Thái Lan nhập tịch HLV để bảo vệ HCV Olympic
Thứ sáu, 09/08/2024 16:13 (GMT+7)
Thành công của Taekwondo Thái Lan tại những kỳ Olympic gần đây có đóng góp không nhỏ của HLV Hàn Quốc Choi Young Seok, người đã quyết định nhập quốc tịch Thái Lan và đổi tên thành Choi Chatchai.
Olympic Paris chứng kiến Taekwondo Thái Lan tiếp tục gặt hái thành công. Gương mặt số 1 của họ là Panipak Wongpattanakit đã bảo vệ tấm HCV hạng cân 49kg nữ. Người đứng sau thành công đó của Panipak chính là HLV Choi Young Seok, người mới đổi tên thành Choi Chatchai.
"Tôi bắt đầu làm việc cùng Taekwondo Thái Lan trên cương vị HLV trưởng đội tuyển quốc gia từ năm 2002. Đó là thời điểm toàn đội chuẩn bị cho ASIAD tại Busan, Hàn Quốc. Thái Lan cho thấy họ muốn xây dựng một đội tuyển mạnh trong tương lai và tôi được mời làm việc", ông Choi cho biết.
Choi Young Seok là HLV Taekwondo người nước ngoài đầu tiên đến Thái Lan làm việc. Ông sớm gặt hái thành công, khi đội tuyển nước này có HCĐ của Yaowapa Boorapolchai tại Olympic Athens 2004. Nhưng phải đến khi gặp được Panipak Wongpattanakit, ông Choi mới bước lên đỉnh cao huấn luyện.
HLV Choi Young Seok lần đầu gặp Panipak vào năm 2010, khi ấy cô mới 13 tuổi. Cô nằm trong số 30 tuyển thủ quốc gia được huấn luyện theo lịch trình khoa học, kéo dài từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần. Dưới đây là lịch tập luyện chung của Panipak và những tuyển thủ khác.
- Từ thứ Hai đến thứ Sáu:
6h-8h sáng: Tập tạ tăng cường thể chất
8h sáng: Ăn sáng cùng đội, sau đó đến trường học
4h-7h chiều: Tập kỹ thuật, đấu tập đối kháng
- Thứ bảy: 9h sáng - 12h trưa: Tập giáo án cuối tuần
- Chủ nhật: Nghỉ ngơi
Lịch trình tập luyện của đội tuyển Taekwondo Thái Lan do ông Choi Young Seok đưa ra giúp các tuyển thủ vừa tập, vừa theo được lịch học văn hóa. Với cá nhân Panipak, VĐV này đã hoàn tất chương trình đại học, và cô đang học thạc sĩ trong khoảng thời gian chuẩn bị cho Olympic Paris.
Với lịch học cao học, Panipak có thể thu xếp dành thời gian tập luyện nhiều hơn. Ngoài ra, sau 14 năm cùng nhau làm việc, HLV Choi Young Seok có thể nhận ra từng thay đổi hàng ngày của cô chỉ bằng việc quan sát học trò tập luyện, thay vì nói chuyện hoặc đưa ra yêu cầu.
"Trong võ thuật, nhiều HLV rất khắt khe với học trò, để khiến họ vượt qua giới hạn bằng khổ luyện. Nhưng Panipak lại khác, tôi hiểu cá tính và phong độ của cô bé luôn tốt hơn mọi người. Chẳng cần HLV, Panipak vẫn cố gắng. Có những lúc tôi phải yêu cầu cô bé không được tập quá nhiều, và phải thay đổi bằng việc tập nhẹ", HLV Choi chia sẻ.
Panipak sinh ra ở Surat Thani, một nơi nằm khác xa Bangkok. Ban đầu, VĐV này đòi về nhà chỉ sau 2 tuần tập luyện ở đội tuyển quốc gia. Ông Choi không thể khắt khe khi biết hoàn cảnh của Panipak. Mẹ của cô mất sớm, và cô được bố một mình nuôi lớn. Cuối cùng, ông Choi cố gắng học thêm tiếng Thái Lan để thuyết phục hai bố con Panipak.
Ít ngày sau, Panipak cùng bố mình, ông Sirichai trở lại đội tuyển quốc gia. Ông xin lỗi toàn đội vì Panipak đã tự ý bỏ về nhà. Những lời ông Sirichai nói ra khiến HLV Choi cảm thấy mình phải có nhiều trách nhiệm hơn, và ông hứa "tôi sẽ chăm sóc cho cô bé như con gái ruột của mình".
Năm 2012, hệ thống giáp điện tử tính điểm được đưa vào áp dụng trong môn Taekwondo ở Olympic. Điều này vô tình trở thành lợi thế lớn cho Panipak, người sở hữu chiều cao và thân hình gầy. Nếu thi đấu theo luật cũ, vốn tính điểm cơ học bằng những pha đá "nổ" giáp, cô sẽ chịu bất lợi trước những đối thủ thấp hơn, nhưng nhanh nhẹn hơn mình.
Hệ thống giáp và cảm biến tính điểm không còn yêu cầu những cú đá có lực quá mạnh nữa. Vì thế, Panipak, một người có chiều cao tốt và sải chân dài, sẽ có cơ hội giành điểm từ những cú đá tầm xa. Một trong những tuyệ chiêu của VĐV này là cú đá "bọ cạp", vòng chân ra sau đầu đối thủ.
Theo chia sẻ từ HLV Choi, các VĐV Taekwondo thường được dạy để tập đá về phía trước đối phương. Nhưng với Panipak, một người có thể chất khác biệt, cô còn được tập để đá vòng ra sau đầu đối thủ nữa. Chính lối thi đấu có một không hai này đã giúp cô bất khả chiến bại. Rất nhiều đồng đội của Panipak tập kỹ thuật này nhưng không làm được.
Một điểm mạnh khác của Panipak là thể lực. Không giống nhiều môn thể thao khác, Taekwondo chỉ thi đấu gói gọn trong 1 ngày, với 4-5 trận đấu liên tục diễn ra. Điều đó đòi hỏi các võ sĩ phải chuẩn bị nguồn thể lực rất lớn, với mỗi trận đấu kéo dài 2-3 hiệp, mỗi hiệp 2 phút.
"Võ sĩ giỏi đến mấy cũng vô dụng nếu không có thể lực ở những trận tranh huy chương. Vì thế, thành công hay thất bại trong môn Taekwondo đến từ thể lực thuần túy. Panipak nhìn có vẻ gầy và yếu ớt, nhưng cô bé tập thể chất nhiều hơn bất cứ ai", HLV Choi khẳng định.
Bên cạnh những giáo án chuyên môn, HLV Choi cũng hiểu rõ Panipak như người trong gia đình. Tại Olympic Rio 2016, Panipak lọt vào tứ kết. Đối thủ của cô là Kim So Hui, người từng bị Panipak đánh bại 2 lần trước đó. Nhưng Kim cuối cùng lại thắng lần này và giành HCV chung cuộc, còn Panipak phải tranh vé vớt với tấm HCĐ.
Ở tuổi 19 và phải nhận thất bại không lường trước, Panipak ngỏ ý muốn giải nghệ. HLV Choi không muốn khắt khe với cô học trò tuổi teen. Ông cho phép Panipak về nhà nghỉ ngơi 1 tháng bên gia đình, như một phần thưởng cho tấm huy chương Olympic. HLV tin chắc Panipak rồi sẽ trở lại đội tuyển, và cuối cùng cô đã lên đội sớm hơn dự kiến.
Sau khi Panipak trở lại, không khí của đội tuyển Taekwondo Thái Lan trở nên vui vẻ hơn. Toàn đội tham gia các hoạt động ngoài võ thuật như chơi bóng đá, bơi, đi xem phim cùng nhau. Họ cũng trò chuyện về mọi chủ đề mình yêu thích, chứ không chỉ có tập luyện, thi đấu Taekwondo nữa.
HLV Choi không giống với hình ảnh một ông thầy dạy võ khắt khe. Ông giải thích cho các VĐV biết, trong thể thao, chiến thắng không phải là tất cả. VĐV cần trải qua cảm giác chiến thắng và cả thất bại. Chẳng có gì phải tuyệt vọng sau khi nhận một trận thua. Điều quan trọng là mỗi người phải học được sau thất bại và hướng đến trận sau.
Công khổ luyện của Panipak cuối cùng cũng được đền đáp. Năm 2021, tròn 1 năm sau khi Olympic Tokyo phải lùi lại vì dịch bệnh, cô trở thành võ sĩ Taekwondo Thái Lan đầu tiên giành HCV Thế vận hội. Nhưng ít ai biết, chỉ ít ngày sau tấm HCV lịch sử đó, ông Choi và Panipak đã phải nghĩ đến những giải đấu tiếp theo, nơi mục tiêu luôn là vô địch.
Tại ASIAD 19 ở Trung Quốc, Panipak tưởng như đã thất bại bẽ bàng trong trận chung kết. Giáp tính điểm của cô bị lỗi trong hiệp 3, khiến VĐV này có lúc bị đối phương dẫn trước tới 130 điểm. Nhưng lỗi này sau đó được phát hiện, Panipak "chỉ" bị dẫn 9 điểm, và cô ghi liên tục 12 điểm để giành chiến thắng chung cuộc trước đại diện chủ nhà.
"Mọi võ sĩ đến ASIAD hay Olympic đều muốn giành huy chương. Panipak cũng thế, và em cảm thấy căng thẳng, nhiều áp lực hơn bất cứ ai. Có lúc Panipak nghĩ, sẽ ra sao nếu em để thua một VĐV vô danh, trong khi mình đã chinh phục mọi danh hiệu cao quý nhất", HLV Choi bộc bạch.
Hiểu về nỗi lo của Panipak, HLV Choi động viên. Ông nói chưa có VĐV Taekwondo Thái Lan nào dự 3 kỳ Olympic, và Panipak còn thi đấu ở đây đã là một thành công. Vào năm 2022, ông cũng chính thức nhập tịch Thái Lan, lấy tên Choi Chatchai và làm nhiệm vụ như một người Thái.
Panipak thi đấu ở hạng cân nhỏ nhất trong môn Taekwondo, nơi VĐV phải duy trì chế độ dinh dưỡng khắt khe. Nhiều người trong số họ thường ăn cho thỏa thích sau mỗi giải đấu, khiến cơ thể nhanh chóng tăng lên 3-4kg. Nhưng Panipak không làm như vậy. Cô luôn kiểm soát lượng thức ăn nạp vào cơ thể, chừng nào còn làm vận động viên.
Một điểm mạnh khác của Panipak là theo thời gian, cô dần trở nên tự tin hơn trước đám đông. Nhà vô địch Olympic sở hữu các kênh mạng xã hội có lượt tương tác lớn, với nội dung phần lớn do cô tự thực hiện. Chế độ ăn của VĐV, lịch trình tập hàng ngày, cũng như hoạt động cá nhân được Panipak chia sẻ cùng người hâm mộ rất chân thật, tự nhiên.