Những đàn em của Tiến Minh: Tay vợt số 2, số 3 Việt Nam là ai?
Chủ nhật, 25/07/2021 07:29 (GMT+7)
Cầu lông Việt Nam đang khan hiếm tài năng và mọi hy vọng vẫn được đặt lên vai Nguyễn Tiến Minh tại Olympic Tokyo 2021.
Khi Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF) thông báo Cầu lông Việt Nam sẽ có 2 suất tham dự Olympic Tokyo 2021, nhiều người hâm mộ đã tỏ ra vui mừng. Bởi lẽ, cơ hội cạnh tranh huy chương của Cầu lông Việt Nam vẫn có với những cái tên ở đẳng cấp thế giới, đặc biệt là Nguyễn Tiến Minh. Tuy nhiên, trong niềm hân hoan ấy, vẫn có những nỗi lo xuất hiện.
Nguyễn Tiến Minh tranh tài trên đất Nhật Bản với tư cách là VĐV hạng 60 thế giới, đồng thời là tay vợt hạng 32 tại Olympic Tokyo 2021. Chứng kiến ngôi sao sinh ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn “cháy” hết mình ở tuổi 38, người hâm mộ phải tự đặt câu hỏi Cầu lông Việt Nam sẽ đi về đâu khi lứa kế cận Nguyễn Tiến Minh vẫn chưa thể hiện được nhiều điều.
>>> Lịch thi đấu Cầu lông Việt Nam tại Olympic Tokyo 2021 hôm nay mới nhất
Tay vợt đáng chú ý của Việt Nam sau Nguyễn Tiến Minh đó chính là Phạm Cao Cường. Nối gót 2 người anh trai Phạm Cao Hiếu và Phạm Cao Thắng, VĐV gốc Ninh Bình đã theo đuổi sự nghiệp Cầu lông từ khi còn rất trẻ. Tuy nhiên, dù đã bước sang tuổi 25, thế nhưng Phạm Cao Cường vẫn chưa gặt hái được những thành công giống như “tiền bối” Nguyễn Tiến Minh.
Trong những năm qua, danh hiệu đáng chú ý nhất mà Phạm Cao Cường giành được đó chính là chức vô địch giải quốc tế Nepal diễn ra hồi tháng 11/2019. Trước đó, anh cũng từng lên ngôi tại giải Iran Fajr International 2018 khi đánh bại Nguyễn Tiến Minh trong trận chung kết. Dù vậy, tay vợt sinh năm 1995 vẫn chưa cho thấy sự tiến bộ và không thể góp mặt ở Olympic Tokyo 2021.
Theo bảng xếp hạng từ BWF, Phạm Cao Cường chỉ xếp hạng 127 thế giới với số điểm tích lũy tính đến thời điểm hiện tại là 15.086. Đó có thể xem là thành tích không mấy ấn tượng với tay vợt số 2 của Cầu lông Việt Nam. Trong khi đó, tay vợt số 3 là Lê Đức Phát đang xếp ở vị trí 207 với chỉ 8.000 điểm, đồng thời còn cách Nguyễn Tiến Minh một khoảng cách rất xa.
Chứng kiến Nguyễn Tiến Minh duy trì sự ổn định từ năm này qua năm khác, đồng thời thường xuyên tham gia tranh tài ở các giải đấu lớn, khán giả lại cảm thấy lo lắng. Tre già nhưng măng chưa thể mọc, Cầu lông Việt Nam tại Olympic lại phải trông cậy vào một “ông lão” 38 tuổi. Và có lẽ rất nhiều năm nữa người ta mới có thể chứng kiến một Nguyễn Tiến Minh thứ 2 xuất hiện.