Việt Nam vs Nhật Bản: Khởi đầu mới của thầy Park
Thứ năm, 11/11/2021 10:18 (GMT+7)
Vào lúc 19h00 tối nay 11/11, ĐT Việt Nam sẽ đón tiếp Nhật Bản trên sân Mỹ Đình. Trận đấu này cũng đánh dấu cột mốc mới trong quá trình phát triển của bóng đá nước nhà, khi HLV Park Hang Seo được nhận bản hợp đồng đặc biệt.
Ngày 11/11, ĐT Việt Nam và ĐT Nhật Bản sẽ chạm trán nhau ở vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á. Đây tưởng chừng như một cuộc đấu hoàn toàn bình thường, nhưng thực tế lại đánh dấu rất nhiều điều mới cho bóng đá Việt.
Trước cuộc so tài trên sân Mỹ Đình một ngày, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và HLV Park Hang Seo đã đồng ý ký vào bản hợp đồng mới có thời hạn một năm. Ông sẽ tại vị với tư cách HLV trưởng ĐTQG tới năm 2023, kéo dài nhiệm kỳ của mình ở đất nước hình chữ S lên tới con số hơn 5 năm.
Vì thế, trận đấu gặp ĐT Nhật Bản trên sân nhà ngày hôm nay sẽ là một khởi đầu mới cho HLV Park Hang Seo, khi ông chính thức bắt đầu bản hợp đồng thứ 3 với VFF. Nhưng ngoài sự tươi mới về mặt tâm lý, chiến lược gia người Hàn Quốc cũng tạo ra những thay đổi trong tư tưởng và cách làm bóng đá vào thời điểm này.
Không còn cảnh ‘vừa xay lúa, vừa bế em’
HLV Park Hang Seo gia hạn tới năm 2023 không phải là thông tin duy nhất được đưa ra trong buổi chiều ngày 10/11. Một quyết định khác cũng rất đáng chú ý được thông báo sau đó, khi ông thầy người Hàn Quốc sẽ không còn dẫn dắt ĐT U23 Việt Nam sau SEA Games 2021. Đó cũng là một trong những điều khoản quan trọng trong hợp đồng mà phía vị chiến lược gia người Hàn Quốc đấu tranh để đưa vào khi đàm phán.
Điều này sẽ đánh dấu lần đầu tiên sau nhiều năm, ĐT U23 Việt Nam không được dẫn dắt bởi HLV trưởng ĐTQG. Trước đó, các HLV Miura, Hữu Thắng, Hoàng Văn Phúc… đều nắm cả 2 đội trong thời gian cầm quyền. Xa hơn, ta có thể kể tới những cái tên khác nhue Alfred Riedl, Henrique Calisto hay Falko Gotz.
Việc để HLV trưởng ĐTQG kiêm nhiệm ở ĐT U23 Việt Nam là điều từ lâu đã gây tranh cãi trong giới mộ điệu. Trên thế giới, gần như các HLV trưởng ĐTQG và nhóm làm bóng đá trẻ là hoàn toàn tách biệt. Ở Đông Nam Á cũng có 2 cách làm khác nhau, trong đó ĐT Thái Lan có sự chuyển đội liên tục giữa 2 ‘trường phái’ (thời HLV Kiatisuk và Rajevac thì HLV ĐT U23 là các trợ lý, sau đó đến thời HLV Nishino thì ông phải kiêm nhiệm cả 2 chức vụ).
Bản thân HLV Park Hang Seo cũng có những bất đồng nhất định với VFF về cách làm này. Có thể thấy, dù ông Park đứng tên chỉ đạo ở đội U23, nhưng trong các giải đấu không quá quan trọng, trợ lý của ông, HLV Kim Han Yoon có toàn quyền chỉ đạo.
Với sự thay đổi mới nhất trong hợp đồng với VFF, HLV Park Hang Seo dường như đã giành được 1 chiến thắng quan trọng. Nhưng điều đó không chỉ có lợi cho vị chiến lược gia người Hàn Quốc. Bóng đá Việt Nam có thể hướng tới sự chuyên nghiệp cao hơn khi tách biệt ĐTQG với đội U23.
Thầy trò HLV Park nhìn lại chính mình
Sau 4 trận đấu đầu tiên ở vòng loại cuối World Cup 2022, ĐT Việt Nam đã toàn thua. Chúng ta ghi được 4 bàn nhưng để thủng lưới tới 10 lần. Nếu xét với thành tích chỉ để thua 4 bàn trong 8 trận ở vòng loại thứ 2, rõ ràng hàng thủ đang thi đấu sa sút.
Trong đó, trình độ của đối thủ là điều mà chúng ta cần phải nhìn nhận lại. Trước khi tham dự vòng loại thứ ba, đã có những tính toán về việc giành được những điểm số trước các đối thủ cùng bảng. Nhưng trên thực tế, có thể nhận thấy rõ ĐT Việt Nam là đội không có lực lượng tương xứng với các đội khác, cả ở trình độ và sự tinh quái.
HLV Park Hang Seo dường như đã có những tính toán không thực sự chuẩn xác khi có những tham vọng giành chiến thắng trước Trung Quốc và Oman, để rồi chúng ta phải nhận những bàn thua mà hàng thủ đã không hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Như ở chính trận gặp Trung Quốc, họ mở tỷ số từ một pha phản công, trong thời điểm mà ông thầy người Hàn Quốc đã có những điều chỉnh để muốn có bàn thắng trong đầu hiệp 2 (Văn Toàn vào thay Văn Đức). Còn ở trận gặp Oman, chúng ta nỗ lực nhiều hơn trong dứt điểm, nhưng hàng thủ lại mắc những sai lầm không đáng có và trận đấu dường như đã kết thúc sau bàn thắng đậm chất ‘quái’ từ chấm phạt góc của đối phương.
Chính vì thế, trận đấu gặp Nhật Bản ngày 11/11 có thể đánh đấu một thái độ hoàn toàn khác của ĐT Việt Nam so với những cuộc so tài trước đó. Một sự thận trọng lớn hơn đi kèm với những mục tiêu thực tế và cụ thể hơn có thể sẽ xuất hiện trên sân Mỹ Đình, khi mà các cầu thủ và ban huấn luyện chúng ta dần nhận ra khoảng cách trình độ và chiến thuật với các đội khác là không hề nhỏ.