U22 Việt Nam trở thành cựu vương SEA Games: Nỗi khổ tâm của Philippe Troussier
Chủ nhật, 14/05/2023 10:14 (GMT+7)
Những giọt nước mắt đã rơi sau khi U22 Việt Nam của HLV Philippe Troussier không thể bảo vệ thành công Huy chương vàng SEA Games nhưng thực tế, đây là viễn cảnh được dự báo trước.
Như vậy, U22 Việt Nam đã thất bại trong chiến dịch bảo vệ tấm Huy chương vàng SEA Games. Sau 2 kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á liên tiếp đứng trên bục cao nhất dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo, giờ U22 Việt Nam lại chỉ có thể hướng đến một tấm Huy chương đồng tại SEA Games 32. Nhưng khách quan mà nói, đây không phải kết quả bất ngờ, chính xác hơn là một viễn cảnh đã được dự báo trước.
Nỗi lo thực tế đã xuất hiện ngay từ khi HLV Philippe Troussier công bố danh sách cầu thủ dự SEA Games 32. Không phải những gương mặt lạ lẫm với người hâm mộ nhưng phần lớn cầu thủ được chiến lược gia người Pháp lựa chọn đều rất thiếu kinh nghiệm, ít có cơ hội thi đấu ở cấp CLB.
Ngay cả một cái tên thuộc dạng kỳ cựu trong đội như thủ môn Quan Văn Chuẩn cũng mới chỉ có màn ra mắt V.League chính thức cho CLB Hà Nội ngay trước thềm SEA Games 32. Đó lại là trận đấu mà người gác đền trẻ này mắc lỗi trực tiếp khiến đội bóng thủ đô thua thảm rồi mất luôn ngôi đầu.
Quan Văn Chuẩn, với ít nhất 2 sai lầm trực tiếp dẫn đến bàn thua ở SEA Games 32 cũng là hình ảnh tiêu biểu cho U22 Việt Nam. Đó là những cầu thủ tiềm năng, nhưng quá thiếu cơ hội thực chiến và đương nhiên, sẽ dẫn tới sự thiếu tự tin cũng như bối rối ở nhiều thời điểm quan trọng.
Trước U22 Indonesia, trong thế chơi hơn người suốt hơn 30 phút cuối, U22 Việt Nam lại tỏ ra quá nóng vội và thiếu chính xác ở hàng loạt tình huống, rồi dẫn đến bàn thua ở khoảng thời gian bù giờ. Đúng như những gì HLV Troussier nhận xét sau trận, các cầu thủ vẫn non nớt, thiếu kinh nghiệm thực chiến.
Công bằng mà nói, U22 Việt Nam không tấn công trong thế hơn người ấy cũng chẳng được, bởi ai cũng muốn kết thúc trận đấu trong khoảng thời gian thi đấu chính thức. Họ có cơ sở, cũng có cơ hội, chỉ là thiếu đi một chút may mắn và sau đó không còn giữ được cái đầu lạnh ở những giây bù giờ để lui về chờ hiệp phụ.
Sai sót là điều không thể thiếu ở các cầu thủ trẻ và phải trải qua những cú vấp mới có thể trưởng thành. Nhưng vấn đề của dàn “sao mai” U22 Việt Nam, hay cả một lứa tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam, chính là càng ngày càng có ít cơ hội để “được sai” rồi “được sửa sai”.
Phần lớn các cầu thủ U22 Việt Nam dự SEA Games 32 đều chưa có chỗ đứng ở CLB và không thường xuyên được trải nghiệm không khí căng thẳng của những trận đấu chính thức. Dù có tài năng, tiềm năng đến đâu thì việc không được ra sân cũng sẽ khiến những phẩm chất thiên phú bị bào mòn dần.
Nhìn sang U22 Thái Lan hay U22 Indonesia, có thể thấy rõ sự khác biệt về kinh nghiệm thi đấu. Cùng một lứa tuổi nhưng họ đã có những cầu thủ chơi bóng tại nước ngoài, hoặc là trụ cột ở cấp độ CLB, thậm chí khiến liên đoàn bóng đá phải “đấu tranh” với đội bóng chủ quản để được dự SEA Games.
HLV Troussier quả thật không có nhiều lựa chọn về mặt nhân sự. Việc so sánh U22 Việt Nam của ông với người tiền nhiệm Park Hang Seo ở 2 kỳ SEA Games trước cũng là rất thiếu công bằng. Như chiến lược gia người Pháp chia sẻ, U22 Việt Nam lấy đâu ra 5 tuyển thủ quốc gia như SEA Games 31, hay 9 cái tên thuộc diện từng “ăn cơm tuyển” giống SEA Games 30?
Bên cạnh đó, áp lực thành công từ thành công trước kia chắc chắn cũng tạo nên áp lực vô hình đối với tập thể U22 Việt Nam và cả cá nhân HLV Troussier. Với chiến lược gia người Pháp, đây mới là giải đấu quan trọng đầu tiên của ông kể từ khi chính thức kế nhiệm HLV Park Hang Seo, nắm trong tay một lứa cầu thủ mới, thiếu cả ngôi sao lẫn kinh nghiệm.
U22 Việt Nam cũng như HLV Troussier vì thế đáng được cảm thông hơn là đáng trách vì không thể bảo vệ tấm Huy chương vàng SEA Games. Đây phải là trách nhiệm chung của cả nền bóng đá và cần có sự thay đổi, đặc biệt cần chú trọng, tạo môi trường tối đa cho những cầu thủ trẻ…