Thanh katana ngược của Samurai Xanh
Thứ ba, 09/11/2021 10:31 (GMT+7)
ĐT Nhật Bản dường như không có được sự sắc sảo cần thiết ở vòng loại World Cup 2022, như Rurouni Kenshin với thanh katana ngược trong tay.
ĐT Nhật Bản ghi bàn ít hơn cả… Việt Nam
Điều đó thật khó tin nhưng lại đang là sự thật ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Cho đến thời điểm này, đội bóng đến từ xứ sở mặt trời mọc mới chỉ có vỏn vẹn 3 bàn thắng trong 4 trận đã đấu, ít nhất ở bảng B. Đối thủ của họ ở trận đấu sắp tới, cũng chính là ĐT Việt Nam dù toàn thua nhưng cũng đã có cho mình 4 lần chọc thủng lưới đối phương.
Khả năng ghi bàn tệ hại của hàng công chính là nguyên nhân khiến ĐT Nhật Bản chỉ có được vị trí thứ 4 ở bảng B vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Họ để thủng lưới 3 bàn, ngang bằng với 2 đội dẫn đầu là Saudi Arabia và Australia. Như vậy, có thể thấy hàng thủ dưới sự chỉ đạo của Maya Yoshida vẫn đang thi đấu không tồi và mọi vấn đề mà đại diện Đông Á gặp phải đều xuất phát đến từ hàng công.
Điều này đang diễn ra hoàn toàn trái ngược so với vòng loại thứ 2. Ở cùng bảng đấu với các đối thủ như Myanmar, Tajikistan, Kyrgyzstan và Mông Cổ, ĐT Nhật Bản đã ghi tới 46 bàn thắng trong 8 trận, tức trung bình mỗi trận gần 6 bàn. Họ chính là đội có thành tích ấn tượng nhất ở những vòng đấu trước.
Vậy điều gì đang diễn ở ở đội bóng của ông Hajime Moriyasu? ĐT Nhật Bản dường như không có nhiều sự thay đổi so với vòng loại thứ 2 diễn ra chỉ cách đây 5 tháng, nhưng khả năng ghi bàn của họ lại sa sút không phanh.
Thanh katana ngược của Samurai Xanh
Trong câu chuyện về huyền thoại Rurouni Kenshin, anh mang trong mình một thanh katana ngược được gọi là Sakabato (Nghịch Thái Đao), với lời thề sẽ không giết hại bất kỳ ai nữa. Thanh Sakabato ấy chỉ đơn giản là một cây kiếm katana với mặt sắc hướng vào phía trong, gần như đánh mất khả năng cướp đi sinh mạng của kẻ khác. Ám ảnh về quá khứ sát thủ của mình, chàng samurai vô chủ sống ở cuối thời Minh Trị đã nhiều lần đánh bại kẻ ác với cây kiếm không thể cắt được vào da thịt của đối phương.
Hàng công của ĐT Nhật Bản vào thời điểm này cũng giống như thanh Sakabato mà Kenshin Himura đã mang trong bộ tiểu thuyết ăn khách của xứ hoa anh đào vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Họ dường như đang phải kết liễu đối phương với những thanh kiếm mà mặt hướng ra ngoài lại không được mài giũa một cách cẩn thận.
Tuyển Nhật Bản đã thắng 2 trong tổng số 4 trận đấu của mình ở vòng loại World Cup 2022, nhưng thực tế họ dứt điểm nhiều hơn đối thủ ở 3 trận đấu trong số đó. Ngay cả khi sút ít hơn các cầu thủ Oman (10 so với 12), thì Những chiến binh Samurai xanh cũng là đội áp đảo ở trên sân khi kiểm soát 65% thời lượng bóng lăn.
Tuy nhiên, tỷ lệ những pha dứt điểm trúng mục tiêu của họ là không cao. Ở trận gặp Trung Quốc, ĐT Nhật Bản tung ra 18 cú sút, chỉ có 3 là đi vào khung thành đối thủ. Khi gặp Oman, những con số thống kê là 10 cú sút, 4 lần khiến thủ môn đối phương phải cản phá.
Tính rộng ra, trong cả 5 trận đấu, họ đã dứt điểm 50 lần, chỉ ghi được 3 bàn. Tỷ lệ chuyển hoá cú dứt điểm thành bàn thắng của họ chỉ là 6%, một con số rất tệ. Nếu so với ĐT Việt Nam (ghi 4 bàn sau 36 cú sút, tỷ lệ 11,11%) thì ĐT Nhật Bản có hiệu suất chỉ bằng hơn một nửa.
Điều này xuất phát từ thực tế rằng họ không có một tiền đạo mục tiêu thực sự chất lượng ở trên sân. HLV Hajime Moriyasu sử dụng 1 trong 2 chân sút chủ lực ở sơ đồ 4-2-3-1 của đội là Yuya Osako hoặc Kyogo Furuhashi. Vấn đề là cả 2 cầu thủ này đều không phải là mẫu tiền đạo cắm truyền thống.
Cả Osako và Furuhashi đều không phải là những mẫu tiền đạo to lớn, thậm chí Osako khó có thể coi là tiền đạo. Cựu cầu thủ của Werder Bremen từng đá 7 mùa giải ở Bundesliga và 2 mùa ở giải hạng Nhất Đức nhưng chỉ ghi được 34 bàn trong hơn 200 lần ra sân. Anh thường được sử dụng như một tiền vệ công hay thậm chí là một tiền vệ cánh hơn là một trung phong.
Trong khi đó, Kyogo Furuhashi là chân sút chỉ vừa đặt chân tới Celtic và đang có thành tích ghi bàn rất ấn tượng là 13 pha lập công sau 18 trận đã đấu. Thế nhưng thực tế, anh này chỉ có chiều cao 1,7m và thường xuyên hoạt động rộng trong sơ đồ 4-3-3. Khi được HLV Moriyasu sử dụng ở ĐT Nhật Bản, đôi khi cựu cầu thủ của Vissel Kobe phải hoạt động ở ngoài biên.
Tất cả các tiền đạo (trên lý thuyết) còn lại của ĐT Nhật Bản đều có phong cách tương tự. Takumi Minamino, Ao Tanaka, Ritsu Doan hay Kaoru Mitoma đều giỏi trong việc hoạt động rộng và chơi phía sau tiền đạo mục tiêu khi thi đấu trong sơ đồ 4-2-3-1. Dù vậy, không ai có thể đảm nhiệm vai trò của mũi nhọn tấn công trong cách vận hành của lối chơi trên.
Ở vòng loại thứ 2, ĐT Nhật Bản ghi tới 46 bàn thì Takumi Minamino ghi 9 bàn, còn Yuya Osako ghi 8 bàn. Thế nhưng, họ lại gần như im tiếng ở vòng loại thứ 3. Có thể thấy những đối thủ ở vòng loại thứ 2 dường như quá yếu đã khiến ĐT Nhật Bản không nhìn ra được những hạn chế trên hàng công của mình.
ĐT Nhật Bản đang dần mài sắc hàng công?
Sau 3 trận đấu chỉ ghi được 1 bàn thắng, ĐT Nhật Bản đã có chiến thắng quan trọng với tỷ số 2-1 trước ĐT Australia để làm sống dậy hy vọng dự World Cup 2022. Đây cũng là trận đấu mà HLV Hamije Moriyasu áp dụng sơ đồ 4-3-3 thay vì 4-2-3-1 như 10 trận đấu trước đó.
Chỉ trong 1 trận đấu, họ đã ghi được nhiều bàn thắng hơn gấp đôi những gì đã làm ở 3 trận trước đó, lại còn trước đối thủ đã toàn thắng trước chuyến làm khách tới sân vận động World Cup ở Saitama. Họ cũng có tới 6 cú sút đi vào khung thành đối phương, đạt tỷ lệ 50% trên tổng số pha dứt điểm của mình.
Câu trả lời nằm ở vị trí tiền đạo cắm. Cả Yuya Osako và cầu thủ vào thay người sau đó là Kyogo Furuhashi đều tỏ ra phù hợp với lối chơi 4-3-3 hơn là 4-2-3-1. Họ luân chuyển bóng hiệu quả, tạo ra cơ hội cho các đồng đội dứt điểm. Bàn thắng của Ao Tanaka xuất phát từ pha chuyền bóng của Osako tới vị trí trống trải bên cánh trái, giúp cầu thủ này tự tin dứt điểm ở góc rộng.
Khi còn thi đấu trong sơ đồ 4-2-3-1, Yuya Osako gần như bị bó buộc trong vòng cấm, là mũi nhọn của pha tấn công chứ ít khi có các tình huống lùi sâu để xây dựng lối chơi, bởi ngay phía sau anh là cầu thủ thi đấu ở vị trí số 10 Daichi Kamada (hoặc có thể là Ritsu Doan). Cách vận hành này khiến cả Osako và Furuhashi đều không phát huy được sức mạnh. Nếu như Osako có lối chơi đồng đội hơn thì chân sút của Celtic cần khoảng trống để phát huy sở trường chạy chỗ. Cả 2 điều đó đều không được thể hiện trong cách bố trí chiến thuật của sơ đồ 4-2-3-1.
Ở trận gặp ĐT Việt Nam ngày 11/11 tới, báo giới và các chuyên gia Nhật Bản đều lên tiếng yêu cầu HLV Hamije Moriyasu tiếp tục sử dụng sơ đồ 4-3-3 đã thành công ở trận gặp Australia. Đây cũng là chiến thuật mà CLB Kawasaki Frontale, nhà vô địch J.League 2021 đang áp dụng. Trong đội hình của ĐT Nhật Bản tuy có tới 18 cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài nhưng không ít trong số đó trưởng thành từ Kawasaki Frontale nên hoàn toàn phù hợp với lối chơi này như Hidemasa Morita, Kaoru Mitoma, Ao Tanaka, Miki Yamane. Hay kể cả Takumi Minamino ở Liverpool và Junya Ito cũng rất thân thuộc với những sơ đồ có 2 tiền đạo cánh sẵn sàng nhận sự hỗ trợ của tiền đạo cắm, nên đây sẽ là một sơ đồ chiến thuật hiệu quả.
Cuộc gặp gỡ trên sân Mỹ Đình ít ngày tới là trận đấu vì danh dự đối với ĐT Việt Nam, nhưng sẽ là cuộc đối đầu sống còn với người Nhật Bản. Nếu không thể thắng, cơ hội lọt vào vòng chung kết World Cup 2022 sẽ hẹp đi trông thấy. Do đó, HLV Moriyasu và các học trò chắc chắn sẽ phải tung ra tất cả những gì mình có với hy vọng giành trọn 3 điểm ở vòng đấu cuối cùng của lượt đi.