Luật chuyển nhượng bóng chuyền Việt Nam quy định thế nào?
Thứ sáu, 30/04/2021 21:57 (GMT+7)
Việc chuyển nhượng VĐV bóng chuyền tại Việt Nam được quy định trong Quy chế chuyển nhượng do Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) công bố vào ngày 1/1/2010.
1. Chuyển nhượng VĐV bóng chuyền là gì?
Điều 1 Quy chế chuyển nhượng do VFV ban hành năm 2010 quy định: "Chuyển nhượng VĐV bóng chuyền là thoả thuận giữa 2 đơn vị quản lý hoặc 2 CLB bóng chuyền khi hợp đồng lao động của VĐV còn hiệu lực. Theo thoả thuận này, CLB có hợp đồng lao động với VĐV (bên chuyển nhượng) sẽ chuyển giao quyền quản lý VĐV cho CLB mới (bên nhận chuyển nhượng). Bên nhận chuyển nhượng phải trả một khoản tiền chuyển nhượng VĐV cho bên chuyển nhượng."
2. Một VĐV có được thi đấu cho nhiều CLB trong 1 năm không?
Một VĐV hoàn toàn có thể thi đấu cho nhiều CLB trong một năm ở các giải trẻ, VĐQG, hạng A hoặc nhiều giai đoạn của giải (vòng bảng, bán kết, chung kết giải trẻ, hạng A, VĐQG) nhưng chỉ được thi đấu cho 1 CLB trong mỗi giai đoạn.
3. Việc cho mượn VĐV quy định như thế nào?
Một CLB có quyền cho CLB khác mượn VĐV để thi đấu, thời gian mượn 1 lần không quá 12 tháng. Việc cho mượn VĐV không coi là chuyển nhượng nhưng phải có sự đồng ý bằng văn bản giữa 2 CLB và đảm bảo thực hiện nghĩa vụ về mặt tài chính. Nếu có xảy ra tranh chấp sẽ không ảnh hưởng đến cơ hội được gọi lên ĐTQG của VĐV.
4. Quy định về chuyển nhượng VĐV có hợp đồng đào tạo
VĐV có hợp đồng đào tạo với CLB (dưới 18 tuổi) thì không được chuyển nhượng (trừ khi các bên có thỏa thuận khác). Sau khi VĐV có hợp đồng đào tạo ký hợp đồng lao động với chính CLB đó thì không được chuyển nhượng trong vòng 4 năm (trừ khi các bên có thỏa thuận khác).
5. Thủ tục chuyển nhượng VĐV bóng chuyền như thế nào?
Theo quy chế của VFV, việc chuyển nhượng VĐV bóng chuyền cần các thủ tục sau:
1. 2 CLB phải thống nhất thỏa thuận chuyển nhượng bằng văn bản, có chữ ký, xác nhận của lãnh đạo 2 bên và VĐV tham gia chuyển nhượng.
2. Thực hiện thủ tục chấm dứt hợp đồng cũ và ký kết hợp đồng mới theo quy định của pháp luật.
3. Gửi hồ sơ chuyển nhượng lên VFV gồm đơn xin cấp thẻ cho VĐV, văn bản thỏa thuận chuyển nhượng và hợp đồng laoo động.
4. Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của VFV.
Lưu ý: CLB phải hoàn thành thủ tục chuyển nhượng VĐV trước ngày thi đấu 15 ngày. Trong trường hợp đặc biệt, việc chuyển nhượng VĐV vẫn được chấp nhận nếu hoàn thành thủ tục trước ngày họp kỹ thuật.
6. Quy định về chấm dứt hợp đồng trước thời hạn
Trường hợp VĐV đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn mà CLB chủ quản không chấp thuận, thì sau 6 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị quải quyết vụ việc của VĐV, Liên đoàn sẽ xem xét giải quyết.
Căn cứ quy định của pháp luật và Quy chế của VFV, trong thời hạn 30 ngày Liên đoàn sẽ thông báo kết quả giải quyết bằng văn bản cho các bên.
Trường hợp Liên đoàn quyết định VĐV được thi đấu cho CLB mới, thì VĐV và CLB mới phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường (theo thoả thuận hoặc theo Quy chế này) cho CLB cũ.
Liên đoàn chỉ cấp thẻ VĐV thi đấu cho cCLB mới khi VĐV và CLB mới đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường cho CLB cũ. Hoặc có căn cứ xác định VĐV và CLB mới đã tiến hành việc bồi thường nhưng CLB cũ không chấp thuận.
CLB cũng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với VĐV nhưng phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật hoặc thỏa thuận, bao gồm cả việc chi trả chi phí bồi thường.
7. Chi phí chuyển nhượng và chi phí đào tạo VĐV được quy định thế nào?
Thông thường, 2 CLB sẽ tự thỏa thuận chi phí chuyển nhượng. Nếu không đạt được thỏa thuận, thường là do VĐV đơn phương chấm dứt hợp đồng để tìm kiếm bến đỗ mới, chi phí chuyển nhượng sẽ được tính theo công thức.
C = 45.000.000 x 5 x K
Trong đó:
C là chi phí chuyển nhượng.
45.000.000 (đồng) là chi phí đào tạo trong 1 năm.
5 là số năm đào tạo.
K là hệ số CLB (K=6 nếu CLB đang chơi ở giải VĐQG, K=4 nếu CLB chơi ở giải Hạng A).
Nếu VĐV đang là tuyển thủ quốc gia, mức bồi thường được cộng thêm 30% chi phí đào tạo.