Olympic Việt Nam thất bại ở ASIAD 19: Một bước lùi cho vạn bước tiến
Thứ hai, 25/09/2023 10:19 (GMT+7)
Olympic Việt Nam đã không thể tạo ra bất ngờ nào trước Olympic Saudi và chịu thất bại với tỷ số 1-3, qua đó chính thức nói lời chia tay với ASIAD 2023 ngay tại vòng bảng. Tuy nhiên, nếu phân tích sâu hơn, kết quả này không phải là thảm họa.
Chủ Đề: ASIAD 2026
Việc Olympic Việt Nam phải dừng bước ở vòng bảng ASIAD 19 có lẽ không làm hài lòng đa phần người hâm mộ, nhất là khi “Những chiến binh sao vàng” từng đứng thứ tư chung cuộc ở kỳ Á vận hội gần nhất.
Tại giải đấu này năm 2018, Olympic Việt Nam – khi ấy còn được dẫn dắt bởi HLV Park Hang Seo – xuất sắc đánh bại cả 3 đối thủ ở vòng bảng, trong đó có cả Nhật Bản. Đội tiếp tục vượt qua Bahrain tại vòng 1/8, đánh bại Syria đầy quả cảm trên chấm luân lưu ở vòng tứ kết và chỉ chịu dừng bước tại bán kết trước Hàn Quốc – đội sau đó lên ngôi vô địch. Trong trận phân hạng 3/4, Olympic Việt Nam cũng chỉ thua UAE trong loạt “đấu súng”.
Tuy nhiên, đừng vội nhìn vào kết quả để chỉ trích các cầu thủ của ông Hoàng Anh Tuấn. Khác với ASIAD 2018, mục tiêu của Olympic Việt Nam năm nay không phải tiến sâu nhất có thể. Định hướng của HLV Hoàng Anh Tuấn và VFF là giúp các cầu thủ trẻ có cơ hội cọ xát, học hỏi nhằm cụ thể hóa tầm nhìn Olympic, và xa hơn là World Cup của nền bóng đá nước nhà.
Cách đây 5 năm, Olympic Việt Nam của “thầy Park” mang đến giải đấu một đội hình rất chất lượng, gồm những nhân tố chủ chốt đã giành ngôi á quân tại giải U23 châu Á 2018 như Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường, Đoàn Văn Hậu, Vũ Văn Thanh... Bên cạnh đó, họ còn được sát cánh cùng 3 người đàn anh đẳng cấp và dày dạn kinh nghiệm là Nguyễn Anh Đức, Nguyễn Văn Quyết và Đỗ Hùng Dũng.
Trong khi đó, Olympic Việt Nam là đội bóng trẻ nhất sân chơi ASIAD kỳ này, với độ tuổi trung bình vào khoảng 20,2 tuổi. Đây là lần đầu tiên trong vòng 20 năm, Việt Nam đưa lứa cầu thủ kém hơn quy định tới gần 3 tuổi dự Đại hội thể thao châu Á.
Trong 2 trận thua trước Olympic Iran và Saudi Arabia, đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn đã cho thấy những thiệt thòi ở tất cả khía cạnh, từ thể hình, thể lực... nhưng quan trọng nhất là kinh nghiệm thực chiến. Dàn cầu thủ của 2 đại diện Tây Á phần lớn đều hơn Olympic Việt Nam 2-3 tuổi, thậm chí nhiều gương mặt đã khoác áo đội tuyển quốc gia và từng ra sân ở World Cup 2022.
Việc phải nhận thất bại trước 2 đối thủ được đánh giá ứng viên vô địch giải không phải là điều gì đáng xấu hổ. Với bóng đá trẻ, một trận thua còn được xem là tốt hơn một chiến thắng.
Thua trước những đội bóng mạnh như vậy chính là cơ hội tuyệt vời để những Nguyễn Quốc Việt hay Khuất Văn Khang học hỏi và trưởng thành. Thậm chí, bóng đá Việt Nam cần có chiến lược để Olympic Việt Nam được chơi bóng thường xuyên với các đội bóng hàng đầu.
Ai cũng biết những cầu thủ sinh từ năm 1999 trở lại vốn đủ điều kiện dự ASIAD lần này. Nếu triệu tập đầy đủ binh hùng tướng mạnh, bóng đá Việt Nam có thể sang Trung Quốc với đội hình gồm một loạt hảo thủ đã dày dặn kinh nghiệm chinh chiến ở V.League.
Khi ấy, U23 Việt Nam sẽ có Đoàn Văn Hậu, Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thanh Bình, Vũ Tiến Long, Nguyễn Thanh Nhân ở hàng thủ. Ở tuyến giữa, Lý Công Hoàng Anh, Trương Tiến Anh, Dụng Quang Nho, Mai Xuân Quyết, Võ Đình Lâm đủ tiêu chuẩn dự giải. Còn trên hàng công, Nhâm Mạnh Dũng và Lê Xuân Tú cũng hoàn toàn có thể gánh vác.
Và đừng quên, vẫn còn cả 3 suất quá tuổi để HLV Hoàng Anh Tuấn có thể lựa chọn. Ông có thể xem xét triệu tập Quế Ngọc Hải, Quang Hải, Tiến Linh, Tuấn Anh, Văn Toàn, Văn Thanh hay bất cứ ai khác có thể đi ASIAD.
Với đội hình như vậy, U23 Việt Nam có lẽ đủ sức để nghĩ đến việc thêm một lần tiến sâu tại Á vận hội. Tuy nhiên, đó không phải định hướng mà VFF lựa chọn. Thay vì chạy theo thành tích ngắn hạn, VFF quyết định trao cơ hội cho lứa cầu thủ trẻ hơn tại Asiad. U23 Việt Nam đã phải sớm dừng bước ngay sau vòng bảng Asiad lần này. Tuy nhiên, xét về góc độ chiến lược lâu dài, kết quả đó không phải thảm họa.
“Với cầu thủ trẻ, chúng ta nên nghĩ giải đấu này vẫn nằm trong quá trình đào tạo, còn cấp độ ĐTQG là huấn luyện. Các CLB đào tạo cầu thủ cho ĐTQG, các đội tuyển ở cấp độ trẻ lại tiếp tục đào tạo để cải thiện mọi thứ cho cầu thủ để lên được ĐTQG. Còn khi đã có “bột” rồi, có “gột nên hồ” hay không là do HLV trưởng ĐTQG.
Nhiệm vụ của tôi là đào tạo. Thông qua giải đấu với những đối thủ mạnh như thế này sẽ là bài học kinh nghiệm bổ ích cho các cầu thủ”, HLV Hoàng Anh Tuấn trải lòng.
Tầm nhìn của vị chiến lược gia sinh năm 1968 cũng là những gì bóng đá Nhật Bản – nền bóng đá số 1 châu Á – đã và đang áp dụng. Giống như Olympic Việt Nam, Olympic Nhật Bản đến Hàng Châu mà không có một gương mặt quá tuổi. Thậm chí, xứ Phù Tang đã không triệu tập cầu thủ nào trên 22 tuổi dự ASIAD kể từ năm 1998.
Tất nhiên, so sánh 2 nền bóng đá Việt Nam với Nhật Bản là một sự khập khiễng. Cách đây 5 năm tại Indonesia, Nhật Bản dù có độ tuổi trung bình rất trẻ nhưng vẫn lọt vào đến trận chung kết. Họ chỉ chịu thua trước một Olympic Hàn Quốc với siêu sao Son Heung Min trong đội hình.
Lứa trẻ Nhật Bản từng thua Việt Nam năm 2018 giờ đây đang hướng về World Cup 2026. Với họ, kết quả một giải đấu trẻ không quan trọng bằng tầm nhìn dài hạn. Chúng ta, những người đang cố gắng học hỏi theo hình mẫu của những đồng nghiệp Đông Á, cần phải biết vượt qua áp lực về tâm lý khi thành tích ban đầu không được như ý.
Có thể nói rằng, ASIAD là một đấu trường hoàn toàn khắc nghiệt với những cầu thủ trẻ Olympic Việt Nam. Chính vì vậy, việc được tiếp cận, trải nghiệm đối với những cầu thủ trẻ sẽ tạo nền tảng tốt để có thể phát triển nền bóng đá Việt Nam trong tương lai. Tương lai hay giấc mơ World Cup được đặt rất nhiều vào thế hệ cầu thủ mà HLV Hoàng Anh Tuấn đang dẫn dắt.