Từ câu chuyện Billiards Snooker: Ai cấp phép, tổ chức các giải thể thao ở Việt Nam?
Thứ năm, 22/08/2024 05:00 (GMT+7)
Theo thông báo của Liên đoàn Billiards Snooker Hà Nội, giải quốc tế Hà Nội Open được cấp phép bởi UBND các cấp. Vậy ở Việt Nam hiện nay, ai là người cấp phép, tổ chức và quản lý các giải thể thao, và ta cần hiểu việc này như thế nào?
Bên cạnh câu chuyện về định nghĩa "thể thao thành tích cao", "thể thao quần chúng", cũng như mô hình, quản lý môn Billiards Snooker ở Việt Nam, câu chuyện cấp phép, tổ chức và quản lý các giải thể thao cũng là một vấn đề cần bàn tới. Việc Liên đoàn Billiards Snooker Hà Nội "vượt mặt" Liên đoàn Billiards Snooker Việt Nam (VBSF), tự ý xin cấp phép, tổ chức, rồi khiến VBSF vạ lây cho thấy điều đó.
Luật Thể dục thể thao quy định rõ đối tượng được cấp phép, tổ chức các giải quốc tế theo hai hướng rõ rệt. Những giải thể thao thành tích cao, cũng như thể thao chuyên nghiệp có đối tượng được cấp phép, tổ chức giải riêng biệt, hoàn toàn khác thể thao quần chúng. Dưới đây là những định nghĩa, cũng như quy định hiện hành tại Việt Nam.
Với giải thể thao thành tích cao, khoản 7, Điều 71 Luật Thể dục Thể thao quy định một trong những quyền và nghĩa vụ của liên đoàn thể thao quốc gia là "Tổ chức, quản lý các giải thể thao quốc gia và giải thể thao quốc tế tại Việt Nam theo thẩm quyền". Quy định này có một ngoại lệ là Đại hội Thể thao Toàn quốc, nơi Cục TDTT chủ trì tổ chức.
Chiếu theo điều này, cũng như Quyết định số 1440/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thể dục thể thao: Tổ chức giải thể thao quốc gia do Cục TDTT thực hiện, theo đề nghị của Liên đoàn thể thao quốc gia. Hiểu cách khác, liên đoàn thể thao quốc gia có quyền cấp phép, tổ chức các giải đấu có tính quốc gia và quốc tế.
Trong trường hợp môn thể thao đó chưa có Liên đoàn thể thao quốc gia, việc tổ chức giải, cũng như ban hành điều lệ giải sẽ do Cục TDTT chịu trách nhiệm. Quyết định số 1440/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cập nhật, sửa đổi những quy định cũ, khi Tổng cục Thể dục Thể thao được cơ cấu lại thành Cục TDTT như hiện nay.
Trước đó, khi Tổng cục TDTT còn tồn tại, Quyết định số 517/QĐ-TCTDTT từng ghi: Vụ Thể thao thành tích cao chủ trì hoặc phối hợp tổ chức các giải thể thao thành tích cao trong hệ thống thi đấu thể thao quốc gia, các giải thể thao quốc tế tổ chức tại Việt Nam (điều 2, khoản 6). Quy định này từng song hành với Luật TDTT, cho phép Liên đoàn thể thao quốc gia được tổ chức các giải đấu trong nước.
Với đối tượng là giải thể thao quần chúng, Ủy ban nhân dân các cấp quyết định tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng của địa phương mình. Cơ quan, tổ chức quyết định tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Đây là những nội dung được ghi rõ trong khoản 4, 5, Điều 13 Luật Thể dục Thể thao 2018.
Vì những dẫn chứng nêu trên, việc xác định đối tượng nào cấp phép, quyết định tổ chức giải phụ thuộc nhiều vào định nghĩa về Billiards Snooker tại Việt Nam, cũng như các giải Billiards Snooker. Đây là môn thể thao mang tính chất thành tích cao (thi đấu để lấy thành tích, kỷ lục, huy chương) hay là thể thao quần chúng (thi đấu biểu diễn, nhằm cổ động, nâng cao sức khỏe đơn thuần)?
Cách hiểu trên sẽ dẫn tới những câu hỏi tiếp theo. Thứ nhất, Billiards Snooker tại Việt Nam là môn thể thao thành tích cao, hay là môn thể thao quần chúng? Thứ hai, nếu Billiards Snooker là môn thể thao thành tích cao, tại sao những giải quốc tế của môn này lại có thể hiểu thành giải thể thao quần chúng theo diễn giải từ một số đơn vị?