Bong da Viet Nam
Gửi bài
back-to-top
Esports Liên minh huyền thoại

'LCK cần nhiều Gumayusi hơn'

Chủ nhật, 17/04/2022 13:10 (GMT+7)

Với màn thể hiện xuất sắc trong những mùa giải gần đây, cái tên Gumayusi của T1 có lẽ đang là nỗi khiếp sợ của nhiều tuyển thủ khác trên thế giới. Tuy nhiên, điều khiến anh được báo giới hết lời ca ngợi không phải là kỹ năng xuất sắc, mà là sự thành công trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân.

“Có vẻ như đã đến lúc cuộc sống với tư cách một tuyển thủ ở T1 của tôi kết thúc rồi”, Gumayusi chia sẻ với giới truyền thông Hàn Quốc. “Tôi nghĩ việc người hâm mộ đặt nhiều kỳ vọng vào tôi là điều đương nhiên. Hơn nữa, tôi tự tin rằng mình có thể đạt được kỳ vọng của họ, thế nên hy vọng mọi người có thể quan tâm và đón xem màn thể hiện của tôi nhiều hơn nữa”.

Lần đầu tiên Gumayusi trả lời phỏng vấn với báo chí là vào ngày 13/1/2021, sau trận T1 thắng 2-1 trước Hanwha Life Esports. Đây cũng là ngày mà tuyển thủ sinh năm 2002 ra mắt tại LCK. Gumayusi khi đó đã khiến tất cả phóng viên ngưỡng mộ với sự kiên định trong từng câu trả lời của mình.

“Tôi đánh giá T1 là đội tuyển xuất sắc nhất. Lần này, không chỉ Min Seok (Keria) mà các tuyển thủ giỏi nhất cũng đã đến với T1. Tôi cũng nghĩ rằng, dù cho mình có chuyển tới đội khác và chơi tốt ở đó, thì cuối cùng mình cũng sẽ quay lại với T1 mà thôi”, Gumayusi tự tin chia sẻ. 

Báo giới Hàn Quốc: ‘LCK cần nhiều Gumayusi hơn’ - Ảnh 1
Ngay từ lần xuất hiện đầu tiên, Gumayusi đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng các phóng viên Esports Hàn Quốc

Trước đó, cộng đồng đều hiểu Gumayusi sẽ là đối thủ của Teddy trong việc cạnh tranh đánh chính cho T1. Các phóng viên đều khẳng định Gumayusi sẽ không phải là tuyển thủ tầm thường.

Với những phóng viên thường xuyên có nhiệm vụ lấy tin về LMHT, Lee Min Hyung luôn là nguồn tin thu hút nhất. Trong các cuộc phỏng vấn, anh thường khiến cho phóng viên hài lòng với những câu “gáy bẩn” như “Buổi phân tích hôm nay sẽ có 5 phần chính”, “Gen.G là đội rất phù hợp với vị trí á quân”, “Gen.G với DK đều là những đối thủ dễ nuốt”. 

Những câu “gáy bẩn” của Gumayusi đôi khi có thể khiến cộng đồng cảm thấy có chút không hài lòng. Tuy nhiên, khi những đối thủ của Gumayusi, ví dụ như Ruler lên tiếng đáp trả, thì mọi người lại cảm thấy vô cùng hứng thú. Với việc luôn thể hiện xuất sắc trong các trận đấu, tài ăn nói của anh khiến cho cái tên Gumayusi trở nên đắt giá hơn hẳn.

Hơn nữa, anh cũng tự tạo nên câu chuyện của chính mình, so sánh mình và người đồng đội Faker giống như 2 mặt trời. Gumayusi cũng tự cho mình là ngôi sao tiếp theo của T1 sau Faker khi anh mới chỉ ra mắt được 1 năm.

Báo giới Hàn Quốc: ‘LCK cần nhiều Gumayusi hơn’ - Ảnh 2
Xạ thủ của T1 rất nổi tiếng với những câu "gáy bẩn" trước thềm trận đấu diễn ra

Tất nhiên, những gì anh thể hiện trước công chúng cũng không hoàn toàn giống với anh ở ngoài đời thật. Gumayusi mà các phóng viên biết đến là tuyển thủ vô cùng tôn trọng đối thủ của mình. Đồng thời, anh cũng là người đáng tin cậy mà đồng đội có thể dựa vào. 

Giới mộ điệu thường hay nói đùa rằng Gumayusi là người sinh ra để trở thành ngôi sao. Tuy nhiên, việc trở thành ngôi sao cũng có nhiều mặt tiêu cực. Bởi không phải tự nhiên mà bất kỳ ai cũng có thể trở thành ngôi sao. Suốt thập kỷ qua, có rất nhiều tuyển thủ nổi bật xuất hiện trong các giải đấu, nhưng có rất ít cái tên được người hâm mộ yêu quý và nhắc đến trong thời gian dài. 

Với việc LCK chính thức được nhượng quyền thương mại, giờ đây các giải đấu và các tổ chức thể thao điện tử phải nỗ lực rất nhiều trong việc nâng tầm giá trị bản thân. Với sự phát triển của nền công nghiệp thể thao điện tử, các hoạt động tài trợ hiện nay không chỉ gắn với tên tổ chức, mà còn gắn với hình ảnh cá nhân của các tuyển thủ.

Theo đó, các tuyển thủ cũng phải nỗ lực hơn rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, phần lớn tuyển thủ khi tiếp xúc cùng báo giới thường tỏ ra khá bị động, không nỗ lực để quảng bá thương hiệu của mình. Thậm chí, nhiều tổ chức còn từ chối các cuộc phỏng vấn với lý do “Tuyển thủ cảm thấy mệt mỏi” khi được mời tham dự các cuộc phỏng vấn ở giai đoạn nghỉ giữa các mùa giải.  

Tháng trước, Captain Jack - tuyển thủ chuyên nghiệp đời đầu tiên - đã đăng tải nội dung trên Youtube về giải vô địch Tốc Chiến Hàn Quốc (WCK). Tại đây, anh chia sẻ sự tiếc nuối về thái độ của nhiều tuyển thủ chuyên nghiệp.

Trong cuộc trò chuyện với Choi "Luna"  Woo-suk của Rolster Y, Captain Jack chia sẻ: “Những tuyển thủ hiện nay đang quá kiệm lời trong các cuộc phỏng vấn. Có lẽ họ không biết rằng đó là những cơ hội quý giá thế nào với mình. Đó là dịp để họ thu hút sự chú ý của công chúng tới cá nhân tuyển thủ. Tôi thậm chí còn từng nhảy trong cuộc phỏng vấn. Đáng nhẽ mọi người nên coi đó là dịp để tìm kiếm sự chú ý tới bản thân mình”. 

Trong những tuyển thủ tham gia phỏng vấn, Lee “Gumayusi” Min Hyung là tuyển thủ để lại nhiều ấn tượng tích cực nhất trong lòng phóng viên. Anh thậm chí còn tham gia vào các chương trình được giải đấu tổ chức mà không hề do dự điều gì. Trong thời kỳ đại dịch, anh liên tục mở các buổi phát sóng trực tiếp - cách duy nhất để anh có thể tương tác cùng người hâm mộ của mình khi đó. Gumayusi thậm chí còn stream nhiều lần trong ngày để có thể gặp gỡ người hâm mộ thường xuyên dù khi đó giải đấu đã kết thúc. 

Báo giới Hàn Quốc: ‘LCK cần nhiều Gumayusi hơn’ - Ảnh 3
Lee Min Hyeong luôn biết cách để khiến cộng đồng phải nhớ đến cái tên "Gumayusi" của mình

Trong cuộc phỏng vấn với Cookies News ngày 12/4, Lee Min Hyung chia sẻ: “Tôi nghĩ mỗi người đều cần có một câu chuyện để kể về chính mình. Cho dù đó là một lời ‘gáy bẩn’, hay là một câu chuyện của mình trong buổi phỏng vấn hoặc buổi phát sóng trực tiếp, thì đây cũng là yếu tố quan trọng để tất cả có thể cùng tận hưởng khoảng thời gian đó”.  

Gumayusi cũng chia sẻ thêm: “Lý do tôi thường xuyên stream là vì có nhiều người hâm mộ cảm thấy hạnh phúc khi tôi làm như vậy. Việc trò chuyện với người hâm mộ thực sự rất thú vị. Có rất nhiều phẩm chất mà một tuyển thủ chuyên nghiệp cần phải có bên cạnh kỹ năng, nhưng tôi nghĩ sự tự quản lý và tinh thần chuyên nghiệp là 2 thứ quan trọng nhất. Những điều này đều ảnh hưởng trực tiếp tới phong độ của một tuyển thủ”. Nhưng suy cho cùng thì không phải tuyển thủ nào cũng có thể được như Lee Min Hyung.

Bên cạnh đó, Joe Marsh, CEO của T1 cũng đưa ra nhận xét: “Tôi nghĩ Gumayusi đang mang đến những làn gió tích cực tới LMHT Hàn Quốc, thay đổi định kiến của cộng đồng rằng các tuyển thủ LCK đều là người hướng nội và kiệm lời. Để một tuyển thủ có thể giống Gumayusi hơn thì tính cách của họ phải tự tin và hướng ngoại. Tôi nghĩ tất cả mọi thứ đều phụ thuộc vào đặc điểm tính cách của mỗi người”.

Báo giới Hàn Quốc: ‘LCK cần nhiều Gumayusi hơn’ - Ảnh 4
Tính cách tươi sáng của Gumayusi giúp anh trở thành tuyển thủ có giá trị thương hiệu rất cao trong cộng đồng LMHT Hàn Quốc

“Gumayusi lúc nào cũng tràn đầy năng lượng và vô cùng tự tin. Vì nhìn cậu ấy lúc nào cũng tự tin vào bản thân mình nên những câu 'gáy bẩn' của cậu ấy không hề giả tạo chút nào. Cần có nhiều tuyển thủ mang tính cách giống cậu ấy hơn, kiểu tính cách mà luôn hướng ngoại và tràn đầy sự tự tin”, CEO Joe Marsh khẳng định.  

Tiếp theo đó, CEO Joe Marsh cũng nhấn mạnh vào việc các tuyển thủ cần phải tự nâng cao giá trị của bản thân: “Trong 3 năm vừa qua, tôi đã gặp rất nhiều tuyển thủ LCK. Tôi biết là trong đó có nhiều người rất vui tính và thú vị. Thế nhưng, những tuyển thủ đó lại quá tập trung vào màn thể hiện của mình trên sàn đấu mà bỏ qua việc tự quảng bá hay xây dựng thương hiệu cá nhân của mình”.

Đồng quan điểm với CEO Joe Marsh, CEO Gen.G Arnold Hur của Gen.G cũng chia sẻ rằng: “Ngày trước thì tuyển thủ thường nghĩ rằng mình không cần phải dùng mạng xã hội. Giờ đây, với những thông báo quan trọng thì người hâm mộ và nhà tài trợ thường tìm đến tài khoản cá nhân của các tuyển thủ trước, thay vì đọc thông tin ở tài khoản chính thức của đội”.

Có vẻ như, việc hoạt động tích cực trên các mạng xã hội giờ đã trở thành nhiệm vụ thiết yếu của một tuyển thủ. Nói cách khác, giờ đây năng lực và phong độ không còn là những thước đo duy nhất để xác định giá trị của một tuyển thủ chuyên nghiệp.

TIN LIÊN QUAN

Nhận định bóng đá