Thảo Vy, Thảo My và may mắn của bóng rổ Việt Nam
Thứ hai, 08/05/2023 15:08 (GMT+7)
Tại SEA Games 32, Thảo Vy, Thảo My đã mang về tấm HCV lịch sử cho bóng rổ Việt Nam. Có được thành công này, chắc chắn NHM phải cảm ơn những cơ duyên mang lại.
Người ta thống kê được rằng chỉ có 1,2% trẻ em sinh ra là sinh đôi. Điều đó có nghĩa là khả năng sinh đôi là cực kỳ thấp. Tỷ lệ càng thấp hơn nếu một cặp sinh đôi cùng lớn lên, theo học cùng một trường đại học và cùng thi đấu bóng rổ ở đẳng cấp cao.
Và có lẽ sẽ càng hiếm gặp khi khả năng này rơi vào trường hợp một cặp song sinh châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Bởi ngoại trừ Trung Quốc, hầu như các quốc gia châu Á đều không coi bóng rổ là môn thể thao ưa thích của mình. Vậy mới thấy, bóng rổ Việt Nam may mắn thế nào khi được sở hữu hai cầu thủ xuất sắc, lại là chị em sinh đôi như Thảo Vy, Thảo My…
Cặp song sinh này sinh ra ở Houston, Texas trong một gia đình có ba và mẹ là người Việt. Bố của hai chị em, ông Trương Mẫn, từng chơi bóng rổ khi còn trẻ và cũng nuôi dưỡng niềm đam mê cháy bỏng với môn thể thao này.
Nhưng ông không hề bắt hai con theo nghiệp bóng rổ như mình. Thảo Vy, Thảo My khi bé cũng chẳng biết bóng rổ là gì, cho đến khi cô em Thảo My trong một lần mò vào nhà kho của bố tìm đồ chơi vấp phải trái bóng và ngã ra. Hai chị em nhìn thấy, bị cuốn hút bởi trái bóng cam, và hai chị em bén duyên với bóng rổ kể từ đó.
Nhưng để đi từ một tình yêu chớm nở đến thành công như hiện tại là cả một hành trình gian khổ. “Chúng tôi đã phải rèn luyện nhiều tiếng đồng hồ trên sân bê tông, dưới trời nắng gắt. Da chúng tôi bóng rát vì nắng, nhưng không ai muốn dừng lại cả”, Thảo Vy từng chia sẻ như thế về những ngày đầu khổ luyện của mình.
Hành trình đi lên của cả hai bắt đầu từ đó. Họ đã dẫn dắt đội bóng trường trung học của mình giành chức vô địch quận. Cả hai chị em đều đạt trung bình ít nhất 16,5 điểm mỗi trận. Cô em Thảo My được đề cử giải McDonald's All-American dành cho các cầu thủ trung học xuất sắc nhất nước Mỹ.
Thành tích cực tốt trong thế thao giúp cả hai dễ dàng được những trường đại học danh tiếng để mắt tới. Với nguyên tắc “đi đâu cũng phải đi cùng nhau”, cả hai đã gia nhập Gonzaga, một trong những trường đại học có đội bóng rổ hùng mạnh nhất nước Mỹ. Và đó cũng là cách để cả hai cùng sát cánh, cùng hỗ trợ nhau trong học tập và thi đấu.
Tại Gonzaga, nơi vốn có những ngôi sao sinh viên, Thảo Vy và Thảo My đã rất nỗ lực cạnh tranh vị trí. Chiều cao khiêm tốn (hơn 1m7) nhưng nhờ khả năng di chuyển linh hoạt, ném xa “cháy” rổ, cũng như khả năng quan sát cực tốt, Thảo Vy đã trở thành ngôi sao trong đội.
Mùa giải 2022/23, cô không vắng mặt trận nào. Cô là hậu vệ dẫn bóng số 1 của đội với tổng cộng 172 pha kiến tạo, trung bình hơn 5 kiến tạo/trận, trung bình 16 điểm/trận cùng tỷ lệ ném 3 lên tới 45,4%, những con số rất thuyết phục.
Nhờ Thảo Vy, Gonzaga đã vô địch regular season (mùa giải thường trước khi các đội bước vào giai đoạn play-off tranh chức vô địch chung cuộc). Tiếc rằng, họ chỉ tiến vào tứ kết vùng trước khi bị loại. Nhưng cũng “nhờ” việc Gonzaga sớm thất bại mà chị em Thảo Vy - Thảo My mới có thêm thời gian hồi phục thể lực, với riêng Thảo My là bình phục chấn thương nặng khiến cô phải ngồi ngoài nhiều tháng, qua đó chuẩn bị tối đa cho SEA Games.
Không rơi vào tình trạng tranh chấp quân với CLB chủ quản, đó thực sự là những điều rất thuận lợi, nếu không muốn nói là may mắn với bóng rổ Việt Nam. Và may mắn nhất chính là việc nền bóng rổ non trẻ của chúng ta được sở hữu hai nguồn cảm hứng hàng đầu, hai tay ném dẫn đường cho những chiến thắng: Thảo Vy và Thảo My.