Nguyễn Thị Bích Tuyền là ai? Tiểu sử, sự nghiệp ‘sao dội bom’ của Ninh Bình Doveco và ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam
Chủ nhật, 18/09/2022 17:19 (GMT+7)
Nguyễn Thị Bích Tuyền là ai? Tiểu sử, sự nghiệp nữ cầu thủ bóng chuyền được đặt biệt danh là ‘sao dội bom’ của Ninh Bình Doveco và ĐT Việt Nam có gì đặc biệt? Thethao.vn hy vọng giải đáp phần nào thắc mắc ấy từ quý vị độc giả.
Nguyễn Thị Bích Tuyền là ngôi sao đang lên của CLB Ninh Bình Doveco nói riêng và bóng chuyền nữ Việt Nam nói chung. Cô nổi bật ở chiều cao cùng khả năng ghi điểm ấn tượng nên được biết đến với biệt danh ‘sao dội bom’. Bích Tuyền từng ghi tới 61 điểm trong một trận đấu. Tại SEA Games 31 vừa qua, Bích Tuyền cùng ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam giành Huy chương bạc.
Vậy Nguyễn Thị Bích Tuyền là ai, tiểu sử ra sao? Cuộc đời và sự nghiệp ‘sao dội bom’ của Ninh Bình Doveco và ĐT bóng chuyền nữ Việt Nam có gì đặc biệt? Hãy cùng Thethao.vn tìm hiểu nhé.
1. Tiểu sử cầu thủ bóng chuyền Nguyễn Thị Bích Tuyền
Nguyễn Thị Bích Tuyền sinh ngày 22/5/2000 tại Vĩnh Long. Cô là cầu thủ bóng chuyền chuyên nghiệp hiện thi đấu ở vị trí phụ công cho Ninh Bình Doveco và ĐT nữ Việt Nam.
Ngay khi còn nhỏ, Bích Tuyền đã cao hơn hẳn so với các bạn cùng trang lứa. Thích thể thao từ nhỏ nhưng phải tới khi gia nhập đội Truyền hình Vĩnh Long (nay là Ninh Bình Doveco), cô mới thử sức với bóng chuyền.
Năm 2017, Nguyễn Thị Bích Tuyền bắt đầu thi đấu cho đội một Truyền hình Vĩnh Long. Thời điểm này, cô cao 1m85 cùng sức bật lên tới 3m11.
Ngoài Truyền hình Vĩnh Long (nay là Ninh Bình Doveco), Bích Tuyền từng thi đấu trong màu áo của VTV Bình Điền Long An tại Cúp VTV9 – Bình Điền.
Bích Tuyền cùng Ninh Bình Doveco 2 lần liên tiếp vào bán kết Giải bóng chuyền vô địch quốc gia Việt Nam (2021 và 2022). Bên cạnh đó, cô cùng đồng đội giành hạng Ba của Cúp Hùng Vương 2021 và vị trí thứ 3 chung cuộc tại Cúp Hoa Lư 2022.
Năm 2022, Bích Tuyền chính thức thi đấu cho đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Tại SEA Games 31 vừa rồi, cô cùng đồng đội vào tới trận chung kết nhưng thua Thái Lan với tỷ số 0-3.
2. Sự nghiệp bóng chuyền của Nguyễn Thị Bích Tuyền
Bích Tuyền bắt đầu thi đấu cho Truyền hình Vĩnh Long từ năm 2017. Năm 2019, cô gây ấn tượng mạnh khi giúp Truyền hình Vĩnh Long trụ hạng. Sau đó, Bích Tuyền cùng VTV Bình Điền Long An tham dự Cúp VTV9 - Bình Điền.
Từ đầu năm 2021, Nguyễn Thị Bích Tuyền khoác lên mình màu áo của CLB Ninh Bình Doveco. Ninh Bình Doveco là CLB được chuyển giao từ chính Truyền hình Vĩnh Long.
Ngay trong mùa giải đầu tiên, Ninh Bình Doveco đã vào tới bán kết Giải bóng chuyền vô địch quốc gia với Bích Tuyền là trụ cột. Cầu thủ sinh năm 2000 sau đó cùng đồng đội giành hạng Ba chung cuộc Giải bóng chuyền cúp Hùng Vương.
Mùa 2022, Bích Tuyền cùng đồng đội tiếp tục vào tới bán kết giải vô địch quốc gia. Bên cạnh đó, Ninh Bình Doveco cũng tranh tài tại Cúp Hoa Lư và kết thúc ở vị trí thứ 3 chung cuộc.
Nguyễn Thị Bích Tuyền chính thức thi đấu cho ĐT Việt Nam từ năm 2022 và SEA Games 31 cũng là giải đấu đầu tiên của ‘sao dội bom’ tới từ Vĩnh Long. Cô trở thành cái tên nổi bật nhất trong quá trình diễn ra nội bóng chuyền nữ.
Bích Tuyền nổi bật về cả chuyên môn, trên các phương tiện truyền thông lẫn mạng xã hội. Về chuyên môn, cô liên tục ghi điểm để góp công lớn giúp ĐT Việt Nam vào tới trận chung kết. Trên các phương tiện truyền thông, tên của Bích Tuyền suất hiện với tần suất ngày một dày.
Còn trên mạng xã hội, người hâm mộ bóng chuyền Thái Lan kêu gọi kiểm tra giới tính với Bích Tuyền trước trận chung kết. Về vấn đề này, phóng viên người Thái Lan có tên Prechachan Wiriyanupappong đã dùng từ ‘man-like’ để mô tả Bích Tuyền khi đưa tin về trận đấu giữa Việt Nam và Thái Lan hôm 17/5. Phóng viên này sau đó phải công khai xin lỗi.
3. Điều gì làm nên ‘sao dội bom’?
Nguyễn Thị Bích Tuyền cao 1m85 khi mới thi đấu. Thời điểm hiện tại, cô cao 1m88 và sở hữu sức bật ấn tượng. Bích Tuyền bật đà lên tới 3m12. Cô vượt qua đàn chị Hà Ngọc Diễm để trở thành vận động viên có sức bật cao nhất trong lịch sử bóng chuyền nữ Việt Nam.
Bích Tuyền sở hữu những cú ra tay trên lưới nhanh như chớp và đầy uy lực không khác gì các cầu thủ nam. Bên cạnh đó, sải tay dài cùng sức bật tốt giúp cô tạo ra các quả đập từ sau vạch 3m với sức ‘hủy diệt’ lớn.
Hồi tháng 4/2022, một mình Bích Tuyền ghi tới 61 điểm trong trận đấu với Than Quảng Ninh. Số điểm cô ghi được vượt qua kỷ lục 59 điểm mà Leonardo Leyva (Cuba) tạo nên ở trận đấu giữa Samsung Blue Fangs (Hàn Quốc) với Osaka Blazers Sakai (Nhật Bản) vào năm 2013.
Tuy nhiên, kỷ lục của Bích Tuyền không được công nhận vì hai lý do. Thứ nhất, giải bóng chuyền VĐQG Việt Nam chưa phải là giải League. Thứ hai, giải bóng chuyền VĐQG Việt Nam không thuộc Liên đoàn bóng chuyền quốc tế (FIVB).
4. Từng từ chối sang Mỹ thi đấu
Nguyễn Thị Bích Tuyền từng được trường Đại học Oregon (Hoa Kỳ) mời sang thi đấu. Đích thân HLV trưởng Mark Barnard của trường Đại học Oregon đã gửi Email giới thiệu sơ bộ về đội cũng như những thành tựu đội này đạt được để thuyết phục Bích Tuyền.
Trường Đại học Oregon còn đề nghị tặng học bổng trị giá khoảng 200.000 USD cho Bích Tuyền. Trong khoảng thời gian theo học, cô sẽ tham gia đội bóng chuyền nữ của trường thi đấu tại NCAA (giải đấu danh tiếng do Hiệp hội Thể thao Đại học Quốc gia Hoa Kỳ tổ chức).
“Họ đề nghị trao cho tôi học bổng 4 năm trị giá khoảng 200.000 USD. Nếu nhận lời, tôi sẽ được thi đấu cùng nhiều vận động viên nổi tiếng. Ngoài ra, tôi được học để nhận được bằng tốt nghiệp của trường Đại học Oregon. Vì nhiều lý do, tôi đã phải từ chối”, Bích Tuyền kể lại.
5. Đời tư giản dị
Nếu không tính Trần Thị Thanh Thúy hiện thi đấu tại Nhật Bản, Bích Tuyền chính là nữ cầu thủ hưởng lương cao nhất trong làng bóng chuyền Việt Nam. Cô nhận lương lên tới 50 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản thưởng.
Dẫu vậy, Nguyễn Thị Bích Tuyền sống giản dị và gần như không chi tiêu nhiều cho bản thân. Thời điểm còn thi đấu cho Truyền hình Vĩnh Long, mỗi khi nhận lương, Tuyền đều xin phép HLV trưởng cho nghỉ một buổi tập để mang tiền về gia đình vì cô không biết tiêu vào việc gì. Khi thi đấu xa, Bích Tuyền chỉ giữ cho mình một khoản nhất định bởi các chi phí ăn uống, khách sạn đều được CLB chi trả.
“Các giải đấu diễn ra dày đặc kèm theo việc tập luyện nên thường 7-8 tháng tôi mới về thăm nhà được 1 lần. Bóng chuyền cho tôi một nguồn kinh tế ổn định để phụ giúp cho ba má”, Bích Tuyền bộc bạch.
Bên cạnh bóng chuyền, thủ quân của Ninh Bình Doveco còn đam mê các môn thể thao khác như bóng đá, bóng bàn và cầu lông. Nếu không gắn bó với bóng chuyền, Bích Tuyền cho hay cô sẽ thử sức với lĩnh vực kinh doanh.