Bong da Viet Nam
Gửi bài
back-to-top
Bóng đá Bóng đá Việt Nam Bóng đá nữ

Thu nhập cầu thủ Việt Nam, Trung Quốc và vấn đề chung muôn thuở của bóng đá nữ

Thứ năm, 10/02/2022 06:00 (GMT+7)

Ít ngày sau khi đội tuyển nữ Việt Nam giành vé dự World Cup, tuyển nữ Trung Quốc đăng quang ngôi vô địch Asian Cup theo kịch bản không tưởng. Vậy thu nhập của cầu thủ nữ Việt Nam hiện tại là bao nhiêu? So sánh với những đồng nghiệp nữ ở châu lục và thế giới, con số đó liệu có cao không? Liệu vấn đề nan giải của bóng đá nữ có chỉ nằm gói gọn trong chuyện thu nhập?

Lương tháng 100 đô

Tại V.League, thu nhập trung bình hàng tháng của một cầu thủ dao động trong khoảng 50-100 triệu đồng. Con số này bao gồm tiền lương và lót tay chia trung bình tháng. Đó là lý do khiến cựu tiền đạo Công Vinh nhận định thu nhập của cầu thủ nam Việt Nam không hề thấp như mọi người vẫn nghĩ, nếu không muốn nói là khá cao. Vậy còn những cầu thủ nữ thì sao? Thật khó tin khi biết Huỳnh Như, Hải Yến, Tuyết Dung đang hưởng mức lương tháng khoảng 10-12 triệu đồng.

Thu nhập của cầu thủ nữ Việt Nam, Trung Quốc và vấn đề chung muôn thuở - Ảnh 1

Với những cầu thủ nữ được gọi lên đội tuyển quốc gia, trong trường hợp thi đấu không có thành tích ấn tượng để được các Mạnh Thường Quân trao thưởng, nguồn thu nhập thêm của họ là tiền ăn tập 400.000 đồng/ngày. Đó là số tiền rất đáng kể, tương đương mức thu nhập được nhân đôi cho những Tuyết Dung, Hải Yến hay Huỳnh Như. Họ không thể đòi hỏi nhiều hơn khi bóng đá nữ phần lớn vẫn chỉ dựa vào ngân sách nhà nước, chưa có nguồn lực xã hội hóa.

Giải vô địch bóng đá nữ quốc gia hàng năm chỉ có 7-8 đội tham dự, bao gồm cả đội B của 2 địa phương Hà Nội và TPHCM. Việc không có nguồn vốn xã hội hóa đầu tư khiến bóng đá nữ nhiều năm qua không có thêm CLB tham dự, thậm chí là một vài đội bóng đứng trước ngưỡng giải thể. Câu chuyện của Thái Nguyên 2 năm trước, hay Sơn La cuối năm ngoái mới thể hiện thực trạng của bóng đá nữ Việt Nam. Họ luôn ở trong tình trạng bấp bênh, có thể giải tán đội bóng bất cứ lúc nào vì thiếu kinh phí.

Là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, dễ hiểu vì sao Sơn La chỉ có thể cung cấp khoản ngân sách vô cùng khiêm tốn cho đội bóng nữ của địa phương. Mỗi cầu thủ Sơn Lan nhận lương cơ bản 2 triệu đồng/tháng, chưa đến 100 USD. Ngay cả khi có thêm khoản thu từ tiền tập, thậm chí xén bớt tiền ăn để có thêm tiền mang về, các cầu thủ nữ Sơn La nhận về khoảng 6 triệu đồng/tháng. Đó là lý do cứ sau mỗi năm, đội bóng này lại mất một vài cầu thủ.

Trước thềm giải vô địch quốc gia nữ 2021, 30 cầu thủ được CLB Sơn La đầu tư, nuôi ăn tập từ 10 năm trước giờ chỉ còn đúng... 4 người. Tình trạng thiếu nhân sự khiến họ phải mượn cầu thủ từ Hà Nam, Thái Nguyên để bổ sung cho đủ đội hình thi đấu suốt vài mùa giải gần đây. Nòng cốt các cầu thủ mới được đôn lên đội 1 Sơn La gần đây đều là thành phần đội U19, trên thực tế mới là những cô bé mới 16-17 tuổi. Nhiều khả năng họ cũng sẽ rời đội để... lấy chồng, hoặc đi làm công nhân nếu điều kiện trong vài năm tới không tốt lên.

Trong trường hợp của CLB nữ Thái Nguyên, họ từng đứng trước nguy cơ giải thể hồi 2-3 năm trước, khi nhà tài trợ (một doanh nghiệp địa phương) thông báo rút lui. Nguyên nhân được đưa ra do tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này sa sút, dù trên thực tế năm đó họ vẫn thông báo lãi sau thuế ở mức 12 chữ số. Nếu không có hầu bao của một tập đoàn tư nhân lớn, CLB nữ Thái Nguyên có thể giờ chỉ còn là ký ức với những người từng nghe tên nó.

Nơi nào trả lương cầu thủ nữ cao nhất?

Tương tự ở Việt Nam, người hâm mộ bóng đá Trung Quốc không ít lần từng đọc thông tin cho thấy cầu thủ nữ ở quốc gia xứ tỷ dân chỉ nhận lương vài ba ngàn nhân dân tệ (10-15 triệu đồng) mỗi tháng. Nếu điều đó là sự thật, cuộc sống của cầu thủ nữ Trung Quốc thậm chí còn khó khăn gấp bội lần so với những đồng nghiệp ở Việt Nam. Nhưng trên thực tế, đây chỉ là một huyền thoại được thêu dệt từ nhiều năm trước.

Thu nhập của cầu thủ nữ Việt Nam, Trung Quốc và vấn đề chung muôn thuở - Ảnh 2

Để tìm hiểu chính xác cầu thủ nữ Trung Quốc hưởng lương bao nhiêu, trang tin SINA đã vào cuộc và khám phá ra sự thật bất ngờ. Không phải Mỹ, Brazil hay Nhật Bản, Trung Quốc mới là quốc gia trả lương trung bình cho các cầu thủ nữ cao nhất thế giới. Sau chiến tích vô địch Asian Cup vừa qua, Liên đoàn bóng đá Trung Quốc đã thưởng tổng cộng 12 triệu nhân dân tệ (420 tỷ đồng) cho đội tuyển nữ. Với đội tuyển nam, thành tích lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup chỉ được thưởng 6 triệu tệ.

Để hiểu chính xác về thu nhập các cầu thủ nữ Trung Quốc đang được nhận, hãy lắng nghe chia sẻ từ chính họ. Trong một đoạn video phát trực tiếp hồi năm ngoái, Wang Shuang từng được người hâm mộ bình luận bên dưới bài đăng: "Nghe nói thu nhập của các bạn rất thấp, chúng tôi thương lắm". Ngay lập tức, tiền đạo mang áo số 7 của đội tuyển nữ Trung Quốc đáp lại: "Cảm ơn mọi người đã quan tâm, nhưng các bạn đừng lo lắng cho thu nhập của chúng tôi. Đãi ngộ chúng tôi được hưởng lớn hơn rất nhiều so với người đi làm bình thường".

Lý giải về mức thu nhập của cầu thủ nữ Trung Quốc, một lãnh đạo cấp CLB cho biết họ được hưởng đãi ngộ theo lương cơ bản, lương CLB, tiền ăn tập ở đội tuyển quốc gia và các khoản thưởng khác. Về cơ bản, mô hình này cũng giống như ở Việt Nam, chỉ khác là số tiền họ được hưởng rất cao. Trung bình mỗi cầu thủ thi đấu ở giải Ngoại hạng Nữ Trung Quốc được trả trung bình 300.000-500.000 tệ (1,1-1,7 tỷ đồng)/năm. Con số này tương đương thu nhập của một nhân viên cấp phó phòng ở doanh nghiệp tư nhân, và gấp 4-7 lần một người lao động bình thường.

Thu nhập của cầu thủ nữ Việt Nam, Trung Quốc và vấn đề chung muôn thuở - Ảnh 3

Trong trường hợp cầu thủ nữ được gọi lên đội tuyển quốc gia, khoản lương thưởng ở CLB dành cho họ sẽ tăng lên không ít. Cộng thêm tiền ăn tập ở đội tuyển, cầu thủ nữ sẽ có thu nhập khoảng 1 triệu tệ (3,5 tỷ đồng) mỗi năm. Những tài năng xuất chúng như Wang Shuang có thể được hưởng gấp đôi con số đó. Trên thực tế, hồi năm 2017 CLB Changchun Dazhong từng chiêu mộ một cầu thủ từ đội nữ PSG và trả cho cô gái này mức lương cao nhất thế giới.

Tại sao thu nhập của cầu thủ nữ Trung Quốc cao như vậy? Lý do là bởi dòng vốn đầu tư vào bóng đá nữ Trung Quốc không hề nhỏ chút nào. Nó có thể thấp hơn so với bóng đá nam, nhưng vẫn là rất lớn nếu so với mặt bằng chung quốc tế. Trung bình hàng năm, một CLB nữ Trung Quốc được đầu tư khoảng 20-40 triệu tệ (70-140 tỷ đồng), tương đương kinh phí vận hành của một đội bóng nam ở V.League. Nếu số tiền này đầu tư vào bóng đá nữ Việt Nam, nó sẽ đủ vận hành cho cả 8 CLB ở giải vô địch quốc gia trong 3-5 năm.

Bản báo cáo thường niên về hoạt động bóng đá nữ thế giới của FIFA cũng chỉ ra Trung Quốc là nơi chi nhiều tiền nhất cho những cô gái đá bóng, bỏ xa những quốc gia khác như Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đức. Những CLB hàng đầu ở châu  u có thể trả tối đa 400.000 euro mỗi năm (10 tỷ đồng) cho một cầu thủ nữ xuất chúng, nhưng không phải ai cũng được hưởng đãi ngộ như thế. Tại giải nhà nghề Mỹ, cầu thủ nữ nhận lương trung bình 22.000 USD mỗi năm (500 triệu đồng). Trần lương dành cho họ cũng chỉ ở mức 52.500 USD (1,2 tỷ đồng).

Alex Morgan, tiền đạo của đội tuyển Mỹ là một trong những ngoại lệ nhờ tài năng khác thường cô sở hữu. Cô được xếp vào nhóm "tuyển thủ đặc biệt" nên có thu nhập hàng năm vào khoảng 1 triệu USD. Nhưng phần lớn con số đó đến từ những bản hợp đồng thương mại, còn thực tế không có CLB nào đủ sức trả cho cô nhiều tiền đến vậy. "Xét ở bình diện chung, thu nhập của cầu thủ nữ Trung Quốc nằm ở mức rất cao so với thế giới, nếu không muốn nói là cao nhất trong các cường quốc bóng đá nữ", SINA kết luận.

Thu nhập của cầu thủ nữ Việt Nam, Trung Quốc và vấn đề chung muôn thuở - Ảnh 4

Việc Trung Quốc không ngại chi tiền cho bóng đá nữ là nguyên nhân lý giải vì sao không ít tài năng ở châu  u và Nam Mỹ đến đây thi đấu. Gabi, tuyển thủ Brazil thành thực chia sẻ: "Khi tôi mới được gọi lên đội tuyển Brazil, thu nhập hàng tháng của tôi là 3000 real (khoảng 14 triệu đồng). Khi đến Trung Quốc chơi bóng, tiền tôi nhận về tăng gấp 10 lần". Daniela Sabatino, tiền đạo kỳ cựu ở tuyển nữ Italia cũng chỉ được CLB trả lương hàng năm 30.000 euro (780 triệu đồng), cộng thêm bồi dưỡng 300 euro/tuần từ Liên đoàn.

Năm 2011, tuyển nữ Nhật Bản lập nên kỳ tích vô địch World Cup. Đội trưởng Homare Sawa khi ấy nhận lương trung bình hàng năm là 3,8 triệu yên (760 triệu đồng). Số tiền được tăng lên 6 triệu yên (1,2 tỷ đồng) sau chức vô địch thế giới. Các thành viên còn lại vẫn chỉ được nhận lương hàng năm khoảng 1,5 triệu yên (300 triệu đồng), chỉ bằng 1/3 thu nhập một người đi làm bình thường ở Nhật. Họ được thưởng thêm 1,5 triệu yên từ chức vô địch World Cup.

Sau 10 năm, mọi thứ không khác mấy với những cô gái đá bóng của Nhật Bản. Yui Hasegawa, một trong những tài năng nổi bật nhất của họ được AC Milan trả lương 50.000 USD mỗi năm. Liên đoàn bóng đá Nhật Bản hỗ trợ cô thêm 2000 USD mỗi tháng, tính ra thu nhập trung bình năm của Yui tương đương 1,3 tỷ đồng. Những con số đó cho thấy cầu thủ nữ Trung Quốc nhận lương rất rất cao. Những cầu thủ nữ nhận lương tháng vài ba ngàn tệ trên thực tế chỉ là cầu thủ bán chuyên khoác áo những CLB địa phương.

Thu nhập khác, vấn đề chung

Cầu thủ nữ Trung Quốc nhận mức lương cao, cao hơn rất nhiều so với cầu thủ nữ Việt Nam. Nhưng ở một góc độ khác, những vấn đề ngoài thu nhập của nền bóng đá nữ 2 quốc gia lại không khác nhau là mấy. Tương tự Việt Nam, đội tuyển nữ Trung Quốc có thành tích thi đấu tốt hơn đội tuyển nam nhưng lại gần như không được công chúng quan tâm. Họ chỉ được nhắc đến ở những sự kiện nhất thời như World Cup hay Asian Cup theo từng đợt sóng thủy triều, rồi lại cuốn trôi đi trong khoảnh khắc.

Thu nhập của cầu thủ nữ Việt Nam, Trung Quốc và vấn đề chung muôn thuở - Ảnh 5

Tại giải Super League Trung Quốc, CLB Beijing Gouan có lượng khán giả đến sân theo dõi trung bình là 40.000 người. Với đội bóng nữ, mỗi trận chỉ có khoảng 100 người đến xem. Trong năm 2020, giải Super League Trung Quốc ghi nhận số lượng lượt xem vượt quá con số 2 tỷ, còn giải nữ chỉ thu hút 10,2 triệu lượt. Đó là nguyên nhân khiến giá trị thương mại của bóng đá nữ, cầu thủ nữ không cao như kỳ vọng của những người bỏ tiền vào.

Anh, Tây Ban Nha hay Pháp có thể không chi nhiều tiền cho bóng đá nữ như Trung Quốc, nhưng họ đã đi rất xa quốc gia tỷ dân trong việc định hướng cho bóng đá nữ tự nuôi lấy mình. Mọi tấm banner của Manchester United giờ luôn có ít nhất 1-2 cầu thủ nữ xuất hiện, như để quảng bá cho đội bóng nữ của CLB. Giải Super League Anh có giá trị bản quyền truyền hình hàng năm vào khoảng 8 triệu bảng (240 tỷ đồng). Giải VĐQG nữ Tây Ban Nha có giá thấp hơn một chút, khoảng 3 triệu euro (78 tỷ đồng).

Những người làm bóng đá tại Trung Quốc đã giải quyết được bài toán về thu nhập cho các cầu thủ, nhưng bước tiếp theo là làm cách nào để bóng đá nữ đến gần công chúng hơn, thì họ vẫn chưa làm được. Trên thực tế, những khán đài không khán giả không hẳn do lỗi của những người điều hành và tổ chức. Họ đã nỗ lực hết mức trong khả năng, bằng tiền túi cá nhân và cả lòng nhiệt huyết. Cầu thủ nữ Trung Quốc cũng phần nào nhận thức được điều đó.

Thu nhập của cầu thủ nữ Việt Nam, Trung Quốc và vấn đề chung muôn thuở - Ảnh 6

"Mọi người thường gần như chẳng quan tâm đến bóng đá nữ. Họ chỉ nương theo sự kiện khi đội nữ thắng để mỉa mai, chê bai thành tích của đội tuyển nam", Wang Shuang nhận định. "Nếu các bạn thực sự ủng hộ bóng đá nữ, điều đầu tiên cần làm là đừng bao giờ dùng bóng đá nữ để chê bai đội nam cả. Đừng tung hô mỗi đội tuyển nữ quốc gia, mà hãy quan tâm đến cả những cầu thủ nữ khác đang chơi ở cấp câu lạc bộ. Chỉ khi nào có khán giả đến sân theo dõi, bóng đá nữ Trung Quốc mới thực sự có tương lai".

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá