Tiền phế, chuyện khó nói của bóng đá Việt nhìn từ Amaobi và Công Vinh
Thứ năm, 18/11/2021 07:44 (GMT+7)
Xuất hiện dưới muôn hình vạn trạng, tiền phế từ xưa đến nay vẫn luôn đồng hành nền bóng đá Việt Nam, và nó sẽ không dừng lại. Chỉ có một số rất ít cầu thủ như Amaobi hay Công Vinh dám lên tiếng về chuyện đó.
Chủ Đề: Thâm cung bóng Việt
“Cậu sẽ ký hợp đồng trị giá 25.000 USD/mùa, nhưng chỉ thực lĩnh 20.000 thôi. Phần 5.000 kia là không được đụng vào”, một trong những quan chức của CLB Đà Nẵng đã nói như vậy khi tiền đạo Amaobi mong muốn được ký hợp đồng gần 15 năm trước.
“Lương của cậu là 6.000 USD/tháng, thực lĩnh đủ. Nhưng số tiền kia 5.000 USD chúng tôi phải chi cho các bên liên quan” – ông này tiếp tục giải thích với cựu chân sút của CLB Nam Định.
Đó chỉ là một trong những ví dụ điển hình nhất về cái gọi là ‘tiền phế’ trong bóng đá Việt Nam. Amaobi, một trong những chân sút lừng lẫy nhất ở V.League, hiểu rõ điều đó. Câu chuyện của anh cũng như nhiều người khác là khi một cầu thủ không được lĩnh toàn bộ số tiền trên giấy tờ, mà phải ‘lo lót’ cho các bên liên quan.
Thương vụ này cuối cùng bị tung hê cũng bởi vì Amaobi chỉ trả lại 3.000 USD đã ký, rồi sau đó phá lỡ ‘luật im lặng’ để tố cáo với truyền thông. Chứ ở bên trong bóng tối, không ai biết đã có bao nhiêu hợp đồng bị thổi giá tương tự?
Tiền ‘phế’ – Muôn hình vạn trạng
Amaobi cũng như cầu thủ bóng đá nước ngoài muốn sang Việt Nam thi đấu, phải liên hệ thông qua những người đại diện. Người có được bằng cấp hợp pháp của FIFA thì ít, giới làm chui thì nhiều nên được gọi là ‘cò’ (nay FIFA đã bỏ quy bằng cấp – PV). Nhóm ‘cò’ sẽ giới thiệu cầu thủ tới thử việc ở các câu lạc bộ. Nếu được nhận, các bên sẽ ký hợp đồng thông qua thỏa thuận.
Ban đầu, cuộc chơi nằm hoàn toàn trong tay nhóm ‘cò’. Nếu các cầu thủ yêu cầu mức phí lót tay khoảng 3 tỷ, họ sẽ nâng mức đề nghị với đội bóng lên 3,5 tỷ. Số tiền 500 triệu thừa ra thì họ ‘hưởng trọn’. Một số người đại diện còn rất giỏi việc ‘thổi giá’ để giúp cầu thủ có hợp đồng cao hơn thực tế, nhưng tiền phế cắt đi cũng lớn hơn nhiều.Nhìn chung, giới cò ban đầu tốn hàng nghìn USD để mang cầu thủ từ nước ngoài về Việt Nam, rồi lo cho họ chi phí thử việc ở nhiều đội bóng khác nhau. Họ lấy tiền hoa hồng để chi trả những chi phí này, còn lại là lãi. Nhưng không phải là mọi chuyện đều diễn ra sòng phẳng như thế.
Sau đó, ban lãnh đạo các đội bóng và huấn luyện viên bắt đầu vào cuộc chơi. Họ thừa hiểu những người đại diện sẽ tốn kém thế nào nếu không được ký hợp đồng nên thường xuyên ép phế, yêu cầu một khoản nhất định cho họ thì mới nhận người. Cò bóng đá sau khi bị ép bắt buộc phải nâng giá cầu thủ đề bù vào phần đã chi, do đó dẫn tới việc những hợp đồng ký hàng chục ngàn USD nhưng cầu thủ chỉ nhận khoảng 70-80% giá trị.
Không chỉ cầu thủ ngoại bị mất phế. Những ngôi sao nổi tiếng của bóng đá Việt Nam cũng vậy. Khi ký hợp đồng mới với các đội bóng, họ sẽ sở hữu tiền ‘lót tay’, tức phí ký hợp đồng. Một siêu sao bóng đá Việt hiện nay có thể bỏ túi 10 tỷ cho một bản hợp đồng 3 năm, nhưng không phải mọi thứ đều minh bạch như giấy tờ.Những năm đỉnh cao của bóng đá Việt, một huấn luyện viên hoặc lãnh đạo câu lạc bộ có thể đút túi 10.000 USD cho một vụ chuyển nhượng. Thậm chí, đến cả những phiên dịch, trợ lý… cũng có phần. Cuối cùng, người chịu lỗ chính là những ông bầu hàng năm vẫn cung cấp cả chục, cả trăm tỷ đồng nuôi đội.
Lấy ví dụ như thương vụ Huỳnh Quang Thanh về với Sài Gòn Xuân Thành. Khi ấy, lãnh đạo đội bóng ký hợp đồng miệng là 14 tỷ phí lót tay cho hậu vệ cánh của ĐT Việt Nam, nhưng khi báo cáo lên ông bầu lại là con số hoàn toàn khác, cao hơn ‘kha khá’. Giới chủ biết chuyện, không ký hợp đồng với hậu vệ người TP.HCM, khiến anh này phải muối mặt quay trở về Becamex Bình Dương xin ở lại.
Chuyện chuyển nhượng đã vậy. Câu chuyện nhân sự còn khó nói hơn. Ai cũng biết huấn luyện viên trưởng là người quyết định cuối cùng về danh sách đá chính, nhưng không nhất thiết những người tốt nhất phải được lựa chọn.Hay như chuyện của một tiền đạo ngôi sao của bóng đá Việt Nam, người ghi bàn vào lưới Thái Lan ở chung kết AFF Cup 2008 khi chuyển tới B. Bình Dương đã nhận 9 tỷ đồng tiền lót tay, nhưng cuối cùng thực nhận chỉ 5,5 tỷ. Số tiền còn lại ‘đi đâu’ thì chỉ có anh và người trong cuộc trả lời được.
Lê Công Vinh từng kể trong tự truyện của mình rằng, anh được lãnh đạo CLB Becamex đưa cho 50 triệu để đi gặp huấn luyện viên của đội lúc đó cho dễ ‘nói chuyện’. Vụ việc này rúng động làng báo một thời gian, trước khi cựu tiền đạo xứ Nghệ ‘chữa cháy’ bằng việc nói anh không có ý ám chỉ người thầy của mình ăn tiền cầu thủ, còn vị chiến lược gia lão làng được nhắc tên thì chối bay.
Nhưng dù sự việc kể trên có thật hay không, thì việc một huấn luyện viên nhận tiền để đưa cầu thủ vào danh sách đá chính diễn ra khá thường xuyên. Thậm chí, họ còn thẳng thắn bàn về thu nhập của các cầu thủ, trong đó phần nào thì người ra sân được nhận, còn phần còn lại sẽ thuộc về… người chỉ đạo.
Một câu chuyên khác, không tương tự nhưng cũng liên quan tới ‘tiền phế’. Ở một đội bóng dồi dào nguồn cầu thủ trẻ ở miền Bắc, huấn luyện viên ở đây nổi tiếng là dựa theo chuyên môn mà lựa chọn nhân sự thi đấu. Nhưng cũng có chuyện một cầu thủ trẻ ngồi dự bị mãi thành ra ‘nản’ quá, mới nhờ bố mẹ chi ra vài chục triệu mua suất đá chính. Anh này vào sân đá vài trận nhưng không chứng tỏ được chuyên môn, lại bị gạt ra ngoài. Gia đình cậu bé sau vài lần ‘chi đậm’, thấy không ‘ăn thua’ đành khuyên con từ bỏ bóng đá.
Những hệ lụy cho bóng đá Việt
Bóng đá phản ánh cuộc sống, cả những điểm sáng và góc khuất của nó. Nạn tiền phế, phí bôi trơn diễn ra gần như trong mọi ngành nghề, và ban đầu điều đó thực sự khiến mọi thứ diễn ra trơn tru hơn. Nhưng hiện tại, nó đã là một tệ nạn và để lại nhiều hệ lụy.
Từ xưa tới nay, bóng đá Việt Nam chưa bao giờ chuyên nghiệp. Các CLB vẫn trông chờ vào nguồn tài trợ từ các ông bầu, có nhiều nơi vẫn nhận tiền từ chính quyền địa phương. Còn những khoản doanh thu như bán vé, bán áo đấu… dù có nhưng chẳng thấm tháp vào đâu, không đủ nuôi một đội bóng.
Để đầu tư cho một đội bóng tốn ít nhất là 30-40 tỷ đồng mỗi mùa. Con số này ở các đội ‘đại gia’ như Hà Nội, Viettel, TP.HCM có thể lên tới hơn 100 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền bán vé, nguồn thu chính của nhiều CLB (nếu không tính tiền tài trợ, bởi đây là nơi mà các ông bầu trực tiếp rót tiền) mỗi mùa cao nhất cũng chỉ khoảng 10 tỷ.
Chính vì thế, việc những người đại diện, ban lãnh đạo ‘khai khống’ số tiền chuyển nhượng càng khiến giới ông chủ phải chi thêm nhiều tiền hơn. Trong trường hợp người làm chủ là chính quyền địa phương thì đó còn là tiền ngân sách.
Nếu như mức phế chuyển nhượng trung bình khoảng 20% hợp đồng thì mỗi năm các CLB cũng mất trắng hàng tỷ đồng. Điều này tạo gánh nặng lên giới chủ đội bóng, khiến nhiều người phải từ bỏ cuộc chơi. Số còn lại đang hoạt động thì cũng có không ít người đã ‘thắt lưng buộc bụng’. Thực trạng ở bóng đá Việt thì năm nào cũng có đội bóng giải thể, một số không ít đội thì sống lay lắt khi ‘ông bầu’ rút nguồn sữa, thậm chí không dám đá lên hạng như Khánh Hòa, Long An, Cần Thơ hay mới nhất là Than Quảng Ninh.
Ngoài ra, việc nhận phế chuyển nhượng, phí ra sân càng khiến chuyện chuyên môn bị gạt sang một bên. Những năm gần đây, có thể thấy nhiều cầu thủ ngoại đã ‘hết đát’, chất lượng chuyên môn không cao nhưng vẫn được ký hợp đồng bởi vì họ biết ‘cắt phế’ cao cho ban lãnh đạo đội bóng. Trong khi đó, những người giỏi hơn không có cơ hội thi đấu vì chưa quen luật.
Chuyện này ở nhóm cầu thủ nội diễn ra ít hơn, nhưng không phải là không có. Nhiều cầu thủ vì ‘lệch dây’, không ‘đi tiền’ nên mất cơ hội ra sân, dẫn tới việc chuyên môn không thể phát triển. Mà với những cầu thủ còn nghèo, việc không được ra sân chẳng khác nào chặt đi 6, 7 phần thu nhập của họ. Trong khi đó, nhóm cầu thủ chắc suất đá chính nhờ ‘đi tiền’ lại chểnh mảng tập luyện, lấy tiền thường bù đắp vào số tiền phế đã chi.
Chuyện “cắt phế” có từ bao giờ?
Đây là câu hỏi không dễ để trả lời, đặc biệt trong môi trường còn nhiều điều nhạy cảm, nhiều sự e ngại đụng chạm của bóng đá Việt Nam. Ai cũng hiểu những tay “cò” không làm việc không công. Họ nhọc công tìm kiếm nguồn cầu thủ, đưa về cho các CLB chọn lựa và dĩ nhiên mong muốn nhận lại thù lao xứng đáng.
Chuyện cầu thủ phải trả phí cho nhà môi giới là điều hiển nhiên, nhưng ở đâu cũng vậy, có những thứ được gọi là “luật bất thành văn”. Ngoài khoản chi cho “cò”, liệu cầu thủ, và đặc biệt là ngoại binh còn phải mất thêm khoản nào khác hay không?
Để trả lời được câu hỏi này, bảo dễ thì là dễ, mà nói khó cũng thành khó. Chỉ xin kể lại một câu chuyện từ chia sẻ của HLV Nguyễn Thành Vinh (làm việc những năm 1990-2000) với thethao.vn, khi ông dốc hết gan ruột để nói về những vấn đề tế nhị liên quan đến chuyện tiền bạc từ các cầu thủ.
“Cả đời tôi không bao giờ ăn chặn một đồng nào. Có cầu thủ được tôi xin đất cho rồi lại bảo tôi nhận, nhưng tôi nói không được. Tôi không thể nhận những đồng tiền, hay lợi ích đó mà ảnh hưởng đến danh dự của mình. Dù chỉ là chai rượu, tiền lót tay… ai biếu tôi cũng trả lại. Nếu tôi làm thế thì không thể huấn luyện được cầu thủ, và họ cũng không tôn trọng mình nữa”.
Nhưng phần còn lại liệu có ai dám lên tiếng như HLV Nguyễn Thành Vinh không? Và trải qua 20 năm lên hạng chuyên nghiệp, tiền phế liệu đã biến mất, hay vẫn tồn tại như một bóng ma vật vờ phủ mờ V.League? Cũng trong một buổi chia sẻ ngắn với thethao.vn, một nhân vật có mối quan hệ thân cận với nhiều CLB tiết lộ một vài ngoại binh chân ướt chân ráo đến V.League sẵn sàng “cắt phế” toàn bộ tiền lót tay của họ trong năm đầu tiên!