Màn sương mù trên đất Anh
Thứ năm, 08/07/2021 08:02 (GMT+7)
Bóng đá đúng là đang đi về nhà nhưng thật kỳ lạ khi nó được dẫn đường trong màn sương mờ ảo ở Wembley. SVĐ huyền thoại này đã chứng kiến rất nhiều pha bóng tranh cãi và thật trùng hợp, tất cả đều có lợi cho đội chủ nhà Anh.
Trong ngày kỷ niệm 50 năm chức vô địch World Cup 1966 lịch sử, đài Sky Sports làm hẳn một chương trình "tẩy ố" cho người Anh. Cụ thể, bằng công nghệ của hãng EA Sports và số liệu của Opta, Sky Sports đã dựng lại hình ảnh 3D "bàn thắng ma" mà Geoff Hurst ghi được vào lưới người Đức. Kết quả thu về là quả bóng đã đi qua vạch vôi, người Anh không hề ăn gian và Geoff Hurst đã lập một hat-trick hoàn hảo.
Nhưng nếu quả bóng chưa đi qua vạch vôi, liệu chương trình này có được lên sóng? Mà dù nó được lên sóng, thì làm gì có quốc gia nào công nhận ngoài Anh? Người Đức chắc chắn còn chẳng thèm xem lời biện minh muộn màng những nửa thế kỷ này. Nhưng bóng đá của thời đại tivi đen-trắng có cái độc đáo của nó, và dù ai đúng ai sai, thì câu chuyện vẫn mờ ảo hệt như cái màn hình hồi đó và nằm trọn vẹn trong quá khứ.
Nhưng ở thời đại mà mỗi cá nhân có nhiều hơn 1 cái camera trong người thì việc lấp liếm sẽ trở nên lố bịch hơn là nét đáng yêu của cái gọi là "bóng đá mà". Raheem Sterling vừa có màn ngã vờ cẩu thả nhưng vẫn mang về quả penalty quyết định cho người Anh.
Đây là nhận định của chính những người Anh, chứ chưa nói tới phản ứng bức xúc của fan Đan Mạch. Trên BBC, cựu danh thủ Micah Richards thừa nhận trước sóng quốc gia rằng đội tuyển Anh đi tiếp nhờ một pha đóng kịch.
Nếu Sterling có theo một khóa học "diễn xuất" của những cầu thủ Nam Mỹ, người Anh có lẽ đỡ ê chề hơn. Pha bóng đó sẽ được kết tinh thêm bởi vài tác động có chủ ý, một cú ngoắc chân ma mãnh, cộng thêm hiệu ứng lộn cầu vồng ngã xuống sân đau đớn, chứ không đơn thuần là đổ xuống như cây chuối và kêu rống lên.
Sterling ngã vờ quá kém và không ai có thể biện hộ cho anh khi mà những thước phim quay chậm ở 4 phương 8 hướng chỉ rõ từng động tác một. Thế nhưng, trọng tài chính Danny Makkelie vẫn nhanh nhẹn chỉ thẳng tay vào chấm phạt đền ngay sau khi Sterling ngã xuống.
Việc tham khảo VAR của ông cũng nhanh không kém. Vài chục giây nghe trợ lý nói không khiến Danny Makkelie lung lạc. Ông cũng chẳng thèm chạy lại chỗ màn hình đặt trên sân để xem tận mắt pha quay chậm. Xin nhắc lại, đấy là tình huống quyết định trong một trận bán kết, nó có ý nghĩa sống còn xác định đội nào sẽ vào chung kết EURO 2020. Nhưng với Danny Makkelie, nó không khác là bao so với một trận đấu bình thường, và penalty là penalty. Makkelie tin vào giác quan của mình, hoặc tin vào một điều gì đó không ai giải thích được.
Đan Mạch cũng thực sự là một quốc gia có nền giáo dục tốt. Các cầu thủ của họ phản ứng quá đỗi nhẹ nhàng trong tình huống mà nếu vào một đội tuyển khác, họ thậm chí sẽ quây lấy trọng tài và gây sức ép trong cả chục phút. Nhưng Đan Mạch không làm thế, họ chấp nhận cuộc chơi và nhận lấy bàn thua.
Sau khi về tới phòng thay đồ, bật tivi lên và xem kỹ lại pha bóng đó, Đan Mạch có thể sẽ ước lẽ ra mình nên phản ứng mạnh mẽ hơn. Hành động đó không thay đổi được quyết định của trọng tài nhưng chí ít, cho người ngoài cuộc thấy được rằng Đan Mạch thực sự bị oan.
Còn với người Anh, họ sẽ chỉ lưu lại pha bóng đó trong bộ nhớ đệm, dành cho nó thái độ chung dung nhất. Nếu pha bóng đó chống lại họ thì sẽ khác rất nhiều. Nhưng là vì có lợi cho người Anh, nên họ sẽ chỉ cười với nhau. Biết đâu, sau 50 năm nữa, lại có một đài truyền hình dùng công nghệ của tương lai "minh oan" một lần nữa cho người Anh?
Còn bây giờ, những người Đan Mạch cao thượng và fan trung lập sẽ lấy nụ cười của Kasper Schmeichel ra làm vũ khí trên mạng xã hội. Trước khi bước vào trận đấu, khi được hỏi về cụm "bóng đá đi về nhà", con trai của Peter huyền thoại hỏi lại: "Ủa, nó từng về nhà rồi hả? Tôi không biết đấy"