Nguyễn Hoàng Phi Vũ, ‘Ninja loạn thị’ của bắn cung Việt Nam tại Olympic Tokyo
Thứ năm, 29/07/2021 08:00 (GMT+7)
Đôi mắt loạn thị bất ngờ trở thành cái duyên đưa Nguyễn Hoàng Phi Vũ đến với môn bắn cung, cũng là cái duyên giúp đội tuyển bắn cung Việt Nam lập nên kỳ tích đến với Thế vận hội.
Bệ phóng gia đình và mối duyên hụt với bắn súng
Nguyễn Hoàng Phi Vũ sinh năm 1999, quê ở Hải Dương. Anh là “con nhà nòi” chính hiệu khi sinh ra trong một gia đình có truyền thống theo nghiệp thể thao. Ông nội của Phi Vũ trước đây từng là một huấn luyện viên có tiếng ở bộ môn bắn súng và muốn cháu nối nghiệp làm xạ thủ.
Ngay từ nhỏ, Phi Vũ đã nhanh chóng bộc lộ năng khiếu về thể thao. Đây cũng là cơ sở để gia đình đặt kỳ vọng anh có thể viết tiếp truyền thống của gia đình. Ngay lập tức, Vũ được tạo mọi điều kiện để phát huy tối đa tài năng và theo đuổi đam mê.
Với mong muốn Phi Vũ sẽ nối nghiệp ông nội, gia đình ban đầu định hướng anh theo môn bắn súng. Chàng trai sinh năm 1999 được lựa chọn vào tuyến năng khiếu của Trung tâm huấn luyện và thi đấu Thể thao tỉnh Hải Dương. Tại đây, anh được đào tạo theo giáo án dành cho các vận động viên thành tích cao.
Mặc dù vậy, đây chỉ là “mối duyên hụt” giữa Phi Vũ và môn bắn súng.
Bước ngoặt định mệnh và nỗ lực bền bỉ
Tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu Thể thao tỉnh Hải Dương, Phi Vũ đã trải qua quãng thời gian khổ luyện với môn bắn súng. Tuy nhiên, sau quá trình quan sát và đánh giá, ban huấn luyện nhận thấy anh khó có thể phát triển tối đa năng lực chuyên môn ở môn thể thao này. Nguyên nhân đến từ việc Phi Vũ bị cận và loạn thị.
Sau khi cân nhắc, ban huấn luyện cũng như giới chuyên môn của tỉnh Hải Dương đã hướng Phi Vũ sang tập luyện cho đội tuyển bắn cung. Anh được đánh giá là có nhiều tố chất phù hợp với bộ môn này. Đây cũng chính là bước ngoặt vô cùng quan trọng trong sự nghiệp của chàng trai sinh năm 1999.
Đội tuyển bắn cung Hải Dương mới được thành lập gần 10 năm trở lại đây. Thời điểm Phi Vũ chuyển sang tập luyện bắn cung là năm 2012, khi bộ môn này vẫn chưa được tỉnh nhà chú trọng và đầu tư. Các cung thủ phải tập luyện trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như dụng cụ thi đấu.
Cũng vì lý do đó, Phi Vũ phải sang thành phố Hải Phòng để tập luyện và trau dồi kỹ năng. Với mục tiêu theo đuổi sự nghiệp thể thao đỉnh cao, anh không ngại khó, ngại khổ khi thường xuyên phải xa nhà ở độ tuổi 13. Tuy nhiên, sự đánh đổi này không hề vô nghĩa khi Vũ đang đón trái ngọt trên con đường mình đã chọn.
“Ninja loạn thị” và tấm vé đến Tokyo
Tài không đợi tuổi, chỉ sau 2 năm khổ luyện với nỗ lực bền bỉ, Phi Vũ đã nhanh chóng khẳng định được tên tuổi của mình ở môn bắn cung. Ở các giải trẻ khu vực và quốc gia, anh luôn có những màn thể hiện xuất sắc và nhanh chóng lọt vào mắt xanh của giới chuyên môn. Đây cũng là tiền đề để chàng trai quê Hải Dương được gọi lên tuyển trẻ quốc gia.
Trong một môi trường chuyên nghiệp và được tập luyện theo giáo án huấn luyện bài bản, Phi Vũ ngày càng nâng cao trình độ của bản thân. Ở các giải trẻ sau đó, anh tiếp tục thi đấu tốt và đạt các thành tích xuất sắc. Đến năm 2018, cung thủ sinh năm 1999 chính thức được chọn vào đội tuyển bắn cung quốc gia. Đây là niềm tự hào to lớn không chỉ của Vũ mà còn của gia đình và đoàn thể thao tỉnh Hải Dương nói chung.
Một năm sau, Phi Vũ liên tiếp gặt hái thành công. Trước khi giành huy chương vàng tại SEA Games 30, cung thủ người Hải Dương cũng đã bỏ túi tấm HCV giải vô địch Bắn cung châu Á 2019 nội dung cung 1 dây nam cự ly 70m. Thành tích này chính thức giúp Vũ giành vé tham dự Thế vận hội mùa hè 2021 tại Tokyo, Nhật Bản.
Đây là tấm vé mang tính lịch sử bởi trước Olympic Tokyo năm nay, đội tuyển Bắn cung Việt Nam chưa bao giờ có suất dự ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh. Trên đất Nhật Bản, Vũ sẽ cùng cung thủ nữ Đỗ Thị Ánh Nguyệt chiến đấu để đem về vinh quang cho thể thao nước nhà. Trên đất Nhật Bản, cả hai cùng thi đấu ở nội dung cung một dây.
Trước khi lên đường sang Tokyo, Phi Vũ đã thể hiện sự tự tin cao độ qua phát biểu của mình: “Em quyết tâm đến 200% và sẽ nỗ lực đạt được thành tích tốt nhất có thể, đem vinh quang về cho tổ quốc”. Đây cũng là tinh thần của tất cả các vận động viên Việt Nam đang có mặt tại Nhật Bản lúc này.
Nhìn Phi Vũ, người ta lại liên tưởng đến nhân vật Rantarou Inadera trong bộ truyện manga nổi tiếng “Ninja loạn thị” của Nhật Bản. Rantarou bị cận nặng nhưng lại rất thính tai, dẻo dai và chạy cực nhanh. Cậu nhóc luôn mang trong mình khao khát trở thành một Ninja xuất chúng.
Ở Tokyo, Nguyễn Hoàng Phi Vũ - chàng “ninja” với cặp mắt kính tròn cũng đang có những ước mơ của riêng mình. Anh đang mang trên vai sự kỳ vọng vô cùng lớn lao của đoàn bắn cung nói riêng, đoàn thể thao Việt Nam nói chung và của người dân cả nước.