Bong da Viet Nam
Gửi bài
back-to-top
Bóng đá Bóng đá Việt Nam Đội tuyển Việt Nam

Việt Nam - Trung Quốc: Ngày không thanh bình của Thanh Bình

Thứ sáu, 08/10/2021 11:24 (GMT+7)

Trung vệ trẻ của ĐT Việt Nam đã có kỷ niệm đáng quên ở một trong những trận đấu quan trọng nhất sự nghiệp của mình.

Chủ Đề: ĐT Việt Nam tại Vòng loại World Cup 2022

Ngày không thanh bình

Ở một trong những trận đấu quan trọng nhất vòng loại World Cup, ĐT Việt Nam đã để thua trước Trung Quốc với tỷ số 2-3. Những nỗ lực rất đáng khen của các cầu thủ trong những phút cuối của hiệp 2 là không đủ để giúp chúng ta tránh được một trận thua cay đắng.

Trong những bàn thua mà ĐT Việt Nam phải nhận, có hai pha bóng đến từ Vũ Lỗi. Và người theo kèm ngôi sao bên phía ĐT Trung Quốc lại là Nguyễn Thanh Bình, cầu thủ trẻ nhất trong danh sách tập trung của ĐTQG Việt Nam từ đầu tháng 8.

Việt Nam - Trung Quốc: Ngày không thanh bình của Thanh Bình - Ảnh 3
Thanh Bình trong tình huống ghi bàn của Vũ Lỗi - Ảnh: VFF

Thực tế mà nói, trong tình huống dẫn tới bàn nâng tỷ số lên 2-0 của Trung Quốc, Vũ Lỗi đã quá khôn ngoan khi luồn lách về phía sau lưng của Thanh Bình và tạo ra điểm cắt hoàn hảo cho pha tạt bóng của đồng đội. Ở pha bóng ấy, chỉ có thể nhận định rằng hậu vệ của chúng ta đã thiếu một chút kinh nghiệm ở các trận đấu lớn.

Còn ở tình huống để thua bàn quyết định với tỷ số 2-3, chàng trung vệ sinh năm 2000 lần này đã theo kèm Vũ Lỗi như hình với bóng. Nhưng sự tinh quái, sức rướn và cả khả năng ra chân nhanh của tiền đạo hiện đang thi đấu ở Tây Ban Nha đã vượt qua được sức trẻ của Thanh Bình để ghi một trong những bàn thắng ý nghĩa nhất của tuyển Trung Quốc tại vòng loại World Cup.

Xuyên suốt 18 phút có mặt trên sân, Thanh Bình cũng không thể hiện được nhiều. Anh có một pha không chiến và thất bại, đồng thời cũng chỉ có 1 pha đối đầu với đối phương. Hậu vệ của CLB Viettel xoạc bóng thành công 1 lần nhưng không ngăn cản được đường chuyền hay cú sút nào. Anh cũng chạm bóng 16 lần, để mất bóng 4 lần trong số đó.

Quyết định sử dụng Thanh Bình có lẽ là một trong những sai lầm lớn nhất mà HLV Park Hang Seo đã đưa ra xuyên suốt sự nghiệp cầm quân của mình tại Việt Nam. Vị chiến lược gia người Hàn Quốc đã ngầm thừa nhận suy nghĩ ấy trước báo giới, nhưng ông cũng không có nhiều sự lựa chọn. Trong bối cảnh Tiến Dũng nén đau thi đấu tới phút 70 thì kiệt sức, Thành Chung chưa hồi phục hoàn toàn chấn thương còn Bùi Hoàng Việt Anh không thể đá trung vệ lệch trái, cầu thủ thuộc biên chế CLB Viettel là người khả dĩ nhất cho 18 phút cuối cùng ở trận đấu gặp đối thủ mà bất cứ người dân Việt Nam nào cũng muốn thắng.

Thật đáng tiếc khi anh đã không có phong độ tốt nhất ở một trong những trận đấu ý nghĩa nhất đối với bóng đá Việt Nam thời điểm hiện tại.

Việt Nam - Trung Quốc: Ngày không thanh bình của Thanh Bình - Ảnh 1
Hậu vệ của ĐT Việt Nam thường thất thế khi tranh chấp - Ảnh: Getty

Với Thanh Bình, chiếc áo ở ĐTQG có quá rộng?

Nhiều người xem bóng đá lâu năm cũng không hề biết tới Nguyễn Thanh Bình cho đến khi anh được triệu tập lên ĐT Việt Nam vào tháng 5 và có màn ra mắt vào tháng 9. Bởi trước năm 2021, trung vệ sinh năm 2000 còn chưa thi đấu ở V.League.

Nguyễn Thanh Bình ra mắt CLB Viettel tại giải bóng đá cao nhất Việt Nam vào ngày 14/3/2021 trong trận đấu gặp Becamex Bình Dương. Gần 2 tháng sau, anh được triệu tập lên đội tuyển quốc gia. Nhìn những bước tiến ‘thần tốc’ ấy, nhiều người tin rằng chúng ta đã có một trung vệ trẻ tài năng cho tương lai. Nhưng ngược lại, cũng có những sự nghi ngại nhất định cho cầu thủ thuộc biên chế CLB Viettel.

Bởi trong 2 tháng ra mắt V.League, Thanh Bình cũng chỉ thi đấu 12 trận. Trong số này, cầu thủ quê Thái Bình ra sân đá chính 4 lần và có 2 trận thi đấu trọn vẹn 90 phút trên sân. Anh đá tổng cộng 559 phút ở V.League, chỉ tương đương với hơn 6 trận được đá một cách trọn vẹn. 

Việt Nam - Trung Quốc: Ngày không thanh bình của Thanh Bình - Ảnh 4
Quyết liệt không phải là điểm mạnh của Thanh Bình - Ảnh: Getty

Như vậy, ngay ở CLB Viettel, Thanh Bình cũng không phải là cầu thủ có suất đá chính ở V.League. Và dù trung vệ cao 1,8m thi đấu đủ 6 trận ở Champions League châu Á (trong đó có 5 lần đá chính và 1 lần dự bị) thì khán giả cũng dễ dàng nhận ra những hạn chế của anh khi đối đầu với những tiền đạo đẳng cấp châu Á.

Ngay ở bình diện V.League, ta có thể chỉ ra nhiều cầu thủ có thể làm tốt hơn ở vị trí trung vệ lệch trái. Đó sẽ là Văn Hậu, người thường xuyên được HLV Park Hang Seo sử dụng ở vị trí này. Ngoài ra, Hữu Tuấn của HAGL cũng rất đáng tin. Họ cũng có kinh nghiệm hơn rất nhiều so với Thanh Bình của thời điểm hiện tại.

Dường như, ngôi sao trẻ của bóng đá Việt Nam đang nhận được sự ưu ái hơn từ những người làm chuyên môn ở cấp độ ĐTQG. Đó có thể là chính sách triệu tập cầu thủ trẻ để rèn giũa, nhưng rõ ràng màn trình diễn của Thanh Bình cho thấy anh chưa xứng đáng khoác áo ĐTQG.

Thanh Bình có nên học hỏi Bùi Tiến Dũng?

Có thể thấy, Thanh Bình không phải là mẫu cầu thủ có thể thi đấu thăng hoa ở các trận đấu gặp đối thủ có đẳng cấp cao hơn. HLV Thạch Bảo Khanh từng nhận xét, anh có khả năng phán đoán rất tốt và tiến bộ rõ rệt qua từng thời điểm trong mùa giải năm 2020 và 2021.

Đối với hậu vệ mà nói, khả năng phán đoán giống như một món quà. Đó không phải là một kỹ năng mà mọi người đều có, mà là một sự nâng cấp, sự hoàn thiện trong cách chơi, cách phòng ngự của một cá nhân.

Việt Nam - Trung Quốc: Ngày không thanh bình của Thanh Bình - Ảnh 2
Trận đấu thất vọng sẽ là bài học cho cầu thủ sinh năm 2000 - Ảnh: Getty

Những phẩm chất ấy là sự nâng cấp của khả năng phòng ngự, nhưng điều quan trọng nhất là phần ‘móng’, là kỹ năng cơ bản của các cầu thủ thì nhiều người bỏ qua. Với Thanh Bình, anh dường như thiếu những kỹ năng vào bóng, che chắn cần thiết. Sự quyết liệt là điều mà trung vệ này thiếu trong những pha tranh bóng.

Ở trong câu chuyện này, chính đàn anh của Thanh Bình là Bùi Tiến Dũng là một ví dụ điển hình. Trước đây, cầu thủ quê Hà Tĩnh luôn gặp khó khi gặp những đối thủ cao to hơn, đẳng cấp hơn và thường xuyên  rơi vào thế ‘phán đoán được tình huống nhưng cơ thể không thể ngăn cản pha làm bàn của đối thủ’. Việc Tiến Dũng phải nhiều lần chấp nhận phạm lỗi đến từ lý do này và đã khiến chúng ta phải trả giá, như ở các trận gặp Qatar, Iraq ở giải U23 châu Á 2018 hay một số trận đấu ở V.League.

Sau những lần chinh chiến ấy, Tiến Dũng đã tiến bộ hơn. Lần cuối cùng anh phạm lỗi trong vòng cấm là vào tháng 1/2019, ở trận đấu giữa ĐT Việt Nam và ĐT Nhật Bản tại Asian Cup. Kể từ đó tới nay, chốt chặn sinh năm 1995 gần như không bao giờ để bị thất thế trong những pha phòng ngự, dù chiều cao của anh không phải là tốt nhất. Đến thời điểm này, chính Tiến Dũng cũng trở thành trụ cột của ĐTQG Việt Nam, dù trước đó anh từng phải ngồi dự bị cho Đình Trọng ở AFF Cup 2018.

Trong hai bàn thắng của Vũ Lỗi, Thanh Bình cũng là người duy nhất xuất hiện ở điểm bóng, nhưng sự non nớt và thiếu quyết đoán của anh đã không thể ngăn cản được đối thủ ghi bàn. Đó cũng là một trong những biểu hiện của việc anh đã phán đoán đúng tình hình nhưng không biết cách xử lý ra sao. Vì vậy, cầu thủ này cần cải thiện thêm những kỹ năng phòng ngự và tích lũy kinh nghiệm để có thể trở thành một trung vệ giỏi.

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá