Ninh Bình mạnh dạn đi đầu, mở lối trong làng bóng chuyền Việt Nam
Thứ năm, 10/03/2022 14:38 (GMT+7)
Tại Việt Nam, không phải Vietsovpetro, Đức Long Gia Lai hay Hóa chất Đức Giang chịu chơi mà đội bóng chịu chơi nhất phải kể tới Ninh Bình.
Nhắc đến bóng chuyền Ninh Bình là nhắc tới những thương vụ đình đám của bóng chuyền Việt Nam kể từ khi giải đấu đổi tên từ giải đội mạnh toàn quốc thành giải VĐQG. Nói về thành tích thì CLB bóng chuyền nam Tràng An Ninh Bình với 4 lần vô địch, nằm trong Top những đội có thành tích tốt nhất tại giải đấu cao nhất quốc nội cùng với Thể Công.
Những kỷ lục mà đội bóng này giành được còn phải kể tới 5 lần vô địch giai đoạn 1, 5 năm liền lọt vào Top 3 đội mạnh nhất, ngoài ra Tràng An Ninh Bình còn vô địch cúp Hùng Vương và cúp Hoa Lư nhiều lần nhất. Bên cạnh đó, hàng năm bóng chuyền Ninh Bình luôn là một trong những đội đóng góp nhiều VĐV nhất cho đội tuyển quốc gia.
Để có được điều đó, bắt nguồn từ việc chịu chơi và chịu chi của bóng chuyền Ninh Bình từ ngày thành lập cho tới thời điểm hiện tại. Năm 2003, để phục vụ một số nội dung thi đấu của SEA Games 22, Nhà thi đấu TDTT Ninh Bình được hoàn thành. Đây là một trong những nhà thi đấu hiện đại nhất Việt Nam thời điểm đó. Từ đó, Ninh Bình thành lập đội bóng chuyền để thi đấu giải A1 được mang tên nền văn hóa Tràng An - một nền văn hóa tiền sử với các di vật tìm thấy tại Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thiên nhiên thế giới.
CLB bóng chuyền nam Tràng An - Ninh Bình chính thức thăng hạng tham gia Giải vô địch bóng chuyền VĐQG từ năm 2005. Trong năm đầu tiên, Tràng An Ninh Bình đã vô địch lượt đi và cái tên này dần khẳng định tên tuổi trong những mùa giải kế tiếp với nhiều thành tích vượt trội so với các đối thủ giàu truyền thống khác.
Được sự quan tâm của lãnh đạo Sở TDTT, đội bóng ngày mọt phát triển và trở thành một ông lớn trong làng bóng chuyền nước nhà. Chính Ninh Bình là một trong những đội bóng đi đầu trong việc thuê VĐV ngoại và nhập tích cho VĐV ngoại như trường hợp của Supachai Jitjumroon sở hữu cái tên thuần Việt là Đinh Hoàng Trai.
Năm 2005, Đinh Hoàng Trai thường xuyên đi lại Việt Nam - Thái Lan để vừa làm nhiệm vụ ở đội tuyển quốc gia, đồng thời tăng cường cho đội Tràng An Ninh Bình. Đinh Hoàng Trai góp phần quan trọng giúp đội Tràng An Ninh Bình trở thành một thế lực của làng bóng chuyền nam. Năm 2010 anh chính thức nhập quốc tịch Việt Nam và trở thành công dân Việt. Bên cạnh đó Tràng An Ninh Bình cũng sở hữu một tuyển thủ Thái Lan khác là Supachai Sriphum có biệt danh “Trai béo” để phân biệt với “Trai ròm - Đinh Hoàng Trai”.
Năm 2020, bóng chuyền Ninh Bình lại thêm một lần làm NHM nước nhà ngỡ ngàng khi lấy toàn bộ đội Truyền hình Vĩnh Long khi đội bóng này quyết định giải thể. Tất cả các VĐV của Truyền hình Vĩnh Long cùng BHL đã thuộc về Ninh Bình trong sự tiếc nuối của nhiều đội bóng khác đang muốn xâu xé các VĐV của đội này. Không chỉ dừng lại ở đó, Ninh Bình mời người cũ là HLV Thái Thanh Tùng khi đó đang là Phó giám đốc Trung tâm TDTT Thái Bình về làm thuyền trưởng.
Bước đi này đưa Ninh Bình trở thành địa phương sở hữu 2 đội bóng đang thi đấu tại giải VĐQG như Long An hay Vĩnh Long (trước đây). Chưa dừng lại ở đó, kết thúc mùa giải 2021, Ninh Bình Doveco là cái tên đi đầu trong việc chiêu mộ VĐV trong nước. Những cái tên đình đám như Lưu Thị Huệ, Nguyễn Thị Trinh, Đinh Thị Thúy… đã tề tựu về đất Cố đô biến Ninh Bình Doveco trở thành đội tuyển quốc gia thu nhỏ.
Sự chịu chơi và chịu chi của bóng chuyền Ninh Bình lần này làm không ít ông lớn cảm thấy lo lắng bởi mùa giải 2022 là mùa giải được đánh giá khốc liệt của bóng chuyền nước nhà. Việc Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cho phép sử dụng ngoại binh và thực hiện việc thi đấu 1 vòng sẽ đánh giá năng lực của các đội một cách chính xác nhất nên những đội bóng dồi dào lực lượng sẽ đảm bảo cho một vị trí cao vào cuối mùa.
Có thể thấy, tại Việt Nam hiện nay, ngoài Long An thì Ninh Bình là điển hình về việc sở hữu hai đội bóng chuyền nam và nữ đang thi đấu tại hạng đội mạnh. Việc đầu tư và chịu chi cho bóng chuyền cũng trở thành mô hình cho không ít đội bóng học hỏi và làm theo trong thời điểm bóng chuyền nước nhà đang tiến dần lên chuyên nghiệp.