Pháp, Mbappe và trò đùa của quả bóng
Thứ ba, 29/06/2021 08:07 (GMT+7)
Quả bóng hình tròn và nó không có điểm tựa cho bất cứ suy luận logic nào. Bóng càng lăn thì sẽ càng đưa những ngôi sao ở đỉnh cao danh vọng ngã xuống thật đau. "Bất cứ đội tuyển nào sở hữu Mbappe đều sẽ là ứng viên vô địch", Jose Mourinho đã nói như vậy trước EURO 2020 và giờ có lẽ ông cùng hàng triệu người khác cũng dần bớt niềm tin vào khả năng nhận định của mình.
Trong suốt chiều dài lịch sử hơn 100 năm của môn thể thao vua, đã có vô vàn bất ngờ diễn ra. Theo lẽ thông thường, người ta phải rút ra bài học để không cho phép bất ngờ tái diễn nữa chứ? Nhưng tại sao bất ngờ vẫn cứ diễn ra, dù tất cả đều đã phòng bị? Đó là vì chuyện trên đời không cái nào giống cái nào, Pháp có thể học theo Tây Ban Nha, nhưng lại không thể là Tây Ban Nha.
Trước khi Pháp xuất trận, Pedri và Simon của Tây Ban Nha cùng nhau tạo nên pha phản lưới thứ 8 tại EURO 2020. Từ một chuyện hi hữu, việc tự đưa bóng vào lưới nhà trở nên phổ biến quá mức tại một giải đấu đẳng cấp cực cao và yêu cầu sự tập trung cao độ. Bây giờ, với tần suất lớn như vậy, có nên gọi những pha phản lưới là bất ngờ nữa không?
Tiếp đó, sau phản lưới là sút hỏng phạt đền, hay cụ thể là thất bại ở khoảng cách 11m. Cristiano Ronaldo dù phải về nước sớm nhưng cũng có chút an ủi khi nhắc cho cả thế giới bóng đá biết rằng sút penalty không hề đơn giản. Trong số 14 quả penalty được thổi trước vòng knock-out, chỉ 8 thành công, riêng Ronaldo góp 3 quả với tỷ lệ chuyển hóa 100%.
Ronaldo thấy penalty như thấy được vàng, trong khi tuyển Tây Ban Nha thì sợ như sợ cọp. Họ đã thất bại trong cả 2 lần được trao cơ hội ở khoảng cách 11, với 2 người thực hiện khác nhau. Vậy mới nói, cùng là một sự việc nhưng dưới từng góc nhìn, chuyện cũng theo đó mà rẽ lối đâm chồi.
Nhưng đâu phải mọi việc trên đời đều lấy thống kê làm quy chuẩn. Bởi nếu thế, Hugo Lloris là một thủ môn chẳng hề biết bắt penalty. Trước những quả 11m, Lloris không đáng tin chút nào.
Dễ thấy nhất, trong cả 2 tình huống phải đối mặt với Ronaldo ở khoảng cách 11m trong trận gặp Bồ Đào Nha, Lloris đều đổ người sai hướng. Trước đó, Lloris thất bại hoàn toàn trong cả 11 tình huống bắt 11m trong màu áo Tottenham ở mùa giải 2020/21 vừa qua. Lần gần nhất Lloris cản được 11m trong màu áo ĐT Pháp diễn ra vào năm… 2012.
Thế nên, chẳng mấy ai dám tin Lloris có thể trở thành người hùng khi đối mặt với Ricardo Rodriguez cũng ở khoảng cách 11m trong trận gặp Thụy Sĩ, lúc tỷ số đã là 1-0. Trong thế trận đó, Pháp mà thủng thêm bàn thứ 2 thì coi như trận đấu đã "đóng hòm". Nhưng bất ngờ chưa, Lloris lại thắng được Rodriguez và mở đầu cho màn lội ngược dòng "suýt" hoàn chỉnh của Pháp.
Nói "suýt" là bởi Pháp lội ngược dòng không đến nơi đến chốn. Họ không rút ra được bất cứ bài học nào từ trận đấu của Tây Ban Nha chỉ trước đó có 30 phút đồng hồ. La Roja đã chủ quan và để Croatia gỡ hòa 3-3. Pháp cũng mắc lỗi tương tự, theo một cách khó hiểu hơn rất nhiều khi mở toang hàng phòng ngự ở những phút cuối.
Nhưng dẫu sao, Tây Ban Nha cũng đã truyền cảm hứng cho Pháp để có thể kết liễu Thụy Sĩ trong thời gian hiệp phụ. Tuy nhiên, con đường mà Tây Ban Nha vạch ra Pháp lại không thể đi vào. Pháp và Thụy Sĩ lại phải dắt díu nhau vào tới loạt luân lưu định mệnh. Ở đây, hình như Pháp có một người hùng phải không? Lloris vừa xuất sắc cản phá quả penalty trước đó của Rodriguez và hẳn nhiên là niềm hi vọng? Nhưng có vẻ như Lloris đã dùng hết sự may mắn của ngày hôm nay vào pha bóng đó nên thất bại ở cả 5 lần cản phá luân lưu, dù có tình huống đã chạm được tay vào bóng.
Lloris không thể thành người hùng thì Pháp cũng đã cài sẵn người hùng dự phòng. Chí ít, đấy là theo tính toán của Deschamps. Tại sao ông lại để Mbappe đá quả penalty cuối cùng của Pháp? Chẳng phải là tin anh sẽ trở thành quân chốt của bàn cờ sao? Chính vì Mbappe chưa ghi được bàn nào ở EURO 2020 và mang tâm lý hết sức nặng nề, chính pha bóng quyết định này sẽ giải thoát cho anh.
Nhưng rốt cuộc, thầy trò Deschamps đều chết chìm trong tâm điểm chỉ trích. Mbappe trở thành tội đồ với pha sút hỏng luân lưu. Còn Deschaps thì trở thành kẻ ngớ ngẩn với chính những tính toán thiên tài kia, theo góc nhìn ngược lại: Đẩy cậu học trò tội nghiệp vào thế tự diệt vong!?
Chung quy lại, nói ra tất cả những điều bên trên chỉ để chứng minh rằng dù người ta có quen với bất ngờ như thế nào, bất ngờ vẫn diễn ra. Đơn cử như ở trong bài viết này, có đến tận 10 từ "nhưng" được sử dụng, mà hình như có vẻ vẫn chưa đủ.