Bong da Viet Nam

Những khoảnh khắc đáng nhớ nhất Olympic Tokyo 2021

Thứ hai, 09/08/2021 06:00 (GMT+7)

Kỳ Olympic đặc biệt nhất lịch sử đã diễn ra một cách thành công mỹ mãn. Hãy cùng điểm lại 9 khoảnh khắc đáng nhớ nhất Olympic Tokyo 2021.

Thế vận hội ở Tokyo (Đông Kinh) năm 2021 diễn ra trong một bối cảnh thật đặc biệt. Dịch bệnh hoành hành, khán giả không thể vào sân, còn các vận động viên thì phải di chuyển trong trạng thái ‘khép kín’, thậm chí phần lớn phải về nước trước lễ bế mạc. Nhưng cuối cùng, sự kiện thể thao lớn nhất thế giới cũng trôi qua thật êm đẹp với những khoảnh khắc đáng nhớ.

Simone Biles rút lui khỏi chương trình thi đấu nhưng cuối cùng đã trở lại và giành huy chương

Ngôi sao thể dục dụng cụ người Mỹ đã trở thành đề tài nóng nhất kỳ Thế vận hội. Cô rút lui khỏi gần như toàn bộ tất cả các thi đấu của mình vì sa sút sức khỏe tinh thần, nhưng rồi vẫn có thể trở lại và giành HCĐ vào những ngày cuối cùng.

Trong 4 nội dung chung kết của thể dụng dụng cụ nữ, Simone Biles đã không tham gia 3 nội dung là nhẩy chống, nhảy sàn (bài thi tự do) và xà lệch. Cô chỉ trở lại ở nội dung cuối cùng là cầu thăng bằng và vẫn giành được huy chương đồng.

“Tấm HCĐ này mang ý nghĩa rất lớn với tôi,” – Biles chia sẻ sau khi về nước. “Nó còn giá trị hơn nhiều HCV trước đó. Tất cả những gì diễn ra trong vòng hơn 1 tuần ở Nhật Bản thực sự rất cảm xúc. Tôi tự hào về bản thân và tất cả các đồng đội của mình.”

Những khoảnh khắc đáng nhớ nhất Olympic Tokyo 2021 - Ảnh 1
Simone Biles hạnh phúc với tấm HCĐ - Ảnh: Getty

Elaine Thompson-Herah đi vào lịch sử Olympic

Trước Olympic Tokyo 2021, chưa một vận động viên nào có thể bảo vệ thành công tấm HCV ở nội dung chạy 100m và 200m dành cho nữ.

Và Elaine Thompson-Herah đã làm được. Năm 2016 khi vẫn mang tên là Elaine Thompson, cô giành cú đúp HCV ở nội dung 100m và 200m.

Cô giành HCV nội dung chạy 100m với thành tích 10 giây 61, phá vỡ kỷ lục tồn tại 33 năm của huyền thoại Florence Griffith và trở thành người phụ nữ chạy nhanh thứ hai lịch sử. Sau đó, vận động viên của Jamaica về nhất ở nội dung 200m với thành tích 21 giây 53.

Những khoảnh khắc đáng nhớ nhất Olympic Tokyo 2021 - Ảnh 2
Elaine Thompson-Herah về nhất ở cự ly 100m và 200m - Ảnh Getty

Mutaz Barshim và Gianmarco Tamberi chia sẻ tấm HCV

Một trong những quyết định đi vào lịch sử của Olympic tiếp tục diễn ra ở môn điền kinh. Mutaz Barshim của Qatar và Gianmarco Tamberi của Ý chấp nhận chia sẻ tấm HCV ở nội dung nhảy cao thay vì bước vào một cuộc so tài chọn người thắng cuộc.

Cả 2 đều có thành tích 2,37m. Maksim Nedasekau của Belarus cũng nhảy được 2,37m nhưng nhận huy chương đồng vì chỉ số phụ kém hơn.

Barshim hỏi trọng tài: ‘Chúng tôi có thể có 2 tấm HCV không?’. Vị trọng tài đồng ý, và Tamberi lao tới ôm lấy Barshim trong sự sung sướng khi anh và người bạn thân đều có HCV.

Những khoảnh khắc đáng nhớ nhất Olympic Tokyo 2021 - Ảnh 7
Hai nhà vô địch nhảy cao chia nhau tấm HCV - Ảnh Getty

Người Ý gây sốc ở môn điền kinh

Đất nước đến từ Nam Âu chỉ giành 5 tấm huy chương ở môn điền kinh và cả 5 đều là huy chương vàng. Năm 2016, họ không có tấm huy chương nào ở môn thể thao ‘hoàng hậu’.

Marcell Jacobs, vận động viên người Ý đầu tiên giành vé vào chung kết nội dung chạy 100m nam, về nhất với thành tích 9 giây 80. Ở vạch đích, Gianmarco Tamberi đã chờ sẵn để ăn mừng. Anh giành HCV nhảy cao trước đó vài phút.

Và đội tuyển điền kinh Ý còn về nhất ở nội dung 4x100m tiếp sức đồng đội nam. Vận động viên chạy nước rút Filippo Tortu về trước đại diện của Vương Quốc Anh chỉ 1% giây.

Hai VĐV khác của Ý giàn HCV môn điền kinh là Massimo Stano ở nội dung đi bộ 20km nam và Antonella Palmisano ở nội dung đi bộ 20km nữ.

Những khoảnh khắc đáng nhớ nhất Olympic Tokyo 2021 - Ảnh 4
Jacobs và Tamberi ăn mừng cùng nhau - Ảnh Getty

Emma McKeon san bằng thành tích của một VĐV nữ giành nhiều HC nhất một kỳ đại hội

Năm 1952, VĐV Mariya Gorokhovskaya của đoàn Liên Xô giành tổng cộng 7 tấm huy chương ở môn thể dục dụng cụ. Trong đó, cô có 2 HCV ở nội dung toàn năng đồng đội và toàn năng cá nhân.

59 năm sau, Emma McKeon san bằng thành tích kể trên khi có 7 tấm HC ở Olympic Tokyo. Kình ngư người Úc có 4 HCV ở các nội dung 50m tự do, 100m tự do, 4x100m tự do tiếp sức nữ và 4x100m hỗn hợp tiếp sức nữ. Ngoài ra, cô còn có 3 tấm HCĐ ở các nội dung 100m bơi bướm, 4x200m tự do tiếp sức nữ và 4x100m tự do tiếp sức nam – nữ.

Và với 7 tấm HC, Emma McKeon cũng là người giành nhiều danh hiệu nhất kỳ Olympic này.

Những khoảnh khắc đáng nhớ nhất Olympic Tokyo 2021 - Ảnh 5
Italia giành HCV chạy 4x100m tiếp sức nam lịch sử - Ảnh Getty

Allyson Felix trở thành VĐV điền kinh Mỹ có nhiều thành tích nhất

Tổng cộng, người phụ nữ 35 tuổi này có 11 tấm HC ở Olympic, 7 trong số đó là HCV.

Lần đầu tiên Allyson Felix thi đấu là tại Athens năm 2004. Cô giành HCB nội dung 200m khi mới 18 tuổi. 17 năm sau, VĐV sinh ra ở California vẫn là người phụ nữ bền bỉ nhất, khi tham gia 2 nội dung 400m và 4 x 400m tiếp sức. Thậm chí, Felix còn giành HCV (4 x 400m tiếp sức).

Jessica Fox, Tom Daley cuối cùng cũng có tấm HCV Olympic

Huyền thoại canoeing 10 lần vô địch thế giới Jessica Fox đã có tấm HCV Olympic sau 2 lần tham dự chỉ về nhì và ba với khoảng cách suýt sao. 2 lần trước, cô tham dự ở nội dung kayak đơn nữ. Năm nay, cô về nhất ở nội dung caneoing đơn nữ và về thứ ba ở nội dung kayak.

Tương tự, VĐV nhảy cầu Tom Daley cuối cùng cũng phá thế thống trị của người Trung Quốc khi giành HCV ở nội dung 10m cầu mềm đôi nam. 2 kỳ trước, anh chỉ có bạc và đồng.