Tìm hiểu ‘Thể thức Thụy Sĩ’ của Cúp C1 châu Âu phiên bản mới
Thứ ba, 10/05/2022 21:55 (GMT+7)
Từ năm 2024, Cúp C1 châu Âu sẽ áp dụng thể thức Thụy Sĩ ở vòng bảng. UEFA vừa xác nhận họ chính thức thông qua thể thức này trên trang chủ. Vậy thể thức Thụy Sĩ là gì? Chúng tôi sẽ giải đáp câu hỏi này một cách đơn giản nhất.
Theo quyết định của Liên đoàn bóng đá châu Âu, từ năm 2024 giải đấu sẽ được mở rộng từ 32 lên 36 đội vòng bảng và sẽ thi đấu theo ‘thể thức Thụy Sĩ’ để tìm ra 24 đội mạnh nhất tiếp tục thi đấu, trong đó có 8 đội trực tiếp vào vòng 1/8 và 16 đội đá playoff để tìm ra 8 đội còn lại.
Vậy thể thức Thụy Sĩ là gì?
Thể thức Thụy Sĩ là cách chia cặp trong một giải đấu, thường là thể thao. Thể thức này được vận hành một cách đơn giản như sau:
Có hai cách để bắt đầu vòng 1. Cách 1: Các đội bốc thăm ngẫu nhiên đối thủ của mình. Cách 2: Các đội được bốc cặp theo chỉ số đánh giá được quy định trước (ví dụ, trong cờ vua, kỳ thủ xếp thứ nhất thường gặp kỳ thủ xếp cuối ở vòng đầu, kỳ thủ thứ hai gặp kỳ thủ áp chót, tương tự như vậy tới các cặp khác).
Từ vòng 2, các đội thắng trận một sẽ gặp nhau, các đội thua trận một sẽ gặp nhau.
Vòng 3, các đội thắng 2 trận liền sẽ gặp nhau, các đội có thành tích 1 trận thắng sẽ gặp nhau, các đội có thành tích 2 trận thua sẽ gặp nhau. Cứ vậy cho đến hết giải.
Các đội không được gặp nhau quá một lần.
Ưu điểm và nhược điểm của thể thức Thụy Sĩ
Ưu điểm lớn nhất của thể thức Thụy Sĩ là không giới hạn đội tham dự. Tuy nhiên, xét riêng ở giải Champions League thì điều này không quan trọng vì chắc chắn đã có 36 đội tham gia.
Ưu điểm thứ hai của thể thức Thụy Sĩ là tìm ra được đội đứng đầu một cách công bằng nhất. Về cơ bản, nhà vô địch sẽ phải gặp gần như tất cả các đội tuyển mạnh nhất của giải. Do đó, tính hấp dẫn cũng rất cao. Tuy nhiên, các càng xếp sau thì tính chính xác càng thấp đi. Đơn cử như vị trí số 16 chỉ gặp những đội ngang cơ ở vòng cuối, còn những vòng đầu có thể có sự chênh lệch lớn.
Tuy nhiên, nhược điểm của nó là các đội đã lọt vào vòng trong có thể quyết định ai đi tiếp, ai bị loại. Ví dụ như một đội top 8 đã chắc chắn đi tiếp gặp một đội cạnh tranh top 16 sẽ có ưu thế trong việc quyết định. UEFA đã hạn chế điều này một chút bằng việc quyết định đá playoff các đội từ top 8 tới top 24, nhưng không thể giải quyết triệt để.
Ngoài ra, các đội sẽ không biết trước được vòng sau mình sẽ gặp đối thủ nào. Do đó, sự tính toán trong chiến lược mùa giải sẽ có nhiều biến số.
Cuối cùng, nếu có một trận đấu nào đi bị hủy hoặc hoãn lại thì cả giải sẽ không thể tiếp tục vì yêu cầu phải có kết quả để sắp xếp lịch thi đấu tiếp theo. Trong khi đó, các giải bóng đá hiện nay việc hoãn lịch, đá bù diễn ra khá thường xuyên.