Tôn sư trọng đạo và tinh thần thượng võ của võ thuật Việt Nam
Thứ hai, 28/11/2022 18:59 (GMT+7)
Với nhiều võ sĩ Việt Nam, điều đầu tiên họ được dạy khi bước vào con đường võ học là bốn chữ 'Tôn sư trọng đạo'. Điều đó được họ luôn giữ trong tim và khắc ghi, ngay cả khi trở thành những vận động viên thành danh.
Trong đêm chung kết Lion Championship 2022, "Quái vật da nâu" Trần Quang Lộc đã để lại một trong những hình ảnh đẹp nhất mùa giải. Ngay sau khi nhận đai vô địch từ Ban tổ chức giải, anh đã quỳ gối trao cho Johnny Trí Nguyễn. Với Trần Quang Lộc, Johnny Trí Nguyễn chính là người đã đưa anh đến với con đường MMA chuyên nghiệp.
Trong 1 thập niên phát triển phong trào MMA tại Việt Nam, Johnny Trí Nguyễn đã đào tạo lứa võ sĩ đầu tiên. Không lạ khi ông được những học trò tri ân sau khi thành danh. Trần Quang Lộc là học trò xuất sắc nhất của Johnny Trí Nguyễn đến thời điểm hiện tại, và anh cũng không ngại thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo.
2 tháng trước khi Trần Quang Lộc đăng quang, một võ sĩ khác cũng thể hiện tinh thần thượng võ và tôn sư trọng đạo của võ thuật Việt Nam: Trần Văn Thảo. Là một trong những võ sĩ có đẳng cấp cao nhất, hành trình của "The Trigger" mang dấu ấn không nhỏ từ người thấy đồng hành với anh: HLV Trịnh Văn Trí - Trịnh Sư Phụ.
HLV Trịnh Văn Trí đã luôn ở bên cạnh Trần Văn Thảo như hình với bóng trong nhiều năm liền. Đó là lý do khi giành đai vô địch IBA thế giới, Thảo đã không ngần ngại thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo trước người thầy của anh. Hành động quỳ gối trước HLV Trịnh Văn Trí cho thấy The Trigger luôn giữ tình thầy trò trong tim.
Nhìn rộng ra, tinh thần tôn sư trọng đạo xuất hiện ở mọi lò võ Việt Nam. Ở nhiều khu nhà tập luyện võ thuật tại địa phương, dòng chữ "Tôn Sư Trọng Đạo" luôn xuất hiện ở vị trí trang trọng nhất. Mối quan hệ giữa các huấn luyện viên và võ sĩ đôi khi còn vượt xa tình thầy trò thông thường.
"Làm HLV, chúng tôi không chỉ là người hướng dẫn, người thầy", ông Nguyễn Đình Cương, HLV đội Hải Phòng chia sẻ. Ông nói thêm: "Mình còn phải làm người chăm lo miếng ăn giấc ngủ cho bọn trẻ, nấu cơm cho chúng ăn trong mỗi chuyến tập huấn xa nhà, rồi để ý gió điều hòa khi ngủ. Võ sĩ ngủ nhưng HLV đâu có được yên, bởi phải xem nếu lạnh thì tắt điều hòa, hoặc dậy kéo chăn lên đắp cho chúng nó".
Tình thầy trò ở các bộ môn võ là một phần nguyên nhân khiến nhiều vận động viên ở địa phương một lòng gắn bó với nơi đào tạo ra mình. Họ có thể được chào mời đến đơn vị khác với mức đãi ngộ cao hơn hẳn, nhưng vẫn quyết ở lại. "Thầy em ở đâu thì em ở đó thôi, chẳng đi đâu cả", một võ sĩ tâm sự.
Ở chiều ngược lại, tình thầy trò cũng khiến nhiều võ sĩ suy nghĩ chín chắn hơn nếu nuôi ý định trở thành một huấn luyện viên, một người thầy trong tương lai. Trong một lần chia sẻ cùng iThethao.vn, nhà vô địch Boxing châu Á Lê Hữu Toàn từng nói:
"Tôi rất thích hình xăm và không ít lần muốn thử xăm một cái xem sao, nhưng cuối cùng lại thôi. Nhìn vẫn thích lắm, nhưng bây giờ bên cạnh việc tập luyện và thi đấu, tôi còn nhận công việc hướng dẫn, dạy võ cho các em nhỏ. Trẻ con nhìn thấy thầy giáo xăm hình thì không hay lắm, nên việc xăm hình cũng chỉ trong suy nghĩ thôi".
Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Có những võ sĩ chỉ chạm trán với đối thủ xứng tầm chỉ một lần trong đời, nhưng họ cũng coi đấy là một người thầy trong cuộc đời mình. Những người hâm mộ Trương Đình Hoàng hẳn vẫn nhớ đến hình ảnh "Quyền Vương" quỳ gối trước Lee Gyu Huyn, người để thua anh ở sự kiện Legend Hoàn Kiếm.
"Khi bạn còn trẻ, hãy học cách nói thật ít và hành động thật nhiều thay vì dành thời gian phán xét người khác. Và hãy học cách tôn trọng mọi người vì những gì họ đã làm, bởi bạn không thể thấu hiểu những gì họ trải qua. Cảm ơn đối thủ của tôi vì đã cùng cống hiến một trận đấu đẹp", Trương Đình Hoàng lý giải.