- Phóng viên: Bắt đầu sự nghiệp huấn luyện với bóng đá trẻ Hà Nội và có được nhiều thành công ở đây, ông có cho rằng quyết định vào Hà Tĩnh ở năm 2018 là một lựa chọn mạo hiểm?
HLV Phạm Minh Đức: Khi chuyển giao đội Hà Nội B vào Hà Tĩnh, tôi có quyền được tiếp tục ở lại làm việc tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của Hà Nội FC. Tuy nhiên đó là lứa cầu thủ tâm huyết do tôi rèn giũa trong nhiều năm. Do vậy, mình không thể không đi được. Mà lúc đó, chúng tôi vào Hà Tĩnh vất vả lắm, cực kỳ khó khăn.
Với riêng tôi, việc vào Hà Tĩnh là một điều không tưởng. Nhưng như đã nói, tôi làm việc với lứa cầu thủ này từ năm 2016 rồi, giờ bỏ nó thì không được. Và vừa vào đó, đội vô địch hạng Nhất ngay (mùa giải 2019).
Ngày chuyển giao đội bóng cho Hà Tĩnh, họ muốn tôi vào trong đó làm việc trong thời gian 3 năm. Đúng ra đến tháng 10 tới đây, tôi mới hết hợp đồng. Nhưng đầu mùa giải vừa rồi, tôi cảm thấy mình không còn duyên và nên dừng lại với bóng đá Hà Tĩnh.
Tính tôi là như vậy. Chỉ cần thấy không ổn với những trận đấu không theo ý đồ của mình, tôi sẽ dừng lại.
- Điều “không ổn” ông muốn nhắc tới là gì?
Ngay vòng đấu đầu tiên, đội đã đá hỏng 2 quả phạt đền. Rồi những trận tiếp theo, chúng tôi nhận những bàn thua không đáng có. Tại sao năm ngoái các bạn ấy không mắc phải những lỗi đó mà năm nay lại phạm phải? Tôi cảm nhận được mình mất khả năng năng kiểm soát đội bóng, khi những bàn thua đến dễ dàng.
Thực ra tôi đã quyết định nghỉ từ vòng 7 sau khi Hà Tĩnh thua Thanh Hóa. Tôi đã đi xe về đến Vinh rồi thì lãnh đạo gọi lại. Lúc đấy tôi cũng suy nghĩ lại. Tôi tự bảo giờ mình mà về như thế thì cũng không phải là mình nữa.
Vậy là tôi quay lại và có họp trước đội. Tôi bảo rằng nếu 2 trận đấu sắp tới mà đội không có điểm thì tôi sẽ nghỉ. Các bạn bây giờ cũng đủ lông đủ cánh rồi, hãy vươn lên đi, còn tôi sẽ về với bóng đá Hà Nội.
Thật ra tôi đi làm đầu tiên là vì bóng đá trẻ và lứa đó thành công. Tôi thích đào tạo cầu thủ trở thành ngôi sao hơn là huấn luyện ngôi sao. Tôi hay bảo đã là ngôi sao rồi thì cần gì mình đào tạo. Đến giờ phút này tôi vẫn nói thế.
Và đó cũng là lý giải vì sao đến giờ phút này tôi quay lại đào tạo lứa cầu thủ sinh năm 2006. Bốn năm nữa lứa cầu thủ này phải tốt. Đó là mục tiêu tôi đặt ra với lứa U15 này kể từ lúc bắt đầu công việc vào ngày 1/7/2021.
- Theo những gì ông nói, dường như đã có việc cầu thủ CLB Hà Tĩnh không nghe theo chỉ đạo của HLV trưởng?
Nói chung, về đào tạo trẻ, gần như tôi dạy các em nghề nên tụi nó rất lắng nghe, chấp hành rất tốt. Và ngay cả khi trưởng thành, các em vẫn vậy. Còn thất bại của tôi ở năm 2021 này không phải thất bại do học trò do tôi đào tạo đâu. Tôi cho rằng nguồn cơn là do ngoại binh và những cầu thủ mà tôi lấy từ nơi khác về. Đó là điều tôi thất bại. Với học trò của mình, tôi rất tự hào về các bạn ấy. Tôi biết 100% rằng các bạn ấy không bao giờ “bán thầy”, “giết thầy”.
Chính vì thế tôi mới nói rằng làm bóng đá Việt Nam rất khó. Tại sao tôi không đi các đội bóng khác làm? Vì tính cục bộ địa phương rất phức tạp. Mình hãy làm ở nơi mà người ta quý mình, tôn trọng mình, cho mình cơ hội như ở Hà Nội. Ngày trước tôi vào Hà Tĩnh cũng bởi vì lứa cầu thủ của mình thôi.
Tôi thất bại với Hà Tĩnh là chuyện rất bình thường. Đương nhiên là tôi muốn xây dựng bản sắc nhưng khi họ làm tốt rồi thì mình về, sao ở đó được. Các em đủ lông đủ cánh rồi thì thầy cũng nên về. Thất bại vừa rồi của tôi nằm ở cầu thủ Tây rất nhiều. Nếu cầu thủ Tây làm tốt thì tôi không thua. Đó là thất bại đầu tiên của tôi. Và thêm nữa, những cầu thủ nội mới về và chưa hiểu được, sẽ bị ảnh hưởng về tâm lý. Vì thế mà tôi ra đi một cách vui vẻ.
Đúng ra hết mùa này tôi cũng không ký lại hợp đồng đâu. Tôi cầm một đội bóng trẻ vào nơi chưa từng có bóng đá chuyên nghiệp, vô địch hạng Nhất, trụ hạng V.League, lại đá có bản sắc.
Làm bóng đá được như thế cũng “dễ” ấy mà, cho nên người ta cũng chẳng cần mình nữa.
- Rời Hà Tĩnh, tại sao bến đỗ mới không phải là một CLB V.League nào khác mà ông lại quay lại với đào tạo trẻ ở Hà Nội FC?
Tôi nghỉ ở Hà Tĩnh hồi tháng 4/2021. Đến tháng 5, tôi quay lại trung tâm bóng đá trẻ của Hà Nội làm việc rồi. Nói chung, tôi hợp với đào tạo trẻ, bởi đá giải nào tôi cũng có thành tích, có duyên với những chiếc cúp và huy chương. Ngày còn là cầu thủ, tôi đá cho nhiều đội, đi tìm chỗ để kiếm tiền bởi vì không bao giờ người ta đuổi cầu thủ mà chỉ đuổi HLV thôi.
Thời còn là cầu thủ, tôi đến các đội bóng để kiếm tiền. Nhưng khi làm HLV, tôi hiểu rằng chắc gì đến đội bóng khác đã thành công? Tại sao tôi không gắn bó với nơi tạo điều kiện, chắp cánh cho mình làm HLV. Và chúng ta cũng nên nhớ rằng HLV và cầu thủ là hai nghề khác nhau hoàn toàn.
Nhiều người bảo tôi đang làm ở V.League thì giờ chắc là đi đội V.League khác. Nhưng giờ này ở Việt Nam thì làm ở đội nào được? Ở Hà Tĩnh, tôi dạy cầu thủ lên như thế mà rồi còn không làm được thì đi làm đội nào được nữa. Vậy thôi, tôi lại về với đam mê ban đầu.
- Ông có mất nhiều thời gian để đưa ra quyết định này hay không?
Quan điểm của tôi rất rõ ràng. Còn ai nói gì tôi không quan tâm. Quan trọng là tôi thích cái gì và tôi làm điều mà mình thấy thoải mái nhất. Đó mới là điều quan trọng. Trong gia đình, tôi cũng chẳng giống ai cả. Từ ông bà, bố mẹ đến các em (tôi là anh cả), một mình tôi một kiểu.
Tôi đi lên từ bóng đá trẻ, thành công cũng từ bóng đá trẻ, vô địch các giải trẻ, rồi vô địch giải hạng Nhất cũng với bóng đá trẻ. Tôi chỉ chưa vô địch V.League. Bây giờ tôi vẫn còn trẻ, mới có 45 tuổi và cũng mới vào làm nghề HLV thôi. 10 năm nữa, khi 55 tuổi, tôi có thể đi làm HLV cho đội V.League, xem mọi thứ có phát triển không, cầu thủ Việt Nam có nhiều học viện không, người ta có đầu tư nhiều vào bóng đá hay không?
Và vấn đề là chưa chắc mình đã tồn tại được. Ở Việt Nam, tính cục bộ rất cao. Mình cục bộ thì mình cống hiến cho Hà Nội FC và mình cũng đã đào tạo ra bao nhiêu cầu thủ cho đội rồi. Người ta biết đến tôi cũng vì là HLV của Hà Nội FC mà, nên chẳng có lý do gì mà tôi phải đến một chỗ khác cả. Quan điểm của tôi là như vậy. Còn khi nào Hà Nội FC không cần nữa thì tôi mới tính phương án tiếp theo.
Ở Việt Nam, đâu có mấy chỗ tốt được như đội Hà Nội. Từ ông bầu yêu bóng đá, điều kiện tốt, không làm ở đây thì làm ở đâu? Còn vì sao bây giờ tôi quay về U15? Đơn giản vì khi đào tạo trẻ, tôi đã làm hết các lứa tuổi. Nhưng tôi chưa làm U15. Vậy nên giờ tôi xuống làm. Đó cũng là một trải nghiệm. Tôi sẽ gắn bó cùng lứa U15 này đến lúc 19 tuổi, sẽ tham gia các giải và có thể sẽ lên hạng đấy.
- Cơ duyên giữa ông và Hà Nội FC đã bắt đầu như thế nào?
Sau khi cùng Bình Dương vô địch V.League hai năm liên tiếp (2007, 2008), tôi nhận được lời mời từ HLV Triệu Quang Hà. Hà Nội T&T vừa giành quyền thăng hạng lên chơi V.League 2009 và anh Hà muốn tôi về đá cho đội.
Lúc ấy tôi cũng bắt đầu lớn tuổi rồi, lại chơi thân với anh Hà nên nhận lời ký 1 năm. Đá hết mùa, tôi hết hợp đồng nhưng không ký tiếp mà xin chủ tịch CLB Nguyễn Quốc Hội tạo điều kiện cho tôi đi học lớp HLV, để sau về làm cho trung tâm bóng đá của Hà Nội T&T. Chủ tịch đồng ý ngay. Tôi bắt đầu đi học bằng C từ năm 2010.
Tôi có bằng B vào năm 2011, rồi đến 2012 nhận bằng A. Đến tháng 9/2013, sau khi học xong một lớp FIFA và thể lực, tôi chính thức về Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của Hà Nội T&T làm việc, nắm lứa U17, U19. Lứa đó chính là lứa các cầu thủ như Trần Văn Kiên, Nguyễn Văn Hoàng, Nguyễn Hữu Sơn (từ lò VSH ra), cộng thêm lứa Hà Nội cũ có Đỗ Duy Mạnh, Dương Quang Tuấn, Phạm Đức Huy.
- Vì sao ông lại chờ hơn 3 năm, có đủ các bằng cấp rồi mới bắt tay vào việc?
Thường người ta vừa học nâng bằng vừa đi làm. Nhưng tôi lại về nhà đi buôn rồi cứ đến khóa học lại nhảy vào Hà Nội T&T, rồi lại vào CLB Ninh Bình. Phải nói rằng tôi luôn biết ơn anh Văn Sỹ vì đã cho tôi đăng ký vào đội Ninh Bình để đi học, chứ thực ra tôi có làm cho đội ngày nào đâu. Tôi học hết bằng A cũng với danh nghĩa người của đội Ninh Bình. Có đủ bằng, tôi mới bắt đầu vào làm đào tạo bóng đá trẻ của Hà Nội. Lý do cũng bởi chuyện kinh tế thôi.
Sau khi nghỉ đá bóng, tôi có hùn tiền vào với mấy anh em, đi buôn cái này cái kia cùng vợ, cùng bạn bè. Lúc đó nếu mà làm đào tạo trẻ thì tôi sẽ không có thời gian để đi được, tôi sẽ phải bỏ hết mọi thứ khác.
Hồi 2010, anh Triệu Quang Hà có gọi đi làm rồi đấy chứ. Nhưng đi được 2 ngày thì vợ không cho đi nữa. Lương thấp, mất công, mà lúc ấy tôi lại đang xây nhà. Tôi mới quyết định không đi làm HLV nữa. Tôi ở nhà làm việc riêng rồi đến kỳ học là đi học.
Lúc ấy dù bận rộn với chuyện cơm áo gạo tiền nhưng tôi xác định vẫn luôn phải có hai con đường. Một đường đi kinh doanh, nếu đổ bể thì đi về làm HLV. Sau này biết đâu làm HLV chán lại đi kinh doanh thì sao (cười).
Sau khi toi xác định xong xuôi hết các thứ rồi thì Đức Thắng mới về làm bóng đá trẻ cho Hà Nội. Cậu ấy cũng biết tôi là người tâm huyết nên rủ tôi đi cùng. Vậy là đến năm 2013, tôi mới quyết định đi huấn luyện và làm từ đó đến giờ.
- Không những để lại nhiều dấu ấn về chuyên môn, ông còn khiến mọi người phải nhớ đến mình với cá tính vô cùng mạnh mẽ. Điều gì đã tạo nên một Phạm Minh Đức như vậy trên băng ghế HLV? Liệu có sự ảnh hưởng nào từ người thầy nào từng dẫn dắt ông trong quá khứ hay không?
Tôi may mắn được làm việc với nhiều HLV giỏi. Đầu tiên phải nói đến bác Lê Thế Thọ ở Đường sắt Việt Nam. Có một câu nói của bác mà tôi chưa bao giờ quên và đến giờ phút này vẫn nói lại cho các học trò nghe: “Nếu các bạn muốn trở thành HLV thì hãy trang bị cho mình ngay từ bây giờ”. Đó là lời bác nói vào năm 1995, tôi cứ nhớ mãi như thế.
Thời điểm đó HLV Lê Thế Thọ là một chuyên gia. Bác ấy là một người cực kỳ kỹ thuật và rất thích cầu thủ kỹ thuật. Bác ấy có đầy đủ những cái ma quái về bóng đá. Giỏi lắm! Mà lại là thầy nữa, giảng viên có trình độ, lại được đi nước ngoài nữa.
Tôi rất hạnh phúc mới được làm việc với những người giỏi như vậy. Được tiếp cận với những người thầy như thế mà tôi không học thì còn học ai nữa. Tôi luôn luôn chịu khó học hỏi và lại càng may hơn khi được bác Thọ quý.
Được thầy quý chứng tỏ ông thuộc nhóm “con ngoan trò giỏi”, hay còn vì lý do nào nữa?
Bác Thọ hay bảo tôi “bạn này hay thật đấy, thuận được cả hai chân giống tôi”. Một điều nữa là lúc ấy tôi rất liều. Khi đá bóng với các anh, họ càng đá bậy, càng “phang” chân thì tôi càng rê, còn quay lại chửi nhau với họ luôn. Thế là tôi bị các anh lớn ghét.
Cả cái lứa đấy chẳng thằng nào dám bật lại các anh lớn cả. Nhưng thằng nhóc 19 tuổi như tôi thì chơi hết. Đá láo thì tôi chửi thôi. Ngán gì. Thế là tôi được thầy Thọ bênh.
Tất cả những bài tập của bác Thọ đưa ra toàn là kỹ thuật, ứng dụng, khéo léo. Cầu thủ bọn tôi rất thích tập cùng bác Lê Thế Thọ.
Tôi nghĩ nếu bác Thọ làm việc ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp sau này thì sẽ hợp hơn. Bởi đó là thời bóng đá bao cấp. Các cầu thủ đá bóng không nhiều vì đam mê. Họ vào ngành cả rồi. Lương thấp lắm, và có đá hay đá dở thế nào thì cũng vẫn lĩnh lương tháng như thế. Lương công nhân mà. Vì thế đòi hỏi có động lực thúc đẩy rất khó. Cầu thủ về ở với gia đình, sinh hoạt bừa bãi, HLV đưa ra giáo án tập luyện không tập được. Nhưng với các cầu thủ trẻ bọn tôi, tại sao lại được thầy quý? Bởi vì chúng tôi ngoan, thực hiện chiến thuật tuyệt đối, không bao giờ sai ý thầy. Vì thế đương nhiên thầy phải quý rồi.
Bây giờ mọi chuyện cũng vẫn thế. Cầu thủ trẻ luôn luôn dễ bảo, cầu thủ lớn luôn khó bảo. Từ ngày trước đã như vậy rồi. Thời bao cấp, cầu thủ tính chuyên nghiệp kém. Tôi còn cãi nhau vì có những anh lớn trời nắng đá chẳng chịu chạy gì cả, cứ để một mình tôi chạy còn các ông ấy rình để chộp ghi bàn. Tôi nói thì các ông ấy lại ghét.
Tôi vẫn nhớ như in và thề rằng tôi không bao giờ làm những việc đó khi tôi lớn. Tôi sẽ động viên các em trẻ, không bao giờ bắt tụi nọ giặt hộ quần áo. Tôi không bao giờ mắng các em trẻ khi họ không chạy hay chưa làm tốt. Từ lúc còn làm cầu thủ, tôi đã tự hứa rằng nếu tôi làm HLV thì bản thân phải chăm sóc tốt cho VĐV. Tôi nhìn từ thời tôi mà ra. VĐV rất khổ. Vì thế, tôi luôn phải quan tâm, lo cho tụi nhỏ. Đặc biệt những lúc tụi nhỏ bị đau, tôi không thể bỏ mặc được.
- Vậy còn những người thầy sau đó của ông thì sao?
Tới khi chuyển sang Công an Hà Nội, HLV Nguyễn Văn Nhã cũng tạo ra rất nhiều ảnh hưởng với tôi. Thầy Nhã có một cái hay là cực kỳ kiên trì. Thanh Châu, Tuấn Thành, rồi sau này là Hải Lâm, Huỳnh Điệp đều bị các đội khác loại. Nhưng về tay thầy Nhã đều chơi tốt cả.
Phải nói rằng về công tác đào tạo, tôi học ở thầy Nhã điều đó. Đừng bao giờ nghĩ cầu thủ này không đá được đâu. Nó mới ở lứa tuổi này thôi, hãy để nó phát triển thêm. Bởi nếu cầu thủ nào cũng bẩm sinh hay thì Việt Nam đầy Messi, đầy Quang Hải, Hồng Sơn à? Không phải năm nào, lứa nào cũng có cầu thủ xuất sắc mà mình phải cố gắng nhìn xem cầu thủ của mình có tố chất gì để giúp các em phát triển lên.
Ví dụ em này chiều cao tốt thì khó có tốc độ nhanh, nhưng kỹ thuật cơ bản ổn định thì mình sẽ định hướng cho đá vị trí gì. Còn em khác có thể thấp nhưng có những điểm dị thì đá ở đâu? Đó là điều mình cần phải kiên trì để nhìn ra và đánh giá. Và tôi đã lấy sự kiên trì của những người thầy của mình trước đây để áp dụng vào khi làm bóng đá trẻ.
Rồi tôi lên ĐTQG, gặp được thầy Calisto cũng là một người rất hay, rất thực dụng. Giáo án huấn luyện của ông luôn có trọng tâm chính.
Ngoài ra khi lên đội tuyển, ông Calisto cũng cảm thấy sướng hơn vì trình độ cầu thủ trên tuyển cơ bản là tốt rồi. Ông ấy chỉ cần tập thể lực và ghép đội hình, đưa ra cách chơi. Nếu cầu thủ chưa hiểu nguyên tắc, chưa hiểu cách chơi thì thầy Calisto chỉnh sửa cho để phát huy khả năng của họ. Đồng thời ông cũng lựa chọn lối chơi để phát huy được khả năng của cầu thủ, thay đổi chiến thuật với từng trận đấu, có những bẫy để gài đối thủ. Đó cũng là điều tôi học được rất nhiều từ HLV Calisto.
- Vậy còn với HLV Lê Thụy Hải và những năm ở Bình Dương thì sao?
Với thầy Hải, tôi lại học được nhiều điều từ tính thực dụng trong quản lý quân và nhiều phương pháp tập luyện tưởng như đơn giản thôi nhưng lại rất hiệu quả, không cần trình bày quá nhiều, không cần mất thời gian, quan trọng là đi vào trọng tâm chính.
“Nó đang yếu cái gì đây? Rèn nó đi. Tập trung vào cái này này, đừng trình bày nhiều”, ý thầy luôn rõ ràng như vậy. Tất cả đều để làm sao cầu thủ đáp ứng được yêu cầu, chuẩn bị thể lực thật kỹ. Đó là điều giúp thầy Hải làm rất thành công và hợp với những đội bóng ngôi sao.
Trông thầy Hải cá tính, mạnh mẽ thế thôi nhưng đối với những ngôi sao thì thầy lại có những đặc cách đặc biệt, để làm sao họ thoải mái phát huy được khả năng của mình. Nếu làm đội bóng yếu thì cần phải có sự kiên trì, kiên nhẫn. Còn khi dẫn đội bóng ngôi sao thì có cá tính và uy tín của anh đè lại, thành ra cầu thủ nhiều lúc họ sợ, thi đấu theo. Hơn nữa ở đội bóng ngôi sao thì HLV có nhiều lựa chọn.
Bây giờ bạn thử nghĩ xem, Bình Dương sở hữu toàn ngôi sao. Anh nào đau thì người khác đá. Mà HLV có khi cũng mong có ca đau để còn xoay đội hình. Đó cũng là một mẹo luân phiên cầu thủ của HLV. Chứ ví dụ thằng này đang đá chính ngon, tự nhiên lại thay người khác vào nhỡ đâu đội lại thua thì sao. Rồi cầu thủ lại giận thì chết!
Nhưng với đội bóng yếu, nếu trụ cột bị đau thì HLV không ngủ được. Đó là những điều rất thật trong giới HLV mà không phải ai cũng dám chia sẻ như tôi. Chẳng có gì mà tôi không dám nói cả. Đó là mánh khóe của HLV.
Đó là cách tôi học từ những người thầy để chuẩn bị hành trang cho mình làm HLV. Bản thân tôi đến giờ phút này cũng luôn luôn phải chịu khó học hỏi. Tôi từng cầm đội U17, U19 rồi lên V.League, nhưng giờ về làm U15 thì cách làm phải khác, phải xem lứa tuổi này đang cần cái gì.
- Nhìn lại cả sự nghiệp cầu thủ và huấn luyện của ông, những quyết định chuyển đến, rời đi đều được đưa ra một cách rất quyết đoán. Ông có thường tham khảo ý kiến của người thân hay ai khác trước khi đưa ra quyết định hay không?
Nói thì nhiều lúc cũng thấy buồn cười. Với tôi, tất cả những quyết định đều do tôi định đoạt. Một khi đã quyết thì rất nhanh. Nhưng nghĩ thì rất lâu. Khi tôi thấy không hợp là bắt đầu phải nghĩ rồi. Tôi nhìn tổng quan và quyết định chứ không phải tự nhiên.
Tôi là người quyết định mọi việc nhưng mọi thứ đều phải được toan tính rất lâu. Kể cả lúc tôi được lãnh đạo đội Hà Nội đưa lên năm 2016, tôi không muốn lên nhưng các bác cứ bảo phải lên làm đi.
Tôi lên và thấy không hợp, không ổn. Tôi phải vì đội bóng, vì tập thể, chứ tôi không vì cá nhân. Vậy là tôi xin về nghỉ luôn để đội bóng tốt lên. Và chính năm 2016 đó, khi tôi lùi về trở lại với bóng đá trẻ, lứa cầu thủ sau đó đã thành công và hiện tại cũng được chuyển giao vào Hà Tĩnh. Tôi làm từ giải hạng Nhì và đã đưa được lứa đó đã lên đến V.League.
Tôi tự làm và chơi được. Đến năm thứ hai làm V.League, tôi cảm thấy không ổn ở những trận thua. Tôi lại quyết định nghỉ, về lại Hà Nội làm bóng đá trẻ.
- Trong những học trò mình đã đào tạo, cái tên nào khiến ông cảm thấy mãn nguyện nhất?
Nếu nói về lứa tôi gắn bó nhất thì chính là lứa của Văn Hậu. Và bạn ấy cũng chính là số 1. Cuối năm 2015, tôi đôn Hậu từ đội U17 lên U19, tập cùng lứa 1997 với Quang Hải, Thành Chung, Đình Trọng.
Lúc bạn ấy lên, tôi có bảo rằng: “Con có một thể hình rất tốt, cao to. Bây giờ thầy đang xây dựng sơ đồ 3-4-3. Con sẽ đá cùng anh Chung, anh Trọng hoặc anh Bảo. Với sơ đồ 3 trung vệ con sẽ được đá ở bên trái. Con từng đá tiền vệ trung tâm. Nhưng giờ nếu cứ theo thì sẽ không có vị trí. Thầy nghĩ con chơi ở đây sẽ phát triển được”. Thế là bạn ý bảo: “Vâng, thầy nói con đá ở đâu cũng được, thầy cứ xếp con vào”.
Thế là tôi bắt đầu xếp Văn Hậu về đá ở sơ đồ 3 trung vệ, bắt đầu chơi trung vệ lệch trái ở tuổi 17 và bạn ấy tiến bộ rất nhanh. Có những lúc đồng đội chấn thương, Văn Hậu được tôi kéo ra đá cả hậu vệ trái. Đó là một cầu thủ tôi đã thay đổi được. Trước đó từ U13, U15, U17 hầu như bạn ấy đều đá tiền vệ trung tâm.
Người thứ hai là Thành Chung. Khi tôi về là lúc cậu ấy 17 tuổi. Nhưng Chung không được thi đấu nhiều. Tôi động viên bạn ấy, bảo rằng: “Thầy sẽ kèm con, con cố gắng lên, vượt qua khó khăn này. Con sẽ đá được vì con rất giống anh Hải Lâm ngày xưa. Thầy sẽ kèm con theo cách mà thầy Nhã đã kèm anh Hải Lâm”.
- Cụ thể ông đã kèm Thành Chung ra sao?
Ngày trước Thành Chung chỉ đá hậu vệ phải hoặc tiền đạo, chứ chưa bao giờ đá trung vệ. Nhưng vì bạn ấy đón điểm bóng tốt lắm nên tôi dạy Chung đá trung vệ từ năm 2014. Đến năm 2015, bạn ấy là một trung những trung vệ rất hay của đội U19, lại hay ghi được những bàn thắng quyết định.
Đá xong giải U19, tôi nhận cầm đội Công an nhân dân đá giải hạng Nhất. Tôi lại cho Thành Chung đá trung vệ, thậm chí là đá không thiếu trận đấu nào. Mới 18 tuổi thôi nhưng bạn ấy đá rất tốt ở vị trí đó.
Cuối năm đó, Thành Chung tham gia đội U21 quốc gia do tôi làm và cũng là nhân tố cực kỳ quan trọng. Thậm chí cậu ấy còn tranh được cả vị trí của những anh sinh năm 1994. Xong năm đó thì Thành Chung được đôn lên đội 1 Hà Nội FC và ở đó từ năm 2016 đến giờ.
- Và chắc chắn ông còn có thêm nhiều trò cưng khác nữa?
Một người nữa tôi muốn nhắc đến là Bùi Hoàng Việt Anh. Tôi cũng đã kèm cặp rất nhiều, rất kỹ. Rồi Lý Công Hoàng Anh, Tuấn Hải, Trần Đức Nam, Dương Quang Tuấn hay có thể kể đến Trung Học cũng là những cầu thủ mà tôi tự hào. Riêng với Trung Học, cậu ấy là người bị Viettel loại về năm 18 tuổi. Nhưng suốt 3 năm qua, tôi đã đào tạo và em tiến bộ rất nhiều.
Hay một cầu thủ mùa 2020 thi đấu tốt ở Hà Tĩnh là Nguyễn Văn Minh và đã được thầy Park cho lên đá ở đội U22. Mùa này cậu ấy về Hà Nội FC và ít được chơi hơn, nhưng cũng vì mỗi HLV có cách khác nhau để phát triển cầu thủ. Ngoài ra tôi rất tiếc với trường hợp của Lê Xuân Tú. Nếu cậu ấy được đá nhiều thì cũng sẽ rất tốt. Đó là một cầu thủ thể chất không kém gì Tây đâu.
Đó là những cầu thủ vốn rất bình thường nhưng đã tiến bộ rất tốt, tôi đã làm việc cùng rất nhiều. Còn Đình Trọng, Quang Hải thì tôi nghĩ không cần phải nói vì vốn dĩ họ hay sẵn rồi.
- Nhìn lại những năm tháng đã qua của sự nghiệp, ông có lẽ là một trong những người hiếm hoi có thời gian gắn bó với cả bầu Hiển và bầu Đức. Với cá nhân ông, có kỷ niệm nào khiến ông đặc biệt ấn tượng về hai ông bầu nổi tiếng này?
Điểm chung của hai người đều đam mê bóng đá. Thời bao cấp khi bầu Đức muốn đội bóng phải có sự đột phá thì đã làm rất quyết liệt.
Anh ấy cũng là một người rất quý người. Đó là điều tôi rất trân trọng. Tôi còn nhớ lúc tôi đến Pleiku đầu quân cho HAGL, đích thân bầu Đức đi chiếc Mercedes E240 (xe sang ở thời điểm đó) ra sân bay đón tôi.
Ở Pleiku, có lúc tôi bảo với bầu Đức rằng: “Em ở đây buồn lắm, ở trên này em chẳng quen, trước giờ chẳng xa nhà, xa Hà Nội bao giờ”. Thế là sáng ra, bầu Đức đi xe tới đội bóng đón tôi đi uống café, rồi đưa đi ăn sáng. Một ông bầu mà như một người anh vậy.
Rồi đến dịp nào tôi về thăm nhà, ra chào anh một câu để về thì bầu Đức lại bảo :“Chờ anh, chờ anh”, rồi lại lấy xe đưa tôi ra tận sân bay. Hoặc có buổi tối buồn quá, bầu Đức lại gọi điện, bảo đang ở đâu đó, lên nhà anh chơi.
Đó là những kỷ niệm tôi không bao giờ quên. Phải nói rằng, bầu Đức rất trân trọng cầu thủ, lo cho anh em từng bữa ăn giấc ngủ. Thời điểm đó, đúng là chẳng có ai được như bầu Đức cả và đến bây giờ tôi vẫn luôn trân trọng.
- Còn với bầu Hiển thì sao?
Tôi về đội năm Hà Nội T&T vừa lên hạng (2009). Bầu Hiển lúc đấy mới làm bóng đá thì cũng giống như bầu Đức vậy. Bác ấy đam mê, nhiệt huyết lắm. Mỗi cuối tuần, bác Hiển đều gặp gỡ anh em, liên hoan và động viên đội.
Rồi sau nay bầu Hiển cũng luôn tạo điều kiện để tôi làm nghề. Bác ấy quý tính cách, cách làm việc của tôi. Tôi làm đào tạo trẻ cũng luôn báo cáo lên để bầu Hiển nắm được kế hoạch, xây dựng sự phát triển chung để kế thừa và phải luôn luôn chuyên nghiệp.
Kể cả lúc tôi đi Hà Tĩnh, quay lại đá với Hà Nội, tôi cũng dặn các cầu thủ luôn cống hiến, chơi hết mình vì bóng đá đẹp. Tôi không bao giờ để xảy ra điều gì làm ảnh hưởng tới thương hiệu của bác Hiển. Vì thế những trận Hà Tĩnh gặp Hà Nội luôn rất xanh chín. Tôi muốn làm điều đó và bầu Hiển cũng vậy.
Tại sao tôi được bác Hiển tạo điều kiện vì mình làm việc cũng rất chăm chỉ, đóng góp rất nhiều, được ghi nhận. Đến giờ phút này phải nói rằng bóng đá Việt Nam mà không có những người như bầu Hiển thì khó phát triển, khó bền vững. Bởi cho đến hiện tại, việc làm bóng đá chỉ có mất tiền thôi.
Muốn đội tuyển mạnh thì CLB phải mạnh. Mà ai là người đầu tư cho đội bóng? Bầu Đức đã phải đầu tư rất nhiều tiền mới có lứa Công Phượng. rồi bầu Hiển cũng phải thế thì mới có lứa cầu thủ bây giờ. Rồi 5 năm nữa những trung tâm phải làm tốt thì từ tuyến U đến các đội tuyển mới có người để kế thừa chứ. Chứ nếu chỉ làm một chu kỳ rồi bỏ thì bóng đá Việt Nam sẽ lên chỉ như bong bóng thôi.
Từ năm 2003 cho đến lúc này thì hai ông bầu đó là hai người mà tôi phải rất cảm ơn và ghi nhận vì họ đã tạo điều kiện để tôi làm việc.
- Xin cảm ơn vì cuộc trò chuyện!