Làm lại từ đầu
Thứ tư, 07/07/2021 17:44 (GMT+7)
Đó là một hành trình không thể quay đầu. Cho dù còn rất nhiều điều phải làm, thì Luis Enrique và các học trò có lẽ cũng đã cống hiến toàn bộ những khả năng của họ. Mà nói cho cùng, thực sự là nó không đến nỗi quá tệ, để có thể bị phủ nhận hoàn toàn.
1. Vấn đề không phải là kiểm soát bao nhiêu thời lượng bóng. Vấn đề là kiểm soát chừng ấy thời lượng bóng để làm gì. Vấn đề không phải là có bao nhiêu màn hãm thành hay bao nhiêu pha kết thúc. Vấn đề là hiệu quả của những đợt công hãm ấy cao đến đâu.
Bằng một đợt phản kích mẫu mực với chỉ 2 đường chuyền nối 2 đầu chiều dọc của sân, Italia và Federico Chiesa khoanh toàn bộ những gì Tây Ban Nha đã thực hiện được, cho đến lúc đó, vào trong một dấu hỏi chấm khổng lồ. Một tình thế lành ít dữ nhiều, khi cái bản ngã đáng sợ nhất của Squadra Azzurri trỗi dậy, còn Oyarzabal, Ferran Torres hay cả Olmo thì càng lúc càng thể hiện rõ độ “kém duyên”.
Nguy cơ dính thêm một đòn hồi mã thương và sụp đổ về mặt tâm lý cũng như thế trận là hoàn toàn rõ ràng. Bóng đá, dù thay đổi đến đâu, cũng vẫn luôn đi kèm với một quy luật gần như là tất yếu: Tấn công nhiều mà không ghi được bàn thắng, hay nói cách khác là không tận dụng được những cơ hội để chuyển thành bàn thắng, thì sẽ phải trả giá. Thậm chí, trả những cái giá cắt cổ.
Trong 20 phút, Tây Ban Nha đã buộc phải tiến lên trong một tâm thế mịt mù như vậy. Cho đến khi Alvaro Morata cười nhạo cả hai người anh lớn Chiellini – Bonucci, lẫn Gianni Donnaruma.
2. Tuy nhiên, có lẽ sẽ là cực kỳ phiến diện, nếu xem khoảnh khắc lóe sáng ấy của Morata là chiếc mỏ neo duy nhất giữ Tây Ban Nha ở lại với cuộc chơi. Ít nhất, có ba yếu tố tương hỗ với nhau để thành bại chỉ có thể được định đoạt tại loạt sút luân lưu cân não.
Đầu tiên, không phải Morata hay quyết định đưa anh vào sân, việc Roberto Mancini để tâm trí bị lạc lối và bắt đầu tác động vào trận đấu theo những cách không hề hợp lý, thông qua những thay đổi nhân sự vội vã, mới là những chuyển động then chốt.
Có thể thông cảm cho ông, khi trước đó, dưới guồng máy pressing tàn bạo mà Tây Ban Nha áp đặt, Italia nhiều lúc chơi như thể không có tiền vệ đánh chặn, và liên tục phải nhận những đòn công kích vỗ mặt. Có lẽ Mancini cảm thấy cần tăng cường sự sung mãn về thể lực cho tuyến giữa. Tuy vậy, việc “rút củi đáy nồi” quá gấp gáp (phút 60 Chiesa lập công, phút 61 một “số 9” đích thực là Immobile đã bị thay thế bởi Berardi, rồi cả Emerson cùng Veratti rời sân ở phút 74) đã làm xáo trộn cấu trúc chiến thuật nhiều hơn tiên liệu.
Trong khi đó, không ngừng gia tăng áp lực, tiếp tục thực hiện những cuộc đua tốc độ và những hình thức tra tấn thể lực khác, đó là lúc Tây Ban Nha của Luis Enrique giống với biệt danh Cơn cuồng nộ đỏ (La Furia Roja) của họ nhất kể từ đầu giải.
Morata, trước khi vụt sáng, cũng đã góp phần quần cho những phòng tuyến thiên thanh thêm bở hơi tai và trở nên xộc xệch, khi sẵn sàng lùi về đến tận vòng cung trung tâm để tạo nên những khoảng trống.
Không cần quan tâm nhiều đến những lời động viên tất yếu mà Luis Enrique dành cho Alvaro Morata. Song, ngược lại, khi đứng đằng sau thúc đẩy cả hệ thống chiến thuật giúp Tây Ban Nha “đàn áp” Italia lẫn hiệu quả của những lần thay người, không thể nói Luis Enrique kém tài thao lược. Ít nhất, và riêng ở trận này, trong tình thế nguy nan ấy, ông đã tỏ ra nhạy bén hơn người đồng nghiệp bên kia chiến tuyến.
3. Cuối cùng, sau 6 trận đấu, cuộc thám hiểm của hải đoàn Iberia đã kết thúc. Nó không được lấp lánh như mong đợi, đấy là nếu như thực sự có gì để mong đợi từ trước giải. Trận bán kết hay trận ra quân, sự thiếu sắc bén của những mũi nhọn trên hàng công vẫn là “tử huyệt” không thể khắc phục. Nếu có một David Villa, một Raul, một Fernando Morientes hay một Fernando Torres, những cố gắng pressing toàn sân điên cuồng của Tây Ban Nha có thể đã được đền đáp bằng một kết quả khác.
Tuy nhiên, tất cả những chữ “nếu” ấy đều chỉ là những giả thuyết ngụy biện. Thực tế, mang đến EURO 2020 này chừng ấy gương mặt, Luis Enrique không còn bất cứ lựa chọn nào khả dĩ hơn để xoay chuyển tình thế. Nhưng, ngược lại, ông cũng đã kích hoạt được gần như toàn bộ khả năng của từng cá nhân, để đưa đội bóng đang trong giai đoạn tái thiết này vào đến tận bán kết – bán kết của một kỳ EURO đầy cạm bẫy.
Mùa hè năm tới 2022, đã lại là một cuộc chinh phục khác. Từ giờ đến lúc đó, khi những cái tên còn “lạ tai” với bất cứ khán giả nào không theo dõi La Liga thường xuyên đã trở nên quen thuộc, khi Pedri vẫn còn rất nhiều dư địa để trưởng thành, khi sự kết hợp của Laporte với Eric Garcia có thể trở nên vững vàng hơn, khi Koke hay Olmo chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục tự hoàn thiện…, Tây Ban Nha của Enrique cũng vẫn có thể “phó hội” với một diện mạo khác. Nhất là nếu các chân sút của họ đạt tới một trạng thái tâm lý khác.
Không có gì mãi mãi, kể cả sự “vô duyên”. Từ sau EURO 1964 đến tận trước EURO 2008, kể cả khi sở hữu bao nhiêu hảo thủ, Tây Ban Nha cũng có đạt được gì cụ thể ngoài sự kiêng dè và cả những lời chế nhạo dành cho một kiểu “Vua vòng loại” đâu…