Bong da Viet Nam
Gửi bài
back-to-top
World Cup

Tây Ban Nha bị loại: Thừa tính toán, thiếu hiệu quả và một HLV không có ‘kế hoạch B’

Thứ tư, 07/12/2022 11:26 (GMT+7)

Tây Ban Nha bị loại khỏi World Cup 2022 vì thua đá luân lưu trước Morocco nhưng mọi thứ không đơn giản như vậy. Thất bại ấy là hệ quả tất yếu của lối chơi có thừa sự tính toán nhưng lại thiếu đi hiệu quả và một HLV Luis Enrique không có ‘kế hoạch B’.

Tác giả Matt Furniss của The Analyst mở đầu bài phân tích trận Morocco vs Tây Ban Nha như sau: “La Roja tiếp tục đá luân lưu. Đội tuyển này bị Italia loại loại khỏi EURO 2021 ở vòng bán kết sau màn ‘đấu súng’. La Roja trước đó thua Nga ở vòng 1/8 World Cup 2018 khi trận đấu phải phân định thắng bại bằng penalty.

Tây Ban Nha bị loại: Thừa tính toán, thiếu hiệu quả và một HLV không có ‘kế hoạch B’ - Ảnh 2
Tây Ban Nha một lần nữa bị loại khỏi World Cup sau khi thua luân lưu

Với việc bị loại khỏi World Cup 2002 vì thua luân lưu trước Hàn Quốc, Tây Ban Nha trở thành đội đầu tiên thua 3 màn ‘đấu súng’ liên tiếp. Đây đã là lần thứ 4 La Roja phải ‘dừng cuộc chơi’ tại Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh theo kịch bản này, nhiều hơn bất cứ đội tuyển nào”.

Có vẻ như việc thua luân lưu đã trở thành nỗi ám ảnh với Tây Ban Nha. Ám ảnh đến mức HLV Luis Enrique giao cho mỗi cầu thủ thực hiện không dưới 1000 quả penalty như phần quan trọng nhất của ‘bài tập về nhà’.

Chuyền nhiều để làm gì?

Nhưng đó chỉ là một phần của sự thật. Phần lớn còn lại chủ yếu tới từ việc Tây Ban Nha không thể ‘giải quyết’ Morocco trong 2 hiệp chính và cả 2 hiệp phụ. Nếu ghi nhiều bàn hơn đối thủ, La Roja đơn giản đâu cần đá luân lưu để nỗi ám ảnh hiện về và tô thắm những kỷ lục buồn?!

Trước Morocco (và nhiều đối thủ khác), Tây Ban Nha gần như không biết làm gì ngoài việc… chuyền bóng. La Roja quả thực làm điều này giỏi hơn bất kỳ đội tuyển nào. Cả 4 cột mốc về số đường chuyền trong 1 trận đấu của World Cup đều ghi danh Tây Ban Nha: 1115 đường chuyền, vs Nga - 2018; 1058, vs Nhật Bản - 2022, 1045 - vs Costa Rica, 2022; 1019 - vs Morocco, 2022.

Ba trong số bốn cột mốc được Tây Ban Nha thiết lập tại giải đấu đang diễn ra trên đất Qatar. Nhưng ngoài chuyền bóng ra, La Roja do HLV Luis Enrique dẫn dắt có thể làm được điều gì khác? Hay có thể đặt ra câu hỏi: Tây Ban Nha chuyền nhiều để làm gì?

Tây Ban Nha bị loại: Thừa tính toán, thiếu hiệu quả và một HLV không có ‘kế hoạch B’ - Ảnh 4
Tây Ban Nha nhận sự rèm pha từ truyền thông quốc tế

Chỉ ông Enrique cùng đội ngũ cộng sự, các cầu thủ của La Roja mới có thể đưa ra câu trả lời. Còn nếu dựa vào kết quả để ‘luận anh hùng’, Tây Ban Nha chuyền nhiều để… thất bại. Trong 4 trận mà La Roja thiết lập các cột mốc kể trên, đội tuyển này thua tới 3.

Trong 2 hiệp chính và 2 hiệp phụ trận đấu với Morocco, Tây Ban Nha kiểm soát bóng tới 77% và thực hiện 1019 đường chuyền. Không những vậy, các cầu thủ bên phía La Roja còn chuyền đặc biệt chính xác: tỷ lệ chuyền thành công lên tới 90%. Số đường chuyền của Tây Ban Nha nhiều gấp hơn 3 lần so với Morocco: 305 đường chuyền với tỷ lệ chính xác 70%.

Thừa tính toán, thiếu hiệu quả

Trước Morocco, Tây Ban Nha có thừa sự tính toán về chiến thuật. Sự tính toán ấy thể hiện qua việc ông Enrique để Marcos Llorente đá chính ở vị trí hậu vệ phải thay vì Dani Carvajal. Rodri cũng xuất phát ở vị trí trung vệ thay vì tiền vệ mỏ neo sở trường. Giữa hiệp 1, La Roja tìm cách gây bất ngờ bằng việc đẩy Pedri ra cánh. Điều tương tự cũng xảy ra với Gavi trong 1 số thời điểm.

Ý tưởng của ông Enrique cùng đội ngũ cộng sự: Marcos Llorente vốn thường xuyên đá tiền vệ phải tại Atletico Madrid hứa hẹn tấn công tốt hơn Cavajal - một hậu vệ. Sử dụng Rodri ở vị trí trung vệ giúp La Roja làm tốt hơn nữa khâu triển khai bóng từ tuyến dưới. Việc để Pedri và Gavi dạt cánh sẽ giúp gia tăng quân số ở khu vực này.

Tây Ban Nha bị loại: Thừa tính toán, thiếu hiệu quả và một HLV không có ‘kế hoạch B’ - Ảnh 3
Tổng số bàn thắng kỳ vọng của Tây Ban Nha trước Morocco chỉ ở mức 0,94

Đó không hẳn là những tính toán sai lầm nhưng hiệu quả thì bằng con số 0. Marcos Llorente tỏ ra ‘lạc nhịp’ khi phối hợp với Gavi. Hệ quả tiếp theo: tiền đạo phải Ferran Torres thiếu đi sự hỗ trợ cần thiết và không tạo ra bất kỳ mối đe dọa nào cho khung thành của Morocco. Nico Williams - cầu thủ vào thay Torres - cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Khi một đội kiểm soát bóng xấp xỉ 80% mà không ghi được bàn thắng thì đơn giản đội ấy thi đấu thiếu hiệu quả. Sự thiếu hiệu quả ấy có thể ‘đong đếm’ bằng những con số.

Tây Ban Nha chỉ thực hiện được 13 pha dứt điểm - không quá thấp nhưng tệ so với số đường chuyền. Trung bình, La Roja cần tới hơn 78 đường chuyền để tạo ra 1 tình huống kết thúc. Nếu tính riêng 2 hiệp chính, số đường chuyền để tạo ra 1 pha dứt điểm của đội tuyển này là 107.

Trận đấu tại sân Education City chỉ xuất hiện 3 pha dứt điểm hướng bóng trúng khung thành đối phương. Trớ trêu thay, 2 trong số ấy thuộc về Morocco - đội kiểm soát bóng 23%. Điều này đồng nghĩa với việc Tây Ban Nha cần tới… 1019 đường chuyền để tạo ra một pha kết thúc trúng đích.

Đâu rồi ‘kế hoạch B’?

Trước Morocco, Tây Ban Nha bế tắc, thực sự bế tắc. Nhưng không riêng gì trận này, sự bế tắc ấy thực ra đã xuất hiện từ trận đấu với Đức. La Roja ghi được 9 bàn thắng tại VCK World Cup 2022 nhưng 7 trong số này xuất hiện trong trận đấu với Costa Rica. Ba trận còn lại, Tây Ban Nha chỉ ghi được 2 bàn và theo Opta, đội tuyển này cần trung bình 1356 đường chuyền cho một lần ăn mừng.

Tây Ban Nha bị loại: Thừa tính toán, thiếu hiệu quả và một HLV không có ‘kế hoạch B’ - Ảnh 1
HLV Luis Enrique thiếu đi những 'phương án B' chất lượng

Trong chiến thắng Costa Rica, tổng số bàn thắng kỳ vọng (xG) của Tây Ban Nha là 2,74. Ba trận còn lại, tổng số xG của La Roja chỉ ở mức 2,64. Khó tin nhưng đó là sự thật.

Ông Enrique cùng đội ngũ cộng sự chắc hẳn biết điều ấy nhưng không (hoặc không thể) tạo ra sự thay đổi. Khi Tây Ban Nha chuyền nhiều mà không thể làm nên đột biến, những quả treo bóng cần được thực hiện và thậm chí cần ưu tiên phương án này. Enrique làm gì? Ông để Alvaro Morata - tiền đạo giỏi không chiến nhất đội - rời sân và thay bằng Marco Asensio. Ferran Torres - cầu thủ gây thất vọng bậc nhất - được giữ lại cho đến phút thứ 75.

Khi một đội cần bàn thắng, băng ghế dự bị thường trở thành chỗ dựa. Nhưng trên ghế dự bị của Tây Ban Nha không có nhiều nhân tố có thể đặt niềm tin. Ông Enrique điền tên Nico Williams hay Yeremy Pino vào danh sách tới Qatar mà bỏ lại những tiền đạo chất lượng hơn như Iago Aspas, Gerard Moreno, Borja Iglesias…

Chẳng phải ngẫu nhiên HLV Walid Regragui nói trước trận rằng Morocco sẽ khiến Tây Ban Nha không biết phải làm gì với trái bóng trong chân. Ông Regragui có lý do để ‘tuyên chiến’ như vậy bởi La Roja đang ở vào phiên bản tệ nhất kể từ VCK EURO 2008.

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá