Vì sao VAR ở sân Vinh 'vô dụng', không thể xác định cầu thủ Nam Định việt vị hay chưa?
Thứ ba, 05/03/2024 14:26 (GMT+7)
VAR ở trận đấu giữa SLNA và Nam Định đã mất hơn 5 phút để kiểm tra, tuy nhiên những góc quay truyền hình sau đó vẫn không thể xác định rõ cầu thủ đội khách đã việt vị hay chưa.
“Đây là tình huống khó, không có góc máy tốt nhất, tổ VAR đã mất tới hơn 5 phút kiểm tra nhưng không thể đưa ra được quyết định. Theo nguyên tắc, nếu các góc máy không xác định được cầu thủ có việt vị hay không thì phải tôn trọng quyết định của trọng tài trên sân. Đây là điều đã được phổ biến từ trước giải. Do đó các trọng tài đã làm đúng quy trình”, trưởng ban trọng tài Đặng Thanh Hạ nhận định về bàn thắng của CLB Nam Định.
Tình huống diễn ra ở phút 90+5 khi Rafaelson đá phạt, khiến thủ môn Văn Việt phải đấm bóng. Tô Văn Vũ sau đó đón bóng và dứt điểm từ tuyến hai, ghi bàn cho CLB Nam Định. Tuy nhiên, tranh cãi về việc hậu vệ Văn Vĩ (CLB Nam Định), người đã tham gia vào tình huống này, có việt vị hay không lại không được làm sáng tỏ. VAR sau đó mất hơn 5 phút để làm việc nhưng những hình ảnh được cung cấp trên truyền hình cũng không thể xác định rõ ràng.
Nguyên nhân của hạn chế nói trên xuất phát từ gói VAR mà ban tổ chức V.League đang sử dụng chỉ có 8 máy quay cho cả sân. Đây là gói VAR Light, có chi phí thấp nhất trong các gói VAR được FIFA cấp phép. Trong khi đó, gói VAR hoàn chỉnh có thể lên đến 42 camera nhưng chi phí hơn rất nhiều.
Tuy chỉ là gói VAR “nhà nghèo” nhưng chi phí cho mỗi xe VAR tại V.League cũng dao động trong khoảng 9-11 tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí vận hành, nhân sự và các khoản phát sinh. Theo tìm hiểu, để đưa được VAR vào áp dụng tại V.League 2023/24, con số ban tổ chức phải bỏ ra rơi vào khoảng 3 triệu USD (hơn 70 tỷ đồng).
V.League hiện cũng chưa thể áp dụng VAR vào tất cả các trận đấu trong 1 vòng, bởi cả giải hiện mới chỉ có 2 xe VAR, được bố trí sử dụng tại các sân vận động từ Hà Tĩnh trở ra phía Bắc. Theo kế hoạch, VPF đang chờ FIFA hỗ trợ thêm 2 xe VAR nữa mới có thể “phủ sóng VAR” tới toàn bộ V.League. FIFA chia việc cấp phép VAR thành các gói để mỗi giải đấu có thể lựa chọn theo mức ngân sách của mình. Tổ chức này cũng quy định rất nghiêm ngặt, khiến các liên đoàn thành viên buộc phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn, đồng thời chỉ được sử dụng các thiết bị đến từ 2 nhà cung cấp do FIFA chỉ định.
Còn nhớ trong lần đầu được áp dụng tại World Cup 2018, chi phí cho VAR ở mỗi trận đấu rơi vào khoảng 700.000 USD (hơn 17 tỷ đồng). Khi ấy, chủ nhà Nga triển khai VAR với 33 camera đặt quanh sân. Dù vậy, đó là con số rất lớn và không phải đơn vị tổ chức nào cũng kham nổi. Tại AFC Champions League 2023/24, gói VAR được LĐBĐ châu Á sử dụng cũng chỉ có 16 camera.
Rõ ràng, sự xuất hiện của VAR đã giúp V.League 2023/24 giảm bớt đi nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, với mức ngân sách còn hạn hẹp, thật khó để đòi hỏi chất lượng VAR tại V.League được như những giải đấu lớn trên thế giới.