Phần thưởng cho lòng dũng cảm
Chủ nhật, 04/07/2021 18:55 (GMT+7)
Ukraine hoàn toàn không xứng đáng với bất cứ sự xá miễn nào, khi đánh mất toàn bộ cả sự khôn ngoan lẫn lòng can trường. Và ngược lại, bên kia chiến tuyến, cuối cùng, phẩm giá thuộc về những trái tim sư tử, cho dù là dưới một lớp vỏ thô kệch xù xì.
1. Đầu tiên và cuối cùng, vượt trên cả những lần chạm tay vào trận đấu theo cách không tin nổi của Gareth Southgate, vượt trên cả sự xuất sắc của Luke Shaw hay những khoảnh khắc vụt sáng của Harry Kane, vượt trên tất cả những yếu tố kỹ chiến thuật hay chuyên môn thuần túy, dũng khí chính là khác biệt lớn nhất giữa hai phía.
Dũng khí để tấn công. Và dũng khí để không sụp đổ. Dũng khí để vẫn nắm quyền chủ động. Và dũng khí để duy trì sự chuẩn xác.
Những mảng màu đối lập ấy thể hiện rất rõ khi khoảng cách vẫn chỉ là một bàn mong manh, vào khoảng 10 phút cuối hiệp một. Yaremchuk cũng như Yarmolenko đều đã có những lần tập kích khiến khung thành Pickford nghiêng ngả. Với những gì đã diễn ra khi Ukraine quật ngã một Thụy Điển được dẫn dắt bởi Forsberg, những khán giả trung lập có đầy đủ lý do để chờ đợi những đợt sôi trào mạnh mẽ đến tận cùng, nhằm giành lại thế cân bằng trước giờ nghỉ giải lao.
Nhưng, chỉ thế thôi. Không có lệnh tổng tấn công nào được phát đi, khi Ukraine lo ngại về nguy cơ đánh mất tất cả, nếu thủng lưới thêm một bàn nữa.
Mà vấn đề là sau đó, họ vẫn đánh mất tất cả.
2. Sau đó, đầu hiệp hai, Ukraina còn lại gì? Harry Maguire khiến họ tối tăm mặt mũi, và chỉ trong vòng 5 phút, từ “choáng”, đội bóng Đông Âu chuyển hẳn sang trạng thái “cóng” – như cách dùng từ dân dã mà chuẩn xác nhất.
Trạng thái “cóng” ấy không nằm trong độ chính xác của các đường chuyền, trên bảng số liệu thống kê. Nó thể hiện rõ nhất ở những lần đỡ bước một lập bập của tất cả các tiền vệ áo vàng, kể cả người vào sân từ ghế dự bị hay có mặt trong đội hình chính thức. Nó nằm trong sự hoang mang của Zinchenko hay Sydorchuk, khi luôn phải ngập ngừng tìm kiếm một hướng phát động tấn công. Nó hiện hữu trong sự xơ cứng của mọi động tác, từ di chuyển đến dứt điểm.
Những gì là thanh thoát hay tự tin, là điềm tĩnh hay trí xảo – các yếu tố từng lóe lên trong cả trận thua sát nút trước Hà Lan hay chiến thắng cần thiết trước Bắc Macedonia đều đã biến mất. Ngay từ khi cách biệt được nhân đôi, chứ không đợi đến khi hoàn toàn vỡ trận.
“Vỡ trận”, bản thân khái niệm ấy dường như cũng đã nói lên tất cả, về vị thế kẻ thấp người cao trong tâm cảnh. Ukraine, vẫn với những con người ấy nhưng những đôi chân đã trờ nên run rẩy, không đủ quả cảm, cũng không đủ quật cường để gợi lên bất cứ chút tiếc nuối nào.
Dĩ nhiên, điều này cũng xuất phát từ những diễn biến chóng mặt, những cú đấm thôi sơn từ thực tế. Nhưng, đó là thực tế, chứ không phải định mệnh nào hết.
Đó là việc các trung vệ áo vàng hoàn toàn bất lực khi bị tập kích bởi những trận oanh tạc từ trên không, đến tận khi bị đánh ngã sấp mặt – minh chứng rõ ràng về cách tiếp cận trận đấu đúng đắn của Southgate. Ông cuốn địch thủ vào một thứ cối xay thể lực không thể cưỡng lại, mở toang đột phá khẩu.
Hoàn toàn bị đối phương áp chế bằng tốc độ, và bằng việc liên tục dẫn dắt những cuộc đua điên dại trên hai đường biên, Ukraine như thể bị trói cả hai tay. Số lượng những cơ hội ghi bàn đích thực mà họ có được, ít ỏi đến vô nghĩa (3 cú dứt điểm trong cả trận), khẳng định điều đó.
3. Gareth Southgate, thực ra, có mạo hiểm không? Có, và không. Không, bởi vì ông đã chọn đúng, khi dùng sở trường của các cầu thủ Anh để khoét vào sở đoản của đội bóng Đông Âu. Nhưng cũng có, bởi vì nói gì thì nói, với những kỹ năng mà Ukraine sở hữu, việc liên tiếp gia tăng áp lực cũng luôn đi kèm với nguy cơ bị phản kích. Ví dụ như đầu hiệp hai, khi Yarmolenko có thể một mình thoát xuống.
Ở một trận đấu khác và trước một đối thủ khác, trong một tâm trạng khác, có thể thủ quân Ukraina cũng sẽ có một pha xử lý khác, thay vì sút bóng đi chệch má lưới. Vấn đề là lần này, có lẽ chính anh cũng bị áp đảo bởi khí thế táo tợn của đội bóng đảo quốc rồi. Anh, hay bất cứ đồng đội nào, đều chưa từng cầm bóng đột phá dũng mãnh và tự tin, đầy sinh khí và “hùng hổ” vào thẳng những vòng vây phòng ngự, như cách mà Sterling thể hiện.
Cả hiệp hai, Anh chơi như thể biết chắc chắn rằng họ không thể thua được. Còn từ phút 46 trở đi, với Ukraina, trận đấu cứ như chỉ còn là thủ tục. Một cuộc đọa đày mà đội bóng Đông Âu mong cho kết thúc thật nhanh, khi không thể hiện được một chút ý chí quật khởi nào cho “có thanh có sắc”.
Trận bán kết sẽ không hề dễ dàng, chắc chắn là như vậy. Tuy vậy, đến lúc này, với 8 bàn thắng mà chưa một lần thủng lưới, đến cả những anti-fan cực đoan nhất cũng chẳng cách nào phủ nhận được âm hưởng ghê gớm của chặng quân hành ấy. Hơn cả EURO 1996, giờ thì người Anh mới thực sự trở thành ứng viên vô địch nặng ký. Không có những cái tên đình đám như Gascoigne hay Alan Shearer, nhưng họ có ngôi sao duy nhất là cả tập thể. Và khi đã vào đến bán kết, lòng dũng cảm cũng có thể đưa họ đi đến bất cứ đâu…