Lệnh cấm của Liên đoàn Billiards Snooker châu Á ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?
Thứ sáu, 23/08/2024 05:00 (GMT+7)
Đằng sau lệnh cấm hiện hành của Liên đoàn Billiards Snooker châu Á (ACBS) áp lên Liên đoàn Billiards Snooker Việt Nam (VBSF), các cơ thủ Việt Nam, thậm chí cả nền thể thao Việt Nam nói chung có thể chịu tổn hại nghiêm trọng tại những giải thể thao quốc tế trong tương lai.
Trước mắt, Liên đoàn Billiards Snooker châu Á (ACBS) đã ban hành lệnh đình chỉ hoạt động Liên đoàn Billiards Snooker Việt Nam (VBSF). Ngoài ra, các cơ thủ Việt Nam trực thuộc VBSF cũng phải nhận án cấm thi đấu 6 tháng. Lệnh cấm này cũng khiến Billiards Snooker Việt Nam không thể tham gia tranh tài ở các giải quốc tế trong thời gian tới.
Trong trường hợp ACBS tiếp tục áp đặt, gia hạn lệnh cấm lên VBSF, các cơ thủ Việt Nam sẽ không được thi đấu ở SEA Games 32. Giải đấu này diễn ra vào tháng 12/2025 tại Thái Lan, và Billiards được xác nhận nằm trong chương trình thi đấu, do ACBS quản lý, tham gia điều hành, tổ chức.
Trước đó, tại SEA Games 32, Billiards Việt Nam giành 2 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ, xếp thứ nhì toàn đoàn sau Myanmar. Nhìn xa hơn, Billiards đã nằm trong chương trình thi đấu (sơ bộ) của ASIAD 2030 tại Doha, Qatar. Tại giải đấu này, ACBS chắc chắn sẽ lại là đơn vị tham gia tổ chức, quản lý và điều hành giải bên cạnh Ủy ban Olympic châu Á (OCA).
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến VBSF gần đây liên tục cảnh báo các cơ thủ, đơn vị có đội Billiards tại Việt Nam về nguy cơ bị cấm thi đấu. Câu chuyện ở đây là: Khác với SEA Games, nơi 2-4 HCV bị mất có thể không ảnh hưởng đến xếp hạng chung của đoàn thể thao Việt Nam, ASIAD lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Bởi, Billiards Việt Nam đang có những cơ thủ hàng đầu thế giới. Việc họ giành huy chương có thể quyết định thành bại về chỉ tiêu của đoàn Việt Nam. Tính từ Á vận hội Hiroshima 1994 đến Á vận hội Hàng Châu 2022, Việt Nam giành tổng cộng 19 HCV, trung bình 2,38 HCV mỗi kỳ ASIAD.
Điều đó cũng có nghĩa, thể thao Việt Nam chỉ giành được khoảng 2-3 HCV tại mỗi kỳ ASIAD suốt 3 thập niên qua. Vì thế, mỗi tấm HCV ASIAD cần phải được quan tâm, bảo vệ triệt để. Minh chứng rõ nhất cho việc dồn nguồn lực để hướng đến HCV ASIAD được thấy rõ ở môn Cầu mây.
Hiện tại, có địa phương chi tới 17 tỷ mỗi năm để phát triển bộ môn này. Điều kiện để Cầu mây tiếp tục tiêu tốn chừng đó ngân sách là địa phương đó duy trì vị thế lá cờ đầu ở đội tuyển quốc gia, đóng góp các tuyển thủ đảm bảo cạnh tranh HCV ASIAD, nếu không cũng phải giành được ít nhất 1-2 HCB.
Trong bối cảnh Billiards sẽ trở lại chương trình thi đấu ASIAD 2020 tại Doha, Qatar, câu chuyện trong môn thể thao này cũng cần phải nhìn rộng hơn, xa hơn. 1 tấm HCV ASIAD trong môn Billiards có quan trọng với Việt Nam hay không? Nếu Billiards không có HCV ASIAD, môn thể thao nào chắc chắn thay thế được những cơ thủ Việt Nam gánh vác trọng trách ấy?
Trước đây, ở 4 kỳ ASIAD đưa Billiards vào chương trình thi đấu, các cơ thủ Việt Nam từng giành 1 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ. Mọi chuyện sẽ ra sao nếu những VĐV có khả năng tranh huy chương vàng ASIAD như Trần Quyết Chiến, Bao Phương Vinh, Dương Quốc Hoàng không thể đại diện Việt Nam tranh huy chương ở Á vận hội 6 năm tới?