Cuộc chiến kim tiền
Tháng 6/2023, Chủ tịch ONE Championship Chatri Sityodtong tuyên bố giải đấu này sẽ làm lại hợp đồng với Rodtang. Căn cứ trên thành tích của "Người Sắt", cũng như mức độ được công chúng đón nhận ở tầm quốc tế, Rodtang sẽ trở thành võ sĩ Muay được nhận lương cao nhất ONE Championship trong thời gian tới. Đây là sự thừa nhận đúng đắn của ONE khi họ không muốn để mất Rodtang.
Theo chia sẻ của Chatri, mỗi trận đấu Rodtang chơi cho ONE Championship sẽ có giá không dưới 10 triệu Baht, tương đương 6 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn, và nó được ghi nhận cho Rodtang trong bối cảnh ONE muốn lấn sân để chiếm phần lớn thị phần thi đấu Muay chuyên nghiệp tại Thái Lan. Giải đấu này muốn chọn Rodtang làm biểu tượng thu hút khán giả, và cả những võ sĩ mới.
Ở một góc độ nào đó, số tiền Rodtang nhận được đã tương đương thù lao của những võ sĩ MMA trong top 10 UFC. Phần thưởng đến cho anh như một lẽ dĩ nhiên, bởi võ sĩ này đã toàn thắng 14 trận tại ONE Championship theo cả thể thức Muay và Kickboxing. Lần gần nhất Rodtang thua là một trận đấu hỗn hợp cho phép đấu luật MMA.
So với những giải Muay chuyên nghiệp từng tổ chức tại Thái Lan, ONE Championship đã tiến rất xa trên con đường hướng ra quốc tế. Họ không chỉ gói gọn giải đấu trong phạm vi Thái Lan hay Đông Nam Á, mà đã tiến ra các thị trường khó tính hơn nhiều, đặc biệt là Mỹ. Thành công của ONE tại Mỹ đã mở ra nhiều hướng đi mới.
"Chúng tôi không nghĩ những võ sĩ của ONE Championship lại được khán giả yêu thích đến vậy. Vé vào xem sự kiện được bán hết từ sớm, và tất cả đều cho thấy họ rất ấn tượng với màn thể hiện của những võ sĩ châu Á. Demetrious Johnson không phải người duy nhất thu hút đám đông hôm ấy", Chủ tịch Chatri thừa nhận.
Trong bối cảnh đó, Rodtang được chọn để đồng hành cùng ONE Championship trong một tương lai rất dài. Anh không chỉ thi đấu trong lãnh thổ Thái Lan nữa, mà sẽ đi vòng quanh thế giới, giống như những đàn anh Buakaw và Saenchai đã làm. Và trên con đường đó, Rodtang sẽ kiếm được rất, rất nhiều tiền.
Giàu và nghèo
Nếu trở lại 20 năm trước, Rodtang và gia đình hẳn không thể mường tượng được cuộc sống họ sẽ có sau này. "Người Sắt" sinh ra trong một gia đình nghèo có 10 anh chị em, và Rodtang là đứa thứ 8. Nhà nghèo lại đông con, nên gia đình anh sớm phải huy động mọi nhân lực trong nhà để bươn chải kiếm tiền. Rodtang cũng không phải ngoại lệ, khi tuổi thơ anh chẳng có mấy ngày vui đùa.
"Tôi không có thời gian tận hưởng tuổi thơ như nhiều đứa trẻ khác. Nhà tôi rất nghèo, lại ở tỉnh miền Nam Thái Lan Pattalung. Tôi phải giúp gia đình mọi việc có thể, tìm mọi thứ để làm, bởi đó là cách duy nhất kiếm thêm thu nhập. Nhưng tiền dường như chẳng bao giờ là đủ với cả nhà khi ấy", Rodtang trầm giọng chia sẻ khi nhớ về những ngày đã qua.
Tiền tiêu vặt, đồ chơi, bánh kẹo là những thứ rất đỗi bình thường với một đứa trẻ, nhưng Rodtang chưa bao giờ có dịp tận hưởng điều đó. Mọi người trong nhà thường đưa anh đến chỗ này, chỗ kia để phụ giúp việc chân tay. Hôm nay, Rodtang đi cùng mẹ đến một đám tang rửa bát. Ngày hôm sau, anh có thể ra đồn điền cạo mủ cao su.
Trong ký ức của Rodtang, tuổi thơ là những ngày làm việc vất vả. Không phải lúc nào anh và người nhà cũng được trả công bằng tiền. Có những lúc, người thuê chỉ đồng ý trả công theo sản phẩm, cụ thể là đồ ăn. Nhưng Rodtang vẫn vui vẻ đón nhận. Anh hiểu với gia cảnh của mình, họ không có nhiều lựa chọn khi đi làm thuê cho người khác.
Trong cảnh bần cùng, Rodtang cùng cha mẹ từng phải đi bới rác kiếm phế liệu. Họ mắc kẹt trong cuộc sống nghèo khó, chẳng thể tận hưởng dù chỉ một ngày trong đời. Nhưng từ bỏ con đường đang đi chưa bao giờ là một lựa chọn. Sự chăm chỉ, cần mẫn trong công việc là điều cha mẹ Rodtang luôn thể hiện. Họ giúp anh hiểu ít nhiều giá trị của sức lao động.
"Cha mẹ tôi làm việc rất vất vả, nhưng họ chẳng bao giờ để chúng tôi đói. Ngay cả trong những ngày khó khăn nhất, cha tôi vẫn đều đều đi cạo mủ cao su. Ông cũng là người tự xây căn nhà đầu tiên cho cả gia đình. Ngôi nhà nhìn tưởng như đơn giản, nhưng vô cùng vững chãi. Mẹ tôi thì nhận kéo cá, khâu lưới và làm nhiều công việc khác", Rodtang nhớ lại.
Nhà Rodtang đủ rộng cho 12 người ở, nhưng không có chỗ cho những vật dụng khác. Nếu có, họ cũng không có tiền mua sắm. Cả nhà quen ngủ trên nền đất. Bản thân Rodtang từng cảm thấy ghen tị với những đứa trẻ có đồ chơi, điện thoại và tiền tiêu vặt. Anh không đòi hỏi gia đình mình những thứ đó, thế nên "Người Sắt" cố gắng tìm cách kiếm tiền riêng.
Nhưng làm thế nào để một đứa trẻ có thể kiếm tiền tại Thái Lan? Cách duy nhất là đến với võ thuật. Anh theo học Muay từ một CLB gần nhà. Mọi thứ ban đầu chỉ là trải nghiệm thú vị với một cậu nhóc, nhưng Rodtang nhanh chóng chứng tỏ tài năng khi anh biết mình có thể kiếm tiền từ Muay. "Người Sắt" đấu Muay kiếm tiền lần đầu khi 8 tuổi, và mọi thứ tiếp diễn từ đó.
Đi tìm "Rodtang Việt Nam"
Ở phương diện võ thuật, Việt Nam có nhiều điểm tương đồng so với Thái Lan. Việt Nam là quốc gia có truyền thống võ học, với không ít võ sĩ mang xuất thân, gia cảnh nghèo khó. Với họ, đây dường như là động lực để tiến xa hơn trong sự nghiệp. Võ thuật không chỉ giúp họ tôi luyện cơ thể, mà còn hun đúc ý chí sắt đá.
Trên thực tế, khi tuyển chọn vận động viên thể thao từ địa phương, đặc biệt là VĐV võ thuật, nhiều HLV thường tin vào các em nhỏ có gia cảnh khó khăn. Chính những cô, cậu bé không ngại vượt khó như Rodtang là người mang đầy đủ tố chất trở thành ngôi sao trong tương lai. Chỉ có họ mới có sức mạnh vượt qua nghịch cảnh để hướng đến những mục tiêu lớn hơn.
Sau nhiều năm chứng kiến Muay du nhập vào Việt Nam, chúng ta đã có nhiều sự kiện thi đấu chuyên nghiệp tầm cỡ quốc tế. Tuy nhiên, sự hiện diện của những võ sĩ Việt Nam ở đó vẫn chưa thực sự nhiều. Chỉ có những người giỏi nhất mới đủ khả năng đứng trên võ đài lớn. Cơ hội dành cho các võ sĩ trẻ, vì thế, bị hạn chế khá nhiều ngay từ thuở ban đầu.
Vì lý do đó, Muay Việt Nam cần có thêm nhiều sân chơi chuyên nghiệp để tạo điều kiện thi đấu cho VĐV. Các sự kiện cần được diễn ra với tần suất định kỳ hàng tháng, hàng tuần, thay vì tính theo quý, theo năm như trước đây. Đó là điều Thái Lan đã làm được, nơi võ sĩ thậm chí có thể thượng đài thi đấu hàng ngày nếu thể trạng cho phép họ làm điều đó.
Viễn cảnh về một chuỗi giải Muay tổ chức sự kiện định kỳ là điều hoàn toàn khả thi với Việt Nam. Trong bối cảnh hiện tại, Muay Thai Rampage đang dần hướng đến việc tổ chức những sự kiện cố định. Thật thú vị khi biết Muay Việt Nam giờ đây cũng có một giải đấu được tổ chức theo lịch cụ thể, với nhiều trận đấu hấp dẫn.
Từ những chuỗi sự kiện như Muay Thai Rampage, Việt Nam có thể tìm ra những "Rodtang mới" trong tương lai. Họ có thể đang ở đâu đó, vượt khó trên con đường mưu sinh của bản thân. Nhưng qua võ thuật, họ sẽ tìm ra đích đến mới, nơi mình được phép thể hiện những tố chất tốt đẹp nhất trên sàn đấu.