Tâm bệnh
Thứ ba, 29/06/2021 23:03 (GMT+7)
Kết thúc như thể chưa bao giờ thực sự bắt đầu, cuộc chinh phục của những nhà ĐKVĐ World Cup là cả một nỗi hoang mang, với quá nhiều “giá như” vây bủa. Có lẽ chỉ có một điều duy nhất chắc chắn: Les Bleus không xứng đáng với danh tiếng và vị thế của chính mình, từ những điều nhỏ nhất.
1. “Giá như” Didier Deschamps đừng thờ ơ với sự tha thiết của Laporte, “giá như” ông đừng chọn Lenglet cho danh sách cuối cùng, hay “giá như” Mbappe không phải là người bước đến quả luân lưu “khóa đuôi” ấy…đều chỉ còn là những giả định không bao giờ xảy ra. Hay đúng hơn, là những nỗi tiếc nuối. Chúng cũng chỉ có giá trị ngang với việc “giá như” Les Bleus đừng bị chấn thương hủy hoại, đến độ phải chuyển từ sơ đồ phòng ngự 4 hậu vệ sang một hàng thủ 3 người lạ lẫm và chắp vá, hoặc “giá như” cú sút từ chân Coman đừng chạm xà ngang – tức là những diễn biến đen đủi bất khả kháng.
Bất khả kháng, nhưng vừa là đương kim vô địch World Cup, vừa là ứng viên số 1 cho danh hiệu vô địch EURO đến trước trận knock-out này, việc của thày trò Deschamps đơn giản chỉ là vượt qua tất cả mọi trắc trở. Mà tốt hơn thế, là làm thế nào có đủ sự tập trung cũng như tinh thần nghiêm túc nhằm kiểm soát tình hình, vừa né tránh trắc trở, vừa sẵn sàng nắm bắt và tận dụng mọi vận may.
Đó là những gì đã từng xảy ra trong thực tế, với Les Bleus vào những mùa hè rực lửa 1998, 2000 và 2018. Deschamps, vừa là thủ quân huyền thoại, vừa là HLV thành đạt nhất lịch sử bóng đá Pháp, dĩ nhiên là hiểu rõ hơn ai hết yếu tố mấu chốt đó.
Bởi vì, khi không có được yếu tố ấy, khán giả và chính Deschamps cũng đã từng chứng kiến những lần thảm bại ê chề không kém lần này. EURO 1992, World Cup 2002, EURO 2004, EURO 2008, EURO 2012. Và nhất là EURO 2016, dù khi ấy họ đã vào đến tận chung kết.
Những bài học ứa máu còn nguyên đó.
2. Pháp có thực sự mạnh như cách họ được mọi đối thủ cũng như giới truyền thông ca ngợi và gờm sợ hay không? Có, và thậm chí còn mạnh hơn thế, như những gì được thể hiện trong khoảng thời gian bùng nổ ngắn ngủi để tạm thời lật ngược thế cờ trước Thụy Sĩ.
Trước thời điểm đó, bất kể uy danh như sấm động, chưa lần nào Les Bleus thực sự chứng minh được rằng họ có thể tăng tốc, có thể áp đặt lối chơi, và đủ bản lĩnh để trừng phạt mọi sai lầm của đối phương. Ba trận vòng bảng, Pháp có 1 chiến thắng duy nhất từ một pha phản lưới, và chỉ có thêm 2 trận hòa.
Đổ lỗi cho vận hạn là chuyện dễ dàng. Nhưng cũng dễ dàng không kém, để khắt khe nhận xét rằng các chàng trai của Deschamps dường như gặp khó khăn trong việc sớm định đoạt mọi cuộc chơi (ví dụ như bằng khoảng cách hai bàn cách biệt), trước những đối thủ không thể so sánh về danh tiếng hay tiềm lực với họ.
Tuy vậy, cú đúp của Benzema cũng như pha cứa lòng hoàn hảo của Paul Pogba xóa nhòa mọi hoài nghi. Khi “số 6” tiến lên gần với ba mũi nhọn phía trên hơn, tham gia nhiều hơn vào những pha phối hợp ngắn và trung bình, sức công phá của Les Bleus rõ ràng là đáng sợ hơn nhiều so với khi anh đứng lùi về phía dưới, bằng lòng với những đường phất dài, mở biên hay tỉa khe.
Tuy nhiên, kể cả như vậy, và cứ “giá như” là Thụy Sĩ không thể hoàn tất cuộc lật đổ kỳ vĩ của mình, thì Pogba hay Benzema cũng không thể được xem là những người hùng.
Cho đến trước khi tất cả sụp đổ, người hùng duy nhất của Les Bleus là thủ môn – đội trưởng Hugo Lloris.
3. Trước và sau pha cản phá phạt đền của Lloris, cũng vẫn chỉ là một Les Bleus đó thôi. Một đoàn lê dương thiện chiến, nhưng không tài nào kích hoạt hay khơi dậy được những phẩm chất ưu tú đích thực của mình, trừ quãng thời gian mà sự phán đoán chính xác của anh trở thành một liều doping với hiệu lực ngắn ngủi. Không có lần giang tay của vị thần hộ mệnh ấy, nếu Thụy Sĩ nhân đôi cách biệt thành công, đã chắc gì còn ai có cơ hội tán tụng Pogba hay Benzema.
Họ mang trong mình một thứ tâm bệnh chung không có thuốc chữa – sự ngạo mạn và tâm thế coi thường đối thủ, điều dễ dàng chuyển hóa thành ỳ trệ hay lơ là, hời hợt hay lầm lỗi, vốn xuất phát từ cảm giác thừa mứa hào quang.
Les Bleus là những hiệp sĩ giáp trụ đầy mình, gươm thương sắc nhọn, bá khí ngùn ngụt, nhưng trái tim lại không đặt ở sa trường. Họ bằng lòng với món quà từ trên trời rơi xuống của Matt Hummel. Họ không cảm thấy thôi thúc phải hạ gục bằng được Hungary. Họ vẫn cứ ghìm giữ năng lượng, vì cảm thấy “thế là được rồi” trước một Bồ Đào Nha cố sống cố chết giành vé.
Và ở chặng đường cuối, cơn bệnh ấy trở nặng đến không thể cứu vãn. Trách Lenglet không kèm nổi người trong những pha bóng bổng ư? Varane cũng thế thôi. Chê Kante không còn là một cỗ máy quét tận tụy? Pogba thậm chí còn chẳng mấy khi tham gia pressing phòng ngự bằng những bước chân gấp gáp. Mbappe kém duyên tệ hại, và rõ ràng là không kết nối tốt với Giroud, nhưng thực ra thì Benzema cũng không hào hứng di chuyển lắm, để kéo giãn hàng thủ Thụy Sĩ ra từ mọi phía.
4. Tất cả, chẳng có gì vượt quá năng lực vốn có. Vấn đề là những ngôi sao sáng nhất bên phía Áo Lam không cảm thấy rằng họ thực sự phải cố gắng, để chạm tay vào và giữ chặt chiến thắng. Những nỗi hoang mang manh nha xuất hiện từ vòng bảng lần lượt được tái xác nhận, trong hành trình kỳ diệu đưa Thụy Sĩ giành lại sự sống.
Chúng kết đọng bằng pha mất bóng chết chóc của Paul Pogba, vào lúc chiến thắng đã nằm trong tầm tay. Chàng trai ấy dường như nghĩ mình thực sự trở thành Pirlo hoặc Zidane, để mạo hiểm phô diễn điều gì đó dưới vòng cung trung tâm, thay vì luân chuyển trái bóng đến những khu vực an toàn - để làm điều dễ dàng nhất là đợi tiếng còi mãn cuộc.
Một lần mất bóng ấy thôi, mọi thông số đẹp như tranh vẽ khác đều trở nên lấm lem. Nhưng biết làm thế nào. Trên sân, người giữ nhịp của Les Bleus lạc nhịp. Còn ở khách sạn, cả cái đội bóng ấy thức khuya để chơi game hay xem Netflix. Giống một chuyến nghỉ mát đã đời sau mùa bóng dài, chứ không phải đi săn một danh hiệu vô địch mới.
Sơ đồ chiến thuật hay những vấn đề nhân sự, trong 90 phút chính thức đã hàm chứa đủ cả vận may lẫn sự bùng nổ ấy, cũng có vai trò quyết định gì đâu…