Nếu kết thúc không phải để khởi đầu
Thứ hai, 28/06/2021 23:05 (GMT+7)
Thời gian đã dừng lại. Lễ thoái vị của nhà vua châu Âu đã hoàn tất. Mọi sự tiếc nuối đều trở thành vô nghĩa, cho dù nó vẫn hiện hữu như một lẽ tất yếu. “Điều duy nhất chúng ta hãy mang theo, luôn luôn là việc chúng ta có thêm một bài học nữa. Để trở lại, thật mạnh mẽ”.
1. Ruben Dias đã nói như vậy, trong phòng họp báo. Và Cristiano Ronaldo đồng ý với anh, trên Instagram. Còn tờ Bola thì mượn lời thoại của phim kinh điển Casablanca, để chạy tít trang bìa: “Chúng ta luôn có Paris”. Nơi ấy, điểm kết viên mãn của cuộc hành trình phi thường 5 năm về trước, “vẫn luôn là kỷ niệm đẹp”.
Có điều, không ai có thể mãi sống với những ký ức, dù những ký ức ấy có lóng lánh và huyền diệu đến đâu. Nếu có đi nữa, thì đó đơn giản chỉ là một kiểu mắc kẹt trong quá khứ, hay một sự huyễn hoặc. Ruben Dias, hay Cristiano Ronaldo, hay bất cứ thành viên nào của đội tuyển Bồ Đào Nha hẳn đều cũng biết rõ quy luật tất yếu của dòng thời gian ấy. Thế nên, họ đã nghĩ ngay đến sự trở lại.
Một sự trở lại đầy nhẹ nhõm và thanh thản, có lẽ vậy. Đoàn quân đến từ duyên hải phía Tây bán đảo Iberia sẽ bắt đầu những cuộc hành trình mới mà không còn là đương kim vô địch EURO nữa. Và dù ít dù nhiều, nhờ vậy, cũng sẽ có những gánh nặng tinh thần được rũ bỏ.
Miễn là họ thực sự biết cách rũ bỏ.
2. Nói cho cùng, đến tận khi chính thức rời khỏi ngai vàng, Bồ Đào Nha thể hiện được gì mới mẻ so với chính họ 5 năm về trước không?
Mà khoan đã. Kể cả 5 năm về trước, cuộc chinh phạt hoang đường ấy vẫn phải được chia ra thành hai phần. Một phần luôn có Cristiano Ronaldo trên sân. Phần còn lại là trận chung kết tại Stade de France. Ở phần này, Bồ Đào Nha mang một diện mạo gần như tương đồng hoàn toàn với những gì xảy ra trên đất Nga mùa hè 2018, và tại EURO 2021 vừa khép lại với họ. Còn ở phần kia, nỗi thất vọng, sự bất lực cũng như cảm giác mất phương hướng của Antoine Griezmann, Gustavo Payet cùng toàn thể Les Bleus năm ấy là những khắc họa sắc nét.
Nói như vậy không phải là để phủ nhận những đóng góp của Cristiano Ronaldo cho đội bóng quê hương mình. Không ai có thể làm nổi điều đó. Không có những bàn thắng của anh hay vai trò chủ công của anh, có thể tin chắc là Bồ Đào Nha năm ấy không đến nổi Paris.
Song, ở Paris, pha phạm lỗi của Payet đẩy bật một cánh cửa mới, những lối đi mới, những cách tiếp cận mới…, mà đáng lẽ cần phải được quan tâm và chú trọng nhiều hơn một chút, trong suốt những khoảng thời gian tiếp nối.
Con đường đó – nghĩa là trau chuốt và mài giũa một hàng công tua tủa những mũi nhọn, với thật nhiều phương thức hay cá nhân để tìm kiếm bàn thắng - phải đến những phút cùng quẫn tuyệt vọng trước khung thành Courtois, Bồ Đào Nha mới lựa chọn, khi người đội trưởng của họ thực sự cố gắng đi bóng gây nhiễu, thu hút hàng thủ Bỉ, tạo khoảng trống và kiến tạo. Anh chăm chỉ hoạt động ở xa vòng cấm địa của “bầy Quỷ đỏ” hơn, và có lẽ ít nghĩ đến kỷ lục cá nhân hay hình ảnh người hùng duy nhất mà mình sở hữu hơn.
Có lẽ thôi, bởi vì dù sao, hai quả phạt trực tiếp hiếm hoi mà Bồ Đào Nha được hưởng cũng vẫn là đặc quyền của Cristiano Ronaldo. Và anh vẫn luôn chọn cách sút thẳng về phía khung thành, như cả 50 quả phạt khác anh từng thực hiện (ở các vòng chung kết EURO và World Cup) trước trận này (với duy nhất một lần thành bàn).
Đừng ngạc nhiên vì sao dù cú sút phạt đầu tiên căng và hiểm đến thế, Courtois vẫn phản ứng kịp. Người gác đền bên phía ĐT Bỉ đã nắm quá rõ những quỹ đạo mà trái bóng có thể vẽ ra, cũng như điểm mà nó nhắm tới.
Song, nếu vẫn đứng trước bóng như thế, vẫn hít thở như thế, vẫn chạy đà như thế, mà cuối cùng Cristiano Ronaldo lại chọn thực hiện một cú treo bóng? Cho những bóng áo trắng xa lạ ập vào trong sự ngạc nhiên của đối phương?
3. Dường như, những cú sút phạt ấy là một thứ hình ảnh ẩn dụ, và những lần bỏ lỡ cơ hội của các chân sút vào sân từ ghế dự bị cũng tô đậm thêm một thực trạng - nếu đặt tất cả cạnh đêm Paris 2016: Bồ Đào Nha quá phụ thuộc vào Cristiano Ronaldo, trong khi đáng lẽ họ không cần phải như thế. Hay đúng hơn, không nên trở thành như thế.
Khi trao cho anh thứ đặc quyền lớn lao mà cả Figo, Rui Costa, Paolo Futre lẫn Eusebio trong suốt chiều dài quá khứ đều chưa từng được hưởng, Bồ Đào Nha trở thành “đội bóng một người” đích thực – điều tối kỵ của bất cứ môn thể thao tập thể nào. Điều đó ăn sâu vào tâm thức của đội bóng này, bất chấp thực tế là khi không có “người hùng duy nhất” đó, họ vẫn có thể chơi gắn bó, thanh thoát và thậm chí thăng hoa.
World Cup 2018 cũng như EURO 2021, Bồ Đào Nha chưa từng thăng hoa. Cá nhân Cristiano Ronaldo thì lại là một câu chuyện khác. Niềm hạnh phúc lớn nhất của anh là tích cóp các bàn thắng cũng như các kỷ lục, còn sự hy sinh có lẽ là điều quá mức xa vời.
Vậy nên, khi tuyên bố về sự trở lại, ai cũng hiểu là anh chưa muốn rời cuộc chơi. Anh vẫn sẽ tiếp tục đeo băng thủ quân, dẫn đầu những cuộc hành trình mới, cười nhạo cả thời gian lẫn những lời đàm tiếu. Đó cũng là một thứ bản lĩnh, một sự kiên định thiên phú, thật vậy. Song, có vẻ là nếu điều đó trở thành hiện thực, Cristiano Ronaldo vẫn sẽ khiến cả đội nhìn theo hướng di chuyển của mình để chuyền bóng, dù bất cứ ai có mặt trên sân quanh anh đi nữa.
Trong khi, anh thực sự không giỏi việc nâng các đồng đội lên chỉ bằng vài động tác đơn giản, như Maradona hay Zidane. Cũng không còn sắc bén như chính mình, khi mới bước qua ngưỡng 30…