Mọi chuyện sẽ ổn, chỉ cần Thạch Kim Tuấn là chính mình
Chủ nhật, 25/07/2021 12:51 (GMT+7)
Đấu trường Thế vận hội là nơi lưu giữ những kỷ niệm đáng quên với Thạch Kim Tuấn. 5 năm trước, đô cử Việt Nam từng thất bại ở Olympic Rio vì áp lực phải giành huy chương về cho nước nhà.
Ký ức buồn Rio
Năm 2016, ngày mùng 7 tháng 8. Hàng triệu người Việt Nam tỉnh giấc và biết tin Hoàng Xuân Vinh vừa giành huy chương vàng Olympic môn bắn súng lúc nửa đêm. Chẳng ai nghĩ điều đó sẽ xảy ra, thế nên phần lớn mọi người đều đi ngủ sớm thay vì thức khuya theo dõi các vận động viên tranh tài. Việt Nam vô địch Thế vận hội, điều tưởng như không thể nay đã thành sự thật.
Chỉ sau một đêm, Hoàng Xuân Vinh đã khiến người người, nhà nhà mở ti vi theo dõi Thế vận hội. Họ chuyển đi chuyển lại giữa các kênh trực tiếp, trông chờ một khoảnh khắc bắt gặp vận động viên Việt Nam xuất hiện. Biết đâu sẽ lại có một tấm huy chương vàng nữa được trao? Đó cũng là lúc họ nhìn thấy Thạch Kim Tuấn trên sóng truyền hình.
Ở Olympic Rio 2016, Kim Tuấn tham dự nội dung cử tạ 56kg nam chỉ 1 ngày sau khi Hoàng Xuân Vinh giành huy chương vàng. Không còn áp lực phải có huy chương nữa, nhưng ba chữ "nhà vô địch" của Hoàng Xuân Vinh có lẽ đã khiến Kim Tuấn phần nào nao núng. Anh từng là nhà vô địch, nhưng chỉ trong phạm vi các giải trẻ.
Kể từ ngày không còn là VĐV trẻ, vị trí cao nhất Thạch Kim Tuấn giành được ở đấu trường quốc tế chỉ là tấm huy chương bạc ASIAD 2014. Hai năm sau, anh đến Olympic Rio với kỳ vọng giành ít nhất 1 tấm huy chương đồng. Ngoài Thạch Kim Tuấn, những đô cử nổi bật chỉ có Long Qingquan (Trung Quốc) và Om Yun Chol (CHDCND Triều Tiên).
Tuy vậy, mục tiêu tưởng chừng như dễ dàng đó của Kim Tuấn lại gặp trở ngại ngay từ những phút đầu. Việc thất bại ở lần cử giật đầu tiên với mức tạ 130kg khiến Kim Tuấn rơi vào bất lợi. Để chắc ăn, anh phải nâng lại tạ 130kg lần nữa và chỉ còn 1 cơ hội cải thiện thành tích. Anh nâng mức tạ lên 133kg nhưng thực hiện không thành công.
Kết quả đó khiến Kim Tuấn chỉ đứng thứ 4 ở phần cử giật, kém người thứ 3, đô cử Thái Lan Sinphet Kruaithong đúng 2kg. Kim Tuấn còn nặng hơn đô cử này 120 gram, thế nên anh buộc phải đạt thành tích cao hơn đối thủ ở phần cử đẩy ít nhất 3kg mới có cơ hội giành huy chương. Con số 3kg nghe tưởng ít nhưng lại là khác biệt rất lớn trong cử tạ.
Từ chỗ chủ động, Kim Tuấn thành kẻ bám đuổi. Anh và ban huấn luyện quan sát đăng ký mức tạ của Sinphet Kruaithong để... cộng thêm 3kg vào phần thi của mình. Phía Việt Nam dự đoán Sinphet Kruaithong nhiều khả năng chỉ có thể nâng tối đa 154-155kg, thế nên Kim Tuấn chỉ cần nâng tạ 157-158kg thì vẫn có cơ hội giành huy chương.
Nhưng một lần nữa mọi chuyện vượt ngoài dự tính của Thạch Kim Tuấn. Sinphet Kruaithong nâng thành công tạ 154kg, còn anh lại thất bại ở mức 157kg. Ngay sau đó, đô cử Thái Lan lên chinh phục mức tạ 157kg của Kim Tuấn và thành công! VĐV Việt Nam buộc phải đẩy thành tích cử đẩy lên 160kg nếu muốn giành huy chương, nhưng rốt cục anh đã thất bại ở cả 2 lần cử.
Mọi chuyện rồi sẽ ổn
Không được xếp hạng ở Olympic Rio 2016 đương nhiên là kết quả Thạch Kim Tuấn không hề mong muốn. Dù vậy, suy cho cùng đô cử Việt Nam chỉ quá khao khát muốn giành huy chương. Ở những giải đấu khác như ASIAD hay SEA Games, Kim Tuấn vẫn tranh chấp huy chương với những đô cử hàng đầu khác. Tại kỳ Á vận hội 2018, anh giành huy chương bạc.
Có thể nói Kim Tuấn là người thiếu một chút vận may với môn cử tạ. Trước thềm Olympic Tokyo, Liên đoàn Cử tạ Quốc tế quyết định bỏ hạng cân 56kg nam, thay bằng hạng cân 55kg và 61kg. Tuy vậy, Thế vận hội lại không tổ chức thi đấu hạng cân 55kg, khiến Kim Tuấn không có nhiều lựa chọn. Anh đành phải ép cân lên để thi đấu ở nội dung trái sở trường.
Không giành được kết quả như ý muốn, lại còn phải thay đổi hạng mục thi đấu, tất cả như chống lại Thạch Kim Tuấn nhiều năm qua. Tuy nhiên với đô cử 27, mọi thứ với anh có lẽ nhẹ tựa lông hồng. Sự nghiệp và phong độ trồi sụt chẳng thể sánh bằng nỗi cơ cực mà đô cử này từng phải trải qua trong quá khứ.
Sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, Thạch Kim Tuấn ngay từ nhỏ đã phải nếm trải cảm giác cay đắng của hai chữ cuộc đời. Ký ức của đô cử 27 tuổi về mẹ chỉ là những hình ảnh mờ ảo, bởi mẹ Kim Tuấn qua đời vì một tai nạn giao thông khi anh mới lên 3. Không còn chỗ dựa nào trong gia đình, chị Kim Tuấn dắt ba đứa em rời Bình Thuận vào TP Hồ Chí Minh kiếm sống.
Gánh hàng rong của người chị cả chẳng thể nuôi những đứa em ăn học đến nơi đến chốn. Kim Tuấn học hết lớp 6 thì phải bỏ dở vì nhà không có tiền. Giữa đất Sài Gòn hoa lệ, cậu bé Kim Tuấn sớm ra đời mưu sinh vì miếng cơm manh áo. Nếu không gặp cơ duyên với cử tạ, giờ đây có lẽ Kim Tuấn vẫn chẳng thể mua nổi một căn nhà như anh từng mơ ước ngày bé.
Không giống như những môn thể thao đỉnh cao khác, cử tạ khiến những người theo đuổi nó phải đánh đổi bằng tổn thương thể chất vô cùng đau đớn. Nhiều người mới tập cử tạ sớm bỏ cuộc vì mỗi lần nâng, áp lực từ tạ đè xuống xương quai xanh gần như không thể thở nổi. Chính anh trai Kim Tuấn cũng có tiềm năng cử tạ nhưng bỏ dở, chỉ có anh kiên trì gắn bó.
Với Thạch Kim Tuấn, cử tạ không chỉ như một đam mê đơn thuần, mà còn là chiếc phao cứu rỗi cuộc đời anh. Cử tạ giúp Kim Tuấn thoát nghèo, giúp gia đình có cuộc sống đầy đủ hơn, và cả ít nhiều danh vọng. Vì thế, trước ngày bước vào thi đấu ở Olympic Tokyo, áp lực thắng thua dường như không quá đè nặng lên đô cử 27 tuổi. Dù sao mọi chuyện cuối cùng cũng sẽ ổn, và anh chỉ cần là chính mình.