Nguyễn Tiến Minh, ngôi sao cô đơn của cầu lông Việt Nam
Chủ nhật, 25/07/2021 16:00 (GMT+7)
Nguyễn Tiến Minh là tay vợt nam đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm này của cầu lông Việt Nam đạt đến đẳng cấp thế giới. Sau thành tích xuất chúng ấy là hành trình cô độc từng khiến anh phải rơi nước mắt.
Chiến binh cô đơn
Người hâm mộ cầu lông thế giới từng không khỏi ngạc nhiên trước hình ảnh một tay vợt tầm cỡ như Tiến Minh nhưng lại lầm lũi thi đấu một mình ở các giải quốc tế. Do vấn đề kinh phí, Nguyễn Tiến Minh luôn chịu cảnh cô đơn mỗi khi du đấu: Không có ê-kip chăm sóc riêng, không đi cùng HLV và cũng không có đồng đội trong nước nào đủ trình độ để san sẻ gánh nặng thành tích.
Xuất phát điểm là một VĐV phong trào và không có thể hình lý tưởng, Nguyễn Tiến Minh đã vươn lên trở thành tay vợt đẳng cấp thế giới bằng ý chí và niềm đam mê mãnh liệt với cầu lông. Tuy nhiên, khi đạt đến trình độ cao, Tiến Minh lại phải đối diện với nghịch lý của cầu lông Việt Nam đó là không có HLV nào đủ tầm chỉ đạo anh, trong khi chi phí thuê thầy ngoại rất đắt đỏ. Trong suốt thời gian dài, Tiến Minh phải chấp nhận cảnh tập không có giáo án riêng.
Mỗi năm, Nguyễn Tiến Minh phải một mình xuất ngoại khoảng 15 giải đấu lớn nhỏ, do kinh phí chỉ đủ hỗ trợ cho một suất của tay vợt này. Ở giải vô địch châu Á 2019, Nguyễn Tiến Minh giành tấm HCĐ châu lục đầu tiên cho cầu lông Việt Nam. Nhưng ít ai biết rằng, Tiến Minh phải bỏ tiền túi gần 60 triệu đồng để lo toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở. Đây có lẽ là trường hợp hiếm hoi của làng cầu lông thế giới.
Nguyễn Tiến Minh nhiều lần bật khóc vì nỗi cô đơn khi phải thi đấu một mình ở nước ngoài. Anh từng chia sẻ: "Các VĐV ở đẳng cấp như tôi đều có hẳn 1 ê-kíp chăm sóc riêng, công việc của họ chỉ là thi đấu, mọi chuyện bên lề đều có người lo hết cho họ. Còn tôi thì lúc nào cũng lủi thủi một mình, tự làm mọi thứ. Rất nhiều lần bước ra sân tập, hay ra sân thi đấu, khi nhìn thấy cảnh như thế tôi lại tủi thân, rơm rớm nước mắt".
Không có người để truyền lửa
Nỗi cô đơn của Tiến Minh còn thể hiện ở khoảng trống mênh mông phía sau lưng anh. Sau 20 năm, cầu lông Việt Nam vẫn chưa tìm ra thế hệ VĐV kế cận đủ trình độ để sát cánh với tay vợt 38 tuổi Nguyễn Tiến Minh ở những giải quốc tế. Năm 2019, Tiến Minh lập kỷ lục 15 lần vô địch giải cầu lông quốc gia.
Gánh nặng tuổi tác khiến Tiến Minh suy giảm phong độ nhưng các đàn em cũng không 'thèm' vươn lên. Điều này đã khiến tay vợt người TP.HCM gặp khó khăn trong luyện tập vì không có ai đủ sức làm đối trọng của anh. Có những trận ở giải vô địch quốc gia, đối thủ của Tiến Minh còn xin bỏ cuộc trước trận đấu vì biết không thể giành chiến thắng. Nhìn cảnh tượng đó, tay vợt số 1 Việt Nam chỉ biết thở dài.
Những ai từng xem Tiến Minh thi đấu đều thấy anh rất ghét thất bại. Có lần anh từng thua chung kết một giải đấu quốc tế ở Việt Nam, và khi bước vào phòng họp báo, Tiến Minh nói như sắp khóc. "Tôi xin lỗi vì đã phụ lòng kỳ vọng của người hâm mộ. Mong mọi người sẽ tha thứ và tiếp tục ủng hộ tôi". Câu nói đó của Tiến Minh khiến những ai giận anh đến mấy cũng cảm thấy thương. Nhưng những người đàn em kia, họ lại cười khi bỏ cuộc và "nhường" cho Tiến Minh phần thắng. Chứng kiến cảnh đó, anh chỉ biết im lặng.
>>> Lịch thi đấu Cầu lông Việt Nam tại Olympic Tokyo 2021 hôm nay mới nhất
"Tìm người tập với Tiến Minh rất khó khăn. Ở trình độ của Tiến Minh, chúng tôi cần những tay vợt tập cùng có khả năng đánh qua lại 15, 20 quả trong một đường cầu để Tiến Minh phát huy tốc độ và sức bền", HLV Nguyễn Thế Huy của cầu lông TP.HCM từng nói. Dù vậy, từ lúc Tiến Minh còn là tay vợt trẻ 18 tuổi đến khi đã trở thành "ông lão" 38 tuổi, anh vẫn chưa tìm được bạn tập phù hợp.
Là tay vợt Việt Nam duy nhất thi đấu ở các Đại hội thể thao, Tiến Minh cũng chính là người gánh hi vọng có thành tích của cầu lông nước nhà. "Có người hỏi sao mặt tôi lúc nào cũng buồn. Thua trận tôi cũng thất vọng lắm, đôi lúc cũng muốn san sẻ gánh nặng cho các VĐV trẻ vì tôi đã gánh quá lâu rồi. Tôi buồn mà không biết làm sao", Nguyễn Tiến Minh chia sẻ.
Cháy bỏng khát khao Olympic
Theo chia sẻ của huyền thoại cầu lông Lee Chong Wei, nếu Tiến Minh ở Malaysia thì tay vợt này đã là một ngôi sao vượt khỏi lĩnh vực thể thao, có nhà lầu, xe hơi cùng vài triệu USD tích cóp. Tiến Minh xứng đáng có những đãi ngộ tốt hơn nhưng anh luôn khẳng định: "Tôi hài lòng với những nỗ lực, thành quả, đóng góp của mình cho thể thao Việt Nam, cũng như những gì mình nhận được. Tôi chưa bao giờ phải hối tiếc vì đã chọn lựa gắn bó với cầu lông".
Để đến với Olympic Tokyo 2021, Tiến Minh đã xây dựng chiến lược tích lũy điểm thông minh. Anh và vợ (tay vợt cầu lông Vũ Thị Trang) chọn những giải tập hợp những tay vợt ngoài top 50 để có thể đua thứ hạng. Tiến Minh chấp nhận tốn nhiều chi phí hơn để thi đấu ở các giải châu Phi nhưng đổi lại, anh tích lũy rất nhiều điểm số quan trọng.
Với chiến lược đó, Tiến Minh đứng thứ 32 trên bảng xếp hạng Road To Tokyo, vừa đủ điều kiện giành vé tham dự Olympic Tokyo và lập kỳ tích lần thứ 4 liên tiếp dự Thế vận hội. Tay vợt số 1 Việt Nam giờ đây đã có thể thi đấu hết mình một lần nữa ở giải đấu lớn (có lẽ) là cuối cùng trong sự nghiệp của anh.
Hôm nay, Nguyễn Tiến Minh sẽ đối đầu với tay vợt hạng 3 thế giới Antonsen người Đan Mạch trong trận đấu đầu tiên ở Olympic Tokyo 2021. Ở tuổi 38, tay vợt Việt Nam được dự đoán sẽ gặp rất nhiều khó khăn trước đối thủ trẻ tuổi. Nhưng thắng hay thua có lẽ không còn quá quan trọng với người hâm mộ vì Nguyễn Tiến Minh đã cống hiến tất cả những gì tốt nhất cho cầu lông Việt Nam.