Pele, 'đại sứ' toàn cầu của bóng đá
Thứ sáu, 30/12/2022 15:09 (GMT+7)
Tại quê hương Brazil, Pele được coi là một báu vật quốc gia. Trên bình diện thế giới, ông được biết đến là "Vua bóng đá", đồng thời giúp phổ biến môn thể thao này ở Mỹ.
Những ngày cuối năm 2022, làng bóng đá thế giới đón nhận một tin không thể buồn hơn khi Pele đã qua đời sau một thời gian dài chống chọi với ung thư, hưởng thọ 82 tuổi. Ông là một trong những cầu thủ bóng đá vĩ đại nhất lịch sử và là nhân vật có ảnh hưởng lớn trong thể thao thế kỷ 20, người đã đạt đến đẳng cấp nổi tiếng toàn cầu mà ít vận động viên nào làm được.
Trong sự nghiệp kéo dài 21 năm của mình, Pele - tên khai sinh là Edson Arantes do Nascimento - đã ghi 1283 bàn sau 1367 trận đấu chuyên nghiệp. Trong số này, 77 bàn được ông ghi cho đội tuyển quốc gia Brazil, cùng với Neymar là 2 chân sút hàng đầu của Selecao.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của Pele không chỉ dừng lại ở việc ghi bàn. Ông đã giúp tạo ra và quảng bá thứ bóng đá hoa mỹ của người Brazil mang tên “Joga Bonito”.
Đó là phong cách chơi coi trọng khả năng kiểm soát bóng thông minh, những đường chuyền chính xác, sáng tạo và trên hết là khao khát tấn công vũ bão. Pele không chỉ là đại diện của thứ bóng đá đẹp này, ông còn cùng nó vô địch khắp thế giới.
Trong số những phẩm chất thiên phú của mình, khả năng kiểm soát trọng tâm cơ thể được coi là thứ vũ khí lợi hại nhất của Pele. “Vua bóng đá” có thể tăng tốc, giảm tốc hoặc đột ngột xoay người trong nháy mắt. Đặc biệt, ông có thể sút bóng chính xác bằng cả hai chân dù không có được thăng bằng tốt nhất. Bên cạnh đó, Pele chỉ cao 1m73 nhưng lại có sức bật vô cùng ấn tượng. Khi nhảy, ông dường như treo lơ lửng trên không – như cái cách Cristiano Ronaldo thường không chiến.
Giống như các môn thể thao khác, bóng đá đã phát triển vượt xa thời đại trước. Ngày nay, nhiều cầu thủ có thể thực hiện các pha dứt điểm “xe đạp chổng ngược” hoặc các pha ban bật thần tốc với độ chuẩn xác cao. Nhưng vào thời của ông, kỹ năng kiến tạo và ghi bàn của Pele là điều gì đó thật xuất chúng.
Pele bước vào ánh đèn sân khấu quốc tế tại World Cup 1958 ở Thụy Điển. Thời điểm đó, chàng trai Edson gầy gò mới 17 tuổi đã trở thành ngôi sao của Brazil trên hành trình giành chức vô địch thế giới đầu tiên của Selecao. Sự có mặt của Pele trong thành phần tuyển Brazil được truyền thông ví như "linh vật" của đội. Nhưng một khi ông chạm bóng, ai nấy cũng đều bị mê hoặc bởi những bước chạy của bóng áo vàng xanh nho nhỏ.
Sau bàn thắng đầu tiên tại World Cup vào lưới Xứ Wales ở tứ kết, Pele bộc bạch: “Nó đã hoàn toàn nâng cao sự tự tin của tôi. Thế giới giờ đã biết về Pele”. Với ma thuật của mình, Pele lập hat-trick vào lưới Pháp ở bán kết, sau đó đóng góp thêm 2 pha lập công trong chiến thắng 5-2 trước đội chủ nhà Thụy Điển ở chung kết.
Sau chiến tích giành cúp vàng thế giới, Pele trở lại quê nhà với vị thế của một vị anh hùng. Ông tiếp tục chơi cho Santos, cũng như cho hai CLB quân đội như một phần của nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Chỉ riêng năm 1959, Pele đã phải trải qua một lịch trình dày đặc gồm 103 trận, trong đó có 9 lần ông đá liên tiếp 2 trận trong vòng 24 giờ.
“Vua bóng đá” đã giành tổng cộng 3 chức vô địch World Cup cùng đội tuyển Brazil, 10 danh hiệu vô địch quốc gia cùng CLB Santos. Tầm vóc của Pele lên cao tới mức vào năm 1961, để ngăn chặn sự dòm ngó của các CLB từ châu Âu, chính phủ Brazil đã thông qua nghị quyết tuyên bố ông là “báu vật quốc gia không thể xuất khẩu”.
Sức ảnh hưởng của Pele không chỉ gói gọn ở quê hương Brazil nơi ông sinh ra. Pele như một vị anh hùng được cả thế giới yêu mến. Từ những người nghèo mà ông cùng lớn lên, những người giàu có ông gặp khi chu du khắp nơi đến bất cứ ai từng được xem ông chơi bóng.
Khi Pele có ý định chia tay Santos vào đầu những năm 1970, Henry A. Kissinger, ngoại trưởng Hoa Kỳ vào thời điểm đó, đã viết thư cho chính phủ Brazil đề nghị họ đưa “Vua bóng đá” sang thi đấu ở Mỹ. Sự xuất hiện của ông như một cách để giúp quảng bá môn thể thao vua tại nơi mà Football được chơi bằng một quả bóng hình bầu dục.
Sau thời gian ngắn giải nghệ, Pele chuyển tới thi đấu cho New York Cosmos. Khi đó, ông đã trở thành một biểu tượng toàn cầu với 3 cúp vàng World Cup và vô số những chuyến du đấu khắp 5 châu không biết mệt mỏi.
Để có được cái gật đầu của Pele, Cosmos đã phải gửi đến siêu sao của Brazil một lời đề nghị khiến ông từ chối cả Real Madrid lẫn Juventus. Bên cạnh hàng triệu USD, chủ sở hữu Warner Communications còn thêm một hợp đồng âm nhạc, một hợp đồng tiếp thị đảm bảo cho ông 50% doanh thu từ bản quyền tên mình, đồng thời đảm bảo sẽ thuê người bạn Mazzei của ông làm trợ lý huấn luyện viên.
Pelé đã ký một hợp đồng 3 năm trị giá, theo nhiều ước tính khác nhau, từ 2,8 triệu đến 7 triệu USD (tương đương với khoảng 40 triệu USD ngày nay). Hai đội bóng từ châu Âu dù đã chìa ra.
Vào tháng 10 năm 1977, Pele kết thúc sự nghiệp của mình trong trận giao hữu giữa Cosmos và Santos. Cầm micrô trên bục ở giữa sân, bên cạnh là cha ông và huyền thoại boxing Muhammad Ali, ông dõng dạc tuyên bố trước sự cổ vũ của đám đông hơn 75.000 người tại Sân vận động Giants ở New Jersey.
“Nói cùng với tôi 3 lần nào. Hãy dành cho những đứa trẻ: Tình yêu! Tình yêu! Tình yêu!’.
Được tôn vinh vì tài năng thiên bẩm và phong cách thi đấu độc đáo trên sân, Pele cũng khiến người hâm mộ quý mến với tính cách vui vẻ và niềm tin vào sức mạnh của bóng đá. Huyền thoại người Brazil tin rằng “túc cầu giáo” kết nối mọi người thuộc mọi chủng tộc, giai cấp và quốc tịch.