Một kỳ EURO kỳ lạ
Thứ ba, 13/07/2021 07:41 (GMT+7)
Những thế hệ tương lai khi tra cứu thông tin về kỳ EURO thứ 16 trong lịch sử chắc chắn sẽ rất bất ngờ. Kể cả khi đã nạp thêm kiến thức của thời đại mới sau đây nhiều năm, họ vẫn sẽ cảm thấy giải đấu này kỳ lạ theo nhiều cách.
Đầu tiên, phải giải thích cho hậu bối hiểu thế nào đây khi mà tên giải chính thức do UEFA đặt là EURO 2020, nhưng nó được diễn ra trong chính giữa năm... 2021. Biết rằng dịch bệnh đã khiến giải đấu không thể tổ chức theo đúng kế hoạch ban đầu nhưng BTC có thể sửa mà? EURO 2021? Đâu có gì bất hợp lý ở đây?
Giống như Copa America 2021, những người Nam Mỹ đã làm một cách rất linh hoạt. Họ không chỉ đổi năm giải đấu, họ còn đổi cả nước chủ nhà. Và như đã thấy, mọi thứ dù diễn ra khá cồng kềnh nhưng kết thúc rất tốt đẹp. Argentina lên ngôi vô địch ở chính sân nhà của Brazil. Hàng triệu người dân Argentina đổ ra đường ăn mừng, chào đón chiếc cúp đầu tiên mà Messi giành về cho quê hương. Chẳng ai quan tâm nó là 2021 hay 2020 theo như-lẽ-ra-nó-phải-thế cả.
Châu Âu sẽ phải học theo dài khi mà những sáng kiến của họ toàn đi vào lòng đất. Tổ chức EURO ở tận 11 quốc gia làm gì? Để tăng khoảng cách di chuyển của cầu thủ và CĐV ngay giữa mùa dịch sao? Nếu tất cả cùng như thế thì thôi, tạm chấp nhận. Nhưng không! Anh được thi đấu trên sân nhà Wembley ở 6/7 trận. Ai có thể giải thích thấu đáo chuyện này?
Đích thân chủ tịch UEFA cũng phải lên tiếng thừa nhận cách thức tổ chức liên lục địa như này là một sai lầm to lớn và cần cấp tốc trở về với những giá trị truyền thống.
Tiếp tục, tại sao một cầu thủ dừng chân ở ngay vòng knock-out đầu tiên lại có thể trở thành Vua phá lưới? Cristiano Ronaldo đang đi nghỉ với gia đình cũng bất ngờ phải mò lấy điện thoại và đăng dòng trạng thái ngắn gọn trên Instagram: "Xin cảm ơn tất cả những người đã giúp tôi đạt được một cột mốc lịch sử khác".
Ronaldo cảm ơn có lệ, và thậm chí có lẽ CR7 cũng chẳng phải người cảm ơn bởi đội media của anh mới trực tiếp viết status. Ronaldo chỉ nên cảm ơn ông trời bởi không ai trên đời này lại hiểu được làm cách nào mà số bàn thắng của nhà ĐKVĐ Italia lại ít đến vậy?
Cầu thủ ghi nhiều bàn nhất cho Azzurri cũng chỉ có 2 pha lập công. Có tới 142 bàn thắng đã ghi trong 51 trận, trung bình 2,78 bàn/trận nhưng đội tuyển đăng quang lại không sở hữu chân sút nào ghi quá 2 bàn. Trong khi 3/4 cầu thủ ghi được 4 bàn lại thuộc các đội không đi quá tứ kết.
Số bàn thắng nở rộ theo kiểu "đầu voi đuôi chuột", trong khi số pha phản lưới nhà cũng nhiều kỷ lục. Kèm theo đó, là số lần sút hỏng penalty. Đấy là còn chưa tính tới những lượt sút hỏng ở loạt luân lưu.
Và ở một giải đấu mà hiểm nguy đến từ cả đối thủ lẫn đồng đội, một thủ môn lại có lần đầu tiên giành danh hiệu cá nhân Cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử EURO. Donnarumma có lẽ chưa bao giờ nghĩ mình lại đặc biệt như vậy trong một thời đại mà những cầu thủ tấn công được thiên vị một cách thô thiển trong mọi hạng mục đánh giá.
Thủ môn quan trọng nhưng hiếm khi được coi trọng. Donnarumma giành được danh hiệu này phải chăng là vi không còn ai thuộc Italia xuất sắc hơn, và rằng giải thưởng này buộc phải thuộc về cá nhân của đội vô địch?
Cuối cùng, thứ cần giải thích rõ nhất với hậu bối là: Rốt cuộc, Gareth Southgate là thiên tài hay kẻ khờ khạo non nớt? Vẫn là ông, với cùng một cách làm, và nhận về hai luồng dư luận khác nhau. Tất cả chỉ sau một cú sút luân lưu hỏng ăn của Saka?
Anh chơi tử thủ và thắng Đức, Southgate là bậc thầy chiến thuật! Anh chơi tử thủ lúc đang dẫn bàn Italia ở trận chung kết, Southgate là kẻ hèn nhát không đáng mặt đại diện cho quốc gia? Southgate tin tưởng và Saka chơi tuyệt hay trước CH Czech, một chiến lược gia dám đặt niềm tin vào lớp trẻ! Southgate tin tưởng và giao Saka đá quả luân lưu định mệnh, gã đần trên băng ghế chỉ đạo?
Nhiều thứ rối não quá! Rốt cuộc thì kẻ thắng luôn đúng, đơn giản vậy thôi!