Thi đấu chính thống không chỉ cần có luật, mà phải có cả chia hạng cân nữa vì cân nặng khác nhau tạo khác biệt rất lớn khi thi đấu. Một khi tạo ra sân chơi, chúng ta cần làm nó một cách công bằng và minh bạch trong mọi thứ. Ai cũng thích một cuộc chơi mở, rõ ràng từ cân lạng, ngày giờ thi đấu đến tiền thưởng.
- Hiện tại, một ngày của ông bắt đầu và kết thúc như thế nào?
Điều này tùy vào từng giai đoạn, phụ thuộc vào công việc hiện tại. Khi giải đấu chuẩn bị diễn ra, tôi có thể làm việc ngày đêm cùng các cộng sự. Ngoài ra, tôi cũng đi về các địa phương để quan sát phong trào tập luyện võ thuật ở từng nơi. Nhìn chung tôi không có thời gian biểu cố định vì việc đó hoàn toàn phụ thuộc vào công việc ở từng thời điểm.
- Cảm ơn ông vì buổi trò chuyện này!