Những câu nói bất hủ của Sir Bobby Charlton: Nếu bóng đá là nô dịch, tôi muốn nhận án chung thân
Chủ nhật, 22/10/2023 15:55 (GMT+7)
Ngày 21/10, huyền thoại bóng đá Anh và Manchester United Sir Bobby Charlton đã qua đời ở tuổi 86. Lúc sinh thời, ông được ví như một trong những cầu thủ vĩ đại nhất, với nhiều giai thoại và câu nói để đời.
Được ví như hình mẫu thu nhỏ của Manchester United, Sir Bobby Charlton trưởng thành từ lò đào tạo của CLB và thi đấu 17 năm tại đây. Ông nằm trong thế hệ "những cậu bé của Busby", và là một trong những người sống sót sau thảm họa Munich 1958, và lập tức trở lại tập luyện, thi đấu sau khi xuất viện.
Sự nghiệp Sir Bobby Charlton lấp lánh hào quang với danh hiệu vô địch World Cup 1966 cùng đội tuyển Anh, vô địch bóng đá Anh và Cúp C1 châu Âu cùng MU. Trên phương diện cá nhân, ông là chủ nhân Quả bóng vàng thế giới 1966, Quả bóng bạc thế giới 1967, 1968. Cùng với MU, Sir Bobby Charlton đã chơi 758 trận, ghi 249 bàn.
"Manchester United là Sir Bobby Charlton, và Sir Bobby Charlton chính là Manchester United". Cùng với Denis Law, George Best và Sir Alex Ferguson, ông là một trong những huyền thoại hiếm hoi được tạc tượng trước sân Old Trafford. Cá nhân Sir Bobby Charlton cũng để lại nhiều câu nói bất hủ về bóng đá lúc sinh thời.
Tình yêu với bóng đá
"Có người nói với tôi rằng, những cầu thủ chuyên nghiệp như chúng tôi bị đối xử như nô dịch trong môn bóng đá. Ừm, nếu bóng đá là nô dịch, hãy cho tôi nhận án chung thân".
Khi còn là một cậu thiếu niên, tài năng thiên bẩm của Sir Bobby Charlton không chỉ thể hiện trong môn bóng đá. Ông được đánh giá có năng khiếu chơi cricket, thậm chí còn được đội bóng địa phương của hạt Lancashire chiêu mộ. Nhưng cuối cùng, Sir Bobby Charlton quyết tâm theo bóng đá và trở thành một huyền thoại.
Nét đẹp của bóng đá
"Đây là môn thể thao duy nhất cần xuất hiện trong cuộc sống. Từng khoảnh khắc ra quyết định trong chớp mắt của bóng đá có khả năng làm rung động từng góc cạnh con người".
"Bóng đá không chỉ là cuộc chơi. Bóng đá còn là đam mê, là cách sống".
"Bóng đá dạy chúng ta kỷ luật, tinh thần đồng đội và giá trị của sự chăm chỉ".
"Bóng đá là cuộc đấu kinh khủng, nhưng cũng rất đẹp".
"Bóng đá là thứ ngôn ngữ mọi người có thể hiểu, bất kể khác biệt về xuất thân hay quốc tịch".
"Bóng đá không chỉ có tài năng. Bóng đá còn là nơi thái độ và tính cách con người thể hiện".
"Bóng đá không chỉ có giành chiến thắng. Bóng đá còn là nơi mang lại niềm vui cho người hâm mộ và tạo khoảnh khắc đẹp".
"Vẻ đẹp của bóng đá mang mọi người lại gần nhau hơn, bất chấp những khác biệt".
Bóng đá ở thời Sir Bobby Charlton thi đấu "khét tiếng" với lối chơi thiên về thể lực, sức mạnh, cũng như những pha phạm lỗi thô bạo. Nhưng suốt khoảng thời gian thi đấu chuyên nghiệp, ông chưa bao giờ phải nhận thẻ đỏ. Đây là lý do Sir Bobby Charlton được ví như hình mẫu của lối chơi đẹp được bóng đá hiện đại hướng đến.
Cầu thủ ngưỡng mộ nhất
"Duncan Edwards là người duy nhất từ trước đến nay tôi cảm thấy thua kém. Tôi chưa từng biết cầu thủ nào giàu tài năng, mạnh mẽ và có tầm ảnh hưởng trên sân như anh ấy sở hữu".
Duncan Edwards là một trong những cầu thủ MU thiệt mạng trong thảm họa Munich 1958, cùng đội trưởng Roger Byrne và nhiều trụ cột khác. Sir Bobby Charlton may mắn thoát chết một cách thần kỳ, khi ông chỉ bị một số vết thương nhẹ ngoài da. Vượt qua nỗi ám ảnh của thảm họa rơi máy bay, Sir Bobby Charlton tiếp tục thi đấu và trở thành đầu tàu của đội bóng, thay thế những đồng đội quá cố.
Sự ghi nhận dành cho Paul Scholes
Là cầu thủ hiếm hoi của thế hệ 92 không có danh hiệu cá nhân nào đáng kể, Paul Scholes lại được nhiều đồng nghiệp, cũng như huyền thoại CLB đề cao về tầm quan trọng của anh. Một trong số đó là Sir Bobby Charlton, người luôn ca ngợi Scholes mỗi khi chia sẻ về anh.
"Nếu được chọn ra một cầu thủ là hiện thân của những tinh túy tốt đẹp nhất trong bóng đá, tôi sẽ không ngần ngại nói tên Paul Scholes. Tôi đã là đồng đội chơi bên cạnh Denis Law và George Best, tận hưởng khoảng thời gian tuyệt vời bên họ, và giờ lại thấy hình ảnh đó ở kỷ nguyên Sir Alex Ferguson mà Scholes sở hữu. Tôi thích xem cách cậu ấy đưa đội bóng giành chiến thắng bằng những đường chuyền, những cú sút vô lê quyết đoán".
"Paul Scholes là cầu thủ tôi yêu thích. Cậu ấy mang trên mình hình ảnh thu nhỏ về tinh thần MU sở hữu, cũng như những điều tốt đẹp nhất trong bóng đá. Cậu ấy luôn biết mình đang làm những gì, biết đưa ra những đường chuyển chuẩn xác. Xem cậu ấy thi đấu thật tuyệt".
Paul Scholes và Sir Bobby Charlton có khá nhiều điểm tương đồng. Họ thi đấu ở hàng tiền vệ, nhưng ghi được rất nhiều bàn thắng khi lên tham gia tấn công. Cả hai đều sở hữu những cú sút trái phá, giúp họ dứt điểm tung lưới đối phương trong phạm vi 30 mét. Họ cũng sớm chia tay đội tuyển quốc gia khi ở tuổi ngoài 30 để tập trung cống hiến cho câu lạc bộ.
Sir Bobby Charlton có một thói quen khác người trong thời gian thi đấu. Ông từng tiết lộ trong suốt mùa giải, ông không bao giờ gội đầu vì tin thói quen đó sẽ mang lại vận may. Trên thực tế, việc gội đầu cũng không quá cần thiết với Sir Bobby Charlton, bởi ông bị... hói đầu từ rất sớm!
Khen Beckham chăm chỉ
"David Beckham là một cầu thủ khác thường. Cậu ấy khao khát cháy bỏng với viễn cảnh trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Bản thân Beckham đã quyết chí theo nghiệp bóng đá khi mới là cậu bé 9-10 tuổi. Những đứa trẻ khác ở tuổi ấy đều nghĩ giấc mơ đó vượt xa tầm tay. Nhưng Beckham thì khác, cậu ấy tập luyện và nỗ lực nhiều hơn bất cứ ai để đạt được thành công".
Đối thủ đáng sợ nhất
"Tottenham luôn khiến tôi ấn tượng. Họ là đội bóng không bao giờ đầu hàng trước số phận, ngay cả khi đối phương rút súng ra đe dọa".
Messi vĩ đại nhất lịch sử bóng đá
"Tôi nghĩ Messi chắc chắn đã làm được nhiều hơn phần lớn những cầu thủ còn lại của thế giới bóng đá. Tầm ảnh hưởng và đẳng cấp của cậu ấy sánh ngang Di Stefano, Johan Cruyff và Pele. Ngay khi Messi nghỉ thi đấu và giải nghệ, cậu ấy sẽ lập tức trở thành một huyền thoại như họ. Messi là cầu thủ mà chúng ta sẽ mãi nhắc đến cùng sự trường tồn của bóng đá".
Định nghĩa cầu thủ hoàn hảo
"Một cầu thủ hoàn hảo là người không bao giờ mất đi hy vọng, ngay cả khi anh ấy rơi vào tình cảnh gần như vô vọng".
"Cầu thủ phải tin vào bản thân, ngay cả khi những người khác nghi ngờ mình".
"Trong bóng đá cũng như cuộc sống, bạn phải liên tục tiến về phía trước, dù bạn có vấp ngã bao nhiêu lần chăng nữa".
"Kỹ năng quan trọng nhất cầu thủ phải có là khả năng thích nghi. Bóng đá luôn thay đổi, và cầu thủ phải có khả năng thích nghi với những thách thức mới".
Tại trận chung kết Cúp C1 mùa giải 1967/68, Sir Bobby Charlton lập một cú đúp giúp MU thắng Benfica 4-1. Hai đội hòa nhau 1-1 trong thời gian thi đấu chính thức, nơi MU phần nào bị đối thủ lấn lướt. Nhưng bước sang thời gian thi đấu hiệp phụ, MU liên tục ghi 3 bàn thắng để nhấn chìm đối thủ. Đây là minh chứng sống cho câu nói "tìm hy vọng giữa tình cảnh vô vọng" của Sir Bobby Charlton.
31 năm sau đó, MU lại vô địch Cúp C1 châu Âu, nhưng trong cảnh ngặt nghèo hơn nhiều. Họ bị Bayern Munich dẫn trước 1-0 đến tận phút bù giờ. Nhưng chỉ trong 2 phút, MU đã ghi liên tiếp 2 bàn để chuyển bại thành thắng. Đây cũng là một trong những trận chung kết kịch tính nhất lịch sử UEFA Champions League, nơi đội thắng đã lâm vào cảnh vô vọng, tưởng như chắc chắn thất bại.
Định nghĩa thành công của cầu thủ và CLB
"Thành công trong bóng đá không chỉ quyết định bằng những danh hiệu giành được. Thành công trong bóng đá còn là những tác động tích cực được tạo thành ở trong và ngoài sân cỏ".
"Những đội bóng xuất sắc nhất được xây dựng dựa trên niềm tin, tình bạn, và chung một tầm nhìn".
"Không có gì thay thế được sự chăm chỉ và lòng cống hiến".
"Bóng đá là môn thể thao tập thể, và cá nhân xuất sắc chỉ mang lại thành công nhất thời".
"Cầu thủ phải mang trong mình khao khát đạt được thành công, cùng một quyết tâm cháy bỏng vươn tới đẳng cấp hàng đầu".
"Cảm giác đau đớn là nhất thời, chỉ có chiến thắng là mãi mãi".
"Những cầu thủ vĩ đại nhất không chỉ giỏi, họ còn cực kỳ thông minh".
"Đam mê là điểm khác biệt giữa cầu thủ giỏi và cầu thủ vĩ đại".
"Những đội bóng mạnh nhất là những tập thể có thể vượt qua nghịch cảnh, và tiếp tục chiến đấu đến khi tiếng còi chung cuộc vang lên".
"Trong bóng đá và cuộc sống, không có đường tắt đi đến thành công".
"Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của niềm tin, thứ có thể dời non lấp bể".
"Cầu thủ vĩ đại phải sẵn sàng đương đầu rủi ro và đón nhận thất bại".
"Thước đo giá trị một cầu thủ không phải cách họ thể hiện khi giành chiến thắng, mà ở cách họ phản ứng trước thất bại".
Những điều Sir Bobby Charlton nói về định nghĩa thành công dành cho một cầu thủ, một đội bóng cũng là những điều 10 năm qua MU không có. Trong những năm tháng cuối đời, sức khỏe Sir Bobby Charlton dần xấu đi, những lần ông đến sân Old Trafford theo dõi đội bóng cũng ngày một thưa thớt. Nhưng ông vẫn cố gắng xuất hiện, với niềm tin một ngày MU sẽ trở lại ánh hào quang năm xưa.