Bong da Viet Nam

Schooling giành huy chương vàng Olympic là thương vụ đầu tư... lỗ nặng

Thứ hai, 02/08/2021 12:32 (GMT+7)

Năm 2016, Joseph Schooling đánh bại kình ngư Michael Phelps để giành huy chương vàng Olympic Rio nội dung bơi bướm 100m nam. Đằng sau vinh quang đó là những hóa đơn thanh toán cao ngất ngưởng.

Triệu đô cho 1 tấm HCV

Ngày Schooling bước lên bục nhận huy chương vàng Olympic, mọi người bắt đầu tìm hiểu mọi thông tin về kình ngư sinh năm 1995. Ai cũng muốn biết cậu bé vô danh người Singapore vừa đánh bại Michael Phelps kia là ai, và cậu đã nỗ lực ra sao để sánh ngang cùng thần tượng tại đấu trường Thế vận hội.

>>> Lịch thi đấu Olympic Tokyo 2021

Những người lý trí hơn lại cố gắng tìm hiểu đến một khía cạnh khác về sự nghiệp của Schooling, ngoài chuyện tập luyện chuyên cần và giáo án tập bơi. Đó là vấn đề tài chính. Lúc này tất cả mới bất ngờ khi biết rằng chính phủ Singapore không phải trả một xu nào cho chi phí tập luyện, đào tạo tại nước ngoài cho Schooling.

Schooling giành huy chương vàng Olympic là thương vụ đầu tư... lỗ nặng - Ảnh 1
Schooling giành huy chương vàng Olympic là thương vụ đầu tư lỗ. (Ảnh: Strait Times)

Thay vì sử dụng ngân sách nhà nước, kình ngư người Singapore được gia đình đầu tư ngay từ nhỏ với ước mơ chinh phục Thế vận hội. Tấm huy chương vàng Olympic vì thế giống một chiến công của gia đình anh hơn là thành quả đầu tư cho thể thao của Singapore. Vậy gia đình Schooling đã chi bao nhiêu tiền cho đến ngày anh giành HCV Olympic?

Trang tin Tài chính Châu Á ước tính nhà Schooling đã chi 1,05 triệu USD trong 7 năm cho con trai. Ở tuổi 14, anh được đưa đến Mỹ học ở Trung học Bolles, một trường tư thục chuyên về đào tạo các VĐV bơi lội. Những nhà vô địch Olympic như Trina Jackson, David Larson và Ryan Murphy từng là cựu học sinh của trường. Học phí ở đây vào khoảng 47.000 USD/năm.

Schooling học ở Trung học Bolles trong 5 năm trước khi vào Đại học Texas Longhorns, cũng là một trường có đội bơi lội mạnh nhất nhì nước Mỹ. Vì Schooling không được nhận học bổng thể thao, gia đình anh phải đóng học phí 52.000 USD/năm. Nhưng tiền học của Schooling vẫn còn thấp hơn chi phí đi lại, ăn ở và mua sắm trang thiết bị luyện tập, ước tính lên tới 57.000 USD/năm.

Schooling giành huy chương vàng Olympic là thương vụ đầu tư... lỗ nặng - Ảnh 2
Mỗi năm Schooling ngốn của gia đình 150-200 ngàn USD. (Ảnh: Strait Times)

Thu không đủ chi

Vậy sau khi bỏ ra hơn 1 triệu USD cho con trai, nhà Schooling có thu về thành quả tương xứng? Câu trả lời là không. VĐV bơi lội người Singapore chỉ nhận được tiền thưởng từ các giải đấu như SEA Games, Asian Games, Đại hội Thể thao Khối Thịnh vượng chung và Olympic với mức thưởng như sau:

GIẢI SEA GAMES ASIAD KHỐI TVC OLYMPIC
HCV 4-8.000 USD 150.000 USD 30.000 USD 750.000 USD
HCB KHÔNG RÕ 75.000 USD 15.000 USD 375.000 USD
HCĐ KHÔNG RÕ 38.000 USD 7.500 USD 185.000 USD

Ngoài ra, Singapore treo thưởng 750.000 USD cho tấm huy chương vàng Olympic không có nghĩa là Schooling được phép cầm cả mang về. Anh phải lập tức đóng 150.000 USD vào quỹ phát triển thể dục thể thao của Singapore. Cộng thêm một số khoản thuế phí khác, Schooling chỉ còn được nhận 500.000 USD, bằng 2/3 mức thưởng ban đầu.

Tính cả tiền thưởng cho tấm huy chương vàng Olympic Rio 2016, Schooling mới chỉ kiếm được 1,05 triệu USD nhờ thi đấu ở các giải quốc tế. Con số này bằng xấp xỉ tiền gia đình đã chi ra cho anh trong 7 năm, chưa tính đến lạm phát theo thời gian. Nói cách khác, nhà Schooling chỉ có tấm HCV "vô giá", còn thực tế họ không thu lợi được đồng nào từ thương vụ này, nếu không muốn nói là lỗ.

Schooling giành huy chương vàng Olympic là thương vụ đầu tư... lỗ nặng - Ảnh 3
Schooling và Ánh Viên là 2 kỷ lục gia về số HCV SEA Games.

Tiền thu về không đủ tiền chi ra là lý do khiến Schooling tiếp tục cày ải ở những giải đấu cấp khu vực và châu lục nhằm thu về càng nhiều tiền thưởng càng tốt. Nếu như Ánh Viên từng giành 25 HCV SEA Games, thì Schooling còn vượt trội hơn khi có đến 27 HCV. Anh cũng có 3 HCV ASIAD. Chinh chiến quá nhiều mặt trận khiến Schooling không thể tập trung cho nội dung sở trường bơi bướm, và thành tích của anh sa sút dần.

Tại Olympic Tokyo 2021, Schooling tranh tài ở nội dung 100m bơi bướm nam và 100m tự do nam. Ở cả 2 hạng mục này anh đều sớm rời cuộc chơi ngay từ vòng loại đầu tiên, với thành tích đứng ở nhóm áp chót trong số các VĐV tham dự. Ở tuổi 26, cơ hội thi đấu đỉnh cao của Schooling gần như không còn, và anh có thể nghĩ sớm đến chuyện giải nghệ với chiến công là tấm HCV "vô giá".

75 triệu USD để tìm Schooling mới

Joseph Schooling không chỉ là một hiện tượng hy hữu đối với thể thao Singapore, mà còn ở trên phạm vi toàn thế giới. Anh tập luyện bằng tiền của gia đình tự chi ra, chứ không nhờ vào ngân sách của nhà nước hay đoàn thể. Đó là lý do Singapore quyết định chi mạnh tay đào tạo ra những Schooling mới thay vì chờ đợi một gia đình nào đó biến con mình thành nhà vô địch Olympic.

>>> Vì sao kỷ lục gia Sea Games Ánh Viên không thành công ở Olympic?

Ngay sau tấm huy chương vàng lịch sử của Schooling, chính phủ Singapore lập tức duyệt chi 75 triệu USD cho những vận động viên thể thao thành tích cao. Số tiền này dành riêng cho họ để nhắm đến đấu trường Olympic và Paralympic, với một nửa ngân sách được chi ngay trong giai đoạn 2017-2021. Nửa còn lại là khoản đầu tư dài hạn với tầm nhìn hướng đến năm 2030.

Ngoài ngân sách nhà nước, Singapore cũng vận động các gia đình và doanh nghiệp đồng hành nhằm đào tạo ra những Schooling mới. Chính sách nhập tịch cũng được vận dụng triệt để như cách họ từng làm trong môn bóng đá, cầu lông và bóng bàn. Bên cạnh đó, Singapore cũng mời được một số tập đoàn lớn tài trợ cho ngân sách thể thao của quốc gia.

Khoản tiền đầu tư của Singapore bước đầu đã thể hiện thành công ở SEA Games 2017. Trên đất Malaysia, các VĐV Singapore giành được 57 huy chương vàng, xếp thứ 4 toàn đoàn, chỉ đứng sau Thái Lan, Việt Nam và nước chủ nhà Malaysia. Nhưng đến SEA Games 2019, Singapore tụt xuống vị trí thứ 6 khi bị Philippines và Malaysia vượt mặt.

Schooling giành huy chương vàng Olympic là thương vụ đầu tư... lỗ nặng - Ảnh 4
Schooling là VĐV hiếm hoi của Singapore vươn tầm thế giới. (Ảnh: Strait Times)

Không ngạc nhiên khi Singapore đầu tư cho môn bơi lội nhiều nhất sau kỳ tích Schooling. Hàng loạt những VĐV đẳng cấp khu vực ra đời, giúp Singapore thống trị đường đua xanh, nhưng chỉ ở phạm vi SEA Games. Bước ra đấu trường châu Á, Singapore vẫn tỏ ra lép vế trước những cường quốc bơi lội như Trung Quốc và Nhật Bản. Người duy nhất có thể giành HCV vẫn chỉ có Schooling.

Còn ở cấp độ Olympic, khoản tiền 40 triệu USD hướng đến Thế vận hội Tokyo 2021 của Singapore không thu về được thành quả nào khả quan. Họ cử 23 vận động viên đến tranh tài ở 11 môn và tất cả đến thời điểm này không có ai lọt vào vòng chung kết hay ở tốp 10 VĐV dẫn đầu. Hiện Singapore chỉ còn một vài VĐV thi đấu ở môn bơi và nhảy cầu nhưng họ gần như không có cơ hội giành huy chương.

Xa hơn về quá khứ, Singapore luôn duy trì mỗi kỳ Olympic có 15-20 VĐV tham gia nhưng họ gần như không để lại mấy ấn tượng ở đấu trường thế vận hội. Schooling là trường hợp vô cùng hiếm hoi của một VĐV Singapore đủ tầm tranh tài ở sân chơi thế giới.

Nhìn một cách tổng quát, cường quốc kinh tế Singapore cho đến nay mới chỉ giành được 1 HCV, 2 HCB và 2 HCĐ ở các kỳ Olympic. Một nửa trong số đó (1 HCB, 2 HCĐ) đến từ môn bóng bàn với thành viên là các VĐV nhập tịch gốc Trung Quốc. Thành tích này của Singapore có phần lép vế hơn đoàn Việt Nam (1 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ).