Thêm một lần 'chết hụt'
Thứ bảy, 03/07/2021 17:14 (GMT+7)
Luis Enrique đã rất cố gắng, và các học trò của ông cũng vậy. Tuy nhiên, thực tế là sau mỗi lần vấp ngã, đoàn quân ấy chưa tự làm mình mạnh lên được bao nhiêu.
1. May mắn. Rõ ràng là vậy. Đến cả chính Enrique cũng chẳng buồn phản bác. Hay đúng hơn, ông chẳng có gì để diễn giải nhiều, về cách mà đội bóng của ông đi qua khe cửa hẹp.
Câu chuyện thật dễ hiểu, và dễ nắm bắt: “Đối phương đã không gây sức ép đủ mạnh mẽ đối với chúng tôi, như họ có thể làm. Tình hình trở nên nguy hiểm, khi chúng tôi bị gỡ hòa. Song, tấm thẻ đỏ đã trở thành bước ngoặt của trận đấu, khi cục diện thay đổi hoàn toàn. Chúng tôi bùng nổ, chúng tôi trở nên sắc bén hơn, và chúng tôi tạo dựng được khá nhiều cơ hội”.
Enrique ngừng lại ở đó, trong phòng họp báo. Tất nhiên, ở địa vị của ông, chẳng ai lại đi nói nốt những gì còn đang chất chứa. Dù thế nào, niềm vui vẫn xứng đáng được tôn trọng, bằng cách tạm thời phớt lờ những nỗi thất vọng.
Mà nói ra cũng có để làm gì đâu, khi bất cứ ai chứng kiến 120 phút này cũng đã thấy rồi. Bất kể “bùng nổ”, “trở nên sắc bén hơn” hay “tạo dựng được nhiều cơ hội”, Tây Ban Nha cũng vẫn bị Thụy Sĩ – phải đá kém người - lôi vào tận “trò rullette Nga” cân não.
Ở đó, sau loạt sút đầu tiên, thậm chí chính Luis Enrique còn đứng lui ra sau, tách khỏi tất cả, khoanh tay và thảy lên không trung một cái nhìn vô định. Như là sẵn sàng cho mọi diễn biến tồi tệ nhất.
2. Binh cốt tại tướng. Tuy vậy, cho dù đúng là chưa có gì để ca ngợi tài thao lược của Luis Enrique, thì có lẽ cũng sẽ là bất công nếu quy mọi trách nhiệm cho ông, về diện mạo khắc khổ của ĐT Tây Ban Nha hiện tại.
Trên phương diện xây dựng lối chơi, trước Thụy Sĩ, khó có thể nói là La Seleccion đã đi chệch hướng. Thường thì những số liệu thống kê dễ bị diễn giải sai, nhưng riêng ở trận này, con số 27 lần dứt điểm về phía khung thành Yann Sommer lại có thể thực sự xem là bằng chứng cho thấy rằng: Tây Ban Nha biết cách dồn ép Thụy Sĩ, khi tình thế đủ thuận lợi để họ làm điều đó.
Mà thực ra, ở trận trước, khi đối diện Croatia với những kỹ năng xuất chúng của Luka Modric trong vai trò chỉ huy trung tuyến, cấu trúc chiến thuật của Tây Ban Nha cũng không đến nỗi lép vế. Bỏ qua những yếu tố tinh thần, điển hình là việc để bị gỡ hòa ở phút 90+2, số lượng cơ hội cũng như số lượng bàn thắng mà đội bóng Iberia có được rõ ràng là những tín hiệu tích cực.
Vấn đề ở đây là gì? Trước Thụy Sĩ, cũng như tại những trận đầu vòng bảng, hiệu suất khả quan ấy lại phụt tắt. Moreno hay Feran Torres, hay cả Morata lẫn Koke đều đã nhận được những đường chuyền như đặt và những không gian trống trải ngay trong khu cấm địa Thụy Sĩ, nhưng chẳng ai trong số họ thắng được Yann Sommer.
Sommer quá xuất sắc ư? Đến đây thì những số liệu thống kê lại dễ trở thành một cái bẫy định kiến. Hàng loạt khoảnh khắc lẽ ra đã có thể định đoạt trận đấu, chỉ cần các chân sút Tây Ban Nha đừng thử thách Sommer một cách hiền lành như thế. Thực tế là không ít cú dứt điểm chệch khung thành lại là những cơ hội nguy hiểm hơn nhiều, so với nhiều pha kết thúc đi đến nơi thủ môn Thụy Sĩ đã đợi sẵn.
Và đó là điều Luis Enrique chẳng thể làm gì được. Ngày còn thi đấu, chính ông cũng đã phải trải qua những khoảnh khắc tệ hại như vậy.
Ví dụ như trận thua Italia 1-2 tại World Cup 1994. Ngay sau khi Tây Ban Nha vừa giã nát…Thụy Sĩ 3-0, với một bàn thắng của chính đương kim HLV.
3. Thành bại, không chỉ trong bóng đá, đôi khi chỉ là một vài khoảnh khắc. Trong những khoảnh khắc ấy, cần phải có đủ cả dũng khí, kỹ năng lẫn may mắn, để lựa chọn một quyết định duy nhất.
La Seleccion từng sở hữu những chân sút thường xuyên hội tụ đủ những yếu tố ấy để quyết định dứt điểm như thế nào dễ dàng trở thành bàn thắng trong thực tế, như David Villa hay Fernando Torres. Bốn năm ấy, 2008-2012, họ thực sự xứng đáng với biệt danh “Cơn cuồng nộ đỏ” (La Furia Roja).
Nhưng bây giờ, Luis Enrique chỉ có Morata hay Moreno. Và Koke hay Pedri cũng chưa sẵn sàng lên tiếng đúng lúc được như Xavi hoặc Iniesta. Việc thiếu vắng những khách quen của danh vọng, hiển nhiên, sẽ tạo nên những lúng túng ngại ngần trong những cuộc hẹn hò thượng đỉnh.
“Chiêu thức” thì vẫn thế, với nỗ lực kiểm soát trận đấu thông qua sự kết nối của những đường chuyền ngắn và phối hợp nhỏ. Nhưng “khí lực” thì đã suy giảm quá nhiều, với bộ khung nhân sự hiện tại. Thay vì có thể khiến mọi đối thủ sợ hãi, Tây Ban Nha đang tỏ ra bị “át vía” trước những cái tên cụ thể, như Yann Sommer chẳng hạn.
Liệu còn thời gian để Luis Enrique “mài nanh giũa vuốt” cho đội bóng của mình, ở phần còn lại của cuộc hành trình này? Có lẽ là không. Bất cứ sự lột xác nào, nếu đột ngột xuất hiện, cũng sẽ không phụ thuộc nhiều vào cách bài binh bố trận của người thuyền trưởng ấy nữa. Nó liên quan mật thiết đến bản lĩnh thực thụ của từng cá nhân, nghĩa là những ý tưởng lóe lên trong từng khoảnh khắc cụ thể, cũng như sự lạnh lùng để thực hiện những ý tưởng đó một cách chuẩn xác và hoàn hảo - điều chỉ có thể tích lũy bằng kinh nghiệm thực chiến, khi người ta đã quen với sự khốc liệt của đỉnh cao.
Nhưng nói gì thì nói, Tây Ban Nha cũng vẫn đang trở lại đỉnh cao. Họ là một trong 4 đội còn nguyên cơ hội vô địch EURO lần này.
Và trên tất cả, vẫn là đôi cánh hộ mệnh của thần May mắn. Ai có thể tiên liệu được rằng chỉ vài ngày sau khi cười vào mặt các nhà ĐKVĐ World Cup, Thụy Sĩ lại đá luân lưu tệ đến thế đâu…