Reginald: Câu chuyện về lách luật, bắt nạt nhân viên và sự bất thường của ông chủ TSM
Thứ năm, 05/05/2022 10:50 (GMT+7)
Nhiều tháng sau khi Riot Games tổ chức cuộc điều tra, một số thành viên của Team SoloMid đã cung cấp những thông tin quan trọng về tình hình nội bộ cũng như cách ứng xử của CEO Andy “Reginald” Dinh.
Yillian “Doublelift” Peng từng tố Reginald đã bạo hành tinh thần và bắt nạt các tuyển thủ bằng lời nói. Mới đây, một số nhân viên của TSM (đã xin được giấu tên vì sợ phải chịu hậu quả) đã chia sẻ với Washington Post về các hành vi được cho là “bất thường” của Reginald, bao gồm sa thải vô tội vạ và không có sự nhất quán trong cách điều hành tổ chức.
Bị tống khứ vì… hỏi không đúng câu
Giám đốc nhân sự mới của TSM đã phải rời đi chỉ sau vài tuần được bổ nhiệm. Dù được chào đón nhiệt thành khi mới đến với TSM, tuy nhiên thời gian người này gắn bó với tổ chức rất ngắn. Do bất đồng quan điểm với Reginald, Giám đốc nhân sự của TSM gần như phải khăn gói ra đi ngay lập tức. Bản thân Reginald sau đó cũng lên tiếng lý giải về quyết định của mình.
“Reginald nói với toàn bộ các thành viên của công ty rằng nhân vật mới bị sa thải vì đã hỏi một câu hỏi mà anh ta không thích. Anh ta cũng cảm thấy lý do mình vừa nói cũng có phần kỳ lạ, đồng thời cho rằng đó không phải 1 mà là 2 câu hỏi. Và rồi mọi người đã không còn muốn hỏi gì thêm nữa”, một nhân viên TSM tiết lộ với Washington Post.
Có nhiều thông tin cho rằng số lượng Giám đốc bị sa thải tại TSM là vô cùng lớn. Một người chia sẻ rằng “Nếu chức danh của tôi là Phó Giám đốc, tôi sẽ không muốn làm việc ở tổ chức này”. Dù vậy, không ai giải thích vì sao nhân sự tại TSM lại có nhiều xáo trộn đến vậy.
Sự bất thường của Reginald
Những tố cáo hướng về phía Reginald bắt nguồn từ hành vi của anh ta với các tuyển thủ thi đấu cho TSM. Theo Washington Post, sau khi đội Valorant của TSM thất bại tại giải đấu First Strike 2020, anh cũng đã tham dự cuộc họp. Đặc biệt, mỗi khi đánh giá chất lượng thi đấu cũng như kết quả, Reginald rất dễ nổi nóng với các thành viên khác.
“Rõ ràng anh ta luôn rất nóng nảy. Hôm đó, bạn chỉ có thể nói những điều lạ lùng vì trông như thể anh ta đang săn lùng bạn vậy. Bất kỳ ai nói chuyện, đặc biệt là những thành viên thuộc thành phần ban lãnh đạo, đều bị Reginald chọc ngoáy và như kiểu sẽ bị xé xác”, một cựu nhân viên của Blitz nói.
Dù vậy, không chỉ mỗi Reginald phát điên khi đội nhà có thành tích kém. Tính cách của CEO gốc Việt dường như đã “lan tỏa” ra khắp công ty. Các nhân viên của Blitz (một ứng dụng thuộc quyền sở hữu của Reginald) dường như cũng dễ nóng nảy. Đa số những người này đều sợ phải làm việc trực tiếp với Reginald.
“Đa số mọi người đều không muốn mặt đối mặt với Reginald vì họ không có nhân chứng, ý tôi là nhân chứng theo nghĩa đen. Ai mà biết được anh ấy sẽ quát mắng bạn, hạ nhục bạn và tỏ ra thân thiện? Bạn sẽ không chắc khi nói chuyện với anh ta, những thứ mà bạn nhận được là gì. Nếu 1 cuộc họp có nhiều người hơn, khả năng Reginald nổi nóng sẽ ít hơn”, cựu Quản lý cấp cao Anthony Barnes của Blitz thổ lộ.
Sa thải nếu… báo tin xấu
Những chia sẻ của Anthony Barnes chưa hẳn đã chính xác hoàn toàn. Không phải lúc nào Reginald cũng giữ bình tĩnh ngay cả khi có nhiều người xung quanh. Có những báo cáo cho rằng cựu tuyển thủ 30 tuổi từng mắng nhân viên của mình là bất tài trước các đồng nghiệp. Anh cũng sẽ tham gia các cuộc họp một cách ngẫu nhiên dù đang đi trượt tuyết.
“Reginald tổ chức cuộc họp khi chúng tôi chia sẻ mô hình, thông tin thiết kế trên điện thoại anh ta. Thông qua phương tiện đó, buổi họp giống như một thách thức vậy. Tôi sẽ không đưa ra bất kỳ quyết định nào khi họp như vậy hoặc tôi cũng nhận thức rằng điều đó sẽ làm giảm khả năng đánh giá của mình. Dù vậy, Reginald vẫn không hài lòng và kết quả là ngày càng thất vọng với ý tưởng thiết kế”, Anthony Barnes nói thêm.
Vài nhân viên sợ nói chuyện với Reginald vì lo sợ anh ta mất bình tĩnh. Washington Post cho biết, các nhân viên cũng sợ Adil Virani (đồng sáng lập Blitz) và không nên có mâu thuẫn với người này. Họ sợ sa thải nếu cung cấp những thông tin xấu hoặc không được hoan nghênh vì vấn đề này đã xảy ra nhiều lần.
“Lách” Luật Lao động của California
Bên cạnh việc nuôi dưỡng môi trường làm việc độc hại tại Blitz và TSM, Reginald còn bị cáo buộc không trung thực trong hợp đồng với nhân viên để được hưởng lợi về thuế. Nhiều người làm việc với tần suất 40 giờ mỗi tuần đều đặn được TSM và Blitz phân loại là “lao động tự do”. Tuy nhiên, ở California, Luật Lao động nghiêm ngặt không cho phép TSM lẫn Blitz tự tung tự tác.
Những “lao động tự do” theo phân loại của Reginald đều được tính là “nhân viên” ở California. Điều đồng nghĩa với việc, TSM và Blitz phải đóng thêm nhiều khoản thuế. Phân loại nhân viên sai cách là hành vi phạm pháp tại California. TSM lẫn Blitz có thể phải gặp rắc rối lớn nếu lãnh đạo của tiểu bang nhập cuộc và điều tra.
Dù vậy, bản thân người lao động cũng phải chứng minh mình là một nhân viên thực thụ để được hưởng các quyền lợi. Nhiều người chỉ dám chia sẻ một cách ẩn danh rằng mình ngày càng cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức dù bản thân từng rất thích làm việc trong môi trường Esports. Tuy nhiên, TSM luôn có cách đáp trả những cáo buộc hướng về Reginald.
Khi được các trang tin tức liên hệ, TSM thông báo: “Chúng tôi không bình luận về những vấn đề nhân sự mang tính bí mật, đặc biệt là những khiếu nại của cá nhân ẩn danh, những người cảm thấy họ đang bị phân loại sai về tình trạng làm việc của mình”.