Roberto Mancini: Kẻ 'độc tài' trở lại nước Anh
Thứ bảy, 10/07/2021 18:13 (GMT+7)
Sự lột xác của đội tuyển Ý dưới thời HLV Roberto Mancini chứng tỏ rằng ông xứng đáng là một vị tướng cần được trao toàn bộ quyền lực vào tay, dù đấy cũng là một phần biểu hiện của sự độc tài.
Lãnh đạo độc đoán
Có một giai thoại giờ vẫn được kể lại về khoảnh khắc mà cậu bé Roberto Mancini chào đời: khí quản bị tắc khiến cậu bị cho là đã chết lâm sàng vài phút sau khi chào đời, và bác sĩ đã phải tát vào mặt, rồi dùng nước lạnh để làm cậu bé khóc. Nghe như truyền thuyết, về một con người đã đối diện với cái chết sau khi ra đời.
Tại ngôi nhà miền núi của mình, Mancini đã bắt đầu chơi bóng cho đội nhà thờ địa phương, và gây ấn tượng mạnh mẽ khi mới 12 tuổi. Cậu cực kỳ dữ dội trên sân, nhưng lại lặng lẽ, và ẩn dật như một bóng ma khi bước ra ngoài. Đấy là một đặc điểm tính cách sau này khiến Mancini không được lòng các cầu thủ ở Man City: ông thường phớt lờ các cầu thủ của mình và ẩn náu trong phòng riêng.
Đến Bologna năm 13 tuổi, Mancini nhanh chóng gây ấn tượng không chỉ với khả năng chơi bóng, mà còn bởi sự… độc đoán của mình. Anh sẽ chỉ trích các đồng đội và thường bỏ ngang các buổi tập nếu mọi thứ không theo ý mình. Anh muốn là người thực hiện tất cả các quả phạt trực tiếp, phạt góc lẫn phạt đền. Đối với Mancini, bóng đá dường như là trò chơi của riêng anh, và tất cả những người khác có mặt ở đó chỉ để ủng hộ anh.
566 lần ra sân của Mancini cho Sampdoria sau đó đã chứng kiến đội bóng tỉnh lẻ này trở thành CLB hay nhất nước Ý trong một thời gian. Khả năng tiếp tục chiến đấu bất chấp đã trải qua những ngày tồi tệ đến thế nào là thứ tạo ra một Mancini không lẫn vào đâu, và trái ngược hoàn toàn với khuôn mặt đẹp trai lẫn mái tóc lãng tử. Mancini có thể im lặng trong phần lớn thời gian thi đấu, bị kèm đến phát cáu, nhưng vẫn bùng nổ với một cú sút bất ngờ hoặc một pha đột phá thiên tài. Trong 168 bàn sau 566 trận, có rất nhiều pha lập công mang tính quyết định.
Tính cách mạnh mẽ và đầy tham vọng đi kèm sự kiểm soát tuyệt đối. Một trong những bí quyết khiến Mancini thành công ở Manchester là làm việc với cùng một kiểu xây dựng lối chơi, ngày này qua ngày khác, theo thông tin của The Athletic: “Trung vệ chuyền cho hậu vệ cánh, rồi hậu vệ cánh chuyền cho tiền vệ giữ nhịp cầm bóng chạy ra hướng biên để tìm cách liên lạc với tiền vệ công, anh ta sẽ tìm kiếm tiền đạo, tiền đạo sẽ phối hợp với hậu vệ cánh chồng biên rồi lao vào vòng cấm để đón quả tạt trả lại. Cứ như thế thôi. Mỗi. Ngày. Một số cầu thủ của Mancini thời điểm ấy khẳng định họ chỉ có tối đa 2 lựa chọn chuyền bóng. Tuy nhiên, họ thừa nhận rằng điều đó khiến họ được tổ chức một cách tuyệt vời”.
Cách chơi của Ý trong ba năm qua, dựa trên những mô-đun chuyền bóng và hành động lặp lại trong nhiều thời điểm của trận đấu, dường như phản ánh rõ cách tiếp cận này của Mancini. Tất nhiên, đôi khi tính tổ chức quá chi tiết của Mancini khiến ông gặp rắc rối: một lần, khi ông ra lệnh cho các cầu thủ Man City thực hiện đúng một chuỗi chuyền bóng, một số cầu thủ đã cho rằng điều này là không thực tế.
Không bao giờ thỏa hiệp
Mancini thì lại là người khộng bao giờ thỏa hiệp, cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Ông sẽ thay ngay ra khỏi sân những cầu thủ không tuân thủ mệnh lệnh, và hoàn toàn không tha thứ cho các biểu hiện sao lãng. Tháng 3/2011, Jerome Boateng trở về Đức để đón hai bé sinh đôi mới chào đời. Thường thì các cầu thủ hay được nghỉ phép ngắn để ở bên vợ, nhưng Mancini vẫn muốn hậu vệ này trở lại trước trận đấu tại Europa League với Dinamo Kiev.
Có lẽ vì bất mãn, Boateng đã chờ đến nửa đêm mới đến tập trung tại khách sạn. Sáng hôm sau, Mancini không nói một câu nào với hậu vệ người Đức, và đến khi công bố danh sách thi đấu, ông đã điền tên Boateng vào danh sách… dự bị.
The Athletic kể thêm rất nhiều chuyện về sự độc đoán của Mancini, mà vụ Stephen Ireland có vẻ kỳ quặc nhất: “Ngay từ những ngày đầu tiên, tôi cảm thấy ông ta chẳng thích tôi” – Anh kể lại. “Tôi cảm thấy ông ta như muốn đày đọa tôi, kiểu như bắt tôi đi tập với bọn nhóc, hay là qua cách nói chuyện với tôi”.
Ireland cứ nghĩ rằng anh sắp được trở lại đội hình chính sau giai đoạn Man City tập huấn tốt đẹp ở Mỹ, nơi anh còn được Mancini cho đeo băng đội trưởng. Nhưng khi tiền vệ này đến bảo với Mancini rằng anh đã sẵn sàng, mọi chuyện đã diễn ra không thể tệ hơn: “Ông ta chỉ bắt đầu cười. Bật cười một cách điên loạn, làm tôi phải tự hỏi: M* kiếp, tôi đã nói cái quái gì vậy??”
“Ông ta nói: Nghe này, cậu sẽ không được đăng ký dự Premier League năm nay tại Man City, vì thế nếu cậu không rời khỏi đây trước khi mùa bóng bắt đầu, cậu sẽ phải đá với lũ nhóc trong một mùa giải đấy” – Mancini “chốt hạ” lạnh lùng.
Ông cũng thường gạt những cầu thủ quan trọng ra sau khi cảm thấy họ không còn đáp ứng các yêu cầu thể chất, mà không giải thích gì cả. The Athletic tiết lộ rằng Nedum Onuoha đã bị loại khỏi đội vì Mancini thấy anh quá chậm, hay Joleon Lescott không còn được tin cậy vì… bắp chân không còn đủ lớn.
Những ai có cá tính mạnh thì hầu như đều đã từng gây gổ với Mancini, như Balotelli, Carlos Tevez, hay Samir Nasri. Ông cũng thường chỉ thông báo ngắn gọn những người không được đá, hoặc bị đày xuống đội B, hoặc đội trẻ. Tệ hơn, một số chỉ biết mình bị thất sủng qua tin nhắn điện thoại. Với các cộng sự trong ban huấn luyện, Mancini chỉ đơn giản là xóa tên họ khỏi danh sách chuẩn bị trước mùa giải, một khi cảm thấy không cần thiết.
Sự độc đoán này, tất nhiên vẫn đi kèm những điều tốt đẹp: Mancini là một nhà cách mạng về lịch trình tập luyện, lối sống, kỷ luật ăn uống và cả lối chơi ở Man City. Giống như những gì ông đang làm được ở đội tuyển Ý. Chỉ khác là ở đây, Mancini giống như đang ở nhà: xung quanh ông là một ê-kíp ban huấn luyện toàn bạn bè, những người rất ngưỡng mộ Mancini. Ông cũng có thể gạch tên bất kỳ ai khỏi tuyển Ý nếu muốn, mà không cần giải thích, hay buộc phải chung sống với mỗi quyết định của mình, như khi còn dẫn dắt các CLB.
Đêm Chủ Nhật, Mancini sẽ đến Wembley, để chứng tỏ cho người Anh biết rằng, đôi khi có những HLV xứng đáng được trao quyền lực như một nhà độc tài. Đội Ý giờ hoàn toàn là ánh xạ ý chí của một con người vô cùng mạnh mẽ.