Tại sao Muay Thái được chọn là môn striking xuất phát điểm cho MMA?
Thứ ba, 12/09/2023 19:50 (GMT+7)
Dù có không ít bộ môn võ thuật có thể áp dụng kỹ thuật striking lên sàn đấu MMA, Muay Thái vẫn có những ưu thế đặc thù để được xem xét là môn striking xuất phát điểm cho Võ tổng hợp.
Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển rộng rãi của phong trào Võ tổng hợp MMA, người chơi võ cũng chú ý hơn đến một môn võ khác - Muay Thái. Phong cách striking kiểu Muay Thái tạo ấn tượng mãnh liệt cho khán giả, với những đòn đá cực nặng, những màn đối kháng kịch liệt khi ôm khóa clinch, cùng với sức bền đáng nể của các võ sĩ.
Các võ sĩ Muay Thái giờ đây đã có thể tham gia các trận đấu thuộc series Muay Thái chuyên nghiệp Muay Thai Rampage ngay trên chính quê hương mình, khi mà sau sự kiện vào ngày 16/07, Shadow Entertainment sẽ lại tiếp tục tổ chức 2 sự kiện tiếp theo trong năm 2023 dự kiến vào ngày 17/09 và 19/11.
Các sự kiện này có sự tham gia của những gương mặt quen thuộc như Nguyễn Kế Nhơn, Trương Cao Minh Phát, Huỳnh Hoàng Phi, Đặng Ybon, Huỳnh Hà Hữu Hiếu,... hứa hẹn các trận đấu đẳng cấp cho khán giả hâm mộ võ thuật.
Khi xét những tình huống và khía cạnh đa dạng trên sàn Võ tổng hợp, không thể phủ nhận rằng các võ sĩ MMA cần nhiều kỹ thuật từ nhiều môn võ khác nhau để có cách xử lý tốt nhất, từ địa chiến, vật, cho đến đánh đứng. Về phương diện striking, Muay Thái xứng đáng là môn đánh đứng thích hợp nhất để đưa vào sàn MMA, và dưới đây sẽ là những lý do tại sao.
Kỹ thuật Muay Thái dễ áp dụng vào MMA hơn
So với các môn đánh đứng khác, bộ kỹ thuật của Muay Thái dễ áp dụng hơn vào MMA, võ sĩ Muay Thái cũng ít phải thay đổi hơn để thích nghi.
Để so sánh, học Quyền Anh cũng tốt cho MMA, nhưng Quyền Anh phần nào bị hạn chế trong tổ hợp những cú đấm và di chuyển footwork. Kickboxing trông na ná như Muay Thái, nhưng Kickboxing sẽ không dạy cách đối kháng trong thế ôm khóa clinch bằng cùi chỏ và đầu gối. Kickboxing cũng không đả động gì đến cách dùng, hay cách phòng ngự các kỹ thuật quét ngã cả.
Bộ kỹ thuật của các môn đánh đứng khác như Karate, Taekwondo, Tán đả… còn nhiều khác biệt hơn, khó điều chỉnh thích nghi hơn.
Vẫn biết có nhiều võ sĩ MMA xuất sắc có nền võ thuật từ các môn khác nhau, nhưng nhìn chung, Muay Thái, với sự linh hoạt của “môn nghệ thuật 8 chi”, có đủ kỹ thuật để đáp ứng tốt hơn cho đa phần các tình huống đối kháng đánh đứng tương ứng. Cự ly xa có những cú đá vòng cầu, gối bay, đấm swing; tầm trung có đạp trước (teep), những đòn đấm, đá cơ bản; cự ly gần có ôm khóa, chỏ gối.
Những cú đá của Muay Thái cực hiệu quả
Một trong những điểm đặc sắc của Muay Thái là những cú đá vô cùng mạnh mẽ với tốc độ ấn tượng. Dù các đòn đá bắt mắt phần nào bị hạn chế khi chuyển sang sàn MMA, không thể phủ nhận rằng những cú đá của Muay Thái nhìn chung vẫn rất hiệu quả.
Được áp dụng nhiều nhất là những cú đá tầm thấp (low kick), mà một ví dụ cụ thể là cú phang ống đồng (calf kick) vào chân trước, như trong trận Dustin Poirier vs. Conor McGregor. Đá tầm thấp như thế không tạo nên knockout, nhưng chỉ vài cú low kick ngay đầu trận có thể khiến đối thủ đứng không vững, di chuyển khó khăn, tạo lợi thế cho các tình huống tiếp sau.
Mạnh mẽ nhất, bắt mắt nhất, thì phải kể đến những cú đá vòng cầu (roundhouse kick). Cách lấy đà và đường quỹ đạo dài khiến những cú đá vòng cầu thừa khả năng tạo sát thương, thậm chí knockout đối thủ ngay tắp lự.
Hơi khác với các môn striking khác, khi tung cú đá vòng cầu, võ sĩ Muay Thái sẽ xoay hông, để cẳng chân và đầu gối thẳng với đùi chứ không cong gập. Để dễ hình dung, dáng đùi - cẳng chân ở một cú roundhouse kick của Kickboxing hay Karate trông sẽ hơi gập theo đà vút, giống như dáng roi quăng, còn ở roundhouse kick của Muay Thái thì thẳng tưng như cầm gậy bóng chày lia qua người đối thủ.
Đá kiểu Kickboxing nhanh hơn, tầm với xa hơn, trong khi đá kiểu Muay thì lực đá mạnh đến nỗi nếu đá trượt, võ sĩ có thể phải xoay tròn 360 độ mới triệt tiêu hết quán tính từ cú đá vòng cầu. Những Jose Aldo, Edson Barboza từng khiến không ít võ sĩ “ngậm hành” là nhờ vậy.
Muay Thái là môn striking hiếm hoi có kỹ thuật ôm khóa clinch
Ôm khóa (clinch) là khi võ sĩ cố ghì, kẹp, kiểm soát chuyển động đầu, cổ, vai của đối thủ bằng cách giữ cánh tay hoặc ôm thân trên của người ta. Clinch đóng vai trò khá quan trọng trên sàn đấu MMA, và đây là lĩnh vực mà các võ sĩ Muay Thái có thể xử lý một cách xuất sắc.
Không giống như clinch của Boxing ứng dụng nhiều cho phòng thủ, ở Muay Thái và MMA, ôm khóa clinch sẽ tạo đất diễn cho các cú tấn công bằng chỏ và gối. Sẽ có những phiên bản khác biệt cho các tình huống khác nhau, nhưng thường thấy nhất là võ sĩ ôm khóa, kẹp cứng đối thủ vào lưới; rồi hoặc lên gối nhắm thẳng vào vùng bụng; hoặc giã đấm, giã chỏ vào những vị trí đối thủ không che chắn được.
Hiệu quả của những pha chỏ gối khi ôm khóa khá rõ ràng. Không nhiều võ sĩ chịu được những cú lên gối thụi liên tục vào bụng, vào mạng sườn, hoặc thậm chí là vào mặt. Chỏ cũng nguy hiểm - do điểm nhọn của khuỷu tay rất sắc, các cú chỏ dễ gây rách da và chảy máu nặng.
Những thay đổi cần thiết khi áp dụng Muay Thái vào MMA
Dù Muay Thái được không ít người công nhận là môn võ thích hợp nhất để áp dụng vào MMA, người chơi Muay Thái cũng cần những điều chỉnh nhất định nếu muốn phát huy hết năng lực trên sàn đấu Võ tổng hợp.
Đầu tiên, các võ sĩ Muay Thái có tư thế đứng (stance) mà họ đặt phần lớn trọng lượng cơ thể lên chân sau, để dễ bề thực hiện những cú đạp trước (teep). Thế đứng đó tốt cho việc phát lực cú đá, nhưng vừa không có lợi cho việc di chuyển linh hoạt, vừa dễ biến các võ sĩ Muay Thái trở thành nạn nhân của việc bị kéo ngã, quật ngã.
Việc đặt trọng tâm cơ thể xuống thấp hơn mức thông thường, cùng việc chính sửa lại cách di chuyển tương ứng sẽ cần một thời gian dài để điều chỉnh.
Tương tự, các võ sĩ xuất thân Muay Thái cũng cần học thêm cách di chuyển đầu. Muay Thái không dạy nhiều về head movement - nếu võ sĩ cứ luôn giữ đầu thẳng theo trục centerline, nó sẽ khiến vùng đầu trở thành một mục tiêu dễ bị nhắm đến hơn.
Cuối cùng, cũng quan trọng nhất, là bổ sung vật - grappling vào hệ thống kỹ thuật.
Võ sĩ Muay Thái có lợi thế khi họ biết xử lý những pha quét chân, gạt ngã, nhưng chỉ như vậy là không đủ. Trên sàn MMA, võ sĩ chưa chắc đã cần trở thành một grappler xuất chúng, nhưng kiểu gì cũng nên biết cách chống takedown, chống submission, cách thoát khỏi địa chiến để trở lại tư thế đánh đứng. “Võ tổng hợp”, phải có một bộ skill set đầy đủ mới “tổng hợp” được!