MU đi vào ‘vết xe đổ’ của Arsenal ngày trước: Vẫn chưa muộn để thay đổi
Thứ sáu, 19/08/2022 08:00 (GMT+7)
Chứng kiến MU thời điểm hiện tại, nhiều người hẳn sẽ thấy có gì đó quen thuộc. Đó chính là… Arsenal của ngày xưa, chính xác là trước năm 2022.
Khoảnh khắc Bryan Mbeumo xé lưới David de Gea để giúp Brentford nâng tỉ số lên 4-0 ở ngay phút thứ 35 có lẽ sẽ mãi in vào tâm trí của người hâm mộ MU như một trong những ký ức “kinh hoàng” nhất. Quỷ đỏ lúc đó không còn là đội bóng giàu thành tích nhất lịch sử Ngoại hạng Anh mà trở thành trò cười của cả thế giới bóng đá.
“Đồng cảm” với người hâm mộ MU hơn cả có lẽ là những cổ động viên Arsenal. Cách đây không lâu, Pháo thủ từng ở vào đúng chỗ Quỷ đỏ bây giờ. Tất nhiên, giờ tập thể trong tay HLV Mikel Arteta chưa đạt được thành tựu gì ngoài 2 trận thắng ở Ngoại hạng Anh mùa này nhưng thực sự họ đã tự sửa sai và có thể mang đến cho nửa đỏ thành Manchester những bài học.
Khi HLV Mikel Arteta cập bến Emirates, Arsenal chỉ còn là một đội bóng lớn trên lý thuyết, giữ được cái danh nhờ hào quang quá khứ cùng lực lượng người hâm mộ đông đảo. MU và tình cảnh của cá nhân HLV Ten Hag hiện giờ cũng chẳng khác là bao.
Trong những ngày đầu của “triều đại mới”, Arteta phải chứng kiến 2 “thế lực cũ” là Mesut Ozil cùng Pierre-Emerick Aubameyang hưởng những ưu đãi lớn hơn nhiều lần so với đóng góp thực tế, lại thuộc diện “khó bảo”. Điều đó khá giống với Ten Hag lúc này, với sự xuất hiện của tượng đài Cristiano Ronaldo và thủ môn có mức lương cao nhất thế giới De Gea.
Arteta đã thuyết phục được ban lãnh đạo Arsenal trao cho mình toàn quyền quyết định, trở thành người kiểm soát phòng thay đồ rồi từng bước loại bỏ “hiểm họa” từ Ozil cũng như Aubameyang. Để Ten Hag không trở thành một HLV theo kiểu bù nhìn, các sếp lớn MU nên trao cho ông quyền lực tương tự, thậm chí nếu cần cũng phải “phũ” với Ronaldo như cách Pháo thủ thẳng tay đuổi Ozil, Aubameyang.
Một trong những thay đổi lớn mà Arsenal dưới thời HLV Arteta thực hiện là áp dụng chính sách xây dựng đội hình rõ ràng, có định hướng và kế hoạch dài hơi. Hè 2021, Pháo thủ mang về 5 tân binh, tất cả đều dưới 23 tuổi. Mục đích không gì khác là trẻ hóa lực lượng, tạo nền móng cho tương lai. Số tiền bỏ ra đương nhiên không rẻ nhưng là khoản đầu tư đáng giá cho tương lai.
Sự xuất hiện của những tân binh trẻ trung giúp Arsenal tạo nên quỹ lương cân bằng hơn. Khi họ phá két chi 50 triệu bảng cho Ben White, nhiều người đã lấy việc MU mua Raphael Varane với giá 34 triệu bảng ra để chế giễu. Nhưng nếu đi sâu vào từng chi tiết rồi tính tổng giá trị toàn bộ hợp đồng (mức lương cũng như thời hạn hợp đồng), thực tế White lại rẻ hơn nhiều, chưa kể trong tương lai còn mang lại giá trị lớn hơn một cầu thủ sắp bước sang giai đoạn xế chiều như Varane.
Những tân binh mà MU đưa về hè này gồm Tyrell Malacia, Lisandro Martinez, Christian Eriksen và sắp tới, rất có thể là Casemiro mang đến sự kết hợp giữa triển vọng với kinh nghiệm. HLV Ten Hag có lẽ là người đóng góp tiếng nói quyết định, nhưng liệu ông đã cùng ban lãnh đạo đội bóng xây dựng một chiến lược cụ thể hay chỉ đơn thuần là theo ý thích và “điền vào chỗ trống”?
Trường hợp của Martinez đặc biệt hơn cả khi Arsenal đã theo sát tuyển thủ Argentina và đàm phán với Ajax Amsterdam trước lúc MU vào cuộc. Vấn đề là HLV Arteta muốn ngôi sao này đá hậu vệ trái vì lo ngại yếu tố thể hình của anh sẽ không phù hợp cho vai trò trung vệ tại Ngoại hạng Anh. Qua 2 trận đấu, tạm thời có thể nói điều đó đã được chứng minh là chính xác.
Trước Brentford, tình huống Eriksen nhận bóng từ De Gea rồi bị áp sát dẫn đến bàn thua thứ 2 thực sự khiến người hâm mộ MU ngán ngẩm. Có lẽ không ai trách Eriksen, một cầu thủ bị bệnh tim nhưng bị đặt vào vị trí phải nhận những đường chuyền cực kỳ… đau tim. HLV Ten Hag mới là người phải chịu trách nhiệm.
Ngày trước, Arsenal từng gặp vấn đề tương tự với Granit Xhaka và Petr Cech, rồi phần nào đó là Bernd Leno. Tuy vậy, dần dần Xhaka đã tự nâng cấp bản thân để thích nghi còn ở vị trí thủ môn, Aaron Ramsdale được đưa về với mức phí đắt đỏ nhằm phục vụ cách vận hành mà HLV Arteta xây dựng.
HLV Ten Hag cũng hướng đến việc xây dựng lối chơi từ hàng phòng ngự và vai trò của thủ môn không chỉ là cản phá. De Gea có thể mạnh trong phản xạ, không ít lần tạo nên những pha cứu thua xuất thần nhưng chưa bao giờ là một người gác đền chơi chân giỏi. Ở tuổi 31, thật khó để bắt ngôi sao này thay đổi, tự hoàn thiện “sở đoản” của mình.
Tầm nhìn của HLV trưởng về đội bóng mà mình xây dựng, cách ông ta phối hợp cùng giám đốc bóng đá cũng như bộ phận tuyển dụng vì thế rất quan trọng. MU chưa có điều đó, giống hệt Arsenal ngày trước. Dù vậy, giờ Pháo thủ đã khác và đó chính là bài học cho Quỷ đỏ để có thể sớm tìm lại vị thế.
(Theo The Athletic)