Tuyển chạy tiếp sức nữ Bahrain hạ Việt Nam, phá kỷ lục ASIAD 19 với dàn VĐV gốc Nigeria
Thứ tư, 04/10/2023 21:51 (GMT+7)
Đội tuyển Điền kinh Bahrain đã vượt qua Ấn Độ, Sri Lanka và Việt Nam để giành HCV ASIAD 19, và trong số 4 VĐV tham gia thi đấu của họ, chắc chắn có 2 người là chân chạy sinh ra, lớn lên tại Nigeria.
Chủ Đề: ASIAD 2026
Tại nội dung chạy tiếp sức 4x400m nữ của môn Điền kinh ASIAD 19, các VĐV Việt Nam về vị trí thứ 4 chung cuộc và không có huy chương. Giành HCV và phá kỷ lục ASIAD tại hạng mục này là bộ 4 vận động viên người Bahrain. Họ là Muna Saad Mubarak, Oluwakemi Mujidat Adeyoka, Zenab Moussa Ali Mahamat và Salwa Eid Naser.
Trong số 4 gương mặt trên, Oluwakemi Mujidat Adeyoka và Salwa Eid Naser Naser được chính thức xác nhận là người gốc Nigeria. Salwa Eid Naser Naser có tên khai sinh là Ebelechukwu Antoinette Agbapuonwu. Theo truyền thông Trung Đông, bố của cô là người gốc Bahrain, nên VĐV này lập tức được nhập quốc tịch khi 14 tuổi.
Sau khi nhập tịch Bahrain, Ebelechukwu đổi tên thành Salwa Eid như hiện tại, đồng thời chuyển sang đạo Hồi. Cô từng giành HCB Olympic trẻ 2014, HCV giải vô địch điền kinh trẻ thế giới 2015 trên đường chạy 400m. Cũng ở nội dung này, Salwa Eid đã giành HCB thế giới 2017, HCV thế giới 2019.
Oluwakemi "Kemi" Mujidat Adekoya cũng được chính thức xác nhận là người Bahrain gốc Nigeria. Cô từng tham dự một số giải điền kinh tại Nigeria nhưng chưa lên đội tuyển quốc gia. Đến năm 2014, VĐV này bất ngờ chuyển sang nhập tịch và thi đấu cho đội tuyển Bahrain từ đó đến nay.
Tại ASIAD 18 diễn ra vào năm 2018 tại Indonesia, Adekoya từng giành 2 HCV nội dung 400m vượt rào nữ và 4x400m tiếp sức hỗn hợp nam nữ. Nhưng sau đó, VĐV này bị kết luận sử dụng doping. HCV ASIAD của cô bị hủy, và VĐV Việt Nam Quách Thị Lan được đôn lên giành HCV nội dung chạy 400m vượt rào nữ.
Bỏ qua một bên bê bối doping, Adekoya đã thi đấu ấn tượng tại ASIAD 19. Cô giành HCV trong cả 4 nội dung tham dự là chạy 400m nữ, 400m vượt rào nữ, 4x400m tiếp sức đồng đội nữ và 4x400m tiếp sức đồng đội hỗn hợp nam nữ. Thành tích này biến cô trở thành một trong những VĐV xuất sắc nhất kỳ Á vận hội năm nay.
2 VĐV còn lại trong đội hình thi đấu nội dung chạy tiếp sức 4x400m nữ của Bahrain, Muna Saad Mubarak và Zenab Moussa Ali Mahamat được ghi là người gốc Bahrain hoàn toàn. Tuy nhiên, thông tin thực tế có thể không phải như vậy. Zenab Moussa Ali có một tài khoản Facebook cá nhân, nhưng cô chủ yếu sử dụng tiếng Pháp trên đó.
Tại Bahrain, 2 ngôn ngữ chính được sử dụng là tiếng Arab và tiếng Anh, cùng một số thổ ngữ địa phương. Việc Zenab Moussa Ali sử dụng ngôn ngữ khác 2 thứ tiếng kia là một điều bất bình thường. Tìm hiểu thêm trên trang cá nhân của VĐV, có thông tin cho thấy cô từng để hình đại diện là quốc kỳ Cộng hòa Tchad, một nước Trung Phi.
Ngôn ngữ chính được sử dụng tại Cộng hòa Tchad là tiếng Arab và tiếng Pháp. Ngoài ra, nhiều bạn bè bình luận, thích các bài viết của Zenab Moussa Ali cũng ghi thông tin họ sinh ra và lớn lên tại Cộng hòa Tchad. Điều này không đúng với thông tin của Zenab Moussa Ali, người ghi mình sinh ra và lớn lên tại Bahrain.
2 thành viên khác của đội chạy tiếp sức 4x400m nữ của Bahrain được đăng ký nhưng không thi đấu là Awtif Imoleayo Abdallah Ahmed và Aminat Oluwaseun Yusuf Jamal. Trong đó, Yusuf Jamal được một cộng đồng VĐV điền kinh Nigeria chính thức xác nhận có nguồn gốc từ quốc gia châu Phi này. Cô từng giành HCĐ thế giới 2019.
Tại ASIAD 19, Bahrain chính là đội tuyển xếp thứ nhì toàn đoàn trong môn Điền kinh, chỉ sau chủ nhà Trung Quốc. Trước ngày thi đấu cuối cùng (chỉ còn 2 nội dung Marathon nam và nữ), các VĐV Bahrain đã giành tổng cộng 9 HCV. Đáng chú ý hơn, chủ nhân của tất cả những tấm HCV đó đều có liên quan đến VĐV nhập tịch:
- Birhanu Balew: HCV 5.000m nam, 10.000m nam, là người gốc Ethiopia.
- Oluwakemi Adekoya: HCV 400m nữ, 400m vượt rào nữ, 4x400m tiếp sức đồng đội nữ, 4x400m tiếp sức đồng đội hỗn hợp nam nữ, là người gốc Nigeria.
- Winfred Yavi: HCV 1.500m nữ, 3.000m vượt chướng ngại vật nữ, là người gốc Kenya.
- Violah Jepchumba: HCV 10.000m nữ, là người gốc Kenya.
- Musa Isah: HCV 4x400m tiếp sức đồng đội hỗn hợp nam nữ, là người gốc Nigeria.
Vào năm 2018, khi được hỏi về chiến lược sử dụng VĐV nhập tịch để trở thành cường quốc Điền kinh châu Á, ông Bader Nasser, Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Bahrain giải thích: "Chúng tôi nhập tịch VĐV đúng theo quy định của Liên đoàn Điền kinh Thế giới. Những VĐV này được nhập tịch khi họ còn nhỏ và được đào tạo dần".
"Chúng tôi không nhập tịch VĐV đã thành danh, mà tìm những người có tiềm năng và đào tạo họ thành nhà vô địch", ông Bader Nasser nói thêm. Nhưng trên thực tế, rất nhiều VĐV ở tuổi 20-25 thi đấu cho quốc gia khác đã bất ngờ chuyển sang quốc tịch Bahrain hồi đầu năm 2018, chỉ ít tháng trước khi ASIAD 18 diễn ra.
Nhìn về quá khứ, tại ASIAD 1998, Bahrain chỉ cử đúng 1 VĐV tham dự môn Điền kinh và không có huy chương. Đến 4 năm sau, họ tiến hành nhập tịch 2 VĐV gốc Morocco, và lập tức có 2 HCV. Những năm tiếp theo, thành tích của điền kinh Bahrain ngày một lớn dần khi họ có những VĐV nhập tịch gốc Phi từ Ethiopia, Kenya, Nigeria...