Bong da Viet Nam

Olympic Montreal 1976: Kì Thế vận hội bị châu Phi tẩy chay

Chủ nhật, 18/07/2021 16:49 (GMT+7)

Kỳ Olympic 1976 có gì đặc biệt? Cùng tìm hiểu thông tin về lịch sử các kỳ Olympic, bao gồm Thế vận hội 1976 trên Thethao.vn.

29 quốc gia, trong đó có 25 nước châu Phi đã tẩy chay Olympic Montreal 1976 khi Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) từ chối cấm New Zealand tham dự. Tanzania là nước dẫn đầu cuộc tẩy chay này. Lý do là bởi đội bóng bầu dục của New Zealand, All Black trước đó đã có chuyến du đấu ở Nam Phi, bất chấp lời kêu gọi của Liên hợp quốc. Theo quan điểm của nhiều nước châu Phi, đây là hành động ngầm ủng hộ tình trạng phân biệt chủng tộc, màu da.

Olympic Montreal 1976: Kì Thế vận hội bị châu Phi tẩy chay - Ảnh 4

Địa điểm tổ chức

Vượt qua Los Angeles (Mỹ) và Moscow (Nga), Montreal của Canada đã giành quyền đăng cai Olympic 1976. Montreal là thành phố nói tiếng Pháp thứ hai được tổ chức một kì Thế vận hội sau Paris vào các năm 1900 rồi 1924. Cho đến bây giờ, đây cũng là kì Olympic mùa hè duy nhất diễn ra tại Canada. Có tổng cộng 27 địa điểm thi đấu tại Olympic Montreal 1976. 

Olympic Montreal 1976: Kì Thế vận hội bị châu Phi tẩy chay - Ảnh 3

Những thông tin cơ bản về Olympic 1976

Thành phố đăng cai: Montreal, Canada

Thời gian thi đấu: 17/7/1976 tới 1/8/1976

Số VĐV tham gia: 6084 (4824 nam, 1260 nữ) 

Số môn thi đấu: 21 (198 bộ huy chương)

Linh vật

Olympic Montreal 1976: Kì Thế vận hội bị châu Phi tẩy chay - Ảnh 1

Hải ly Amik là linh vật của Olympic Montreal 1976, cũng là kì Olympic thứ hai trong lịch sử xuất hiện linh vật. Bản chất từ Amik đã có nghĩa là “hải ly” trong tiếng Algonquin, một ngôn ngữ phổ biến của người bản địa ở Canada. Amik xuất hiện với một sọc đỏ có biểu tượng của Olympic Montreal, tượng trưng cho dải ruy băng được sử dụng cho những người chiến thắng. Hải ly gắn liền với lịch sử của Canada và để chọn ra cái tên Amik, đã có hẳn một cuộc thi cấp quốc gia.

Huy chương

Olympic Montreal 1976: Kì Thế vận hội bị châu Phi tẩy chay - Ảnh 2

Ở mặt trước huy chương, nữ thần chiến thắng cầm một cây cọ ở tay trái và vương miện ở tay phải. Đây vốn là thiết kế được sử dụng từ Olympic Amsterdam 1928, được tạo ra bởi nghệ sĩ người Italia Florentine Giuseppe. Đi kèm là dòng chữ "XXIe Olympiade Montreal 1976" cùng các biểu tượng chính gồm Chiến thắng, Sự đoàn kết và Tính phổ quát. Ở mặt sau là hình vương miện nguyệt quế cách điệu, biểu tượng của chiến thắng kể từ Thế vận hội Cổ đại và biểu tượng của Thế vận hội năm 1976 ở Montreal.

Các kỷ lục bị phá tại Olympic Montreal 1976

Edwin Moses, Mỹ - 400m vượt rào nam 

Waldemar Cierpinski, Đông Đức - marathon nam

Jim Montgomery, Mỹ - 100m bơi tự do nam

Bruce Furniss, Mỹ - 200m bơi tự do nam

Brian Goodell, Mỹ - 400m bơi tự do nam

Brian Goodell, Mỹ - 1500m bơi tự do nam

John Naber, Mỹ - 100m bơi ngửa nam

John Naber, Mỹ - 200m bơi ngửa nam

Mike Bruner, Mỹ - 200m bơi bướm nam

Kornelia Ender, Đông Đức - 100m bơi tự do nữ

Kornelia Ender, Đông Đức - 200m bơi tự do nữ

Petra Thuemer, Đông Đức - 400m bơi tự do nữ

Petra Thuemer, Đông Đức - 800m bơi tự do nữ

Bảng tổng sắp huy chương

Tại Olympic Montreal 1976, Canada chỉ xếp thứ 27 trên bảng tổng sắp với 11 huy chương và họ là nước chủ nhà duy nhất của Thế vận hội không giành được bất cứ huy chương vàng nào. Liên bang Xô Viết thể hiện sức mạnh với 125 huy chương, trong đó có 49 huy chương vàng. Xếp sau là Đông Đức với 40 huy chương vàng. 

Hạng Quốc gia HCV HCB HCĐ Tổng
1 Liên Xô 49 41 35 125
2 Đông Đức 40 25 25 90
3 Mỹ 34 35 25 94
4 Tây Đức 10 12 17 39
5 Nhật Bản 9 6 10 25
6 Ba Lan 7 6 13 26
7 Bulgaria 6 9 7 22
8 Cuba 6 4 3 13
9 Romania 4 9 14 27
10 Hungary 4 5 13 22