Quay quắt một nỗi nhớ
Thứ tư, 30/06/2021 08:48 (GMT+7)
Bố luôn là người đầu tiên nhắn cho tôi mỗi trận Đức đá, thông lệ đã kéo dài 7 năm kể từ khi tôi sang Đức sinh sống cuối năm 2013.
Từ đầu Euro tới giờ, các cuộc hội thoại này giữa hai bố con luôn mở đầu bằng những câu cảm thán mang màu sắc không mấy tích cực, vì Đức đã phải rất chật vật mới vào tới vòng 1/8. Nhưng đêm qua, gánh nặng cuối cùng đã được trút xuống, bố tôi bảo: "Thôi loại đi cho nhẹ nhõm, mệt quá rồi.“
Tôi biết câu nói đó bộc phát ra từ sự uất ức của nỗi buồn thua cuộc, như một kiểu tự trấn an, cũng như an ủi chính con gái của ông. Cách đây đúng tròn 3 năm, khi Đức loại ngay từ vòng bảng sau trận thua bạc nhược trước Hàn Quốc với tư cách đương kim vô địch, bố cũng nhắn cho tôi là: "Con đừng buồn, bố không buồn một tí nào, chưa bao giờ Đức loại mà bố thấy bình thường như thế.“
Tôi cũng nhớ là như thế, thường thì mỗi lần Đức loại là hai bố con không nói chuyện được với nhau, chứ đã viết được thế thì đúng là bình thường thật. Như năm 2008, Đức thua Tây Ban Nha ở chung kết Euro, tôi tự ý tắt tivi đi khi sắp hết giờ để không phải nhìn cảnh các cầu thủ mình yêu khóc. Bố tôi lấy lại điều khiển bật tivi lên, không quên lèm bèm: "Cái con này, phải xem đến cuối cùng chứ.“ Tôi vẫn không bỏ cuộc, ra rút luôn phích cắm của tivi, bố tôi lại càu nhàu: "Ơ hay làm sao ấy nhỉ?“. Thế rồi hai bố con cũng cứ dán mắt vào màn hình.
Ôi những giọt nước mắt hòa lẫn vào máu trên mặt Michael Ballack khi đó, tự ta cảm nhận được vị mặn chát của nó, cái vị của thất bại trước ngưỡng cửa thiên đường. Sáng hôm sau, đương nhiên bố tôi không bật tivi và không mua bất kỳ tờ báo thể thao nào như thường ngày nữa. Phải một hai ngày sau đó, cuộc sống mới trở lại được bình thường với hai bố con.
Hay như năm 2010, Đức thua ở bán kết cũng trước Tây Ban Nha, đúng trận tôi không thể xem muộn vì sáng hôm sau phải đi thi Đại học. Bố đón tôi về từ điểm thi với một nét mặt buồn, chỉ hỏi con gái có làm được bài không mà chẳng nhắc gì tới trận đấu, tôi đã đoán ra chắc có chuyện chẳng lành. Tôi nhớ là mình đã ngỏ lời hỏi trước "Đức sao hả bố?“ và cũng nhớ bố đã trả lời rất ngắn gọn: "Thua rồi“. Không khí sau đó cũng như trước đó 2 năm, tôi mải mê khóc lóc, bố thì không đọc tin tức, không xem tivi 2 ngày sau đó, và cũng không nói gì về bóng đá với tôi nữa.
Khi đó, tôi thấy cuộc đời thật đáng buồn sau một trận bóng đá. Giờ trưởng thành rồi, đã là mẹ trẻ con, biết chấp nhận rằng bóng đá phải có thắng, thua. Nhưng cũng biết khi thua mà hai bố con lại rôm rả nói chuyện được với nhau về sự thất vọng, về chỗ dở này, cái hay kia của đội bóng, thì tức là cách thua của Đức khiến ta chẳng buồn nổi nữa chăng? Tự dưng tôi nhớ quay quắt nỗi buồn ngày ấy. Tôi muốn được vui buồn cùng đội bóng ấy, muốn được tiếc đến xé lòng vì họ bỏ lỡ cơ hội, muốn được thắt tim khi nhì những giọt nước mắt thua cuộc của họ, khóc cùng họ. Tôi không thích khi bố và chính bản thân tôi phải thừa nhận sự thật: thua là đúng như bây giờ. Trống rỗng quá.
Chắc hẳn phải là người mộng mơ lắm mới tin rằng đội tuyển Đức sẽ vô địch Euro năm nay sau màn trình diễn dở tệ từ đầu giải. Trận nào đến cũng nơm nớp sống trong sợ hãi với một hàng thủ tệ, hàng công cũng chẳng biết ghi bàn, ý chí chiến đấu hời hợt, đấu pháp thì đã quá cũ trong môi trường bóng đá đã thay đổi quá nhiều. Nhưng yêu rồi thì phải biết làm sao ngoài chấp nhận và tiếp tục trông chờ vào tương lai tươi sáng hơn.
Bố tôi yêu đội tuyển Đức từ năm 1978 và tình yêu đó đã từng nuôi dưỡng ước mơ theo đuổi nghiệp quần đùi áo số của ông (bố tôi từng học Đại học thể dục thể thao trung ương khoa bóng đá). Bố bảo là fan bóng đá Đức từ những ngày đó là một đặc ân, vì thắng và vô địch liên tục. Năm 1980 vô địch châu Âu, năm 1982, 1986, 1990 đều vào chung kết thế giới (vô địch năm 1990), 1992 vào chung kết Euro và vô địch năm 1996…Bố bảo bố đã quen với chiến thắng, khi thua cũng ngẩng cao đầu với một tập thể có ý chí sắt đá điển hình kiểu Đức, kể cả tệ đến mấy cũng không đến mức chật vật từ vòng bảng như 2 giải đấu lớn đã qua.
World Cup 2002 là giải đấu lớn đầu tiên tôi theo dõi nghiêm túc, khi là một cô bé 10 tuổi và được truyền tình yêu bóng đá Đức từ bố. Bố đã nói cho tôi về Ballack, về những cú đánh đầu của Miroslav Klose, về Oliver Kahn, rằng hãy nhìn tập thể này, họ không có ngôi sao nào mà vẫn lừng lững tiến vào chung kết. Bố bảo hãy biết yêu một đội bóng như thế, tất cả hòa vào làm một, đề cao tinh thần đồng đội, tôn chỉ tối thượng của bóng đá. Nhưng phải 4 năm sau, World Cup 2006 trên đất Đức tôi mới thực sự tận hưởng trọn vẹn hương vị của bóng đá, của thứ tình yêu mang tên Die Mannschaft. Khi ấy, bố lại kể cho tôi về Jürgen Klinsmann, rằng xưa ông ấy đá tiền đạo hay lắm, giờ về dẫn dắt đội bóng này làm một cuộc Cách mạng cho bóng đá Đức, rằng giờ Đức sẽ đá tấn công đẹp mắt, không lầm lì lạnh lùng như thời của bố nữa. Đúng 8 năm sau, tôi lần đầu biết đến hương vị vô địch, nhưng lúc đó, tôi đã ở xa bố rồi. Ký ức bóng đá chân thực gần nhất của hai bố con vẫn là những câu chuyện dang dở của đội tuyển Đức trước mùa hè Rio de Janeiro kỳ diệu ấy.
Từ năm 2006 ấy tới năm 2021 này cũng kết thúc một hành trình, một mối nhân duyên của đội tuyển Đức và HLV Joachim Loew. Cái kết này buồn và đáng quên, nhưng nó phải chấm dứt để mở ra một chương bóng đá mới mẻ và hứa hẹn hơn cho Đức. Mà ở đó, bố và tôi sẽ cùng nhau ăn mừng một chức vô địch Euro, World Cup.